Sunday, August 19, 2007

Thơ Hồ Xuân Hương mới phát hiện (3)

Về chùm bài mới phát hiện của Hồ Xuân Hương (3)

Trần Khải Thanh Thuỷ
(Giới thiệu và bình)

Bài 3 : Qua cửa Đó*

Khen ai khéo đẽo đá chênh vênh
Tra hom ngược để đơm người đế bá
Gớm con tạo lừa cơ tem hẻm,
Rút nút xuôi cho ngược khách cổ kim


Đó: Dụng cụ đánh bắt cá tôm của người dân (nghiã thực) còn nghiã lỡm...là cái nọ, đó, mà bà thường dùng để ám chỉ nghiã ngầm thứ hai.
Từ cổ chí kim, ai là người trần mắt thịt (trừ giới sư sãi, tu hành) đều phải ... qua cửa đó. Nhưng xưa nay chưa ai dám ví cái cửa đó với cái hom ngược như bà, càng không dám dùng từ đơm với các tầng lớp cao quý nhất trong xã hội là đế bá, công tước, khanh hầu. Đã là hom, chỉ để đơm tôm đơm cá mà thôi, bà huých lão trời già : Tra hom ngược để đơm người đế bá. Thật tinh quái, đắc địa ...Vừa đề cao thân phận của những người phụ nữ nói chung, vừa gián tiếp hạ bệ cánh đàn ông. Dẫu có là đế bá, công tước, khanh hầu đi chăng nữa, cả đời cũng không thể thoát cái ...cửa đó, cũng bị cái hom ngược của đám đàn bà con gái "đơm" hết lần này, lần khác. Cho nên đừng vội lên mặt, hợm đời ...
Lại một lần nữa ta phải cười lăn cười lộn khi nhận ra bài thơ này đích thị là của bà. Cái kỳ tài của bà là chỉ bằng một vài nét như trong bài ông Cử võ đã phác họa được bức chân dung xã hội, trong đó người phụ nữ (dù hoàn toàn giấu mặt) vẫn khác hẳn sự ô nhục kệch cỡm, thấp hèn của ông Cử. Cả thân phận cũng như bản thể đều được trọng vọng đề cao, như cái tát đích đáng vào bộ mặt của xã hội phong kiến suy đồi, vốn coi đàn ông là chủ thể, quan trọng, còn phụ nữ chỉ là của thừa thãi, lệ thuộc, do tạo hóa nặn nhầm chứ đâu phải sự đối trọng cân bằng âm dương theo quy luật tự nhiên (mười cái tai con gái không bằng một cái gí... con trai). Cái ý mà bà định đố thanh giảng tục chính là ở bài này, như đối với "Cảnh chùa ban đêm", "Giếng thơi", "ông Cử võ" v.v.. rất ngược với thể lọai đố tục, giảng thanh khác trong tập.

Hà Nội 5/2/2007
TKTT
-----------------------------
*Bài này trong tập "Hồ Xuân Hương thơ và đời" vẫn ở dạng câu đối lưu truyền, dù không rõ vế trên hay dưới là của bà chúa thơ Nôm. Song trong "Thơ trữ tình Hồ Xuân Hương" (xuất bản tại Việt Nam) lại biến thể thành bài tứ tuyệt, với đầu đề khác hẳn về ngữ nghĩa là : "Qua cửa đỏ" (chắc hẳn do in sai chứ không thể là chủ đích ?)



Bài 4 : Cái Váy (1)

Chẳng phải xiêm ban chẳng phải quần
Lướt thướt chùng vừa đến gót chân
Tưởng lúc động phòng hoa trúc dạ
Vén lên cho rõ thấy tinh thân
(2).

Phần bài mới phát hiện này càng chứng tỏ tài ứng đối lanh lẹn của bà, chẳng riêng với các nha lại đến thăm mà còn trong nhiều trường hợp khác như với Phường lòi tói, bọn ngọng, lũ ngẩn ngơ, lũ dê cỏn, bọn gà tháu, đám trống choai v.v v.v...Vừa nghiêm túc, vừa cười cợt ...Chẳng phải xiêm ban (y phục của nhà vua ban cho) cũng chẳng phải quầ đâu, vì tuy lướt thướt chùng vừa đến gót chân, tưởng e ấp, kín đáo nhưng chỉ có mỗi một ống thôi đấy nhớ. Các quan chớ có vội cười vì hình dáng bên ngoài của nó...Cứ thử vào đêm động phòng hoa chúc xem - sẽ thấy rõ tác dụng hơn hẳn của nó đấy, bởi đã tiện lại còn lợi đủ đường, chẳng cần "xắn tay... mở khóa động đào" nữa, mà chỉ nhẹ nhàng "vén mây thông tỏ lối vào...thiên thai" thôi là đủ thấy hết tinh thân bên trong rồi.Tha hồ sờ rậm rạp, mó lam nham rồi lộn lèo, ngó ngoáy...phì phạch. Nào...hãy năng năng nhắc, thích thích mau đi ? Còn hơn cả Đèo Ba Dội, Hang Thánh Hóa, Động Hương Tích ấy chứ, lại chả: Chồn chân mỏi gối vẫn còn ham ấy à ? Xuân Hương vốn biết tỏng sở thích, thói háu gái của các quan rồi, không phải bàn cãi nữa.

Hà Nội 5/2/2007
TKTT
-------------------
1. Bài này rút trong tập "Đại Nam đối liễn thi tập" từ Học viện Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) gửi về.
Ghi chú: "Nghe tiếng Xuân Hương đã lâu, một lần các nha lại trong huyện đến chơi nhà khi bà lặn lội cuốc bộ từ kinh thành Thăng Long về thăm mẹ già ở quê ngoại Hải Dương. Thấy Xuân Hương mặc váy liền đùa cợt, đòi bà làm thơ để vịnh.

2. Tinh thân: Thân thể tinh khiết, trong sạch. Trong bản in của NXB Khoa Học Xã Hội tháng 1 - 2000 là "Tinh thần". Người viết bài này đã phải nhờ người xem lại bản chữ Hán và được chỉ giáo là tinh thân, vì sự "vén lên" chỉ có thể là sự phồn thực, vật chất theo kiểu: "Rõ ràng trong ngọc, trắng ngà. Dày dày đúc sẵn một tòa thiên nhiên" như Nguyễn Du tả Kiều, chứ không thể là tinh thần, vì quá mới mẻ và xa lạ so với các từ của Xuân Hương cách đây hai trăm năm, lại không sát nghĩa của bài.

Trần Khải Thanh Thuỷ