Friday, September 14, 2007

Về một người mang tên TKTT


VỀ MỘT NGƯỜI MANG TÊN TRẦN KHẢI THANH THỦY

Chu tất Tiến

Có lẽ phải xin lỗi em vì tôi chưa đọc hết "Tuyển tập Trần Khải Thanh Thủy" dầy gần 400 trang này. Có lẽ tôi sẽ không đọc tiếp nữa, hoặc nếu đọc, chắc phải một thời gian nữa. Một tháng, hai tháng... không chừng. Vì tôi sợ. Vì tôi không có can đảm. Tôi không thể đọc một mạch như đã từng làm trong nhiều năm đọc sách trước đây. Tôi sợ tôi sẽ bấn loạn, sẽ muốn nổi cơn giận dữ, sẽ muốn vỡ tung lồng ngực ra. Bởi văn chương của em căng thẳng quá. Văn chương của em là văn nổi loạn, văn phẫn uất, văn của những tâm hồn ngây thơ bị cuộc đời đầy đọa tơi bời, văn của những nữ sinh tiểu học bị lưu manh giật cặp táp, văn của những cánh bướm mỏng manh dẫy dụa trong tiếng cười đắc chí của kẻ tìm bướm ép sách, văn của bông hồng mỏng manh rũ rượi trước gió bão thô bạo. Tuy thế, những bông hoa yếu ớt kia vẫn kiên cường chiến đấu bằng mấy cái gai nhọn lưa thưa, những cánh bướm kia cố gắng các động tác đập, vẫy cuối cùng trước khi chịu nằm im. Thà tan nát xác mình nhưng không cho kẻ ác thỏa mãn nhìn ngắm mình nguyên vẹn. Đọc văn của em, tôi tưởng như nhìn thấy một bé gái đang bị côn đồ nắm tóc giật tai, nhưng vẫn cố gắng chiến đấu, bằng hàm răng nhỏ bé, bằng nắm đấm không hơi. Đến khi không còn sức đẩy, thì xử dụng vũ khí sau hết là chửi văng mạng những danh từ nào nhớ được trong đầu. Mông, đít, cứt, đái... Tất cả là những vũ khí, biết là chẳng gây được chút thương tích nào cho kẻ ác, nhưng vẫn mong chúng chán nản mà bỏ đi.

Nhìn thấy cảnh "người bóc lột người" như thế, tôi phẫn nộ. Tôi bàng hoàng, tôi bập vào môi, tôi rơi nước mắt. Vì tôi thấy mình bất lực, trì độn. Không làm gì được cho em, dù một lời an ủi, một bàn tay vuốt tóc. Tôi không thể dùng sức mạnh của mình mà che chở cho em, một thân phận lả lướt như bèo, hết trôi xuống Đông lại tạt lên Tây, hết qua đèo, lại rơi vào nước xoáy. Em cứ bị liên miên theo dõi, trù dập không ngừng, lúc giật máy vi tính, khi cướp sách vở, lúc đột nhập vào nhà vặn vẹo, khi lén lút mua chuộc, hỏi han. Càng đọc tuyển tập của em, những đoạn văn tả cảnh bị tra vấn, chấp cung, những đoạn tả tình với các tư tưởng giận dữ, chán ghét, hy vọng và mông lung, tôi có cảm tưởng em như trái bóng bị đá tứ tung, nhưng vẫn vươn mình lên, tròn trặn, vẫn óng ánh làn da, vẫn thở đầy buồng phổi.

Em bỏ thành phố này sang tỉnh lỵ khác, em mất tập bản thảo này lại sáng tác bài kia, em lùi một bước vì đứa con thơ nhưng lại tiến lên liên hoàn mấy nhịp điệu mới. Em là giòng nước xanh, Thanh Thủy, dịu dàng luân vũ sông Hồng, ẻo lả sông Thương, dũng mãnh sông Cửu, ngang ngạnh sông Thu Bồn, sông Gấm. Em dồi dào phù sa, em tuôn chẩy sức sống, mặc cho người đào bới, lấp ngọn, ngăn nguồn. Những bài văn của em vẫn đều đều một giọng thanh cao, mặc dù thấp thoáng trong đó là rêu xanh, cỏ úa. Tuy em chửi đời, nhưng vẫn yêu người, Con Người Chân Thực, và Con Nguời Hy Vọng. Em viết trân trọng về Hồ Xuân Hương, một phản kháng trong thi ca, nhưng chính em mới là một Hồ Xuân Hương cách mạng từ ý tưởng đến ngôn từ. Cách trình bầy "phồn thực" của em thật là độc đáo, trây trúa mà thơ ngây, dân giả mà trí thức. Cô giáo như em là ngòi nổ sân trường, là cánh hoa phượng gắt gao, đỏ chói, rực rỡ báo mùa nóng bức đang tới. Các đoạn ca dao, tục ngữ của em bắt người đọc cười như điên, rồi lại chùng xuống nức nở với các bài viết về sự tra tấn, hành hạ giữa người tự phong là "đỉnh cao trí tuệ" và người bị coi là đồ vật của một tập thể độc tài, mất lương tri.

Vì thế, tôi không thể đọc tiếp sách của em nữa. Tôi không muốn mình hỗn độn, chập chùng. Tôi không có khí phách như em, dù tôi to lớn. Cũng không có khả năng chống chọi như em, dù tôi còn tỉnh táo. Tôi chỉ có thể, ngồi tại một nơi xa xôi, cách em cả nửa quả địa cầu, mà gửi đến em một lời chia xẻ mông lung, vài câu xã giao, xuông tình, và mong em thứ lỗi cho sự giả dối của tôi, nếu những điều tôi viết, không đến tự trái tim của một người lưu vong, bất lực trước Tội Ác đang hoành hành trên quê hương mình. Và, chỉ có thể giới thiệu cuốn sách của em - cuốn sách mà tôi không dám đọc hết- để những ai can đảm hơn tôi có cơ hội chia xẻ cùng em vài ánh văn cách mạng.

Chu tất Tiến.

-Buổi giới thiệu sách của Trần Khải Thanh Thủy được tổ chức vào lúc 1 giờ chiều, ngày Thứ Bẩy 15 tháng 9 năm 2007, tại Nhật Báo Người Việt, đường Moran, thành phố Westminster.

(Theo Web Ánh Dương)