Chuyện thường ngày ở đồn
Trần Khải Thanh Thuỷ
(VNN)
Đúng 8 giờ sáng, chuông cửa reo vang, tôi rời màn hình computer uể oải đứng lên, một ý nghĩ không mấy dễ chịu thoáng hiện trong óc: "Lại là bọn khốn đây, cái lũ giẻ cùi thời đại này, không biết bao giờ mới để cho mình yên? Không đi thì không xong với chúng nó (vì chúng có cả một hệ thống pháp... lật trong tay, cùng bao nhiêu chiến sĩ công an - cũng là từng ấy kẻ đầu gấu, lật lọng, biến tướng khôn lường) mà đi thì mất ngày, mất buổi. Thời gian không những ngừng trong tê tái còn chết dần chết mòn, chết câm chết ngầm nữa, bao nhiêu tế bào bị mất, bao nhiêu năng lượng sản sinh vô ích, bù vào đó là lượng stress tăng vọt.
Xuống hết 18 bậc cầu thang, qua khung cửa sắt, tôi nhận ra ông tổ trưởng khu phố và bí thư đảng uỷ phường. Hai gã cán bộ thừa hành vô cùng mẫn cán - được đào tạo theo đúng đường lối của đảng.
Loay hoay tra chìa vào ổ khoá, tôi chưa kịp cất lời mời hai đại diện khu phố vào nhà, thì ngay lập tức 3 kẻ mặc sắc phục công an xông vào (như thể kịch bản đã được đạo diễn từ trước), tôi lập tức hiểu ra vấn đề.
Chiều chủ nhật, sau khi diễn ra vụ đấu tố cùng bắt bớ, khám xét, canh gác 24/24 giờ xung quanh cửa ngõ nhà tôi, ông trưởng đồn công an dường như lo lắng cho sự an nguy của tôi, hay sự an nguy của tấm mề đay trên ve áo ông, nên lại cho người mời tôi lên đồn đợt ba (sau cả tháng trời câu lưu ngày nối ngày lên đồn trình diện, thẩm vấn, khai báo...).
Giải thích mãi cho kẻ đưa đơn không được, tôi tức khí nhấc điện thoại lên và thông báo cho quan đồn biết là tôi không có trách nhiệm phải lên vì hoàn toàn nằm ngoài 3 lý do: Không liên quan đến các vụ án hình sự, không phải bị can, cũng không là nhân chứng. Đề nghị đảng...buông vạt váy tôi ra.
Tự cho cái ghế trưởng đồn của mình là to... (một công dân vi phạm luật pháp của nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam như tôi dám xấc xược gọi điện thoại di động để phản đối) lão tỏ ra vô cùng bức xúc tức giận... Kết quả đã bày ra trò này để bắt sống tôi, không cho chúng nó thoát, công an, tổ trưởng bí thư đã vào đây thì tôi hết đường lui. Thật là... chu đáo(!)
Vừa kịp ngồi xuống ghế, cán bộ Sơn đã chìa ra một tập dày cộp các trang in từ vi tính ra, hỏi:
- Chị cho biết lý do tham gia vào công đoàn độc lập, ai mời chị, chị có biết điều này là trái với luật pháp của nhà nước không?
- Thì ra là việc này, tôi thở dài- nhà nước luôn khẳng định cho dân và vì dân bằng cách tước đoạt trắng trợn quyền công dân như thế này đây.
Than dữ mãi rồi, nguyền rủa, bóng gió cũng đã nhiều, tất cả như nước đổ đầu vịt, như đem tôn giáo bể giảng giải cho cả lũ Dã tràng, thôi thì đành... thư giãn tự mình vui vậy:
- Thì cả đời oai khăn (ăn khoai) mãi rồi, giờ cũng phải có một lần oai áo chứ, 46 tuổi đầu, xe đời ga cuối đã chờ, phải một lần thành ông nọ, bà kia chứ.
Chị trả lời nghiêm túc đi, làm sao chị biết có tổ chức này, chính thức tham gia từ ngày nào:
- Thì tôi vẫn ăn trông nồi, ngồi trông...bác đây thây, cậu không nhìn thấy bác đang nhìn các cháu... hành thân và hành lẫn nhau à?
-Ai đưa chị vào, ông Nguyễn Khắc Toàn à? Hay ai?
- Từ ngày bị bắt, à quên bị lực lượng cơ quan an ninh "mời" bằng lệnh tạm giữ và khám nhà, tôi chưa gặp Nguyễn Khắc Toàn lần nào.
- Thế thì ai?
Cứ ai ải ài ai như chó nhai giẻ rách mãi thế này... không hiểu bao giờ tôi mới được làm chủ bản thân, làm chủ thời gian của mình đây? Nhà văn cần hai thứ: Không gian để sinh toả, thời gian để khẳng định mình, mà không gian thì sặc mùi... đảng, bác, còn thời gian thì bị câu lưu tối ngày như thế này, hỏi tôi còn làm gì được nữa? Đến làm nhà... ăn không xong, còn văn vẻ, chữ nghiã, tầm chương, trích cú gì? Thôi thì...tôi huỵch toẹt luôn, đằng nào cũng ra công khai rồi, chúng cũng chả làm gì được, nhất là người của mình lại ở tít chân mây, cuối trời, dù đảng có trăm tay, nghìn mắt, xương sắt, da đồng, muốn "bắt nhầm" cũng đành phải... bỏ xót thôi...
Vì thế, tôi bảo:
- Tôi hân hạnh được anh Thành ở Ba Lan mời, vì đã có một thời gian làm ở báo Lao Động Thủ Đô, chuyên sâu về công đoàn, nên tôi nhận lời.
- Chị quen biết anh Thành lâu chưa, anh ấy mời chị như thế nào, vào thời gian nào?
- Mời tôi hôm 19, đề nghị tôi trả lời phỏng vấn, nhưng tôi chưa kịp chuẩn bị, và cũng biết rõ xung quanh mình còn nhiều người giỏi hơn trong lĩnh vực này nên tôi không dám đảm nhiệm.
- Anh Thành là người như thế nào? Có tác động gì với tổ chức công đoàn độc lập này?
- Làm sao tôi biết được? Tôi chỉ biết anh ấy trước là tổng biên tập Đàn Chim Việt, một người rất tâm huyết với nước nhà, luôn trăn trở tìm hướng đi cho dân tộc, và bây giờ đứng ra thành lập tổ chức này để cứu giúp những người công nhân đói khổ ở Việt Nam.
- Từ hôm tham gia vào tổ chức này chị đã được giao nhiệm vụ gì?
- Ôi, tôi chán ngán: - Đã đem thân đổi mấy đồng lương, thịt, xương tim óc vì lương mà làm, thì phải tự đi mà điều tra lấy chứ. Có ai trả lương cho tôi đâu...
Trong số 14 người, cả của ban đại diện lâm thời và 11 uỷ viên, chị quen những ai?
- Công đoàn mới vài ngày tuổi, các thành viên ở khắp trong Nam, ngoài Bắc, lại hoạt động giữa lòng đảng, lòng công an, toàn lấy bí danh cả, làm sao tôi biết được.
- Nguyễn Thiên Ân là ai, có phải luật sư Nguyễn Văn Đài không?
- Ô hay, đến nhất ân tôi cũng còn chả biết nữa là thiên ân.
- Văn phòng anh Đài có tên là văn phòng Thiên Ân, cho nên chắc chắn tên Nguyễn Thiên Ân là luật sư Đài rồi.
- Thì ít nhất thì cũng phải để tôi đến gặp cậu Đài hỏi lại đã chứ, kẻo thiên ân lại thành thiên oán à?
- Thế còn Gia Qùynh, Lê Trí Tuệ, chị biết chứ?
Qúa chán với những câu hỏi nhai đi nhai lại kiểu này, tôi bực, quyết định đi chệch đường lối đổi mới của đảng:
- Biết.
- Là ai?
- Là người, giống tôi và cậu, giống tất cả mọi người trên thế gian này: "Đầu mọc trên cổ, mông bổ làm đôi" được chưa?
Không để ý đến sự " thoáng hài" của tôi, cán bộ an ninh cật vấn:
- Chị lạ nhỉ, một tổ chức không tên, không tuổi, không quen biết ai, thế mà cũng đánh trống, ghi tên.
- Ơ hay, tôi cố tỏ ra ngạc nhiên:- Cậu là người của đảng mà không đọc báo đảng à, ngay từ năm 1960, trên báo đảng đã có thơ ca ngợi rồi:
"Đảng là gì hở em ơi,
Là không quen biết mà ngồi với nhau"
Rõ ràng chúng tôi thấm nhuần tư tưởng của đảng đấy chứ?
Biết tôi lôi tính thoáng hài của mình ra là trong tôi đã xuất hiện mầm mống nổi loạn, bất cần rồi, câu hỏi lập tức chuyển sang đề tài khác.
- Chị quen Lê thị Công Nhân khi nào, ai giới thiệu?
- Quen trên mạng, do Internet giới thiệu, vì thế vừa gặp Nhân ở văn phòng luật sư Nguyễn Văn Đài là tôi nhận ra ngay.
- Rồi sao nữa...
- Thì bắt tay xong rồi tay ai lại trở về túi người ấy chứ sao?
- Chị Nhân có mời chị vào đảng Thăng tiến cùng chị ấy không?
- Có, nhưng tôi không nhận.
Lý do:
- Già rồi, tôi chỉ thích... tăng thiến thôi, vừa tiến vừa thăng mệt lắm.
- Thế có nghĩa là chị khẳng định không liên quan gì đến chị Nhân.
- Sao lại không liên quan, nhất định tôi với Nhân phải lập hẳn phố...4 ti ấy chứ lị, cậu không thấy phố Mai Xuân Thưởng chỉ có một nhà duy nhất đấy à? Tôi và Nhân có hẳn mấy nhà, nào nhà thơ, nhà văn, nhà báo, nhà luật sư... ư ư...lập thành phố được qúa ấy chứ.
Đang ngồi ở bàn bên cạnh, Tên Việt xen ngang, giọng hù doạ:
- Báo cho chị biết, thời này mà thành Bà Trưng, Bà Triệu, chúng tôi đập chết.
- Thì tôi vẫn "hoan hô công an đảng ta mà. Đánh giặc thì dốt, đánh dân rất tài".
- Chị thì ai mà chẳng nhạo, chẳng chửi, thử hỏi không có công an thì xã hội thành gì?
- Cậu nói thế không được, tôi đã chả khen đảng mình cả chục lần đấy thôi.
- Khen thế nào:
Đảng ta vĩ đại như bày đảng, như ma phia
76 năm thành lập biết bao nhiêu tội tình
Đảng ta là giả dối, là điêu linh...
chứ gì? Tôi còn lạ gì bài nhại của chị trong thơ bác.
- Ấy không, đấy là nhại, còn đây là tôi sáng tác cơ;
- Thôi được, chị đọc đi, biết đâu chúng tôi lại ghi công cho chị.
- Thì đấy, bài đăng bao nhiêu lần trên mạng đấy thôi: "Ôi đảng ta sao mà ngu kỳ diệu", các cậu là người trong ngành phải tự hào về sự... kỳ diệu của đảng chứ?
Thoáng cay cú, tên Việt nhắc lại sự hiện diện quan trọng của ngành công an trong xã hội:
- Nói cho chị biết nhớ, xã hội nào cũng cần phải có công an, dù là tư bản hoặc thực dân phong kiến đi chăng nữa, không có công an thì xã hội sẽ loạn.
- Tất nhiên, tôi khẳng định, song nếu chỉ toàn những công an xấu thì xã hội càng loạn hơn, đằng nào cũng loạn thì thà đừng có công an còn hơn.
Bỏ mặc tôi với những câu trả lời chặn họng, cán bộ Mai Thành Sơn lúi húi ghi chép, hai cán bộ trẻ tuổi còn lại cũng bỏ ra ngoài hóng gió, như thể xua đi ngột ngạt oi bức trong đầu do khẩu khí của tôi gây ra.
Kim đồng hồ chỉ 10 giờ 45 phút, phần ghi lời khai mới chừng non nửa, tôi cầm lên tập bài trước mặt và không thể nào nhịn được cười, khi đập mắt vào những dòng chữ đầu tiên trên các bài: "Đảng buông vạt váy tôi ra"; "một cuộc khám xét ngoạn mục" và "hãy cứu nhà văn Trần Khải Thanh Thuỷ".
Nhìn tôi nở nụ cười... thu hoạch, cười như... Mán được mùa ngô, cậu Việt đổi thái độ, bảo:
- Ối giời, trông bà Thuỷ kìa, cười có sướng không?
Tôi cố kiềm chế sự bồng bột thái qúa của mình, giải thích:
- Vì tôi nhớ lại nhận xét của mọi người qua hai bài viết này, chú Phạm Quế Dương bảo tôi viết rất... văng nghệ, dám văng cả vạt váy vào mặt đảng. Cô Nguyễn thị Tuyết Mai, vợ chú Nguyễn Thanh Giang cũng bảo: "Đọc xong cười nôn ruột, dám so sánh lập trường của đảng với cooc xê của phụ nữ, có khác gì bảo đảng lúc "đàn áp kẻ mạnh, lúc nâng đỡ kẻ yếu, và luôn lôi kéo những kẻ lạc đường"...trên giường, à trên ngực phụ nữ đâu? Riêng đám bà con khiếu kiện ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng lại nhận định rất chi nà... chí ní:
- Ôi giời, cả nước Việt Nam có vài bà như bà Thuỷ, bà Thông thì phải đổi đề từ, khẩu hiệu trong đơn khiếu kiện mất:
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa...cười lăn
Đảng mình -tại sao- dại thế? hế hế
Bỏ qua thái độ bông phèng của tôi, cán bộ Mai Thành Sơn hỏi, giọng cố tỏ ra nghiêm túc:
- Chị viết bài này lúc nào?
- Thì lúc bị đảng túm vạt váy chứ sao, một mình tôi thân cô thế cô, nữ nhi thường tình, chứ có phải nữ nhi... trường tình như bộ trưởng Nguyễn thị Hằng, Trần thị Trung Chiến, hay Lã thị Kim Oanh đâu mà cả bầy đảng cứ xúm vào túm vạt váy tôi mà lôi, mà kéo, léo nhéo suốt ngày...
Không chạy bằng chân được, tôi phải chạy... maraton thanh quản cho toàn thế giới biết chứ.
- Cả mấy bài đều là chị viết đúng không? Tên Sơn hỏi gặng:
- Ơ hay, đầy người có hai mấy tỉ, tức hai tí mẩy, đâu phải mình tôi?
- Chỉ có chị mới có cái chất giọng tưng tửng như vậy.
Không muốn để các cán bộ... tưng hửng, tôi bảo:
- Tất nhiên là họ chắp bút, nhưng viết qua lăng kính, nhãn quan của tôi, đơn giản vì tôi kể lại cho họ bằng chất giọng "thái hoàng" của mình, cả sự tích hai tí mẩy, cả lập trường cách mạng mà chú Nguyễn Đôn Tự kể, vì thiếu tướng nguyễn Đôn Tự là thầy dạy của bố tôi từ hồi còn ở trường lục quân khoá 4, nên rất quý tôi.
Quẳng bài "Thông điệp khẩn từ hà Nội" về việc tôi bị Đảng ném đá, giấu tay, mượn tay người dân để ném đá vào tôi trong cuộc đấu tố, Mai Thành Sơn khẳng định:
- Dù sao chúng tôi vẫn nghĩ là của chị, vì chỉ có chị mới biết rõ mọi việc như thế, chứ Lê Lâm nào, làm gì có Lê Lâm ở cao đẳng Ngân hàng? Chị tưởng chúng tôi không đến tận trường Cao Đẳng để điều tra chắc?
- Này, tôi lấy lại chất giọng nghiêm chỉnh: - Hôm đấu tố, cải cách... giọng viết của tôi, có cả vài trăm người đúng không? Các cậu còn treo cả biển cấm quay phim chụp ảnh, cấm ghi âm, nhưng làm thế có khác nào lạy ông nhân dân tôi ở bụi đảng cộng sản này? Lê Lâm từ đó mà ra đấy. Lê Lâm chính là cháu ruột cụ Lê Nhân- cũng là giáo sư cu Tí, hiểu chưa.
- Thế Lê Nhân là ai, có phải Trần Mạnh Hảo không?
- Ô hay, tôi có phải Slochome đâu mà hỏi tôi câu ấy... Thôi, tôi nhìn đồng hồ, gắt sẵng, quyết định ra khỏi cuộc nói chuyện vô bổ này: - 11 rưỡi rồi, tôi phải về để đưa con đi học đây.
Ngẩn ngơ như thể bị tuột mồi, cán bộ trẻ tuổi tên Sơn bảo:
- Chiều nay chúng tôi còn phải làm việc với chị, vì thế, tôi sẽ nhờ chị Yến đi cùng chị và cháu để áp tải chị về đúng giờ, nếu không, chúng tôi thả chị ra, đến tận 4, 5 giờ chị mới về thì sao?
- Lại vẫn trò xưa tích cũ...đi đâu cũng có lính theo hầu, tôi tặc lưỡi:
- Tuỳ, nếu đã được trả tiền xăng thì cứ đi, cẩn thận không tôi cắt đuôi nhảy vào hàng nét đấy, trình độ của cô Yến không qua mặt tôi được đâu.
12 giờ kém 25 phút, tôi lững thững ra về, xe đạp còn bị trưởng đồn cất giữ, nên đành phải đi bằng chân cán bộ, cho kịp giờ học của con. Ngồi sau xe, ngắm nhìn tấm lưng to bè của cán bộ, tôi tê tái xót cho thời gian bị mất, xót cho niềm tin bị chà đạp, lẽ phải và lương tâm bị hành hình, treo cổ, mà ngán ngẩm thay cho thân phận mình, cũng là cho vận mệnh dân tộc. Không biết bao giờ thì có thể làm chủ bản thân, làm chủ môi trường, làm chủ thiên nhiên như những lời đảng nói?
Đức Giang 27-10-2006
Trần Khải Thanh Thuỷ
(Còn tiếp)
-------------------------
Chuyện thường ngày ở đồn
(Phần 2)
|
Đang trong giờ "làm việc", ghi biên bản lời khai, công an tên Việt, với cặp kính dày và nặng khiến tôi luôn nghĩ về nhân vật Thành Trì - thư ký toà soạn trong chuyện "báo về" của mình mà đặc điểm nổi bật là: "Điếc tai, chai đít, công ít, tội nhiều", bỗng phởn chí hỏi:
- Xin hỏi chị ngoài lề một chút nhé, trong cuộc đời chị đã bao giờ ngoại tình chưa?
- Lại còn thế nữa, tôi bất giác nghĩ tới câu nói của bà Nghị trong tác phẩm "tắt đèn" của Ngô Tất Tố khi chị Dậu phải bán con và chó để có tiền nộp thuế: "Thấy bở thì đào đấy".
Rõ ràng thấy tôi tỏ ra dễ dãi, không cãi vã, khiêu khích công an và quan thầy của họ nữa nên sự dễ dãi đã nuôi dưỡng ý đồ xấu, để cái xấu lấn lướt... Tuy chúng hỏi thật song nếu tôi cũng trả lời thật rằng: "Tôi cũng chẳng phải mình đồng, da sắt gì, cũng có lúc xao lòng, cũng thích một khoảng trời riêng, rồi "tình dục là giá đỡ của tình yêu", miễn là tôi phải yêu người ấy, thì tôi sẽ là giá đỡ cho tình yêu của mình... v.v… và v.v..." Chắc chắn, chúng sẽ không ghi vào biên bản nhưng sẽ coi như một nguồn tin có gía trị để bôi xấu tôi, hạ nhục tôi ngay sau đó. Sống giữa lòng đảng, lòng công an, nào tôi có lạ gì những trò bẩn thỉu của họ, sẵn sàng biến công thành tội, trắng thành đen, sáng sủa thành đen tối để âm mưu hãm hại, khiến đối phương phải há miệng mắc quai, không kịp trở tay... Đến như không, họ cũng cố tình biến thành có cơ mà. Kể từ thời điểm đầu tháng 8, khi hàng loạt bút danh của tôi bị lộ, vì tên Juđa PTL, cố tình bán đứng tôi cho công an, hòng thay thể chỗ đứng của tôi trong lòng bà con, lăm le chức hội trưởng, tôi đã bị cái gọi là cơ quan an ninh vu cho đủ thứ tội. Nào "ăn chặn tiền của dân oan", nào "nhà văn không tác phẩm", "nhà văn núi đồi", "nhà báo không độc giả", nào "nửa đực, nửa cái" (Vì tôi thường ký tên đàn ông, với chất giọng đặc biệt nam tính như Nguyễn Thái Hoàng, Nguyễn Thái Bình, Võ Quế Dương, Nguyễn Nại Dương, Đồ Nghệ, Nguyễn Quý Dân v.v…) nào "ngoại tình", rồi "luyến ái đồng tính" với hai cộng sự của mình là Đỗ thị Minh Hằng và Dương Đại Dương. Cứ như thể tôi lấy danh nghĩa giúp bà con chỉ để thoả mãn dục vọng cho riêng mình, lúc biến thành lưỡng tính để luyến ái, lúc trở về đơn tính để ngoại tình qua đêm, bỏ rơi cả chồng con v.v… chứ không phải nhờ thông tin của hai người cung cấp để viết cả trăm bài về dân oan cùng 170 bộ hồ sơ gửi các tổ chức nhân quyền của 200 nước trên thế giới, thông qua đường dây của mình? Họ bày chuyện khéo đến nỗi ông Ôtenlô nhà tôi phải cả cười mà rằng: "Rõ là lũ công an rách việc thật, có mỗi việc mò vào gầm giường nhà người ta xem vợ chồng người ta ngủ với nhau cũng không xong? Giá chúng nó cứ bảo vợ anh, hay vợ cậu ngoại tình thì tôi còn hoang mang, dao động, đằng này nó lại dám khẳng định là vợ cậu ngủ ở đâu, vào đêm nảo, đêm nào, thì thật là "lạy ông Tân tôi ở bụi... lừa(!). Đơn giản vì tối nào cô ấy ra khỏi nhà mà không bị tôi bám, tôi canh vợ tôi còn cẩn thận hơn công an chứ lại, đêm nào bà xã chả nằm cạnh tôi, ngửi hơi tôi, rồi còn nhại cả lời bài "hoa sứ nhà nàng" mà chọc tôi nữa: Đêm đêm ngửi mùi hôi, mùi hôi nách của chồng, thấy đời sao mà phí, chỉ vì mình... hám đàn ông, thời con gái đâu còn?..".
Rõ là cái lũ công an khỉ... toàn ném đá lên cây dừa không có quả. Dừa không thấy đâu chỉ thấy đá rơi vào đầu khỉ.
Bây giờ vẫn chả có tác dụng gì, tên Ngô Tử Lân nào đó lại dựng chuyện tôi và viện sĩ Nguyễn Thanh Giang thông qua bài báo lá cải phát tán trên mạng "chính trị và chiếc giường", đến mức, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, vợ ông cũng bảo (khi tôi đề nghị hai cô cháu chụp chung một tấm ảnh để trả lời dư luận):
- Mình quen rồi, đọc là nhận ra ngay giọng khốn nạn của bọn công an mà, đến Bích Ngân - vợ Bình, được vợ chồng mình giang tay giúp đỡ, mà lũ khốn còn dựng chuyện thì Thuỷ làm sao nó chịu buông tha. Cái bọn bị đảng thiến hết cả 12 chữ nhân là nhân tính, nhân tình, nhân luân, nhân cách, nhân hậu, nhân từ, nhân bản, nhân chính, nhân văn, nhân sinh... chỉ để để lại chữ nhân thứ 13 là nhân vật ấy mà, chấp làm gì cho bẩn váy của mình ra*.
Cả nhà văn Hoàng Tiến, vốn có tị hiềm với viện sĩ Nguyễn Thanh Giang, khi nghe tin này, cũng chính thức tuyên bố: Người Trung Quốc có câu nói rất hay cháu ạ: "Phàm những gì ở đời càng sáng chói thì càng dễ bị bôi bẩn". Như thế cháu càng phải tự hào về mình, vì trong một chừng mực nào đó, chúng nó càng bôi bẩn cháu thì cháu càng trở nên sáng chói mà thôi. Đến chú và chị Dương Thu Hương có mối quan hệ bạn bè trong sáng như thế cũng bị chúng vu khống, bôi nhọ cơ mà... " Nếu chúng không làm thế đã chẳng phải là công an Việt Nam.
Bây giờ chúng lại định moi tư tưởng của tôi ư? Trong khi chúng đeo bám tôi từ năm 2000 đến nay, khi tôi còn là phóng viên báo Lao động thủ đô, lần đầu tiên có bài trên mạng thế giới do người bạn ở Đức về thăm Việt Nam cầm đi, chúng đã cử người theo dõi, canh chừng tôi suốt 5, 6 năm trời nay, làm sao chuyện động trời là tôi phải lòng ai, hoặc ai ngoại tình với tôi, chúng lại bỏ qua? Biết vậy, tôi giữ thái độ bình thản trả lời:
- Có chứ!
Chúng hí hửng như sắp săn được mồi.
- Thật không, với ai?
- Thì với chồng chứ còn với ai?
- Ối giời, chúng tỏ vẻ thất vọng -Nói chuyện với bà như đấm bị bông. Như thế là...nội tình chứ ngoại tình gì?
- Thật đấy, tôi trả lời, thời gian gần đây nhờ công an" tích cực cảm hoá" mà chồng tôi thay đổi quan điểm, lập trường, đứng về phía vợ, bằng mọi cách che chắn cho vợ, xù lông giữ tổ ấm của mình, chứ trước kia, ai biết được con đường mà tôi lựa chọn có cả máu và nước mắt?
- Chị từng bị anh ấy đánh, phải nhờ lực lượng công an can thiệp có đúng không?
- Ừ, bản chất con người là sự lầm lẫn mà. Chỉ vì có ông anh là đại tá trong quân đội hưởng đặc quyền, đặc lợi mà quên mất lời thề: Trung với nước, hiếu với dân "chỉ thích" trung với đảng, bất hiếu với nhân dân", nên đã lấy quyền làm anh ra xác lệnh cho em, cấm tôi không được viết bài phản ảnh mọi thói hư tật xấu của đảng, vì sợ bị trù dập, ảnh hưởng tới tương lai của cả chồng và con. Tất nhiên tôi không đồng ý, cho dù khi đó, tôi chưa xác định được là phải đặt lợi ích dân tộc lên trên lợi ích bản thân, lợi ích gia đình như bây giờ, nhưng không thể quay về ao hồ của đảng để ca ngợi được. Bằng "mái chèo" của mình, tôi cần bơi ra biển để không những nhìn thấy những cánh buồm đỏ thắm trên bờ biển mà biết đâu còn mò được cả ngọc trai dưới đáy biển thẳm nữa? Thế là ông ấy giở thói gia trưởng ra để hạ cẳng chân, thượng cẳng tay, hòng buộc tôi phải từ bỏ vĩnh viễn con đường đầy nguy hiểm, gai góc ấy đi, quay về với nghĩa vụ gia đình như mọi nữ nhi thường tình khác... Bị đánh đau, lại giữa đêm khuya, không biết cầu cứu ai, tôi đã bấm điện thoại gọi cảnh sát cơ động 113 đến nhà. Tưởng ai, hóa ra vẫn là mấy cậu công an phường. Sau hành động rồ dại ấy, chúng tôi chia tay nhau. Cả một tuần tôi phải chuyển về nhà mẹ đẻ để tiện cho việc điều trị vết thương, cũng vì thế mà có cuộc họp khẩn cấp giữa những người bạn của bố tôi (những người tự nguyện đứng ra thay thế vai trò của người cha đối với tôi và 2 cháu nhỏ trong suốt quãng đời còn lại) cùng toàn thể gia đình bên ngoại, tất cả ra xác lệnh bắt tôi phải ký giấy bỏ chồng vì bất cứ lý do gì cũng không được đánh đập vợ như thế...
- Hiểu rồi, tên Việt cắt ngang. Sau đó anh ấy tìm về đòi... ngoại tình với vợ và trở thành một người khác hẳn có đúng không?
- Đúng thế. Bản thân tôi là một người phụ nữ á đông, có đầy đủ bản chất của một phụ nữ á đông: Chịu khó, cam chịu, biết hy sinh hết thẩy cho chồng con, vun vén cho tổ âm của mình, nhưng tôi không nhẫn nhịn đến mức đánh mất bản thân mình như đa phần phụ nữ Việt Nam khác, vì thế, tôi thà bỏ một người chồng bạc nhược, chứ không bỏ lý tưởng của mình. Khi anh quay trở về, biết anh có sự hối hận sâu sắc nên tôi đã chấp thuận, vì người Trung Quốc bảo: "Vợ chồng như hai dải áo mà những đứa con là hàng khuy ở giữa". Nếu tôi cố tình giật đứt tung hai giải áo, thì hàng khuy ở giữa sẽ ra sao? Rơi vào lòng đường hay miệng cống? Cho dù tôi có tìm được một người chồng xứng đáng với mình đi chăng nữa thì ai thay thể nổi vai trò của người bố đối với hai đứa con tôi? Hơn nữa ở Việt Nam khái niệm bình đẳng nam nữ còn mơ hồ lắm. Trai bỏ vợ, dù con đàn con đống, nhân tình nhân ngãi cả bầy cũng vẫn dễ dàng lấy được vợ khác, còn phụ nữ bỏ chồng đời thì chỉ còn nước theo chồng ngày, vì con bìu, con ríu...
- Đấy nhớ, "công ít, tội nhiều" bảo: - Lúc vợ chồng cãi nhau thì nhờ công an, thế mà hơi một tý là bài xích công an, coi công an như kẻ thù.
- Thì bản chất con người là sự nhầm lẫn mà lại, có điều người ta chỉ nhầm một lần thôi chứ, một khi đã hiểu rõ bản chất công an là một lũ chó săn (lời của tổng bí thư Lê Duẩn)* thì ai còn vấp ngã hai lần trên cùng một mô đất nữa?
Quay trở lại đề tài chính của cuộc thẩm vấn, nữ cán bộ Yến thăm dò:
- Bà cụ nhà chị già nua, ốm yếu qúa rồi, chị nên dừng mọi việc lại đi, nếu chúng tôi cho bác biết là chị nói xấu Bác Hồ thì cụ đau lòng lắm đấy, rồi ốm đau, bệnh tật, tội trời ai mang?
- Yên tâm đi, tôi qúa hiểu cái dã tâm thâm độc của bọn chúng, luôn luôn đối xử với những người mà chúng coi là kẻ thù như tôi và các nhà dân chủ bằng bạo lực không khoan nhượng, dùng cả bộ máy khổng lồ với phương tiện cực kỳ tối tân và trang bị vô cùng đầy đủ, để đàn áp chưa đủ, còn vô cùng độc ác là sử dụng phương pháp đê hèn để truy bức hành hạ những người thân trong gia đình mình. Những người mà tôi thà chịu khổ chứ không bao giờ muốn thấy họ khổ lây, đặc biệt là mẹ già 70, nhưng biết làm sao được khi mục đích tối thượng của chúng là làm cho tôi sợ họa lây cho người thân mà chùn bước không dám chống đối nữa. Đấy chính là phương cách chúng đã được đảng dạy từ 76 năm trời nay. Chúng muốn sau lưng mọi nhà tranh đấu dân chủ là một gia đình tan tác, xác xơ, bởi vì đấy chính là sự trừng phạt mà đảng cộng sản việt nam muốn đổ lên đầu để trả thù họ một cách hèn hạ, dã man nhất. Chúng không bao giờ tôn trọng nguyên tắc ai làm nấy chịu, mặc dù luôn mở miệng nói những lời nhân nghĩa... Biết thế, nên tôi trả lời thẳng tưng:
- Mẹ tôi biết rõ những việc tôi làm rồi, mẹ tôi chẳng u mê lầm lạc đến mức coi ông Hồ là thần tượng đâu, vì chính chị em tôi đã mở mắt cho cụ từ lâu rồi.
- Mở mắt như thế nào, ba cán bộ tò mò:
- Lần ấy vào đầu thập kỷ 90, cậu em tôi vừa ở Tiệp Khắc về, rất khổ tâm vì bỗng dưng mẹ tôi lôi ảnh cụ Hồ ra treo, cao hơn cả ảnh ông bà nội ngoại, tổ tien, như thể ăn mừng sự trở về của con trai vậy. Nó giải thích thế nào mẹ tôi cũng không chịu. Khi tôi sang, vừa bước chân vào nhà đập mắt vào tấm ảnh ông Hồ, tôi vô cùng ngạc nhiên, liền bảo, giọng chân tình:
- Ôi mẹ, sao lại treo ảnh ông Hồ Chí Minh thế này? Thất lộc lắm đấy.
Mẹ tôi ngơ ngác không hiểu, tôi bèn giải thích:
- Mẹ không nhớ cái chết của ông ngoại à, chính ông Hồ là người phát động cuộc cải cách ruộng đất ở Việt Nam. Nhà mình mười mấy con người tan tác từ đấy, ông phải rạch ruột tự tử trong nhà lao, bác cả cùng chồng trốn vào Nam, Bác hai trôi dạt tận Hải Phòng, bác Ba lên miền ngược, bác tư xuống Hải Phòng, dì Mây bé nhất nhà, líu ríu theo chị ruột lên tận Trôi, Nhổn cũng bị gọi giật lại vì trên người mặc một tấm áo mới, đội nón mới, bị dân làng túm lại bảo: Nó là con đại địa chủ, quần áo mới nó mặc trên người là mồ hôi xương máu của nông dân, giữ nó lại, bắt nó phải lột áo ra, bỏ nón lại mới cho đi, nếu không bắt nó phải đền tội như bố nó. Thế là phải lạy như tế sao mới được quay vào mặc áo rách, đội nón mê để thoát khỏi đám người u mê, cuồng nộ, cháu ngoan của bác... chính mẹ kể lại cho con nghe mà mẹ không nhớ à?
Thế là không cần nói đến câu thứ 2, mẹ tôi lẳng lặng gỡ xuống và không bao giờ lặp lại sai lầm nữa, còn cậu em tôi thì thở hắt ra: - Đúng là không có chị thì em suốt ngày dở mếu dở cười, vì mẹ mình chẳng giống ai, thờ tổ tiên không thờ lại đi thờ một người vong bản, ngoại tộc, coi mấy cha râu xồm, muĩ lõ hơn cả người cùng huyết thống, giống nòi với mình... cha già gì mà dại thế? Chả trách Việt Nam toàn những người khôn vặt, chả ai khôn lớn nổi, nên đất nước cứ chìm đắm trong cảnh mù loà, bao nhiêu Từ Hải chết trong vây như thê này...vừa về nhà em đã muốn bỏ đi luôn. Chả còn chuyện gì nữa, cũng chẳng thể nào ngồi cười khành khạch như nhà doanh nghiệp Nguyễn Phương Anh (đang học chửi) kể lại giữa cánh dân chủ, chúng quay lại hỏi tôi về việc thành lập hội dân oan, về những ai còn dám qua lại nhà tôi, trong khi chốt công an đã đóng chốt phía ngoài, rồi lương trả cho cộng sự, tiền phát cho ban đại diện dân oan v.v.
Tôi nhấm nhẳn trả lời:
- Các cậu thừa biết rồi, còn phải hỏi, đến một con ruồi bay qua không lọt, tôi đi đâu, ngồi đâu cũng có lính theo hầu, ấy thế mà bà con, anh em trong hội trộm cổ vật Bắc giang vẫn nhớ tới tôi, lẳng lặng đến từ tinh mơ, mờ đất, không dám bấm chuông gọi cửa, cũng không dám gặp tôi, vì sợ gây phiền hà cho tôi, chỉ lặng lẽ tuồn qua cửa sắt khi thì túi ổi trẩy ở vườn nhà, khi thì vài quả bưởi, cũng là cây nhà lá vườn, hoặc cây nhà... lá chợ như mướp đắng, đinh lăng để tôi chữa bệnh tiểu đường...
- Được bà con quan tâm như thế, chắc chị vẫn giữ ý định thành lập hội dân oan chứ?
- Tất nhiên, nếu người dân còn tín nhiệm tôi thì tôi sẽ cùng luật sư Nguyễn Văn Đài đứng ra thành lập bộ khung cho bà con,
- Chị sẽ là hội trưởng chứ?
- Không, tôi chỉ là người cầm bút đơn thuần, thấy bà con khổ thì cùng một số anh em dân chủ đứng ra thành lập hội, để họ đòan kết bên nhau, dưới mái nhà chung là liên minh dân chủ để công an, và lãnh đạo đảng không đàn áp họ, chứ giữa chạ người mà dính dáng đến tiền nong mệt lắm, làm sao như lời ông Hồ nói được: "chúng ta không sợ ít, không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng... Bởi đã có ít thì luôn sợ thiếu, luôn sợ mất công bằng, luôn nghi ngờ lẫn nhau, nghi ngờ cả người dám hy sinh cả tính mạng mình đứng ra viết bài phản ảnh, kêu oan, xin tiền của hải ngoại cho họ nữa.
- Thế chị ở vị trí nào trong hội?
- Thì tôi là người sáng lập, và là người giám sát ban tài chính của hội, để cho bát nước công đức của bà con chuyển từ Hải ngoại về không bị sóng sánh ra ngoài chứ sao?
- Chị dự định sẽ chính thức hoá việc này khi nào?
- Tất nhiên là phải bí mật đến phút chót, kẻo lại bị bọn lưu manh phá đám.
... Nhoài người qua ô cửa sổ, nhìn bóng nắng đang tắt dần trên những lối đi, đúng câu tục ngữ Việt Nam đúc kết: Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng, ngày tháng mười chưa cười đã tối, tôi bảo:
- Thôi, đến giờ tôi phải làm "ô sin già:, hầu hạ ba bố con nhà nó rồi, các cậu ở xa, cũng lo về "cơm nhà, bụng vợ" đi là vừa... đừng quên gửi lời nhắn của tôi tới lãnh đạo tối cao của các cậu.
Như phản xạ có điều kiện, hai cô một cậu giỏng tai nghe ngóng, tôi nhẩn nha bảo: Nếu đảng không yêu tôi, xin đừng xua chó cắn gấu quần tôi.
Thấy chúng ngơ ngác không hiểu, tôi liền kể lại chuyện từ 19... đã lâu của mình. Khi ấy, tôi còn là cô nàng 20 tuổi, đang trong giai đoạn đẹp nhất, mùa xuân của cuộc đời, da trắng, tóc mượt, môi đỏ, mắt đen, không biết bao nhiêu chàng trai phải lòng, làm thơ tán tỉnh, từ thơ con cóc đến thơ con... người. Nhớ nhất là bài thơ của anh chàng Bách Khoa cao lều nghều, tay chân nghều ngaò như nhện: "Nếu em không yêu tôi, xin đừng xua chó cắn gấu quần tôi". Chả là lần ấy, tôi phải theo khoa về tận huyện Đan Phượng, Hà Tây thực tập. Cho dù ở cách thủ đô cả vài chục km, lại xa xôi khuất nẻo, xe đạp còn hiếm hơn cả taxi bây giờ, song ở vào độ tuổi "yêu không biết mệt, tắm không biết rét" ấy, có khối chàng xin địa chỉ tận nơi tôi ở mà tìm đến. Khổ một nỗi, nhà chủ có con chó rất dữ nên chẳng cần phân biệt chính tà gì, cứ thoáng bóng người lò dò bước vào ngõ là sủa toáng lên như...kẻ trộm. Những anh chàng có lá gan chuột nhắt, lập tức bỏ cuộc, ngược lại, những kẻ si tình, háu gái vẫn giữ vững quan điểm của mình: "Sợ chó gì, tình yêu chiến thắng mọi điều cơ mà, tội gì bỏ... vợ chạy lấy người(!) có phải phí của giời không".
Việc xảy ra ngay lập tức đã xảy ra, tối thứ 7 hôm ấy chàng nhện lò dò tìm đến, bởi đang yêu nên tâm hồn treo ngược ở cành cây, và mắc chứng điếc như anh Kim Đồng: "Đùng đùng đùng, đoàng đòang đòang anh vẫn đi, anh xông pha chốn khắp chốn... đi tơ tình trong nhân dân"... thế là bị chó đuổi một trận chí chết, phải hối lộ cả cái gấu quần mới tinh mới thoát khỏi hàm răng nhọn hoắt, trắng ởn của chó dữ. Chỉ tiếc là hồi đấy (một ngàn chín trăm... đã lâu) đảng còn vẫn giữ chế độ quan liêu bao cấp, nên "bao nhiều, cấp ít", một cái gấu quần là mấy chục phân vải nên chàng nhện mới làm thơ khóc cho cái gấu quần mậu dịch mới mua, với hai câu kết như thế. Tiếc là đã qúa lâu rồi nên tôi chỉ còn nhớ mỗi câu cuối, bây giờ tôi xin mượn lại câu này để nhắc đảng cầm quyền của các cậu: "Nếu đảng không yêu tôi, xin đừng xua chó cắn gấu quần tôi".
Biết tôi lại giở thói bài bây, mấy kẻ xua tôi như xua tà:
- Thôi về đi, về đi cho được việc, khổ lắm, hễ mở miệng ra là chó với má...
Công an phường Đức Giang 27-10-2006
TKTT
(còn tiếp)
*Sách Trung Quốc dạy: Người quân tử phải có đức, nền của Đức là Nhân, nhân gồm 12 chữ...tác giả mạo muội thêm một chữ nhân thứ 13 vào.
** Khi quyết định tăng lương cho các lực lượng vũ trang, đặc biệt là công an, cao gấp đôi so với các ngành khác cho xã hội. Bị lãnh đạo ngành tài chính thắc mắc, Lê Duẩn gạt đi, khẳng định: Chúng nó là chó săn, phải cho chúng nó ăn no, chúng mới bảo vệ mình, dù sau này mình có nguy khốn thế nào đi chăng nữa, cũng từ câu nói này mà nhân dân thường gọi công an là lũ chó săn trung thành của Đảng cộng sản.
(Theo Web Vietnam News Network)