Friday, November 16, 2007

KHI TÔI SINH RA...


KHI TÔI SINH RA...

(thơ Trần Khải Thanh Thủy)

Khi tôi sinh ra đất nước đã có thời
Trang truyền thống bốn ngàn năm dựng nước
Già trẻ gái trai cha ông tiếp bước
Miền núi thôn quê, thành thị bưng biền
Hễ có giặc là gióng trống, khua chiêng
Chiêu hồn nước, điểm tô trang truyền thống

Một dân tộc hai bàn tay trắng
Vùng lên là chiến thắng thành công
Hết bình Ngô, dẹp Nguyên, chinh Tống
Lại đánh Thanh, đuổi Pháp, phá Minh
Rồi kháng Nhật, đánh Tàu, diệt Mỹ
Trang lịch sử chói ngời bao chiến tích
Cả năm châu bốn biển bàng hoàng

Khi tôi sinh ra đất nước đã có người
Vị cha già vĩ đại tôn nghiêm
Không mộng bá vương chỉ quyền uy như mộng
Xoá vương triều vẫn giữ cung phi
Ba mốt triệu con chung, còn con riêng giấu kỹ
Viết chuyện đời mình, mong hậu thế...tôn vinh (1)
Khi tôi sinh ra thành phố đã hoà bình
Năm cửa ô (2) rợp cờ hoa biểu ngữ
Những vĩ nhân làm nên lịch sử
Phủ lên mình chức vị đế vương
Đài các, xa hoa, quyền quý, lộng hành

Khi tôi sinh ra làng xóm hoá tiêu điều
Khắp mặt đất bốc mùi tử khí
Máu đồng bào đồng chí tang thương
Cả cộng đồng rên xiết điêu linh
(Con đấu tố cha, vợ tố cáo chồng)
Khắp xóm thôn bỗng bừng lửa hận
Thây xác chất chồng, cúng tế... Mao (3)

Khi tôi sinh ra đất nước hoá pháp trường
Máu chảy, đầu rơi, mạng người như sung rụng
Bao cuộc đời chịu nỗi oan khiên
Chịu tù đày, giam hãm triền miên (4)

Khi tôi sinh ra đất nước đã thế rồi
Cả cộng đồng hoá thân thành bè đảng
Sống vật vờ như những zôm bi (5)
Mà Duẩn,Thọ hai thầy pháp Châu Phi
(Không ký ức, trí khôn chỉ biết phục tùng)
Thiếu trái tim, thiếu tình thương nhân loại)
Ôi mạng người giữa thời Đảng trị
Bàn tay đồng chí diệt lẫn nhau
Ngày lại ngày nhuốm máu hôi tanh
Khi tôi sinh ra trại lính đã hình thành
Mỗi người dân một tù nhân dự khuyết
Cúi dập đầu trước Đảng vô song
Sống kiếp lắt lay, tư tưởng giam cầm
(Nhầm một người còn hơn bỏ sót
Bắt một kẻ để cả vạn khiếp lây)

Giữa lòng đảng, loại chúng sinh thất học
Dẫm đạp lên trí tuệ dân sinh
Coi cộng Đồng như một xã hội đen
Quyền sinh sát bởi anh Ba, Sáu búa
Cấm đoán linh tinh, chỉ trích ồn ào
Biến gia đình thành ngôi hầm mộ
Gò mình trong dân chủ tập trung
Trong cõi bất tri, thăm thẳm khốn cùng

Khi tôi sinh ra đau xót đã rợn người
Mỗi Đảng viên một "Sô-lôc-Hôm nội hoá"
Bóng tối, tội danh phủ chụp xuống đầu
Đòn hội đồng các cấp thay nhau

Ôi những quái thai nhân danh cộng sản
Hoài thai từ Mao ít thối tha
Chủ nghĩa Mác Lê bị cắt cụt đầu
Cùng phong kiến gông cùm xiềng xích
Bao thối nát thế gian từng có
Từ cái thời nô lệ, chủ nô
Vua chúa tham lam, độc ác bạo hành
"Tàn phá cả côn trùng, thảo mộc
Coi mạng người như cái kiến, con sâu
Nướng dân đen trên ngọn lửa bần hàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ"
Giờ đọng lại giữa đảng vô song

Khi tôi sinh ra, đại hội đã tám lần
Lời ngợi ca như thân cây rỗng ruột
Hoá cánh diều no gió bay cao
Sáo rỗng, ồn ào, thay trắng đổi đen

Bao đồng chí từ người thầy vĩ đại
Hoá kẻ thù truyền kiếp của nhân dân
Những vị tiền nhân khai quốc công thần
Chung chiến hào nay bỗng thành "phản bội"
Thanh toán cung đình, bắt bớ thủ tiêu

Trước Mác ba trăm năm đã có Quý Đôn (6) rồi
Lời phán truyền liệu biến thành sự thực?
(Con cãi lại cha, trò chống đối thầy
Nạn hối lộ tham nhũng tràn lan
Tướng dốt lại kiêu hành binh sĩ nhược
Kẻ có tài tứ tán tận trời tây
Tầng lớp sĩ phu cùng nhau ngoảnh mặt)
Giặc tràn vào xâm lấn biên cương
Thì vận nước có còn vang dội mãi
Trang lịch sử khép lại hay lật tiếp
Nước thịnh dân hưng, hay suy đốn, điêu tàn???

Khi tôi sinh ra...


TKTT
_________________________________________

1. Cuốn: “vừa đi đường vừa kể chuyện”, hoặc “Những mẩu chuyện về hoạt động của Bác hồ”, bút danh Trần Dân Tiên.
2. Hà nội có nhiều cửa ô: Ô cầu rền, ô yên phụ, ô đông mác, ô chợ dừa, ô quan chưởng, ô cầu giấy, ô đồng lầm v.v… Khi sáng tác bài hát, để ví với ngôi sao vàng năm cánh, nhạc sĩ đã đặt thành lời: Năm cửa ô đón chào, đoàn quân tiến vào, Hà nội vang tiếng quân ca, khiến lớp trẻ hiểu sai về lịch sử Hà Nội.
3. Cải cách ruộng đất được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Mao trạch Đông.
4. Một loạt đảng viên kỳ cựu, khai quốc công thần bị bắt giam không kỳ hạn từ 1967 tới 1976 gồm Tướng Đặng Kim Giang, Vụ trưởng vụ lễ tân, sau là thư ký riêng của HCT Vũ Đình Huỳnh, Vũ Thư Hiên (con), Nhà báo Phạm Kỳ Vân, Viện trưởng viện triết học Hoàng Minh Chính, Đại tá-nhà báo Trần Thư, Nhà thơ Tuân Nguyễn, Bùi Ngọc Tấn, Ung Gia Khiêm v.v…
5. Xác chết được các thầy pháp Châu Phi cao tay điểm huyệt cho sống lại, chuyên làm việc nặng nhọc theo sự điều khiển của các thầy.
6. Lê Quý Đôn (1726-1790) nhà bác học Việt Nam.