|
Phát Biểu của hai nhà văn Song Nhị và Đỗ Tiến Đức nhân buổi RMS Viết Từ Hang Ðá/ nhỏ lệ cùng dân của Trần Khải Thanh Thủy ngày 15 tháng 9, 2007 tại Nam Cali.
Thứ Hai, ngày 17 tháng 9 năm 2007
Phát Biểu của nhà văn Song Nhị Tại Buổi RMS VIẾT TỪ HANG ÐÁ/nhỏ lệ cùng dân - Westminster, Sept 15, 07
Kính thưa quý vị niên trưởng
Kính thưa Hòa Thượng cùng quý chư tôn lãnh đạo tinh thần,
Kính thưa quý vị trưởng cơ quan truyền thông báo chí và quý văn nghệ sĩ
Kính thưa quý đại diện các tổ chức, hội đoàn, quý chiến hữu
Cùng toàn thể quý liệt vị quan khách
Chúng tôi rất lấy làm vinh hạnh được BTC đề cử lên đây để chào mừng và cảm ơn sự hiện diện quý báu của quý liệt vị.
Ít phút nữa đại diện BTC, chị Bích Huyền sẽ có lời cám ơn đến các cơ quan truyền thông, và quý ân nhân bảo trợ cho buổi RMS hôm nay. TM Ban Ðiều hành CSTV Cội Nguồn và tạp chí Nguồn, tôi xin được ngỏ lời cảm ơn đến Hội đồng Quản Trị, quý chủ nhiệm/chủ bút và Ban BT nhật báo Người Việt đã dành cho BTC được sử dụng miễn phí hội trường cùng các tiện nghi khác cho buổi RMS tác phẩm Viết Từ Hang Ðá.
***
Thưa quý liệt vị,
Ðiều mà có lẽ quý vị muốn biết do duyên khởi nào chúng tôi có được tác phẩm Viết Từ Hang Ðá/nhỏ lệ cùng dân của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy để trao đến tận tay quý vị.
Xin thưa, tất cả những gì quý vị muốn biết chúng tôi đã trình bày đầy đủ trong phần dẫn nhập ở những trang đầu sách và mấy trang điện thư của tác giả ở phần cuối sách. Xin quý vị đọc trong sách để chúng tôi khỏi dài dòng làm mất thì giờ của quý vị. Về tên sách, tác giả đề nghị lấy tựa “HCM nhân vật trăm mặt nghìn tên”. Sau khi đọc lại toàn bộ các chương đoạn, chúng tôi mạn phép tác giả trích hai nhóm chữ từ hai bài viết khác nhau ghép lại đặt tên cho quyển sách: Viết Từ Hang Ðá/ nhỏ lệ cùng dân. Phần nhiều tiểu đề các chương đoạn cũng do NXB đặt tựa.
Về thân thế tác giả:
Trên trang bìa sau của cuốn sách, như quý vị thấy, có phần tiểu sử khái quát. Chúng tôi xin được trình bày sơ lược thêm đôi nét: TKTT chào đời tại Hà Nội, sáu năm sau Hiệp định Genève chia đôi đất nước. Tháng Tư - 75 khi nhà văn Dương Thu Hương theo đoàn quân nón cối vào đứng giữa Sài Gòn, ngẩn ngơ ân hận về một cuộc chiến nồi da xáo thịt phi nghĩa, mà bà đã bị lừa bịp để hy sinh tuổi thanh xuân cho cuồng vọng nhuôm đỏ cả nước, thì TKTT là một thiếu nữ ở tuổi 15, sinh ra và lớn lên giữa lòng đảng, giữa lòng XHCN. Nếu bình thường, ngày nay, TKTT phải là một cán bộ, một viên chức quyền thế, có đầy đủ địa vị và tiền của dư thừa, vung vãi như mọi tầng lớp cán bộ, đảng viên CS khác. Nhưng TKTT là một “nữ nhi không thường tình” giữa cái xã hội XHCN đảo điên hiện tại.
Bà xuất thân từ một gia thế phong lưu Nho giáo. Ông Nội, ông Ngoại là những nhà Nho. Ông Ngoại của bà là địa chủ, đã rạch bụng tự tử chết trong nhà tù. Thân phụ của bà, Ông Trần Khải Thanh là SQ. QÐND xuất thân từ trường Lục Quân. 45 tuổi ông xin nghỉ hưu non, sau đó trả thẻ đảng, tách rời khỏi mọi sinh hoạt chính trị kìm tỏa. Năm 1985 ông qua đời trong nghèo túng, và bệnh tật. Thân mẫu của tác giả năm nay đã ở tuổi 70. Bà cụ cũng là một người mẹ cuối đời thức tỉnh, nhìn ra sự thật nên đã sẵn sàng bảo vệ con gái của bà trong những lần bị tra hỏi, đấu tố...
- TKTT là Hội viên Hội Nhà Văn Hà Nội
“Hội viên Câu Lạc Bộ Thơ Nữ Hà Nội
“Hội viên Câu Lạc Bộ các nhà báo vui tính (thuộc Hội nhà báo Việt Nam)
- Bà đã được trao các GIẢI THƯỞNG:
“Tranh vui - Nụ Cười/ dự thi báo Tiền Phong 1983
“Truyện vui báo Văn nghệ (1982 - 1983)
Năm 2006 cùng lúc TKTT đoạt 5 giải thưởng của Phong Trào Hiến Chương 2000 tại Canada. Trong đó có “Giải Ðặc Biệt QUỐC HẬN 2006 với bút danh NGUYỄN THÁI HOÀNG
“Giải Ba Ðồng Hạng GIẢI QUỐC HẬN 2006 cũng của Phong Trào Hiến Chương 2000. Bút danh Trần thị Thanh Hằng.
Trần Khải Thanh Thủy Tốt nghiệp Ðại Học Sư Phạm khóa 4 năm ra trường năm 1982.
- Bà Viết báo, viết sách rất sớm. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường đại học, cô sinh viên TKTT “nổi tiếng” về những bài viết phản đề do Trung Ương Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh chủ trương. Với văn phong “trung ngôn nghịch nhĩ ”, không vừa lòng chế độ trong nhiều bài viết, TKTT trở thành đối tượng nghi án trong bài thơ “Mùa xuân nhớ bác” ký tên Phan thị Xuân Khải, đăng trên báo Tiền Phong, có đoạn:
Tuổi trẻ chúng ta
Không ít người lỡ thì mai một
Theo năm tháng cuộc đời
Ngoảnh lại nhìn mình chưa làm được bao nhiêu
Có học hành lại phải sống cầu an
Phải thu mình xin hai chữ bình yên
Bởi lẽ đấu tranh, tránh đâu cho được
Ðồng chí không bằng đồng tiền
Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp
Có mắt giả mù, có tai giả điếc,
Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung
Trấn áp đấu tranh dập vùi khốn khổ
Say sưa trong cảnh giàu sang
Thoái hóa, bê tha
khi dân nước gian nan, tơi tả...
Do thái độ đó, sau khi ra trường Sư Phạm, tác giả gõ cửa xin việc ở nơi nào cũng đều bị từ chối. Cuối cùng đành chấp nhận 11 năm nơi rừng xanh núi đỏ, dạy học tại các tỉnh miền núi Hòa Bình, Hà Tây. Ðến 1993 chuyển về báo Cựu chiến binh, mất biên chế vĩnh viễn. Do tính cách bộc trực thẳng thắn của mình... cùng lời lẽ nói thẳng, nói thật, không đồng nhất với đảng, trong bối cảnh xã hội tha hóa, dối trá từ trên xuống dưới, từ trong nội bộ lãnh đạo hạ tầng, đến bộ chính trị trung ương, nên TKTT luôn luôn bị CA theo dõi, kìm cặp ...
Tháng 7 năm 1994, do viết loạt bài - “Nước mắt chưa khô trên má mẹ hiền”; - “Ðêm đêm nhang cháy đỏ bàn thờ”, - “Bão còn thổi trong những vành tang trắng”; - “Ðất nước gian lao chưa bao giờ bình yên”; - “Vẫn còn đó nỗi đau của các bà mẹ liệt sĩ”; -“Cuộc đời mẹ là của nước non”... Những bài viết đó nhằm bênh vực các bà mẹ Việt Nam có công với đảng, bị lãng quên trong khốn khó, đói nghèo. Tác giả bị treo bút 6 tháng.
Sau khi bị kỷ luật ở báo Cựu chiến binh, tác giả tiếp tục làm hợp đồng cho một vài báo như tờ “Người cao tuổi”, tờ “Văn hoá văn nghệ công an”, “Lao động thủ đô” v.v.. Cuối cùng, đầu năm 1997, TKTT bỏ thẻ phóng viên, bỏ chế độ “ăn theo” về nhà viết văn và làm nhà báo tự do, sáng tác văn học...
Kể từ năm 1989 đến ngày bị bắt, TKTT đã có hàng chục tác phẩm ra đời gồm đủ mọi thể loại.. một số đã được các nhà XB trong nước in và phát hành.
- Tháng 12 - 2006 TKTT cùng các nhà dân chủ thành lập Hội Dân Oan Việt Nam, đồng thời bà là Ủy viên Ban Chấp Hành Ủy Ban Nhân Quyền Việt Nam.
- Tháng 2 - 2007 TKTT là nhà văn nữ VN được Tổ chức Human Rights Watch trao giải cao quý Hellman - Hammet cùng với 45 người viết văn trên toàn thế giới để công nhận và vinh danh tinh thần can đảm của người cầm bút trước những sự đàn áp của nhà cầm quyền.
- TKTT bị mời làm việc tại các đồn công an nhiều lần, bà từng nhận hàng chục cái trát đòi trình diện, từng bị chận bắt giữa đường, bị đám côn đồ được bố trí để hành hung bà, nhiều lần bị khám xét nhà, tịch thu sách vở, tài liệu, bài viết... Và sáng ngày 21- 4- 2007 bà bị công an chận bắt tại bến xe, dẫn về đọc lệnh bắt khẩn cấp và khám xét nhà, tịch thu computer, sách vở, tài liệu, Cell phone ...
|
Kính thưa quý vị,
TKTT đã bị bắt giam. Ðúng như lời Henry David Thoreau, một trong những người đề xướng chủ trương phản kháng bất bạo động, đã nói: “Dưới một chính quyền bất công, chỗ ở chính đáng nhất của những người yêu công lý là ở trong tù”. Và TKTT đã thể hiện nghĩa cử cao cả nhất của những người đấu tranh bất bạo động bằng cách vào tù. Theo các bản tin từ Hà Nội đọc được trên Net, khi TKTT bị còng tay dẫn ra khỏi nhà, bà đã hô to: “Ðả đảo đảng CS; Ðả đảo CA bắt người vô tội...”
TKTT biết trước hậu quả mà bà phải nhận lãnh, nhưng TKTT cũng đã sẵn sàng đưa vai gánh vác khi xung quanh bà chỉ thấy một sự nín lặng yếu hèn. Tác giả đã viết trong bài “Hang Ðá” như sau:
“Nếu coi tự do và nhân cách là thước đo chiều cao của mỗi người, thì dân tộc Việt Nam hiện tại hẳn là dân tộc có tỷ lệ lùn nhất thế giới. Chỉ những người liều chết thoát khỏi ngôi nhà định mệnh Xã hội chủ nghĩa bóng đêm đầy ma quái, mới có nổi chiều cao đích thực của mình...”
Cũng có lúc tác giả đứng trước ngả rẽ chung riêng, và bà tự hỏi:
- Phải ngoảnh mặt giữa cuộc đời dối trá, hay mở mắt ra và nhỏ lệ cùng dân? ... cách nào cũng khó cả, cái giá của tự do sao mà đớn đau khủng khiếp.... song mình lại là con người khao khát tự do đến mãnh liệt....
Ngoài niềm tin vào chính nghĩa, vào sức mình, TKTT còn đặt niềm tin bền vững vào ba triệu bà con, đồng bào hải ngoại mà tác giả coi như hàng triệu ngôi sao giữa bầu trời tỏa sáng tự do, bà viết như sau:
- tôi luôn vững tin vào hàng triệu ngôi sao sáng nhấp nháy nơi bầu trời, bởi đó chính là tấm lòng của ba triệu bà con anh em việt Kiều nơi Hải ngoại - một lòng, một dạ hướng về đất nước quê hương, cội nguồn dân tộc, để bóng đêm nô lệ không thể tồn tại trên mảnh đất cha ông.
Kính thưa quý vị,
TKTT là một nhà văn, là một nhà trí thức và tri thức thời đại. Bà chỉ có cây bút là vũ khí duy nhất để bày tỏ tấm lòng và nghĩa khí trước thân phận của tuyệt đại bộ phận dân tộc bị áp bức và tước đoạt quyền sống chính đáng của một người dân. TKTT không có súng đạn, không có dao búa, cũng không hề cầm trong tay một ngọn roi để đe dọa ai, nhưng TKTT đã bị bắt giam, bị cách ly với gia đình trong đó có đứa con, nhỏ nhất 4 tuổi. TKTT đang bị đày đọa trong ngục tù.
Chúng tôi tha thiết kêu gọi các tổ chức cộng đồng Việt Nam hải ngoại, quý vị dân cử, các cơ quan truyền thông báo chí hãy lên tiếng mạnh mẽ can thiệp, đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội phóng thích tức khắc và vô điều kiện nhà văn TKTT cùng các nhà văn bất đồng chính kiến khác hiện đang bị giam giữ ở Việt Nam.
Trân trọng cám ơn và kính chào quý liệt vị.
Song Nhị
-----------------------------------------
Phát Biểu của nhà văn Đỗ Tiến Đức Về Tác Phẩm Viết Từ Hang Đá của Trần Khải Thanh Thủy, ra mắt ngày 15 tháng 9, 2007 tại Nam Cali.
Thưa qúi ông bà
Thưa anh chị em
Trước hết, tôi xin thưa với qúi ông bà và anh chị em một số điểm đặc biệt về buổi ra mắt sách hôm nay.
- Thứ nhất, cuốn Viết Từ Hang Đá do nhà xuất bản Cội Nguồn của một số văn nghệ sĩ gốc quân đội Việt Nam cộng hòa phát hành. Nhà xuất bản này ở San José. Thay vì như thường lệ, nhà xuất bản sẽ tổ chức ra mắt cuốn sách ở miền Bắc Cali. Nhưng, lần này qúi anh đã ưu ái mang công trình của họ tới Nam Cali ra mắt trước. Xin thay mặt độc giả trong hội trường này, cảm ơn qúi anh chị trong cơ sở Cội Nguồn.
- Thứ hai, buổi ra mắt sách hôm nay khác với những buổi ra mắt sách tại đây, là không có tác giả hiện diện. Lý do : Tác giả đang ở trong nhà tù cộng sản. Bà bị tù vì đã cưu mang đứa con tinh thần của bà mà chúng ta đang được vinh dự chào đón giây phút chào đời tại đây. Xin thay mặt đồng bào có mặt trong hội trường này, gửi tới nhà văn Trần Khải Thanh Thủy lời nhắn rằng, xin bà an tâm, thể theo ý nguyện của bà, mà nay cũng là ý nguyện của những người Việt nam yêu nước, chúng tôi sẽ đưa đứa con này của bà tới đồng bào khắp nơi như nối vòng tay lớn, sẵn sàng rửa nỗi nhục và nỗi đau cho bà và cho dân tộc.
- Thứ ba, cuốn Viết Từ Hang Đá là một tuyển tập gồm các bài tiểu luận, phê bình, phóng sự, sáng tác, truyện ngắn và thơ. Nếu sắp theo nội dung của những bài viết này thì có thể nói, hôm nay chúng ta ra mắt tới ba tác phẩm trong một cuốn sách: - Cuốn thứ nhất là tuyển tập thơ văn của Trần Khải Thanh Thủy. - Cuốn thứ hai là Cáo trạng tội ác của đảng cộng sản Việt Nam. - Cuốn thứ ba là Lột Mặt Nạ Hồ Chí Minh.
Nhận xét về thơ văn của Trần Khải Thanh Thủy
Theo nhà xuất bản Cội Nguồn thì nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã hoàn thành 16 tác phẩm nhưng phần lớn chưa in. Lý do là ở trong nước, từ khi Trần Khải Thanh Thủy đứng về hàng ngũ những người dân chủ thì không nơi nào in các sáng tác của bà. Nhà văn nữ này viết tiểu thuyết, truyện ngắn, viết phóng sự, làm thơ làm vè, viết tiểu luận phê bình văn học và chính trị. Tóm lại bà là một cây viết đa dạng. Mà ở dạng nào thì chữ nghĩa của Trần Khải Thanh Thủy cũng lồng lộng hình ảnh và cũng chát chúa âm thanh của một đám phụ nữ thôn quê chửi lộn.
Với cuốn Viết Từ Hang Đá, nhà xuất bản Cội Nguồn giới thiệu như sau : “Tác phẩm gói gọn một quãng đời thanh xuân, đánh đổi bằng nước mắt, nỗi tủi nhục, và tù đày của một nữ nhi thời đại. Một tác phẩm hào hứng mà đau buồn. Ðọc mê say mà thương cảm”. Qủa đúng như thế. Khi đọc những trang chữ của Trần Khải Thanh Thủy là tác giả đã để chúng đứng vào đám người cô thế đang bị đau đớn, bị dầy xéo trong một cảnh đời bất công bởi bọn thảo khấu lục lâm, hải tăc mà tên gọi cúng cơm của chúng là đảng cộng sản.
Nhưng giữa lúc ta phẫn nộ bọn cường quyền hay ta đang cảm thương lớp người ruột thịt của chúng ta bị đầy đọa, thì Trần Khải Thanh Thủy lại làm chúng ta bật cười thật bất ngờ. Và tiếng cười đó sảng khoái như khi ta vừa nhổ một bãi nước miếng vào mặt kẻ thù. Chẳng hạn, trong bài viết về cảnh công an tổ chức tòa án nhân dân đấu tố bà, một mụ được công an đưa ra chửi bà “Hở cái con phản động kia? Mày có phải ra trận ngày nào không? Phải cầm súng ngày nào không? Trong nhà mày có ai là liệt sĩ không? Mà mày phủ nhận công lao của chồng, cha, con, anh em chúng tao thế hả? Mày còn dám vu cáo Bác Hồ, nào là có vợ, nào là có con, nào là giết dân, phá nước, không yêu tổ quốc, đồng bào...? Bác Hồ mà thế à? Cả thế giới người ta yêu quý bác Hồ, cả Việt Nam thờ phụng bác... Thờ cả cái của quý của bác. Chỉ có mày...mày... “. Có lẽ do cảm xúc phẫn nộ dồn nén, nên Trần Khải Thanh Thủy luôn luôn đã sử dụng những chữ rất táo bạo cho hả giận. Nhưng không hiểu sao trong đoạn văn này tác giả lại “văn vẻ” qúa, chứ làm gì mà mụ đàn bà nhà quê kia đời nào lại nói “cái của qúy của bác” đâu.
Trong bài “Cú Chạm Mặt Bất Ngờ”, viết về cảnh bà bị công an vu cáo bà có ma túy trong người để bắt bà,thế là suốt bài, hễ tả tên công an nào, bà cũng thấy bản mặt chúng nó “như cái mông đít”. So cái mặt công an với cái mông đít, mà nhà văn Trần Khải Thanh Thủy cho là đắc ý, nhưng theo tôi thì tội nghiệp cho cái mông đít lắm. Bởi về mông đít là một bộ phận cần thiết của cơ thể, là vẻ đẹp từng làm nên danh nên phận cho nhiều phái nữ, trong khi cái mặt của đám công an cộng sản hoàn toàn vô dụng cho xã hội nếu không nói là còn tác hại cho xã hội.
Trước đây, ở miền Nam, nhà văn Chu Tử đã so sánh cái đầu một nhà báo có tiếng với cái mông tài tử Thẩm Thúy Hằng. Lý do là đầu ký giả này hói, cái trán tròn, bóng loáng, căng những chữ. Còn cái đám công an, nói chung là đảng viên cộng sản, hầu hết đều trán hẹp, thâm đen, không thể đề cao mặt chúng là cái mông đít được.
Xin thêm một thí dụ khác. Trần Khải Thanh Thủy viết một bài, lấy tựa đề là “Ôi Việt Nam ! Xứ sở mù lòa !”. Tôi không biết tác giả dùng chữ mù lòa này ý nghĩa thế nào để không mang tiếng là miệt thị dân tộc . Dân tộc Việt Nam không mù lòa dù sống trong thời cộng sản chiếm đóng, trong cảnh cá chậu chim lồng, kiến thức và miếng ăn đều theo chế độ hộ khẩu qua nhiều thập niên. Bằng cớ là chúng ta có những Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Văn Lý.
Đại khối nhân dân Việt Nam phải nói là rất sáng mắt sáng lòng. Thế nhưng họ không bầy tỏ chỉ vì bạo lực của công an. Họ đang ngóng mắt chờ người châm ngọn lửa đồng khởi vì họ là thùng thuốc súng.
Ngay cả cái đám cộng sản kia, chúng nó cũng không mù lòa đâu. Chúng nó biết hết về Hồ Chí Minh là tên giả nhân giả nghĩa, là một anh bịp, nhưng chúng nó vẫn giả vờ tôn vinh tạo nên cảnh cây đa và ông bình vôi để chúng thu hoạch đồ cúng.
Cho nên chúng ta từng nghe nói rằng người Việt Nam bây giờ có hai bộ mặt. Một bộ mặt khi đứng trước đảng và bộ mặt khi đứng với dân. Và chúng ta cũng biết rằng lưu manh gian trá đã trở thành một nghệ thuật sống. Tất cả chỉ vì nước Việt Nam bất hạnh nên có “Bác và Đảng”.
Rồi tựa của cuốn sách ra mắt ngày hôm nay, tại sao lại có tên là “Viết Từ Hang Đá” ?
Trong bài “Hang Đá”, tác giả cho biết bà thích gọi căn nhà của gia đình bà là “hang đá”. Lý do là căn nhà bà trơ trụi, nhẵn nhụi, bao nhiêu đồ vật trong nhà cứ bán dần để lấy tiền mua gạo. Hang đá cũng có nghĩa là căn nhà bà ở tuy là giữa thành phố Hà Nội nhưng cũng như ở rừng vì chẳng ai lui tới, người nào cũng sợ mang họa với đám công an rình mò, đang lãnh nhiệm vụ cô lập bà.
Như vậy là giữa Hà Nội có những hang đá và dưới mắt Trần Khải Thanh Thủy thì Hà Nội không hơn gì một cánh rừng hoang. Điểm này khiến những người Hà Nội như chúng tôi cảm thấy se lòng vì tự ái bị tổn thương. Hà Nội của chúng tôi từng được ca ngợi là thành phố ngàn năm văn vật mà. Ngày nay, cộng sản chiếm đóng Hà Nội, dù chúng có bầy ra những trò khỉ chăng nữa, thì quan nhất thời, dân vạn đại, chế độ đó phỏng liệu còn bao năm so với Hà Nội là thiên thu thanh lịch.
Lại nữa, nếu dùng chữ “hang đá” để nói về cách sống, cách suy nghĩ rừng rú man rợ của đám cộng sản thì tôi tự hỏi không lẽ Trần Khải Thanh Thủy đã nhẹ tay với đám tội đồ cộng sản rồi sao!
Bởi vì trong rừng núi, ai cũng biết là các muông thú không ăn thịt đồng loại trong khi cộng sản nhìn người đồng loại nào cũng là thù nghịch, là phản động, là muốn bắt nhốt và thủ tiêu.
Bởi vì trong rừng núi, có cảnh cọp báo bắt hươu nai, nhưng đó là bản năng sinh tồn, và chúng chỉ dùng sức mạnh để cắn xé nhau. Còn cộng sản không giết người giản dị như cọp báo. Chúng còn dùng mưu mẹo. Chẳng hạn, để bắt Trần Khải Thanh Thủy, công an mặc thường phục, chặn đường rồi vu cáo trong người bà có ma túy. Chúng còn dùng thủ đoạn. Chẳng hạn, để bỏ tù Trần Khải Thanh Thủy, chúng vu cáo bà là ăn tiền của “thế lực thù địch” tức là “những khúc ruột ngàn dậm” của chúng. Cho nên nói ngôi nhà trong xã hội cộng sản là hang đá, cộng sản là thú rừng thì nếu thú rừng biết nói, chắc có lẽ chúng sẽ phải đi biểu tình phản đối vì đã đồng hoá chúng với bọn cộng sản.
Thêm một điểm nữa là, bà Trần Khải Thanh Thủy tưởng rằng căn nhà của bà là hang đá thì bà và chồng con bà sống yên ổn. Nhưng không. Hang đá chỉ ngăn được hoang thú chứ không ngăn được công an cộng sản. Bằng chứng là chúng đã xông vào nhà bà, quậy phá sách nhiễu và lôi cổ bà lên xe tống vào nhà giam.
Cáo trạng tội ác cộng sản
Bất cứ một người lương thiện nào cũng có thể kể không cần suy nghĩ, hàng chục hàng trăm tội ác đủ loại của cộng sản. Ở Hoa Thịnh Đốn, ông tổng thống Bush vừa khánh thành đài tưởng niệm 100 triệu nạn nhân cộng sản. Ở Việt Nam, hàng triệu người đã bị cộng sản giết và cả triệu người khác chết vì tin lời cộng sản nói. Trần Khải Thanh Thủy đã kê tội ác của cộng sản trên từng trang của tác phẩm dầy 400 trang của bà. Bà gọi thời đại Hồ Chí Minh là thời không thể đểu hơn được nữa. Bà nhấn mạnh vào tội ác hủy hoại nhân bản, tội ác ngu dân của chúng. Bà khẳng định : “Đảng cộng sản Việt Nam là một đảng vô cùng tàn ác và bất nhân, gây bao nhiêu tang tóc, oan khiên cho người Việt Nam”.
Nổi bật nhất trong ít năm gần đây là vụ “dân oan khiếu kiện”gọi nôm na là những người bị bóc lột. Bà đã viết bài tường thuật tại chỗ là vườn hoa Mai Xuân Thưỡng, Hà Nội, nơi qui tụ hàng trăm dân oan từ cả nước tới ngồi chờ nhà nước giải quyết, trả đất trả nhà bị đảng viên ỏ địa phương cướp đọat. Bà đã chuyển tiếng kêu cứu của dân oan ra hải ngoại, tới khắp thế giới. Và qua những bài viết này, loài người được biết rõ hơn sự thối tha, hèn hạ và tham lam của đám cộng sản Việt Nam. Cũng chỉ vì những bài báo này mà Trần Khải Thanh Thủy bị cộng sản Hà Nội đấu tố, bắt giam ngày 21 tháng 4, 2007 cho tới nay.
Và dân oan suốt từ Hà Nội đến Sài gòn bị đàn áp.
Trần Khải Thanh Thủy đã kêu gọi đồng bào ở hải ngoại : “Hãy rửa nỗi nhục nỗi đau này cho chúng tôi”.
Vâng, đáp lời kêu cứu Trần Khải Thanh Thủy là vài ba buổi thắp nến cầu nguyện vào tối cuối tuần, xin Ơn Trên phù hộ sao cho mấy thằng cộng sản thôi cộng sản vì chúng ta đã khẳng định với cộng sản là chúng ta đấu tranh nhưng không bạo động.
Thưa qúi ông bà, anh chị em,
Vì cuộc đấu tranh của dân oan khiếu kiện, mà cũng là cuộc tranh đấu chống lại đám tội đồ cộng sản còn đang tiếp tục, tôi xin đưa một đề nghị để đáp lại lời kêu gọi khẩn thiết của nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, mà không mất nhiều thì giờ và tiền bạc.
Đó là chúng ta hãy thu thập những bài viết, những bản tin, những hình ảnh về các cuộc biểu tình của dân oan khiếu kiện ở trong nước, in thành sách để hoàn tất bản Cáo trạng tội ác cộng sản Việt Nam mà Trần Khải Thanh Thủy viết dở dang. Những bức ảnh đó, những bài viết đó tác giả của nó đã phải chấp nhận hiểm nguy, có khi phải trả bằng những ngày tù tội và bằng máu.
Lột mặt nạ Hồ Chí Minh
Có thể nói cuốn Viết Trong Hang Đá là viết về tội ác của Hồ Chí Minh. Riêng những bài viết về Hồ Chí Minh đã chiếm trên một phần ba số trang của cuốn sách. Bà viết thơ, viết ca dao, viết truyện, viết phóng sự, viết tiểu luận giống như người chiến sĩ dùng súng cá nhân, liên thanh, dao găm, lựu đạn, mìn, miễn là hạ được địch thủ. Dưới ngòi bút của bà, Hồ Chí Minh đã hiện nguyên hình là một kẻ giả nhân giả nghĩa, một kẻ vô đạo đức, một kẻ vì cuồng vọng cá nhân mà hy sinh cả quyền lợi của đất nước và giống nòi, Phải nói là mỗi khi viết về Hồ Chí Minh, tôi cảm thấy máu trong người tác giả sôi lên. Lúc đó bà không cần văn chương văn vẻ gì nữa. Bà dùng ngôn ngữ của đại chúng để chửi cho đã miệng.. Theo tôi, sở dĩ Trần Khải Thanh Thủy đánh thẳng vào Hồ Chí Minh vì bà biết, đây là tử huyệt của đảng Cộng sản. Hễ lột được mặt nạ giả nhân giả nghĩa, giả yêu nước của Hồ Chí Minh thì đám âm binh kia tự nó sẽ tan.
Qúi vị vừa nghe một mụ nhà quê khi chửi Trần Khải Thanh Thủy, đã chu miệng lên mà nói rằng nhân dân cả nước thờ cái của qúy của Bác. Đó là hậu qủa của cái gọi là huyền thoại Hồ Chí Minh không có vợ, và không cả gần đàn bà, để dành thì giờ và tâm trí cho nước. Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã quyết tâm phá tan huyền thoại này. Nghĩa là quyết tâm giật những bức hình Hồ Chí Minh lộng kiếng đem liệng xuống cống. Bà đã chứng minh bằng những sự kiện cụ thể, như bà đã gặp người con trai của Hồ Chí Minh tên là Nguyễn Tất Trung đang sống ở Hà Nội. Bà cũng phơi bầy bản di chúc thứ tư, viết tay, của Hồ Chí Minh, trong đó ông ta thú nhận có đứa con gái với một người đàn bà Pháp. Đây là thơ của Trần Khải Thanh Thủy viết về “cha già Hồ chí Minh”:
Tội này muôn sự tại cha
Vì cha nước mất và nhà cũng tan
Tội này làm khổ con dân
Đau thương hụt hẫng, nghèo nàn, tha hương.
Ngàn đời oán hận còn vương
Cụ Hồ lộng kiếng muôn phương vui vầy.
Đứng giữa gông cùm cộng sản, công an dầy đặc mà Trần Khải Thanh Thủy cất cao tiếng nói như thế, phải nói là khí phách , là chấp nhận tù đầy, chấp nhận chết. Ước mong cuốn sách của Trần Khải Thanh Thủy được mang về Việt Nam để mọi người liệng cống hình Hồ.
|
Kết luận
Trần Khải Thanh Thủy đang ở tù không có bản án, không biết ngày nào được thả. Đi tù chỉ vì thực hiện quyền tự do tư tưởng của con người. Theo những cáo trạng trong Viết Trong Hang Đá, thì cộng sản Việt Nam phạm muôn ngàn tội ác với đất nước, với dân tộc. Luật sư Trần Thanh Hiệp khi viết về Việt Nam hiện nay phải than rằng : “Gian manh, vô đạo, vô văn hóa nay không còn là vấn đề "tác phong, đạo đức cá nhân" nữa mà đã được "công nghiệp hóa (kỹ nghệ hóa)" rồi.
Vậy mà nhiều người chạy theo xu thế thời thượng, giờ đây chống cộng sản chỉ với lý do cộng sản vi phạm nhân quyền.
Những người đó nên hiểu rằng khi ta chỉ lên án cộng sản vi phạm nhân quyền thì có nghĩa là chúng ta đã tự cải tội danh cho cộng sản, từ tội tử hình sang tội vi cảnh nộp phạt vài ba chục bạc.
Tôi mong muốn các tổ chức của cộng đồng và đồng hương sớm viết lên bản lên tiếng bênh vực nhà văn Trần Khải Thanh Thủy như vài tổ chức quốc tế đã làm. Chúng ta cần phải lên tiếng, dù sự lên tiếng của chúng ta cũng sẽ không đủ sức nặng buộc cộng sản phải thả bà Trần Khải Thanh Thủy.
Nhưng khi chúng ta lên tiếng là chúng ta xác nhận rằng chúng ta hãnh diện đứng bên Trần Khải Thanh Thủy.
Bà là một chiến sĩ với bầu máu sục sôi, quyết tâm nối tiếp cuộc chiến đấu chống cộng sản mà chúng ta đã làm và đang làm nhưng nhiều người đã buông xuôi hay tệ hơn nữa, đã trở cờ.
Thật là hứng khởi khi thấy trong sách, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy đã công khai nhận lá cờ vàng là biểu tượng cho chính nghĩa dân tộc. Ta hãy nghe bà tâm sự : “Tôi quyết làm một hòn than ngậm lửa để tỏa sáng cho mình, cho đời, vực một phần sự sống và tương lai dân tộc lên trên trang giấy mong manh, treo những vần thơ vẫy gọi – như những lá cờ vàng – trên đầu ngòi bút để lớp trẻ hướng đến, tìm về, bước theo, xốc tới”..
Biết mình là trứng chọi đá, là châu chấu đá xe khi đương đầu với cả một guồng máy cùng hung cực ác, Trần Khải Thanh Thủy vẫn vững chắc tin tưởng rằng cái chế độ phản dân hại nước đó chắc chắn phải sụp đổ trước sự đồng khởi của nhân dân trong xu thế tự do dân chủ của thời đại. Nhưng trong cái vui to lớn đó, bà đã nghĩ tới tấm thân nhỏ bé cân nặng có 45 ký của bà, lại đang bị ho lao, có thể sẽ chết vì đòn thù của cộng sản. Và bà viết di chúc :
Nếu tôi chết xin ghi lên huyệt mộ
Rằng đây là người yêu nước thương dân.
Vâng, Trần Khải Thanh Thủy ngay từ lúc này đã được đồng bào ghi nhận bà là người yêu nước thương dân. Và tên tuổi của bà sẽ không chết mà sẽ sống mãi mãi với tác phẩm này. Tôi hy vọng trong thời gian ngắn nữa, cộng đồng hải ngoại sẽ có tin vui, sẽ chung tiền mua vé máy bay gửi về Việt Nam, mời nhà văn Trần Khải Thanh Thủy sang Mỹ dự buổi ra mắt tác phẩm thứ hai của bà, tên là Viết Từ Hà Nội, hát cười cùng dân.
Xin kính chào qúi ông bà và anh chị em.
Đỗ Tiến Đức.
(Theo Web Việt Vùng Vịnh)