Tuesday, December 4, 2007

Những vần thơ mỉa Đảng và Bác



Những vần thơ mỉa Đảng và Bác

Trần Khải Thanh Thủy

(Tue Sep 18th, 2007 06:56 am)

LTS.- Trần Khải Thanh Thủy hiện nay đang nằm trong tù tại Việt Nam chỉ vì những bài viết có nội dung chỉ trích nặng nề đảng Cộng Sản và ông Hồ Chí Minh. Những bài viết này được Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn tập trung lại và cho ấn hành tại hải ngoại theo lời yêu cầu của tác giả dưới đầu đề “Viết Từ Hang Ðá, Nhỏ Lệ Cùng Dân”. Tuyển tập sẽ được giới thiệu với độc giả Nam California vào lúc 1 giờ 30 ngày Thứ Bảy, 15 Tháng Chín, 2007 tại phòng sinh hoạt Nhật Báo Người Việt. Nhân dịp này, mục Diễn Ðàn xin được trích đăng bài “Những vần thơ về Ðảng và Bác” đăng ở trang 240 của tuyển tập.

Ngày miền Nam “giải phóng” được sống giữa lòng Ðảng, lòng Bác, người dân Miền Nam đã thấu hiểu thế nào là “đời ta có Ðảng”. Chỉ một ngày Ðảng vào với dân, bà con đã xao xác nháo nhào còn hơn cả loạn làng, loạn phố, loạn thành đô. Nào bắt chồng đi học tập cải tạo, bắt vợ vào công ty hợp doanh, nào xúc dân đi kinh tế mới, nào biến tiền thành giấy vụn... Ðang sung sướng trong lòng Mỹ-Ngụy, dưới chế độ tư bản, bỗng rơi xuống chín từng địa ngục, người dân nhận rõ bộ mặt thật của Ðảng chỉ còn biết mượn thơ kêu trời - Thơ như lỗ xì để giảm thiểu stress:

Từ khi ta có bác Hồ
Nhân dân chẳng được ăn no ngày nào
Ðánh cho Mỹ cút ngụy nhào
Toàn dân đói khổ... đau nào đau hơn?


Ðang từ chỗ no đủ, dư dả, ăn ngon mặc đẹp đến chỗ cơm chẳng đủ ăn, áo chẳng đủ ấm, đụng đâu thiếu đó, thiếu từ cây kim, sợi chỉ đến những vật dụng sinh hoạt hàng ngày, thiếu từ cái bật lửa cái đinh thiếu đi, bà con liền hùa nhau hô khẩu hiệu:

Ðả đảo Thiệu Kỳ mua gì cũng có
Hoan hô Hồ Chí Minh mua cái đinh phải xếp hàng!


Chưa đủ, bà con ta còn phiên dịch bốn chữ Chủ Nghĩa Xã Hội theo cách hiểu của mình, vừa nôm na mách qué vừa thông minh đại tài: XHCN chính là Xếp Hàng Cả Năm, Xếp Hàng Cả Ngày, Xóa Hết Chữ Nghĩa, Siết Họng Công Nhân, Xạo Hết Chỗ Nói, Xấu Hơn Cả Ngụy. Ðể rồi cuối cùng không thể nào tránh khỏi là: Xuống Hố Cả Nút.

Ở miền Bắc với thâm niên “50 năm đời ta có Ðảng” ngẫm ra dân còn khổ hơn thời Pháp cai trị. Quanh đi quẩn lại vẫn là cảnh:

Ðời ông lặp lại đời cha
Ðời con cháu giống mãi đời cụ kỵ
Quí khoai sắn như là sâm với quế
Rau muống ơi xin hãy muộn mùa hoa


“Rau muống ơi xin hãy muộn mùa hoa”, muốn muộn mùa hoa để còn làm bánh rau muống ăn thay cơm, thay gạo hòng tố cáo tội ác của thực dân Pháp xâm lược, nhưng đến tận thập kỷ 80, sau khi giải phóng miền Nam 5 năm, đất nước độc lập tự chủ, đang “xây dựng hơn mười lần xưa”, nhà thơ quân đội Khuất Quang Thụy phải ngậm ngùi làm thơ “Sống Mới Khó Làm Sao” bằng cách miêu tả chi tiết cuộc sống của tầng lớp cán bộ công nhân viên chức nơi đô thành:

Em có nghe thời cuộc
Run trong từng cọng rau
Ðói nghèo và dung tục
Nhận chìm bao thanh cao


Cùng cảnh “cơm vua lộc nước”, mỗi tháng lương chẳng đủ tiền mua rau, người dân miền Nam cũng cám cảnh than van:

Lương chồng, lương vợ, lương con
Ði ba buổi chợ chỉ còn lương tâm
Lương tâm đem chặt ra hầm
Với rau muống luộc khen thầm là ngon


Nhà thơ Trần Ngọc Thụ sau 30 năm thoát ly (theo Ðảng) trở lại quê xưa phải ngậm ngùi thốt lên:

Con đường hàng tỉnh tôi đi
Ba mươi năm ấy có gì khác xưa?


Hỏi rồi tự trả lời vì lời giải thích là thực tế khắc nghiệt đang bày ra trước mắt:

Ông lão đánh trâu đi bừa
Là con ông lão... ngày xưa đi cày (!)



Hóa ra vẫn là cái vòng lẩn quẩn, con trâu đi trước cái cày theo sau. Ðã nhắm mắt buông tay theo Ðảng, tưởng hy sinh đời bố mà đời con không những không được Ðảng củng cố mà còn ngàn lần khốn khổ hơn. Khổ quá kêu trời trời không thấu, kêu đất đất không thương, bà con tấm tức làm thơ:

Ðời đời dân biết, dân ơn
Nhờ Ðảng dân biến thành đon mạ còi
Lòng dân ao ước ngút trời
Bao giờ dân được như hồi Mỹ vô?


...

Khổ nhất là tầng lớp dân nghèo như các học giả nước nhà nhận xét: chưa thời nào làm quan sướng như thời Cộng Sản, cũng không thời nào làm dân khổ như thời Cộng Sản. Tham nhũng đục khoét đã đành, còn sự ngu si ngự trị nữa... Hoạch định kinh tế miền núi cũng như đồng bằng, vùng biển cũng như nội địa, nước ngọt cũng giống nước mặn, đã thế kế hoạch cứ thay đổi xoành xoạch, nay lấy cây này làm mũi nhọn để nghị bà con theo, mai cây kia là mũi chính đề nghị hội khuyến học Việt Nam đem áp dụng cho bà con... bị xoay như đèn cù, vất vả một nắng hai sương, cuối cùng vẫn cảnh cá nằm trên thớt, ca dao miền Nam viết:

Trồng tiêu rồi lại trồng điều
Vì nghe lời Ðảng mà niêu tan tành
Bao giờ Ðảng mới hết hành?
Bao giờ Ðảng mới trung thành với dân
Bao giờ dân có cái ăn
Bao giờ Ðảng chết để dân ăn mừng?


...



Biết rõ tính dâm dục của bác, khắp bốn biển năm châu, hang cùng núi hẻm nào cũng có con rơi, con vãi, bà con mượn bút viết tiếp:

Bác cười sung sướng hả hê
Tìm nơi khuất vắng... bác đè cháu yêu


Như trường hợp đã xảy ra giữa bác Hồ và cô cháu yêu Nông Thị Trưng mà đẻ ra Tổng Bí Thư đảng vậy. Dự... láo thời tiết là cái đích để bà con chĩa mũi dùi vào, nhưng không, xét về sự nói láo Ðảng ta còn trên tài cả nha khí tượng Việt Nam, vì thế bà con miền Nam mới có câu:

Thứ nhất anh Ba (Lê Duẩn), nhì Nha Khí Tượng

Khi anh Ba mất rồi, bà con miền Bắc có câu:

Thứ nhất anh Lương (Trần Ðức Lương), thứ nhì phường lường gạt

Thật là đích đáng, một sự ví von vừa mang tính công phá, vừa điểm huyệt chết đứ đừ:

Muốn cho “ánh sáng của Ðảng” treo lủng lẳng trên đầu dân, bà con phải chịu hy sinh quyền lợi cho cán bộ xã, cho công nhân phụ trách nguồn điện, còn muốn có Ðảng, có Bác như ngay hôm nay, cái giá phải trả đắt gấp ngàn lần:

Muốn cho điện sáng về nhà
Ruột lợn phải nối ruột gà phải treo
Muốn cho Ðảng, Bác về theo
Ba đời con cháu phải đeo gông cùm


Nghĩa là vào tù ra tội để hưởng độc lập tự do giả hiệu. Một số đông người dân không chịu nổi chế độ hà khắc của đảng bèn rủ nhau đi vãn. Chiến dịch tổng phản công bắt bớ truy quét nổ ra. Số ít người trốn thoát được, khi về được Ðảng “chìa bàn tay thân ái yêu thương” đón tiếp, (Việt kiều) phải nghẹn ngào làm thơ:

Ngày đi Ðảng gọi “Việt gian”
Ngày về Ðảng lại chuyển sang “Việt kiều”
Chưa đi: phản động trăm chiều
Ði rồi: thành khúc ruột yêu ngàn trùng


Chưa đủ để lột tả bộ mặt gian ngoan của Ðảng, một số người đã tiếp nối mạch thơ trên:

Trốn đi Ðảng bắt đến cùng
Trở về mời gọi, săn lùng đô la
Ðảng ta ân đức bao la
Làm cụ thằng đểu, làm cha thằng lừa


Ðể kết tội của Ðảng, không gì chính xác hơn bằng những câu sau:

Ngày xưa chửi Mỹ hơn người
Ngày nay nịnh Mỹ hơn mười lần xưa
Ngày xưa đánh Mỹ không chừa
Ngày nay con cái lại lùa sang đây
Ngày xưa Mỹ xấu, Ðảng hay
Ngày nay Ðảng ngửa hai tay xin tiền !



Thời nào thơ ấy, thời phong kiến có thơ đả kích chế độ phong kiến, áp bức bóc lột, thời xã hội chủ nghĩa có thơ của người dân phản ánh đầy đủ nỗi thống khổ của mình. Bài viết này chỉ nhặt được lẻ tẻ vài tiếng cười, tiếng khóc của bà con hai miền trong cả trăm ngàn tiếng khóc thống thiết vang lên từ ngục tù xã hội chủ nghĩa.

Nếu chịu khó đi sâu tìm hiểu sẽ nhặt được cả chuỗi nỗi khổ mà đảng Cộng Sản quàng trên đầu dân suốt trên 75 năm qua còn thống thiết thê thảm đến mức nào. Tôi đành mượn hình ảnh nước Nga để kết thúc:

Kìa xem gương của nước Nga
Bẩy mươi năm lẻ có ra đếch gì !
Ðảng mình một Ðảng vứt đi
Chúng ta theo Ðảng còn gì là thân ???


Trần Khải Thanh Thủy
(Viết Từ Hang Ðá)

Theo NguoiViet


(Theo Web Diễn Đàn tudoVIS)