BÁO VỀ
Trần Khải Thanh Thủy - Truyện ngắn
- A, Báo về! Báo về!
Như một phản xạ có điều kiện, cả toà soạn đổ xô về phía cửa, nơi chiếc xe tải ngồn ngộn báo vừa xịch đỗ...
Mọi người, không ai bảo ai, vớ vội một số vừa ra lò rồi chúi vào một xó trong mọi ngóc ngách để chăm chú xem trang mình phụ trách, bài mình vừa viết có bị cắt, cúp nhầm lẫn gì không?
Chao ôi, những kẻ ngoại đạo không thể biết cảm xúc đó. Nó là giờ phút trang trọng nhất trong chuỗi ngày chờ báo ra, không khác gì người mẹ trẻ ngắm vuốt đứa con của mình sau cuộc “vượt cạn”.
Góc tường cạnh cửa sổ, Thành Tựu, nhà báo có thâm niên cao nhất toà soạn, phụ trách trang kinh tế xã hội, bỗng vụt dây, la hoảng:
- Anh Kiên Trì ơi, ối giời ơi, anh Kiên Trì!
Thư ký Kiên Trì với đầy đủ các tội danh định sẵn của nghề báo: Điếc tai - Chai đít, Công ít - Tội nhiều, ngẩng đầu lên bực bội:
- Cái gì thế?
Thành Tựu ném cho anh ta một cái lườm bỏng rẫy:
- Anh đúng là “kẻ sát nhân lương thiện” nhất mà tôi từng gặp. Sao anh dám cứa cổ tôi bằng đoạn sa pô chua... như dấm thế này: “Nhắc đến Ức Trai là người ta nhắc đến một vị anh hùng lao động, văn võ song toàn...”? Giời ơi, anh không được học lịch sử Việt Nam hay anh cố tình chơi khăm tôi?
- Ừ nhỉ, - thư ký toà soạn Trung Dũng ngồi tại bàn nghe chuyện trợn mắt lên nhìn chằm chằm vào tờ báo, rồi vỗ trán đánh bốp – tại sao lại thế này? Thời cụ Nguyễn Trãi, cách đây đã 600 năm, làm gì ra cái thứ Anh hùng lao động kia chứ… Thôi, bỏ mẹ rồi ... lỗi tại thằng xếp chữ đây, chẳng nó thì còn ai, lẽ ra là anh hùng dân tộc, nó lại tương ngay hai chữ lao động vào... Nó đinh ninh, các cậu ạ, cả năm chỉ gặp mấy chữ anh hùng lao động, thế là mấy chữ ấy nhảy vào mà nó không biết. Có chết cha người ta không kia chứ...
|
Thành Tựu rầu rĩ:
- Cũng may, cụ Ức Trai đã chết được gần sáu thế kỷ rồi, không thể sống dạy mà đi kiện tụi ta được... May nữa là không đụng phải mấy cụ còn sống!
Từ trong xó của mình, một anh thò đầu ra góp chuyện:
- Chuyện vặt. Ai người ta để ý? Bọn trẻ bây giờ thuộc sử Tàu hơn thuộc sử ta, chúng nó có biết Ức Trai là thằng cha căng chú kiết nào đâu. Lệnh Hồ Xung, Vi Tiểu Bảo, Đông Phương Bất Bại, Nhạc Bất Quần, Hoàng Dược Sư… đấy mới là những nhân vật lịch sử đáng nhớ.
Một anh khác góp chuyện:
- Trong cuộc thi tốt nghiệp phổ thông trung học vừa rồi có đứa học trò còn viết “đồng chí Quang Trung đã anh dũng chiến đấu chống quân Tàu trong cuộc xâm lăng biên giới năm 1991” đấy…
- Rồi chúng nó còn viết: “Bà Triệu là chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam” nữa kìa…
- Hoặc “Lê Lợi lúc bấy giờ là bí thư chi bộ Lam Sơn”, hơ hơ…
Mọi âm thanh náo nhiệt bỗng chìm đi khi tiếng hét của Nhân Chi Sơ - Tính Bản Thiện vang lên:
- Anh Kiên Trì ơi là anh Kiên Trì, thà anh giết chết tôi còn hơn. Khốn nạn, cớ sao anh lại bôi gio trát trấu lên mặt tôi thế này?
Điếc tai - Chai đít, Công ít - Tội nhiều vội vã ôm cả bốn mắt chạy đến, ghé sát mặt vào trang thơ, làu bàu:
- Cái gì? Đâu? Cái nhà ông này đến là rách việc! Ông cứ làm như thơ của ông là number one chắc, sai một dấu phẩy, quên một dấu chấm là bao giờ cũng vậy, ông kêu như cha chết...
- Không phải number one mà là number...oan, ông hiểu chưa? – nhà thơ Nguyên Nguyên, ông chủ trang Câu lạc bộ Thơ, vò đầu bứt tai – Lại còn trách người ta nữa! Trời ơi, nếu đây không phải là vụ oan sai lớn nhất trong lịch sử báo ta thì tôi cứ đi đầu xuống đất. Đích thị ông chơi xỏ tôi, chứ không dưng sao ông lại tương cái “của nợ” vào giữa trang thơ của tôi như thế kia chứ?
- Cái gì nào? Vừa vừa cái mồm chứ. - Điếc tai, Chai đít – Công ít - Tội nhiều vặc lại - Của nợ nào? Đừng thấy tôi hiền lành mà bắt nạt, ăn nói cho cẩn thận nhé ... Mà sao ông lại bảo tôi “tương”? Tương cái gì?
Dí tờ báo vào tận “bốn mắt” của Kiên Trì, giận dữ:
- Ông đọc đi, đây này, không phải của nợ thì là của quý hở? Lần này thì cách chức, treo bút, mất nghiệp, toi nghề, về vườn đuổi gà cho vợ, ông hiểu chưa?
Điếc tai – Chai đít - Công ít - Tội nhiều dùng cả bốn mắt lom lom đọc, rồi toát mồ hôi, lắp bắp:
- Chết! Chết cha tôi rồi... Trời ơi! sao lại có thể như thế này được? Gọi ngay cậu Hùng nhà in cho tôi.
Như cảm nhận được mức độ quan trọng của sự việc, cả phòng lập tức chật cứng người. Ai nấy đều bỏ qua trang của mình, chăm chắm nhìn vào trang thơ, cụ thể là bài thơ với tiêu đề thật gợi cảm: “Mùa Xuân”.
Bài thơ chỉ vẻn vẹn 24 chữ, đọc lên thật mềm mại, dịu êm, song sức công phá của nó thì cực lớn:
Mùa Xuân
Tình em: như cỏ
xanh non
Muôn lớp
lô xô
Chim anh: nhỏ nhoi nhịp đập
Tìm trong cỏ... mượt,
êm, dày.
Điện thoại đã được nối, tiếng Điếc tai - Chai đít - Công ít - Tội nhiều oang oang giận dữ:
- Anh Hùng, anh là người sắp chữ lâu năm, mà để bị lỗi tày đình như thế này à? Anh định phổ biến thơ sex hay bắt chước phong cách Hồ Xuân Hương đây? Lên ngay đây! Lên ngay! Mà anh lại vừa được đưa lên sửa mo-rát nữa, tức là lên chức…
Cả toà soạn ồn ào, nhốn nháo. Chuyện này chẳng phải chuyện chơi. May là không đụng đến ai cụ thể, nhưng là tội không thể tha thứ.
Cuối cùng kẻ phạm tội cũng bị đưa ra trình diện
Gãi gãi mái tóc rối bù, hai má đỏ bừng như cua ...luộc, anh chàng lắp bắp:
- Các anh, các chị thông cảm, lúc ấy đầu óc em lú lẫn, u mê thế nào chẳng hiểu, nên em mới xếp chữ t ở dòng trên vào chữ ch ở dòng dưới, lúc đọc mo-rát thì em ỉ chính mình sắp bài, chỉ đọc lướt qua, không để ý ... Thông cảm cho em.
- Thông cảm làm sao được?
- Chuyện chết người mà đòi thông cảm.
- Người ta sẽ bảo: báo quảng cáo dâm ô, truỵ lạc.
- Kinh quá!
Một người đọc lại thật to, nguyên văn được đưa xuống nhà in:
Tim anh: nhỏ nhoi nhịp đập,
Chìm trong cỏ... mượt,
êm, dày…
- Này, các cậu ạ, tớ thấy bài thơ bị sai như thế mà lại đâm ra hay cơ đấy. Đừng làm ồn lên vì một chuyện con con. - Thịnh Vượng, “chuyên gia cù” của toà soạn, xoa đầu anh chàng xếp chữ - Này, anh khen chú mày đấy. Khá, khá lắm! Rất sáng tạo. Rất được. Đàn ông là phải thế. Thằng nào thì cũng rứa... Giữ nguyên như ý tác giả ấy à, đúng thật đấy, nhưng mà xoàng. Nô lệ quá, yếu đuối quá!
Anh chàng sắp chữ dở khóc dở cười năn nỉ:
- Em không cố ý thật mà, xin các anh đừng lập biên bản, đừng báo lại với ban giám đốc, kẻo em mất việc...
- Thế giờ chú định thế nào? – Kiên Trì vặn - Giờ gỡ sao đây? Chẳng lẽ để thế này, quá bằng vạch chỗ ấy cho người xem ... chim. Hay là huỷ cả mấy vạn tờ báo đi để in lại từ đầu?
- Có mà chết.
- Bán cả toà soạn đi mà đền.
- Hở, chứ một mình chú mày có đủ tiền đền không?
Mắt thằng bé đỏ hoe bỗng sáng lên:
- Dạ em có kinh nghiệm, chỉ xin các anh các chị cùng giúp em...dạ, chỉ hai tiếng đồng hồ thôi ạ.
Đã dắt díu nhau đến nước này, đành phải dùng biện pháp thủ công, hiệu quả nhất, mỗi người một đống báo, một bút xoá ...
Vừa làm, chàng chuyên gia cù vừa bảo:
- Này, phải kể lại những “tai nạn nghề nghiệp” để trả công các anh chứ . Đã mất mạng bao giờ chưa?
- Dạ rồi, - chàng xếp chữ đã hoàn hồn lanh chanh - Một lần, các anh ạ, bài tường thuật ban lãnh đạo cục X tiếp nữ phóng viên Y..., kinh lắm, còn hơn thế này nhiều…
- Hơn làm sao?
- Em xếp nhầm một chữ “lớn” thành ra… một chữ khác, hì hì... Nhà xuất bản bị kiện một phen hút chết ạ.
- Ha! ha! ha! chú mày giỏi, giỏi... - Cù Gia Truyền vỗ đùi cả cười - kể nữa đi, còn không?
- Dạ một lần khác, chủ tịch công đoàn thành ra “chủ tịch con đàn”. Không phải em, thằng khác.
Lại một lần nữa, cáo phó “vô cùng thương tiếc báo tin đồng chí phó bí thư đảng uỷ xí nghiệp” qua đời ... thành “đồng chó... bí thư” ... Dạ... đúng thế đấy ạ. Kể ra thì còn nhiều lắm, nhưng nhiều người bị, không phải chỉ mình em.
- Thì kể nữa đi, - Cù Gia Truyền bảo - Anh mày đang muốn trở thành chuyên gia sưu tầm các loại cù, kể cả “cù nhầy” đây.
Chàng xếp chữ nhăn trán, cố nhớ:
- Dạ, có lần thế này, là tại em: “Nền kinh tế nước ta phát triển không qua con đường tư bản chủ nghĩa”, em lại xếp chữ k thành chữ t thành ra thông qua ... Bài chính trị, thành thử hút chết. Phải ngồi viết kiểm điểm ba tháng đấy ạ.
- Có ba tháng còn là may đấy. Đi tù có ngày. – một người thêm vào.
- Từ đấy em cạch, mỗi lần đụng tới cụm từ quan trọng này là em thay chữ không bằng chữ bỏ cho rõ nghĩa, cho nó chắc, có nhầm nội dung cũng không bị xuyên tạc, hiểu sai ạ.
- Đúng là sai một ly đi một dặm thật, - Cù Gia Truyền nhận xét - chỉ thiếu một dấu phảy, hay thêm một số không, hoặc nhầm một dấu hỏi là ngữ nghĩa nó khác ngay đi. Nhầm là thành tội.
- Dạ, đúng đấy, một lần nữa em vô tình xếp thừa một số không, cũng bị các anh ấy mắng gần chết…
- Một số không thì ăn nhằm gì?
- Khốn dân số Ấn Độ tăng gấp 10 lần trong có một thập niên. Các anh bảo có chơi như dê, đẻ như gà cũng không ra được ngần ấy.
Điếc tai - Chai đít - Công ít - Tội nhiều tò mò:
- Này, thế trong những lỗi nặng có dính dáng chính trị thì Giám đốc xí nghiệp xử lý thế nào?
- Dạ, đồng chí ấy gọi đích danh thủ phạm lên, bên cạnh đồng chí ấy là đồng chí công an văn hoá, nhưng lần nào thì chúng em cũng thế ạ: “Mong các đồng chí hiểu cho, gia đình tôi ba đời củ chuối măng mai, tôi giác ngộ từ nhỏ, không giáo điều, không xét lại, không có nòi chống Đảng, còn thủ phạm, tuỳ các đồng chí xem xét xử lý thích đáng... Cứ là “không cho chúng nó thoát” ạ.
- Ha! ha! ha...
Tiếng cười phá của chàng Cù Gia Truyền vừa cất lên, vấp phải cái nhìn lạnh lùng của Tổng biên tập báo vừa lừ lừ đi vào, liền tắt lặng, nhường chỗ cho việc “tranh công, đổ tội, ù xoẹ” truyền thống bắt đầu.
TKTT
2002
(Theo Web Đàn Chim Việt)