Saturday, October 6, 2007

Bí ẩn một cái chết


Bí ẩn một cái chết

Phóng sự điều tra của Hương Xuân (*)

Chị là con út trong một gia đình sáu anh em, mong mãi mới "bắt" được nên từ nhỏ chị đã được bố mẹ và các anh trong nhà cưng chiều, quý mến. Bù lại - như được thiên bẩm: "Giàu con út, khó con út" hay vì được cha mẹ sinh ra trong độ tuổi chín muồi cả về thể xác cũng như tâm hồn mà chị không những hấp dẫn, xinh đẹp còn tỏ ra sắc sảo, tinh anh, đường học vấn cứ thế mở ra trước mắt. Suốt mười năm phổ thông, năm nào chị cũng có chân trong đội tuyển của trường, quận hoặc thành phố. Cứ thế chị học thẳng một lèo qua đại học, lên cao học rồi sang nước bạn bảo vệ luận án tiến sĩ. Ngoài tiếng mẹ đẻ, chị còn thông thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật như một người Anh quốc hoặc Nhật Bản chính hiệu. Trong khi các bạn đồng nghiệp bước chân khỏi Việt Nam phải có người phiên dịch, chị tự làm người phiên dịch cho mình bằng cách đối thoại trực tiếp với các đối tác nước bạn. Vẻ trẻ đẹp, tươi tắn cùng phong cách tự tin lịch lãm trong công việc, hóm hỉnh khôi hài trong ứng xử ngoài đời của chị khiến những người bạn Nhật, Anh rất quý mến.
Mãi theo đuổi việc học hành, nghiên cứu, 31 tuổi chị mới lấy chồng, 32 tuổi sinh con đầu lòng, 35 tuổi sinh con thứ 2. Khi cậu út vào tuổi mẫu giáo, từ cương vị cán bộ nghiên cứu khoa học đơn thuần, chị trở thành phó giám đốc trung tâm kiểm định quốc gia vacxin và sinh phẩm y học- một trung tâm trực thuộc Bộ Y tế, được Bộ giao trách nhiệm chuyên kiểm định các vacxin sinh phẩm phòng trị bệnh cho người và chứng nhận các loại vacxin có chất lượng, đủ khả năng xuất ra nước ngoài. Một nhiệm vụ vô cùng quan trọng nên suốt 10 năm thành lập trung tâm, mười năm đảm nhiệm công việc phó giám đốc, cũng là mười năm khốn khó trong cuộc đời chị - một cuộc đời không chịu lệ thuộc, không bán rẻ danh dự nhân cách vì đồng tiền, luôn đứng về phía lẽ phải, bảo vệ khoa học và chân lý đến cùng, kiên quyết loại trừ cái ác, cái xấu, cái dốt nát lạc hậu ra khỏi nội bộ cơ quan, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp, không một thế lực nào có thể đè bẹp ngăn cản nổi.
Sống giữa dòng đời trong đục, cả trăm kẻ tục mới có một chục người thanh, chính cá tính cương trực, "dọc ngang nào biết trên đầu có ai" đã dẫn chị tới cái chết thảm thương giữa tuổi đời 48, tràn trề hy vọng và ngan ngát ước mơ.

Cái chết được báo trước :

Đầu tháng 5/2005 như thông lệ hàng năm, chị nhận được giấy mời của giám đốc Viện Quốc Gia các bệnh truyền nhiễm Nhật Bản sang nghiên cứu, học tập tại Nhật. Chuyến đi dự định một tháng, được chi trả bởi dự án KC 10-01(Dự án về nghiên cứu sản xuất một số mẫu chuẩn quốc gia vacxin và sinh phẩm để tiêu chuẩn hoá sản phẩm vacxin và sinh phẩm Việt Nam) thuộc chương trình khoa học công nghệ cấp nhà nước -KC10 "Khoa học công nghệ và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng-CENCOBI". Sau mười lăm ngày, giữa lúc đang vui vẻ bên những người bạn Nhật, chị nhận được tin dữ từ văn phòng trung tâm báo sang, chị lập tức thu xếp về ngay và đành hoãn lại rất nhiều cuộc hẹn từ những người bạn Nhật vào ngày chủ nhật tới (22/5) để lên máy bay.
Từ sân bay Nội Bài chị gọi điện về gia đình báo tin cho cả nhà biết sự trở về của mình. Người mẹ già nghe tin con gái về lập tức giành lấy ống nghe từ tay con trai để trực tiếp nhận điện của chị. Qua đường dây, Bà tíu tít vui vẻ bảo chị về nhà ngay vì đã 15 ngày bà chưa gặp mặt, đang có bao việc tồn đọng cần chị giải quyết, tiện thể làm bữa ăn vui vẻ đoàn tụ cùng gia đình sau hai tuần xa cách. Trên máy nghe, chị mỉm cười thông báo phải về cơ quan ngay, vì chiều nay có cuộc họp đặc biệt, mẹ cùng cả nhà cứ triển khai mọi việc, họp xong, 5 giờ chị sẽ về ... Ai có ngờ đó là tiếng nói cuối cùng của chị với gia đình, chồng, con, và anh trai. Khi đó là 9 giờ sáng ngày 19/5/2005.
Về tới cơ quan cũng là cuối giờ làm việc buổi sáng, một số cán bộ nhân viên dưới quyền dè dặt mời chị đi ăn trưa cùng mọi người, nhưng chị từ chối vì cần chuẩn bị gấp các tài liệu cho buổi họp chiều. Từ đó như một trò đùa bí ẩn của số phận, máy điện thoại di động bị tắt, đường điện thoại vào phòng làm việc cũng bị ngắt, tất cả rơi vào trạng thái im lặng đáng sợ...13 giờ 30 phút, giữa cái nóng, nắng, gay gắt, hầm hập của trưa hè nhiệt đới, nhiệt độ ngoài trời lên tới 39, 40 độ C, khi cuộc họp chiều chuẩn bị diễn ra, lác đác đã có người len lách qua dãy hành lang trải rộng của khu trung tâm tìm vào phòng họp thì một sự cố bất ngờ xảy ra. Cả thân thể chị từ trên cao rơi xuống mặt đất, trên ngực đầy những vết cháy xém loang lổ...Ô tô cấp cứu không gọi được, cơ quan phải dùng xe chở chị tới bệnh viện nhưng tất cả đều đã muộn, chị đã tắt thở mà không kịp trăng trối điều gì.
Cả đại gia đình gần 30 người, gồm già, trẻ, lớn, bé, anh em, bố mẹ, cháu , con, nghe tin dữ tìm vào, không ai tin vào sự thật. Tất cả như một cơn ác mộng, rõ ràng chị đã ở Nhật về, 5 giờ chiều, xong việc cơ quan chị sẽ về ... thế mà...cũng không ai đủ tỉnh táo để tìm hiểu chân tơ kẽ tóc sự việc. Khi nghe công an thông báo: "Chị chết vì uất ức, bất lực, chính chị tự chuẩn bị cái chết cho mình. Trong hai lá thư tuyệt mệnh để lại cho chồng con và anh em trong cơ quan chị đã nói rõ điều ấy". Cả nhà trong cơn cực kỳ hoảng loạn, không ai đủ bình tĩnh để đọc lại bức thư. Cuối cùng công an phải mời anh Hoàng Anh Thông - anh trai chị lên phòng làm việc tận tầng ba- nơi chị gieo mình tự tử để đọc, trước sự giám sát chặt chẽ của họ.

Nội dung bức thư viết :

Hà Nội ngày 19/5/2005
Anh thương yêu của em!
Em xin lỗi anh, 16 năm sống bên anh là 16 năm hạnh phúc, anh là người chồng tốt, em không có gì oán hận anh cả, chỉ hận một điều xã hội bây giờ sao nhiều trái ngang nghịch cảnh đến thế, người tốt như em lại bị cô lâp, chịu cảnh oan ức, bất công, đến mức phải tự tìm đến cái chết, người xấu như lão Bảng, lão Nghiên lại sống sờ sờ...mong anh hãy coi tất cả là số phận, gắng gỏi trụ lại với đời để nuôi hai con khôn lớn.
Vợ yêu của anh:
Hoàng Thị Liên.


Không một dòng nói đến mẹ đẻ - người mà chị vô cùng yêu mến, hay nhắc đến bố chồng vốn đang sống cùng chị trong gia đình mình, cùng sự hiện diện của hai đứa con, đứa lớn tròn 16, đứa nhỏ mới 13.
Lá thư thứ 2 -theo lời công an thông báo là viết cho toàn thể anh em trong cơ quan lại do công an giữ, không một người nào, từ nhân viên bảo vệ đến lãnh đạo được đọc, cũng không ai là người trong gia đình chị, kể cả chồng con được biết. Ngay khi đủ bình tĩnh (sau khi chôn cất chị trở về làm giỗ 3 ngày) anh Hồng muốn tận mắt xem lại lá thư của vợ viết cho mình và hai con thì công an đã niêm phong kèm hồ sơ vụ án, coi như đã cho đại diện gia đình nhận diện rồi, anh Hồng bất bình kêu lên:
- Không thể là thư của vợ tôi được, cô ấy là người ăn học từ tấm bé, lời lẽ đều có sự chau chuốt lựa chọn khác người, hơn nữa 9 giờ sáng hôm ấy, khi cô ấy gọi điện thoại về, nghe tôi thông báo sơ bộ về việc chuẩn bị nghỉ hưu (anh Hồng sinh 1952, thượng tá quân đội) cô ấy còn bảo cứ yên tâm làm thủ tục, mọi đường hướng sau khi nghỉ, chờ cô ấy về, vợ chồng sẽ bàn tiếp, chưa kể cô ấy còn vui vẻ dặn chiều tôi không phải nấu cơm, cả nhà sẽ sang nhà bác cả và bà ngoại liên hoan, vì cô ấy đã hẹn trước với bà rồi.
Anh Thông- anh trai chị - người duy nhất trong nhà được đọc thư cũng lặng lẽ xác nhận:
-Một lá thư viết nghuệch ngoạc, cẩu thả, lời lẽ vô cùng giáo điều, chung chung, không thể là thư của em tôi được, hơn nữa xét về tình, về lý một người luôn lo lắng chăm sóc cho sức khỏe của mẹ, thương yêu mẹ và quý các anh trai hết lòng như em gái tôi sao có thể dễ dàng ra đi như thế được? Suốt những năm tháng đi học xa nhà, tuần nào cũng phải gọi điện thoại về nhà ít nhất là một lần, hỏi han, vui đùa, thủ thỉ tâm sự cùng mẹ đủ mọi chuyện trên trời dưới biển. Trở về Hà Nội, ngoài 30 tuổi mới lập gia đình cũng tìm mọi cách mua đất làm nhà ở gần mẹ để tiện qua lại chăm sóc. Cả thời gian đi Nhật cũng vậy, tối nào cũng gọi điện thoại về nhà. Cho dù có tình huống xấu nhất xảy ra, trong thư cũng phải dăn dò lại với gia đình một số công việc đang làm dở như chữa bệnh cho mẹ hay làm sổ đỏ cho cả nhà chứ, chưa kể việc nhắc nhở các anh trai và chị dâu cũng như các cháu trong nhà...Con người đầy ân cần tế nhị sâu sắc trong giao tiếp với mọi người -dù ở góc độ gia đình hay xã hội - khi sống, bỗng biến thành một kẻ vô vị, chán đời, thiếu bản lĩnh khi chết như thế ư ? Điều này không thể tin nổi.
Khẳng định về nét chữ trong thư, anh Thông bảo:
- Tôi là người duy nhất trong nhà được đọc thư, lại trong tâm trạng bấn loạn về tinh thần nên không thể nhận dạng chính xác nét chữ của em gái mình, chỉ cảm nhận lá thư đó là giả mạo, chữ viết trong thư chỉ là sự bắt trước chữ viết của em tôi mà thôi. Tiếc rằng đề nghị của gia đình- đòi lại lá thư để lưu giữ hoặc giám định chữ viết, không được phía công an chấp thuận.
Trả lời về việc giám định tử thi do các bác sĩ trong ngành công an đảm nhiệm, anh Thông bày tỏ:
- Bình thường việc giám định chỉ diễn ra trong vài tiếng đồng hồ, chậm nhất ba ngày sau phải có kết quả, đằng này người đã "mồ yên mả đẹp" rồi, mà 21 ngày qua, bao nhiêu lần gia đình lên hỏi, những con người được coi là có trách nhiệm đều trả lời: không biết, không có, không hay, nghiã là không có kết luận cụ thể gì, trong khi hai tờ báo, đại diện của cơ quan an ninh là An Ninh Thủ Đô và Công An Nhân Dân lại trần thuật hết sức đơn giản, vừa phản khoa học vưà bóp méo sự việc, dưới đầu đề:" Cái chết của phó giám đốc trung tâm kiểm định Y học" :
13 h30 phút chiều 19-5-2005, bà Hoàng thị Liên sinh 1957, tiến sĩ y khoa đã nhảy lầu tự tử, để lại hai lá thư tuyệt mệnh cho chồng con và cơ quan, trong lá thư thứ 2 gửi cơ quan bà bộc lộ sự chán nản tuyệt vọng về nội bộ cơ quan, lục đục, nhiều tiêu cực... Ngay lập tức những người có trách nhiệm được cử đến trung tâm gặp cán bộ chủ chốt để làm sáng tỏ vụ việc thì được trả lời nội bộ cơ quan hết sức bình thường, không có vấn đề gì đặc biệt để trở thành lý do dẫn đến cái chết không bình thường của bà.
Bài báo còn cho in toàn cảnh toà nhà của trung tâm, đánh dấu nhân ở tầng ba, ghi chú rõ: " Nơi chị Liên tự tử". Bức ảnh chiếm diện tích gấp ba lần số chữ của bài.

Đâu là sự thực :

Tâm sự về cái chết của em dâu, chị Bình - vợ anh Thông bày tỏ: Lần nào đến cơ quan cô ấy, tôi cũng thấy bóng công an lảng vảng ở phòng làm việc của giám đốc. Khi tôi nói ra điều này, cô ấy bảo: Ông Nguyễn Đình Bảng- giám đốc đã nuôi cả đồn công an phường để sai bảo, nhờ cậy mọi việc. Mười năm thành lập trung tâm, mười năm làm giám đốc, ông ấy gây đủ điều tiếng thị phi, nào thất thoát tiền nong, nào cố tình cho xuất lô hàng không đảm bảo chất lượng, nào cài vợ, con, người nhà vào vị trí then chốt, nào cướp đất của dân sang tay người khác lãi hàng tỉ đồng… bản thân cô Liên đứng ra đấu tranh, có đủ giấy tờ, chứng cớ mười mươi, tưởng lão ấy không phải hầu toà cũng phải hạ bệ mà 63 tuổi đầu vẫn chỗm trệ ở ngôi cao. Cứ mỗi lần thoát tội, lão ấy quay lại hành tội cô Liên, nào họp hành phê bình kiểm điểm, đặt điều vu khống rồi vận động quần chúng cô lập, bỏ phiếu bãi miễn chức vụ, đưa sang vị trí khác, không cho làm công tác kiểm định v.v... Lần gần đây nhất (ngày19-12-2004) sau khi trung tâm bị báo Pháp Luật phanh phui các hiện tượng tiêu cực trên mặt báo, chỉ đích danh tên giám đốc, cùng hiện tượng tiêu cực xảy ra trong từng thời điểm cụ thể, dưới đầu đề: "Một giám đốc có nhiều biểu hiện gian dối" lão ấy càng cay cú, bề ngoài vận động quần chúng xấu uy hiếp trừng phạt cô Liên vì tội tiếp tay cho báo chí, bên trong ngấm ngầm lo lót, bỏ ra cả tỉ bạc để mua lãnh đạo cấp bộ, sở, hòng chạy tội, giữ ghế. Tháng 3-2005, cô ấy bị xếp Đảng viên loại 3, chờ ngày khai trừ, thì tháng 5 được gọi đi Nhật và phải bỏ về giữa chừng...
- Chắc chắn không phải chị Liên bị chồng ruồng bỏ như lời đồn chứ ?
- Điều này thì ai cũng biết cô chú ấy là người hoà thuận hạnh phúc, chú ấy rất tự hào về vợ, hơn nữa nếu có bị ruồng rẫy, không ai lại tìm đến cơ quan để nhảy lầu tự tử, trừ khi mắc bệnh tâm thần.
-Còn việc cậy quyền, mắng mỏ nhân viên, bị cả trung tâm cô lập ... dẫn đến sự tuyệt vọng phải tử tự như một số kẻ tung tin thì sao ?
-Người có nhận thức, học vấn và đầy nhân hậu như cô ấy không thể sử xự thô bạo như vậy, cho dù có bị cô lập vì thói đời trần tục "phù thịnh không phù suy" cô ấy cũng đủ hiểu biết để bỏ qua những kẻ a dua ấy, không thèm chấp vặt.
-Còn việc chuẩn bị nhận kỷ luật Đảng thì sao ?
-Từng học hành, nghiên cứu, vượt lên trên số phận như cô ấy suốt hàng chục năm trời thì càng không dễ chấp nhận sự chốn chạy như vậy. Đảng đâu có thể thay thế được niềm vui của người làm công tác khoa học, sự bình yên trong mái ấm gia đình, sự trưởng thành của những đứa con cùng bao nhiêu gía trị tinh thần khác mà cuộc đời đem lại cho cô ấy sau cả quãng dài miệt mài phấn đấu ?

Tiếng nói của người trong cuộc :

- "Hơn nửa tháng rồi mà chúng cháu vẫn chưa hết sợ" - Nguyễn Thanh Hà, nhân viên hợp đồng của trung tâm bày tỏ- vì vậy, dù bị ban lãnh đạo trung tâm cấm đoán, tất cả vẫn lén lút thắp hương cho cô ấy. Khi bác Bảng đi vắng, còn đốt nghi ngút khắp dọc ban công và phòng làm việc nơi cô ấy ngã, cả mấy tầng cầu thang, chỗ nào có bóng dáng dấu vết cô ấy để lại chúng cháu cũng đến thắp, rồi xì xụp khấn vái. Từ ngày cô ấy ra đi vĩnh viễn, không khí cơ quan vẫn chưa trở lại bình thường, chưa ai quên được hình ảnh của cô ấy, và càng khó chấp nhận là cô Liên đã chết, đã không còn ở đây.
- Cảm nhận của cháu vê cô Liên:
- Cháu chỉ là nhân viên hợp đồng, khi trung tâm từ Nhổn trở về đây mới được nhận vào nên cũng không biết tường tận mọi việc từ mười năm trước, chỉ biết cô Liên là người thẳng thắn, công khai đối đầu với giám đốc, trực tiếp phanh phui nhiều sự việc tiêu cực do giám đốc gây ra, luôn bảo vệ lẽ phải, đứng về phía nhân viên, nên cũng chịu nhiều thiệt thòi tai tiếng,
-Đám tang diễn ra như thế nào ?
- Rất vội vàng chóng vánh, người đọc điếu văn rất tiếc không phải là bác Bảng hay cán bộ cấp sở, bộ mà chỉ là trưởng phòng dưới quyền. Trong điếu văn không hề nhắc một lời nào về công lao của cô ấy suốt bao năm trời cống hiến, đặc biệt là danh hiệu thầy thuốc ưu tú được phong năm 2003, một số anh em muốn tìm đến nhà cũng không được phép. Bản thân giám đốc phải chờ qua ngày thứ mười mới cùng cán bộ công đoàn đến thắp hương chia buồn tại nhà mẹ đẻ vì sợ bà cụ chết, bác ấy càng thêm mang tiếng. Cả chồng cùng bố chồng đang ngơ ngác hẫng hụt, cũng không được một lời động viên an ủi vì giám đốc không đến, dù hai nhà chỉ cách nhau chưa đầy một dãy phố.
- Còn những vết cháy xém trên ngực và hai cánh tay người chết ?
- Khi nhận được tin dữ, một số người chạy vào phòng làm việc của phó giám đốc, thì thấy điện thoại di động đã tắt nguồn, điện thoại phòng bị rút dây khỏi ổ cắm, hai đầu dây điện từ phích cắm của chiếc quạt bàn bị tháo tung, lộ ra cả những sợi đồng đỏ sẫm, công an giải thích là vì quyết tâm tìm đến cái chết nên cô Liên đã cách li mình trong phòng cả vài tiếng đồng hồ, dùng dòng điện từ chiếc quạt bàn cắm vào người mình để chết, nhưng điện bị chập nên chỉ gây xém da, vì thế cô ấy mới phải nhoài người ra khỏi ban công để nhảy xuống, quyết tâm thực hiện sự chết của mình một cách hiệu quả, trọn vẹn nhất, hòng mang tính tố cáo.
Từ lan can tầng ba của trung tâm - chưa đầy 6 mét so với mặt đất mà khi rơi xuống chị ấy không kịp kêu một tiếng nào sao ?
- Cháu không biết, có vẻ như cô ấy không bị thương mà đã chết trước khi rơi xuống
- Thái độ chị ấy lúc 11 giờ 30 phút ra sao ?
- Vừa mới từ Nhật trở về, được bọn cháu mời ăn trưa, cô ấy trả lời vui vẻ nhã nhặn lắm, chẳng có biểu hiện gì của người có ý định tự tử cả.
Nôi dung của buôỉ họp chiều hôm ấy là gì ?
- Liên quan đến việc thay đổi nhân sự trong ban giám đốc, và giải quyết các vấn đề tồn đọng của trung tâm từ 2004 đến nay.

Đi tìm nhân chứng :

Nguyễn Hồng Hải - nguyên cán bộ phòng tổ chức và hành chính- người đã cả gan đề nghị các khoa phòng của trung tâm tiến hành kiểm tra rà soát và bổ xung bằng cấp vào hồ sơ của hàng loạt công chức trong trung tâm (theo chỉ đạo về kiểm tra và bổ xung lý lịch cán bộ công chức trong ngành Y Tế) bằng cách liên hệ qua công văn tới các trường đại học từ Y, Dược tới Tổng Hợp, Ngoại Ngữ để kiểm tra, xác nhận bằng thật, giả. Trong quá trình tiến hành, đã phát hiện ra ba bằng giả của bà Hoàng Thanh Hương, bà Nguyễn thị Minh Khoa, và anh Nguyễn Bảo Nam. Cán bộ phòng tài chính kế toán và phòng đào tạo và đối ngoại của trung tâm.
Theo xác nhận của trường Đại Học Thương Mại Hà Nội, trường chỉ cấp bằng tốt nghiệp số 59635 cho sinh viên Nguyễn thị Thu Hương, sinh ngày 8/1/ 1963 tại Hà Nội chứ không hề cấp cho bà Hoàng Thanh Hương. Công văn trường Đại Học Kinh Tế Quốc Dân cũng xác nhận bằng tốt nghiệp đại học của bà Nguyễn Thị Minh Khoa số hiệu B278197 là giả. Chứng tỏ bà Hương và bà Khoa đã nộp bằng cử nhân giả (chuyên ngành kế toán tài chính), kèm một số tiền thật khổng lồ qua giám đốc và vụ tổ chức cán bộ (Bộ Y Tế) để được quyền vào trung tâm, từ đó leo cao, luồn sâu, nắm giữ "đầu vào", chi phối "đầu ra" của trung tâm, hưởng phết phẩy, phần trăm kếch xù.
Giá như chỉ dừng lại ở đó, hẳn anh Hải không đến nỗi bị đuổi việc, chỉ vì muốn tỏ rõ sự mẫn cán trung thực của mình với anh em nhân viên trong trung tâm và lãnh đạo Bộ Y Tế, anh đã làm một việc vô cùng dại dột là tố giác Nguyễn Bảo Nam - con trai giám đốc - trưởng phòng đào tạo và đối ngoại -dùng bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành tiếng Anh (hệ tại chức) giả - để vào vị trí béo bở nhất của trung tâm. Không những đi nước ngoài như cơm bữa còn ngấm ngầm nhận đút lót hối lộ để đề cử người đi.
Vì vậy sau cuộc họp ngày 24/6/2002 do hội đồng kỷ luật trung tâm chủ trì, quyết định thi hành cảnh cáo ba trường hợp trên theo tinh thần thông tư số 22 ngày 23 tháng 4 năm 2002 của Thủ Tướng, Ban Tổ Chức Cán Bộ Chính Phủ và nghị định 97 năm 1998 của Chính Phủ, thu hồi bằng tốt nghiệp đại học giả, hạ ngạch công chức từ chuyên viên xuống nhân viên kỹ thuật với trường hợp của hai bà, còn Nguyễn Bảo Nam do chỉ tốt nghiệp trường Trung Cấp Nhạc Viện Hà Nội, chuyên ngành gõ giao hưởng và Cao Đẳng Văn Hoá Nghệ Thuật Quân Đội, chứ không hề có chuyên môn y tế, không học chính quy trong bất cứ trường đại học nào, nên không thể đảm nhận cương vị phụ trách đào tạo, đề nghị đi khỏi trung tâm.
Trong khi ông Bảng chưa dứt khoát các hình thức xử lý, chỉ thảo báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Vụ Tổ Chức Cán Bộ (Bộ Y Tế), thì anh Hải đã bị buộc thôi việc với hàng loạt lý do, nào thông đồng với nhân viên bảo vệ dưới quyền, ăn cắp hàng chục lô văcxin gây thất thoát hàng tỉ đồng, nào gây mất đoàn kết nội bộ, xếp loại Đảng viên yếu v.v…
"Đấu tranh là tránh đâu", bài học nhỡn tiền của trưởng phòng tổ chức và hành chính trong trung tâm, khiến bao nhiêu người phải nhụt trí đấu tranh, sống như những kẻ cam phận, tôi đòi thì bà phó giám đốc trung tâm lại càng thấy trách nhiệm đặt trên vai mình nặng nề hơn. Không cứu được người trung thực khỏi mang trọng tội, được quyền ở lại, tiếp tục cống hiến, cũng phải bênh vực cho lẽ phải, làm sáng tỏ mọi vướng mắc tồn đọng trong nội bộ trung tâm. Kiên quyết đưa ba kẻ vi phạm pháp luật rời khỏi vị trí công tác theo đúng tinh thần của hội đồng kỷ luật... Hàng loạt các vụ việc tiêu cực được đưa ra ánh sáng, không những chỉ liên quan tới ngài giám đốc nổi tiếng gian hùng, với lối hành xử đặc biệt gia đình trị, tuỳ tiện, lừa đảo, thiếu dân chủ, đồi bại mà còn lôi ra ánh sáng một loạt kẻ "ăn theo" như ông Ngô Toàn Định (vụ trưởng vụ tổ chức cán bộ- Bộ Y Tế) người đã nhận hàng trăm triệu đồng tiền hối lộ để biến bằng giả thành bằng thật, biến người không có chuyên môn nghiệp vụ thành những người giữ chức vụ quan trọng béo bở nhất trung tâm ...Vụ bà Trần Nam Phương (vợ giám đốc) "bỗng dưng" trở thành ... cán bộ trung tâm đi Nhật dự hội nghị 10 ngày. Toàn bộ chi phí gồm cả ăn, ở, vé khứ hồi hết 70 triệu đã được hợp lý hoá đến từng chi tiết, từ giấy tờ thủ tục (thư mời của Nhật) đến bảng kê các chi phí trong chuyến "công tác", quyết định phê duyệt của bộ khoa học và công nghệ v.v… cũng bị chị "bóc vở" đưa lên mặt báo.
Sau mỗi bài báo chỉ đích danh tội trạng của ông và vợ con: Bố trí sử dụng cán bộ tuỳ tiện, sử dụng xe công vô tội vạ, kết nạp cán bộ công nhân viên chức có nhiều biểu hiện sai phạm vào Đảng để nhận tiền hối lộ, thiếu dân chủ nghiêm trọng ...đặc biệt là bài báo viết về con ông- Nguyễn Bảo Nam (sinh 1976) chỉ dùng bằng giả phô tô cũng thành lãnh đạo, việc ông đã đủ tuổi về hưu còn cố tình khai tụt tuổi, làm lại lý lịch hồ sơ để ôm quyền cố vị, cấu kết bè đảng cướp trắng hàng chục hecta đất của dân làng dưới chiêu bài "lấy đất xây trung tâm, nhận con em nông dân vào làm công nhân tại trung tâm" để được quyền chi trả với giá đền bù : 92 nghìn đồng một mét vuông (thời điểm 2002), rồi sang tên, đổi chủ với giá gấp 100 lần, thu lãi hàng trăm tỷ đồng, lại nuốt lời, chỉ nhận hai người trong số hàng trăm nghìn người thất nghiệp, bơ vơ vì mất đất, mất nhà vào làm lao công, quét dọn tại trung tâm.
Mỗi sự việc bại lộ là một lần tên tuổi thanh danh ông bị mất trắng. Từ việc trọng đại như tốn tiền tỉ qua mặt cán bộ phòng tổ chức của vụ, với ý đồ đưa con từ trưởng phòng đào tạo và đối ngoại lên thay ghế giám đốc khi ông về hưu...đến việc cậy giỏi lấn sâu vào chuyên môn, không cho ông xuất các lô hàng không đủ tiêu chuẩn chất lượng ra nước ngoài. Chưa đủ, còn tố cáo ông đưa các sinh phẩm văcxin đã quá hạn sử dụng ra thị trường trong nước để thu ngoại tệ (mỗi mũi vài USD) bất kể sức khoẻ của người bệnh, thu hồi lại cả vài trăm nghìn USD cho nhà nước, khiến một kẻ gian hùng như ông bị ngã ngựa, nốc ao, liêu xiêu tiền của hết lần này lần khác. Ông điên đầu tìm kế sách đối phó, từ trò tiểu nhân bỉ ổi như tung tin chị - với cương vị phó giám đốc- lăm lăm cầm xẻng chôn ông để chiếm ghế, đến việc kéo cả lô lốc, dây dợ cán bộ dưới quyền, chủ yêu là cánh hẩu do ông nhận vào nhằm cô lập, nói xấu, đưa chị vào danh sách kỷ luật Đảng, gây khó dễ mỗi khi chị được các đối tác nước bạn mời...Trăm mưu, nghìn kế, không giữ nổi ghế ngồi, nếu còn để chị kề cận bên cạnh. Thế là bẫy được giăng ra, gian hùng như ông mà 10 năm trời không chống nổi một người mãnh mai yếu ớt như chị, chỉ còn cách mượn uy công an, đẩy công an vào cuộc...và kết cục nhỡn tiền đã xảy ra.

Thay cho lời kết :

Người chồng hết mực yêu quý của chị, sau những cơn bấn loạn tinh thần, đã đội đơn đến khắp các cửa công đường, toà soạn, trong đó có cả tờ Pháp Luật, Tiền Phong - những nơi đã trực tiếp lấy thông tin, số liệu từ chị để công khai các vụ việc "đau lòng" của trung tâm lên mặt báo, hòng bãi miễn một người không đủ năng lực và phẩm chất lãnh đạo như giám đốc trung tâm, cho tới An Ninh Thủ Đô, Công An Nhân Dân, An Ninh thế giới v.v… để tố cáo việc làm gian hùng của giám đốc, yêu cầu làm sáng tỏ cái chết của chị, cải chính lại những kết luận hàm hồ trong hai số báo ra ngày 21/5 (báo công an nhân dân) và 22/5 (Báo An ninh Thủ Đô) song dù có đập nát tay trước các cửa công đường thì cửa vẫn đóng và lòng người im ỉm khoá. Đám tang của chị diễn ra ngay tại văn phòng trung tâm, tuy hết sức đường đột mà những người bạn Nhật, bạn Anh vẫn biết để kịp bay sang viết kín những trang đẫm nước mắt vào cuốn sổ tang chia buồn cùng gia đình. Họ nuối tiếc một tài năng trẻ, một tiến sĩ y khoa, một thầy thuốc ưu tú, còn luyến tiếc một con người đầy nhân cách, trọng công bằng, lẽ phải như chị, càng bộc lộ sự ngơ ngác trước cái chết - không thể xảy ra với một người bạn của họ - là chị.
Cánh nhân viên dưới quyền, tuy bị giám đốc cưỡng ép, o bế, phải xa lánh, cô lập, bỏ phiếu kín chống chị hết lần này, lần khác, cũng khóc hết nước mắt khi nhớ lại hình ảnh chị "một mình đương đầu với bày sói", "một mình chống lại maphia" sẵn sàng đứng ra bảo vệ người có chuyên môn, năng lực để giám đốc không thể đơn phương huỷ hợp đồng, nhận người có tiền vào làm rối loạn kỷ cương phép nước ...
Chị đã đi vào trong huyền thoại, trong thương nhớ của mọi người, nỗi đau sâu hoắm do chị để lại trong lòng họ -những người còn chút lương tri thời đại - không bao giờ có thể khoả lấp. Cả năm người anh trai cùng các chị dâu của chị đều nức nở trước linh cữu chị: "Liên ơi, em đã đi xa mãi mãi rồi, nhưng em không chết trong lòng anh chị em trong nhà. Giữa em và mọi người sẽ luôn là một đường truyền bí ẩn linh thiêng. Hãy "nói" lại tất cả mọi điều bí ẩn quanh cái chết "bất đắc kỳ tử" của em để mọi người được biết. Kẻ giết người nào rồi cũng bị lôi ra ánh sáng, bị dằn vặt trong bóng tối của lương tâm, em ạ. Lưới trời lồng lộng tuy thưa mà khó lọt. Nhất định có ngày em được ngậm cười nơi chín suối em ơi..."
Người duy nhất không thể tĩnh trí được lúc này, sau 21 ngày chị ra đi là người mẹ già tội nghiệp, bà vẫn chết đi sống lại mỗi khi nghĩ về cái chết bí ẩn thương tâm của chị, mỗi khi có người đến thăm, nhắc đến hình ảnh của chị trong lòng họ. Cả nhà tìm mọi cách để cách ly bà với những hình ảnh quyến luyến thương yêu do chị để lại trong nhà để bà đỡ đau lòng suy nghĩ, mòn mỏi, hao kiệt cả sức khoẻ lẫn tinh thần, nhưng cách ly sao được khi bà ngày đêm không nguôi nhớ đến chị, không tin vào sự thực phũ phàng này. Rằng cô con gái rượu của bà đã bị một thế lực đen tối nào đó hãm hại theo đúng quy luật ác nhân ở đời "Giếng ngọt cạn trước, cây thẳng bị chặt trước"...
Khóc chị trước lĩnh cữu, nguyên trưởng phòng tổ chức và hành chính Nguyễn Hồng Hải ngậm ngùi thốt lên: "Chị Liên ơi, giá như chị chịu chấp nhận một cái giá khốn khổ là bị buộc phải ra khỏi trung tâm như em, có phải không có kết cục bi thảm này không ?

Cái chết đã cắt ngang cuộc đời chị, đã dập vùi vĩnh viễn những viễn cảnh tương lai trong chị, cả trong việc tiến hành các đề tài nghiên cứu khoa học cũng như sự chăm chút, nuôi dạy con cái, đặc biệt là cậu út Nguyễn Hoàng Anh, sinh 1992, có năng khiếu, mẫn tiệp từ nhỏ, hoàn toàn có thể theo bước chân mẹ và còn đi xa hơn mẹ trong việc lĩnh hội các tri thức nhân loại. Chị quyết định sẽ làm tất cả để 17 tuổi, cháu đi du học ở Anh, Mỹ, Pháp, hoặc Nhật, trở thành nhân tài trẻ tuổi cho đất nước, trước hết là cho chính gia đình nhỏ của mình...bây giờ tất cả đã khép lại. Dù không muốn, chị vẫn phải lìa đời ở tuổi đời 48, lìa xa những giấc mơ chưa kịp thực hiện ở đời...

Cù Chính Lan- Hà Nội
11 - 6- 2005

Hương Xuân.

(Trích tập “Dân Oan Việt Nam – khúc ruột thừa đau đớn” của Trần Khải Thanh Thuỷ)
---------------------------

(*) Hương Xuân là một bút hiệu khác của Trần Khải Thanh Thủy.