Thursday, August 23, 2007

Ngôn ngữ bất đồng

Ngôn ngữ bất đồng

"Giã gạo"


Kỷ niệm mười năm ngày cưới, bên đứa con cũng vừa tuổi lên mười, cả hai vợ chồng lục xục mãi không sao ngủ được. Trước đó, như ngầm hiểu nhau, người vợ đã làm mâm cơm thịnh soạn cùng cút rượu bổ cho chồng, như lời dân gian mách:
Mong chàng "giã gạo" ra trò
Bao nhiêu nem chả em cho, em nhường.

Khi đứa con đã ngủ say, người chồng hăm hở thực thi nhiệm vụ của mình, khác mọi lần người vợ tủm tỉm cười thầm, anh chồng vừa thở, vừa hỏi :
- Mình sao thế, tôi vừa mới năng năng nhắc mà mình đã thích thích mau rồi à, sao hôm nay rộng tuếch tuềnh tuênh thế này?
Người vợ vừa cười vừa trả lời:
- Em đang tính mười năm là ba ngàn sáu trăm năm mươi ngày, trung bình ba ngày vợ chồng mình rủ nhau "giã gạo" một lần, tính đến hôm nay là hơn một nghìn lần rồi mình ạ. Bây giờ chúng mình ba nhăm, ít nhất còn sàng sẩy, giã gạo hai mươi năm nữa, thế hoá ra ba nghìn sáu trăm lần cơ à, thảo nào...
-Sao cơ ?
- Còn sao nữa, mình không nghe truyện dân gian kể "hai bát đầy một bát vơi" à?
- Mình nói gì, tôi không hiểu? Có chuyện tiếu lâm hay dân gian nào mà tôi còn chưa được nghe mình kể đây? Tôi tưởng trong những lần giã gạo thế này, có bao nhiêu chuyện tiếu lâm từ cổ đến kim, cả tôi và mình đều kể cho nhau nghe hết rồi chứ. Chả phải khoa học đúc kết: Ngôn ngữ giữa hai vợ chồng là ngôn ngữ riêng biệt, chỉ hai người sử dụng được với nhau mà thôi, người thứ ba không bao giờ được nghe những lời ngọt ngào thấm đượm nghiã tình, ái ân ấy là gì.
Vợ cười nhắc khéo :
- Chắc mình mải giã gạo nên quên chuyện em kể đấy thôi, hôm nay kỷ niệm mười năm ngày cưới, em xin kể lại, đại để: Có hai vợ chồng nhà nọ, rất thích trò chơi dân gian này, mỗi lần chui vào buồng “giã gạo” cùng vợ, người chồng đều có ý bỏ vào gầm giường một hạt thóc, trong một lần giã cố, chẳng may ông ta bị hụt hơi, đuối sức chết ngay nơi "miệng cối". Người vợ quá đau khổ nên sau khi gào thét lăn lộn bên mộ chồng liền đong lại số thóc đặc biệt mà người chồng đã có ý bỏ riêng rồi lặng lẽ xay giã và tự tay sàng sảy thành gạo, thành kính đặt lên bàn thờ chồng, tất cả được hai bát đầy, một bát vơi, đứa con gái thấy lạ, liền hỏi:
- Bu ơi, Bu thắp hương cho thầy sao lại lẻ thế? Sao không xúc hẳn ba ống đầy hoặc gạt đều ba miệng thôi, hả mẹ?
Người vợ như đang trôi vào cõi mộng mị, cùng chồng giã gạo hôm nào, gạt nước mắt trả lời:
- Tất cả chỉ có thế thôi con ạ, nếu muốn được ba bát đầy thì thầy mày ít nhất cũng phải sống vài năm nữa.
Tất nhiên, đứa con ngơ ngác không hiểu, vì dù là máu mủ ruột thịt đến mấy chăng nữa nó vẫn là người thứ ba, làm sao hiểu được ngôn ngữ đặc biệt của riêng bố mẹ nó?
Anh chồng như thể vừa được nhận mười thang thuốc bổ từ câu chuyện vợ kể, vừa cười, vừa bảo:
- Vợ chồng mình cưới nhau mười năm, em tính giã gạo khoảng một ngàn hai trăm lần là ít đấy, em ạ, em không nhớ con gái mình đã mười tuổi à?
Cô vợ- thông minh vốn sẵn tính...chồng, liền bảo:
- Ý anh muốn em cộng thêm cả những ngày ăn cơm trước kẻng chứ gì ?
- Tất nhiên rồi, nhờ ăn cơm trước kẻng, thấy cơm dẻo, canh ngọt, vị đậm đà cứ lọt vào tận máu huyết, tế bào, tuỷ xương mà chúng mình quyết chí yêu nhau, dù bị đôi bên cha mẹ ngăn cản còn gì?
- Vâng, vợ chồng mình không phải tảo hôn mà lại tảo sinh anh nhỉ. Người ta lấy chồng chín tháng mười ngày có con, còn em thì lấy chồng tháng chín, tháng mười có con.
Người chồng an ủi vợ :
- Không sao em ạ, miễn tận cuối đời cứ cơm ngon canh dẻo là được.
Người vợ cười:
- Đúng là trời cho, trò chơi anh nhỉ, bao nhiêu trò khác đều chóng chán, riêng trò chơi vợ chồng này thì không bao giờ chán được, cả thế giới loài người cùng chơi, không biết chán, dù chỉ có mỗi động tác giã gạo ấy thôi, cứ một người năng năng nhắc, là người kia thích thích mau, lạ thật.
Người chồng cười :
- Thế mới gọi là trời chứ. Chắc là trời thử trước rồi thấy hay mới ban cho muôn loài, muôn vật trò chơi này.
Nghe câu trả lời ngồ ngộ của chồng, người vợ bật ra một câu hỏi :
-Thiên tử có nghiã là con trời, thế thì vợ trời là ai hở anh?
- Còn ai nữa, người chồng bảo - là mặt trăng như câu đố dân gian tả đấy thôi, em không nhớ à ?
- Leo ôi, người vợ lầm nhẩm đọc lại câu đố dân gian:
Một mẹ sinh được vạn con.
Rạng ngày trốn hết chẳng còn một ai.
Mặt mẹ như hương như hoa.
Mặt cha nhăn nhó chẳng ma nào nhìn...

Rồi bật kêu lên:
-Thế thì con trời nhiều như sao sa. Trời giã gạo còn hơn tất cả chúng sinh trên đời cộng lại anh ạ, cả thế giới chỉ có bảy tỷ dân, còn con trời từ xưa đến nay có ai đếm được đâu?
- Em nói cũng phải, người chồng trả lời vào tai vợ và hì hục giã tiếp.
Nằm bên, đứa con chợt tỉnh giấc, mắt sáng như sao:
- Mẹ ơi, bố mẹ đang chơi trò gì đấy ạ, cho con chơi mấy.
Bị bắt quả tang, cả hai cùng co rúm người lại, cuộn tròn trong chiếc chăn bông, đứa con vẫn ngây thơ hỏi tiếp:
-Hả mẹ, sao ban ngày không chơi, lại chơi vào giữa đêm, trời tối như bưng thế này ? Con chả nhìn thấy gì cả?
Cả hai gi vờ ngủ say như chết, không ai dám trả lời.
Giọng đứa con vẫn tỉnh như sáo:
- À mẹ ơi, sao chú Thành bạn bố, mỗi lần nhìn thấy con đến chơi lại cứ tủm tỉm cười hả mẹ? Chú ấy lại còn trêu con: “Lêu lêu lớn tướng thế này còn đòi rúc nách bố mẹ. Nhà chật, lần sau hễ cứ tỉnh giấc lúc nào là cháu nhớ kêu lên: Tôi mà bật đèn thì có đứa chết”, sao lại thế hả mẹ ?
Tất nhiên nó là người thứ ba, ngôn ngữ bất đồng nên bố mẹ nó không thèm trả lời, cứ giả vờ ngủ say như chết.

Trần Khải Thanh Thuỷ (truyện vui)
(Rút trong tập "Tìm về lẽ xưa", mục: Bắt chước dân gian)