Tuesday, November 20, 2007

Tự sự về lai lịch một bài thơ


Tự sự về lai lịch một bài thơ

Trần Khải Thanh Thuỷ

Tháng 1/1997, tôi ra khỏi báo Văn hoá - Văn nghệ của ngành công an, buồn như chấu cắn. Đau đáu trước thế thái nhân tình, tôi đã phải dùng thơ để giải toả níu kéo tâm trạng mình.

Chẳng buồn không đâu ta còn đau
Nỗi đau thế thái nỗi xưa sau
Đời ta bao lúc trôi lại trượt
Ngán ngẩm than van chán mớ đời


Bốn năm học đại học sư phạm, bị dẫn dắt đưa đẩy bởi bàn tay bí ẩn và tuỳ hứng của con tạo, ngồi nhầm chỗ, luôn chết dí qua các kỳ thi, dù thức đêm đến gầy mặt tóp thân, vẫn không qua nổi kỳ tốt nghiệp cuối cùng, tôi đành phải nghỉ ở nhà chờ năm sau thi lại.
Khó khăn khốn khổ lắm tôi mới ra được trường nhờ sự trục vớt của cô chú (vốn là giáo viên dạy hai bộ môn di truyền và chăn nuôi của khoa), thế mà lại thất nghiệp, hết chứa chan hy vọng ở cửa này lại ngửa cổ "chán chưa hở giời" ở cửa khác!
Thời gian như người buộc xích lôi đi, loáng một cái lệ phí cho việc chờ đợi hy vọng đã trôi vèo 4 năm, đành đêm khuya thân gái dặm trường, lặng lẽ cúi đầu trong tiếng nấc, trên dặm đường thăm thẳm những buồn thương.
Sau ba năm theo tiếng gọi của Đảng lên rừng "khai sáng" cho đồng bào dân tộc, nhờ vả, đút lót trầy trật mãi tôi mới kê được chỗ đứng ở cửa ngõ thủ đô, cách Hà Nội 22 km. Năm năm trời ăn cơm rau, vật nhau với trẻ, hai lá phổi đầy bụi phấn và dạ dày toàn rau, cháo. Đến năm 1993 mới có mệnh trời, tôi được về làm việc tại báo "Cựu chiến binh". Trưởng ban phụ trách trang văn nghệ tròn mắt: mày học khoa sinh thật à? Giời ơi, tao cứ đinh ninh rằng mày tốt nghiệp khoa văn nên mới đồng ý nhận vào, rõ bỏ mẹ chưa?

Dân đen như cá nằm trên thớt
Thân rùa bao đời phận đá đeo


Mệnh trời suy cho cùng là tổng hoà của mọi mối quan hệ tốt đẹp thuận lợi ở đời cùng một lúc kéo đến để bổ sung tác động và hỗ trợ lẫn nhau. Lạy giời, chỉ cần 9 điều thuận, một điều chống (ngài trưởng ban biết học về tự nhiên, chẳng dính dáng đến phân viện báo chí hay văn nghệ văn nghẽo gì thì thôi rồi mình ơi, có gào khản cổ, trời chẳng xót thương).
Được ba năm yên ổn gắn bó với nghề lại xảy ra chuyện tôi dẫn ngài luật sư Emol Zumone và phái đoàn của Mỹ đến thăm các gia đình nhiễm chất độc da cam trong lúc quan hệ giữa hai nước chưa được bình thường hoá, thế là tôi bị chụp cho cái mũ to tổ bố như thằng hề giữa vũ đài chính trị. Nào lập trường quan điểm yếu, chạy theo vấn đề POW-MIA, không đồng nhất mình với Đảng v.v… và v.v…
Bị luận tội đấu tố như dân đen đấu tố địa chủ, tôi đành phải vùng lên bằng kiếp nô lệ ở xứ An Nam, lại đầu quân sang Người cao tuổi. Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, đã đứt ruột còn đứt ruột hơn, như thể toàn tìm những nẻo đoạn trường mà đi vậy. Sáu tháng làm không công thử thách (?), khi ký hợp đồng lại chỉ là ngắn hạn với giá 120.000 đồng một tháng, giật lùi so với báo cũ 4 lần. Tôi làm việc hệt nhân viên tạp dịch. Thế là đành thoát hiểm bằng cách xoá ván đánh lại từ đầu, sau khi đã đi một nước cờ chiếu tướng, hết cờ, tôi ôm toàn bộ số tiền quảng cáo (4 triệu) bù vào sáu tháng không công. Thôi thì ở đời nhân nào quả vậy, người ta mưu ma, thì mình phải dùng chước quỷ đáp lễ.
Tháng 10/1997 tôi được gọi về Văn hoá - Văn nghệ của công an, nhưng chưa đầy 7 tháng lại ngã ngựa, như thể tít trên cao xanh ông trời giăng bẫy sẵn hại người vậy! Nào có gì to tát bất ổn đâu? Toàn chuyện giời ơi đất hỡi mà tôi bỗng dưng bị nghỉ việc, thật là oan này còn một kêu trời nhưng xa.
Giữa lúc cõi lòng bấn loạn và đầy nghịch cảnh ấy tôi làm "Bài thơ gửi Nguyễn Du", tưởng nhớ bao chứa chất trong tâm trạng ông từ ngày dẫn đầu đoàn sứ bộ sang Trung Quốc, gặp miếu thờ Khuất Nguyên. Với sự tích ngày 5/5 - bà con thả hoa trắng khắp mặt sông La Mịch để chiêu hồn Khuất Nguyên, những lời thơ ông viết trong phản chiêu hồn, đã khiến tôi dễ dàng thể hiện lại xúc cảm của mình:


Tượng Nguyễn Du

Khuất núi lâu rồi Nguyễn Du ơi
Hôm nay tôi lại đến bên người
Để "phản" hồn ông về chốn cũ
Bên dòng La Mịch với Khuất Nguyên
Đời nay bất hạnh vẫn như xưa
Dẫu ba thế kỷ đã trôi vèo
Ba trăm năm chẵn trong trời đất
Thiên hạ bao người vẫn khóc ông.
Đời như sông nước ngày khô khát
Cá lớn cậy mình nuốt cá con
Dân đen như cá nằm trên thớt
Thân rùa bao đời phận đá đeo
Vẫn kiếp phong trần lắm gieo neo
Vẫn quân ưng khuyển lũ hôi tanh
Cùng loài hổ báo giơ nanh vuốt
Và phường gian ác hại dân lành
Bỏ lại cõi trần lắm bon chen
Hồn ông yên nghỉ mãi muôn đời
Nơi ấy suối vàng lạnh tê tái
Còn hơn chán vạn cõi trần ai...


Bao lần rút ra khỏi máy in, chẳng biên tập viên nào dại dột dùng cả, tôi đành nhét vào tận đáy ký ức. Sau tám năm trời ròng rã, như một định mệnh trớ trêu, bài thơ lù lù xuất hiện trên báo Người Hà Nội, không biết là sự tình cờ ngẫu nhiên, hay sự thật tự tìm được đường đi của mình? Thật tình, khi soạn thảo văn bản tài liệu để rút bài ra gửi các báo, máy đã vô tình in cả bài ấy theo, khi bài được in ra, gây xôn xao dư luận. Tôi vẫn ngỡ ngàng như thể có bàn tay bí mật nào kéo nó ra khỏi vi tính và đặt lên trang báo chứ không phải là mình vì hoàn toàn không có chủ đích, khi mà theo đuổi chủ động hàng năm trời không một chút mảy may hy vọng, bây giờ nguội lạnh lòng nhiệt tình, ai nghĩ sẽ lôi nó ra làm gì. Ai ngờ nó lẳng lặng xuất hiện, chờ đúng thời điểm lính gác gục ngủ say mà lẻn vào trèo lên trang báo.
Khỏi phải nói sự ầm ĩ, ù xoẹ như thế nào, khi tất cả số báo bị tịch thu trắng. Nhà thơ nghiệp dư Đỗ Đức Tân gọi điện thoại nhờ con chạy khắp Hà Nội chỉ tìm được ba tờ. Nhà sử học Bùi Thiết nhanh tay nhặt được 2 tờ. Cả toà soạn chỉ còn một tờ duy nhất do thư ký toà soạn tranh thủ giấu được. Từ thư viện của Hội văn nghệ Hà Nội, thư viện các tỉnh hay thư viện quốc gia đều bị ăn trộm không còn một tờ, thậm chí muốn photocopy cũng không còn. Từ Hà Nội vào Hà Tĩnh quê hương ông, tờ báo qua tay nhiều người, cũ hơn cả đống báo cũ trong quang gánh của bà đồng nát được bán với giá cắt cổ: 15.000 đồng/tờ. Bản thân tôi thì không dưới 5 lần đi photocopy, mỗi lần 10 bản để tặng lại bạn bè theo yêu cầu của họ, chưa kể từ những bản photocopy ấy lại được nhân bản thêm nhiều lần cho bạn bè người quen - vốn nghe nói về bài thơ mà muốn đọc lại, vừa thoả mãn sự tò mò, vừa để khắc cốt ghi xương.

Lên tận cổng công đình thưa kiện

Nhà thơ Nguyễn thị M. bảo, tôi thật là to gan, lớn mật, dám đánh trống lên tận thiên đình chửi lút mặt cả lũ bất tài vô dụng, dù trước đã đọc ở dạng bản thảo nhưng khi đọc lại trên báo vẫn gai cả người. Chủ nhiệm câu lạc bộ thơ "Hương ngoại ô" lên tiếng, một bài thơ đánh đổ cả tập của bao người. Bác Nguyễn Khoa Điềm tức tốc triệu tập cuộc họp ở thành uỷ Hà Nội và Ban tư tưởng văn hoá trung ương khắp 61 tỉnh thành cả nước, lên án bài thơ là một sự phủ nhận trắng trợn cả kinh tế văn hoá lẫn chính trị xã hội, chỉ còn thiếu mức quy tội chống đảng, phản động cho tác giả.
Hai cán bộ công an đến nhà.
- Xin chị, đừng dại dột làm cây nêu, cột cờ, thời này chưa phải tự do dân chủ như chị nghĩ đâu.
Tôi cười, thầm thương cho thân phận con sâu, cái kiến của cánh văn nô, báo nô trong ngôi nhà quái đản bưng bít có tên là xã hội chủ nghĩa.
- Tôi chẳng làm cây nêu, cũng chẳng làm được cột cờ, vì lá cờ bây giờ đã có người cầm rồi, làm cột để làm gì, tôi chỉ có ưu điểm là dám vượt qua hàng rào phẩm cách - hàng rào mà tất cả các nhà văn, nhà báo đương thời không dám vượt, đơn giản vì tôi là nhà báo tự do, là người dám coi mình là thư ký trung thành của thời đại.
Nắm thằng mọc tóc, ai nắm kẻ trọc đầu, biết rõ chẳng làm gì được họ vẫn vặn vẹo:
- Dù sao chị cũng phải chịu trách nhiệm về bài viết của mình.
- Tác phẩm rời tôi như con thuyền rời bến, nó đến được bến xanh trong, trở thành sản phẩm tinh thần của công chúng, hay bị mắc kẹt nơi bùn lầy nước đọng chỗ các anh làm sao tôi biết được, mà phải chịu trách mắng với nhiệm vụ thu hồi về?
- Chị lắm lẽ lắm, chúng tôi chỉ có thể dùng lý để nói với chị thôi, chị không được phép cho ra những tác phẩm nổi loạn, chống đối ám chỉ, thẳng thừng tuyên bố trắng trợn, nói vỗ mặt Đảng và nhà nước như thế, những quân ưng khuyển là ai, lũ hôi tanh, phường bạc ác hại dân lành là những người nào? Làm sao chị dám bảo thời này so với 300 năm trước không thay đổi gì.
- Về vật chất có thể hơn, nhưng phẩm giá người còn tồi tệ hơn nữa, người hìền lành tử tế tự thu hẹp không gian sống của mình lại mà tồn tại, ngoảnh mặt trước cái ác, làm ngơ trước đau khổ của đồng loại, tội ác không bị trừng phạt nên quân ưng khuyển, phường bạc ác lũ hôi tanh ngày càng nhan nhản trong xã hội, không tính đếm được.
- Bài thơ của chị gây phản cảm rất mạnh, vô cùng bất lợi cho chị và cho tất cả mọi người, đề nghị chị nghiêm khắc kiểm điểm lại mình, ngừng ngay ý tưởng rồ dại kiểu này lại.
- Nếu các người để nó yên, tôi tin chỉ là đá ném ao bèo thôi, vài giây sau nước lại khoả lấp như cũ, chỉ vì sự cấm đoán phi lý mà vô tình phong thánh cho tác giả đấy, kinh nghiệm ở Việt Nam đã nhỡn tiền rồi, từ Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Tâm sự người lính của Đỗ Hoàng, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh v.v…
Lý cùn, lẽ mỏng, không giáo hoá được phần tử nguy hiểm trọc đầu này, khách quý vội vã ra về. Trên đà cảm xúc tôi viết thêm một bài nữa với nhan đề "Khóc cùng Nguyễn Du" coi như một sự đáp lễ:


Khu di tích Nguyễn Du

Khóc cùng người Nguyễn Du ơi
Ba trăm năm trước thật xa vời
Lệ tuôn xối xả nhiều như suối
Giữa cuộc đời khốc hại, bể dâu
Những quân ưng khuyển, lũ tanh hôi
Ngày càng nhan nhản khắp muôn nơi
Thằng phó cầm xẻng chôn thằng trưởng
Thịt người nhai xé ngọt lừ môi
Ba trăm năm - dẫu là bất tử
Ông vẫn cô độc giữa gió mây
Đời người đảo điên, đầy nghịch tử
Ghi nhận ở ông một tấm lòng.


Chưa đủ, những lời cải huấn của hai người "bạn dân", hét cho dân ngủ, doạ cho dân lo, luôn hiện hữu trong đầu, tôi viết thêm bài "Thư viết Gửi Nguyễn Du" để bày tỏ lòng mình:

Xưa ông viết Kiều, ai cản?
Sao tôi viết vài dòng gửi Nguyễn
Bao nhiêu kẻ làm càn?
Muốn như ông mở đường ra bể lớn
Có hay đâu bùn lấp mất dòng.
Thời của ông chỉ một cô Kiều
Nay Đảng đẻ triệu nàng Kiều điêu đứng
Bao Thuý Vân lâm cảnh khốn cùng
Lên tận cổng công đình thưa kiện
Thời của ông Thúc Sinh khan hiếm
Đảng của ta nhan nhản Sở Khanh
Nếm trái ngọt thơm, còn xúc xiểm
Dìm ái ân trong bể lọc lừa
Nguyễn Du ơi, nước mắt ngập trang Kiều
Sông Tiền Đường giăng bày khắp chốn
Tú bà, Hoạn Thư mượn oai ông lớn
Mở hang động chăn dắt cháu yêu
Đời bao giờ chả đục, Khuất Nguyên ơi
Đau đáu làm chi phận tôi đòi
81 triệu dân Nam thà chịu nhục
Còn hơn vinh, gửi xác đáy sông
Ba trăm năm trước thơ ông viết
Vẫn vẹn nguyên đạo lý nhân tình
"Hồn nếu về thật không chỗ chứa
Rắn rồng quỷ quái khắp nhân gian".
Nên vì thế trang thơ tôi viết
Bị đất bùn, quỷ quái bôi đen
Như sen thơm giữa đầm trong sạch
Chúng giết hương bằng cách quấy bùn
Biến hoa quý thành hoa gián điệp
Ngắt khỏi đầm, nhốt kín trong lao
Nguyễn Du ơi người còn trong gió?
Hãy nổi bão giông quật nát đầu
Cả một lũ mị dân khát máu
Cho thơ tôi róc rách khơi nguồn
Bắt lũ chó cụp đuôi, lủi thủi
Trước dòng đời dân chủ, Nguyễn ơi!


Hy vọng bài viết này, cũng là một sự thật sau sự thật vừa nói sẽ tìm được đường đi của mình, vượt qua bùn lầy nước đọng để tới bến xanh trong.

Trần Khải Thanh Thuỷ

(Theo Web Tuổi Trẻ Việt Nam Lên Đường)