Friday, December 7, 2007
CPJ quan tâm đến các ký giả bị bắt ở Việt Nam
CPJ quan tâm đến các ký giả bị bắt ở Việt Nam
Nhã Trân, phóng viên đài RFA
12/06/2007
Từ nhiều năm nay tại nhiều nước xảy ra sự kiện những người cầm bút, cụ thể là nhà văn, nhà báo bị bắt giam và truy tố chỉ vì bày tỏ ôn hoà những ý kiến, quan điểm riêng. Ủy ban Bảo vệ Ký giả, tức tổ chức CPJ, mới đây ra một phúc trình thường niên về vấn đề này.
Hôm thứ tư 5 tháng 12 Ủy ban Bảo vệ Ký giả cập nhật trên trang nhà tình hình nhiều nhà báo lâu nay bị giam giữ không xét xử ở nhiều quốc gia khác nhau.
Thống kê cho hay tính đến ngày đầu tháng 12 năm nay toàn cầu có 127 nhà báo đang bị giam cầm, giảm 7 người so với năm trứơc.
CPJ cũng xác nhận trong số 24 nước có truyền thống bỏ tù người cầm bút, Trung Quốc tiếp tục là nước dẫn đầu, kế đó là là Cuba, Eritrea, Iran và Azerbaijan.
Việt Nam tuy không thuộc 5 nước đầu bảng nhưng cũng nằm trong nhóm 24 xứ này. Hoa Kỳ cũng bị liệt kê vào sổ đen vì bắt giam hai phóng viên nước ngoài từ một vài năm nay mà không cho biết chi tiết về lý do bắt giữ.
Tính về số lượng, khoảng 57% những người này đã bị bắt giữ bởi nhà cầm quyền Trung Quốc và Cuba.
Trường hợp Việt Nam
Nói về Việt Nam, tổ chức này đề cập đến trường hợp nhà văn nữ Trần Khải Thanh Thuỷ, bị giam giữ từ hồi tháng 4 năm nay và nữ phóng viên Nguyễn Thị Thanh Vân, mới bị bắt cuối tháng trước khi từ Pháp về Việt Nam.
Không những trong phúc trình, mà trang Nhà của CPJ cũng trình bày trừơng hợp hai nhà cầm bút nữ của Việt Nam. Uỷ ban Bảo vệ Ký giả ghi rõ về vụ nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, như bà đã bị bắt đem đi khỏi tư gia ở Hà Nội hồi tháng 4 năm nay, sau đó bị cáo buộc vi phạm Điều 88 của luật Hình sự VN, là cấm phổ biến những thông tin có hại cho Nhà nước.
Điều này phù hợp với các diễn biến xảy ra ở Việt Nam lâu nay và ghi nhận của các tổ chức dân chủ, nhân quyền của người Việt hải ngoại cũng như quốc tế.
Trước khi bị bắt, bà Trần Khải Thanh Thuỷ đã bị quản thúc tại gia. Hồi tháng 3 năm nay bà cho Đài Á Châu Tự Do hay đang bị công an và dân phòng địa phương ngăn chặn rất tàn tệ:
“Bây giờ nó không cho mình ra khỏi cửa. Ngay cả người trong nước cũng không được vào nhà em. Đi ra cũng không được mà người ngoài đến mình cũng không được. Nội bất xuất ngoại bất nhập. Chiều nay đưa con gái đi học mà phải giằng co với chúng nó cả giờ.”
Sau khi bà bị bắt vào tháng tư, ông Đỗ Bá Tân, người phối ngẫu của bà trình bày rõ về tình trạng của người vợ ông:
“Cho đến bây giờ nói là thăm nhưng chỉ được gửi quà chứ chưa được gặp. Tình trạng sức khỏe thì, theo lời của họ, tôi hoàn toàn không tin tưởng được. Họ nói là sức khoẻ tốt nhưng tôi hỏi chuyện nhân viên phòng khám bệnh thì họ nói không thấy trực tiếp. Hiện bây giờ đang bị lao và tiểu đường. Tiểu đường nặng, từ bao năm nay rồi.”
Về trường hợp nhà báo người Pháp gốc Việt Nguyễn Thị Thanh Vân, Ủy ban Bảo vệ Ký giả cho xác nhận bà đã bị bắt hôm 17 tháng 11 khi đang có cuộc họp ở Sài Gòn với 5 nhà hoạt động dân chủ có liên quan đến đảng đối lập Việt Tân.
Tuy thời gian bị giam cầm cách nhau khoảng hơn nửa năm, cả hai nhà cầm bút nữ của Việt Nam, Trần Khải Thanh Thuỷ và Nguyễn Thị Thanh Vân, cùng trong một cảnh ngộ là chưa được ra trứơc toà để được xét xử.
Bị giam giữ vì bảy tỏ quan điểm
Trong phúc trình thừơng niên 2007, điều Ủy ban Bảo vệ Ký giả muốn nhấn mạnh là trên thế giới số người cầm bút bị giam mà mãi vẫn không được xét xử đã gia tăng trong vòng 3 năm nay.
Báo cáo công bố rằng trước đến nay tại những nước chuyên bắt bớ giam cầm nhà văn nhà báo, cứ trong 6 phóng viên bị bắt lại có 1 người bị giam giữ hàng tháng hoặc hàng năm tại những địa điểm bí mật mà không được đưa ra xét xử trước công luận.
Nhìn lại trường hợp hai nữ sĩ của Việt Nam, một trong nước và một từ về hải ngoại, tuy nơi cầm tù không bị dấu và thân nhân bà Trần Khải Thanh Thuỷ tuy mang tiếng được phép vào thăm nhưng không hề đựơc gặp mặt.
Giám đốc Điều hành CPJ, ông Joel Simon, nhấn mạnh không nên nhầm lẫn giữa việc cầm tù các nhà báo, chỉ với luận cứ rằng họ có âm mưu lật đổ chế độ, và việc thi hành tiến trình xét xử.
Uỷ ban Bảo vệ Ký giả nói rõ, các chính quyền vẫn dùng những luận điệu quen thuộc làm lý do để bắt giam giới cầm bút như có âm mưu lật đổ chính phủ, tiết lộ bí mật quốc gia và có hành động chống phá nhà nước.
Ông nói Uỷ ban Bảo vệ Ký giả đặc biệt quan tâm tới những nhà văn nhà báo đang bị giam giữ vô hạn định vì họ thường phải ở trong những nơi tăm tối, chịu đựng những điều kiện khắc nghiệt, bị cô lập, tách rời khỏi các luật sư và gia đình.
Trong bản từơng trình, CPJ mạnh mẽ bày tỏ quan điểm rằng các phóng viên không đáng bị cầm tù chỉ vì thực hiện công việc của mình, thực hiện chức năng của người cầm bút.
Quan điểm này không khác với suy nghĩ của nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ, được trình bày hồi tháng 3 năm nay qua một cuộc trao đổi với phóng viên Đỗ Hiếu của chúng tôi, khi bà nói về hai luật sư trẻ tuổi là Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân :
“Những cái hạt vàng thóc giống của Việt Nam là bây giờ bị chôn vùi, bị giam hãm, làm cho đất nước trở nên mòn mỏi, kiệt quệ, và tăm tối vô cùng… Cụ thể như là mấy trường hợp gần đây là linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Lê Thị Công Nhân, luật sư Nguyễn Văn Đài, đó là những người có lý tưởng thời đại, rất là tốt đẹp, bây giờ đang bị bắt, bị đầy đọa rất là vô lý, uất ức.”
Qua báo cáo thường niên năm nay, Ủy ban Bảo vệ Ký giả cho hay đã gửi thư đến một số chính quyền, yêu cầu cho biết chi tiết về một số vụ nhà báo bị bắt mà chưa được chính thức xét xử.
Trước viễn ảnh việc được ra trước ánh sáng công lý tiếp tục là một điều xa vời, một hy vọng không biết bao giờ mới thành sự thật đối với những người cầm bút đang bị đày đoạ trong các lao tù, Ủy ban Bảo vệ Ký giả khẳng định rằng hành động của chính quyền, bắt giam vô hạn định các nhà văn nhà báo theo lối này, chỉ là hình thức bắt cóc người dân, không hơn không kém.
Nhã Trân, phóng viên đài RFA
(Theo Web Radio Free Asia)