Những nghịch lý cuộc đời
Giọng thằng Toàn đọc thư oang oang:
- “Thưa mợ, nếu không có gì thay đổi, đầu tháng sau, ba con cháu sẽ hành hương về nguồn gặp người xưa, cảnh cũ, thăm lại đền Hùng Vưng, dấu ấn của nền văn minh sông Hồng và thủ đô Hà Nội... sẽ nhờ mợ và các em dẫn đi thăm Bảo tàng lịch sử, Bảo tàng Cách mạng - cuốn sách giáo khoa ngắn gọn, đầy sức thuyết phục đồng thời là niềm tự hào của đồng bào xa Tổ quốc. Thăm lại Văn miếu - trường Đại học đầu tiên của Vịêt Nam hàng ngàn năm về trước. Mợ ơi! Chỉ kịp nghĩ đến đây thôi cháu đã muốn bay về với mợ ngay rồi.
Xa tổ quốc, ba cháu vẫn nhớ mùi vị quê hương, từ bát canh rau muống nấu tương gừng, món phở tái lăn, phở xào bốc hơi nghi ngút thơm lừng mùi hành lá, món nem chua, chả quế với đầy đủ gia vị và thứ nước chấm pha cà cuống nổi tiếng không nơi nào trên thế giới có được... Mợ ơi, cháu tin với tài nội trợ của mợ, hẳn sẽ làm ba cháu vừa ý...”
- Giời ơi là giời...mẹ tôi quay đi, thiếu mức oà khóc.
Thằng Toàn buông rơi lá thư, quay sang tôi, nhấm nháy:
- Mẹ lại nhớ bố rồi...
- Không phải, tôi bảo, “giọng thẳng ruột ngựa”: Tính mẹ tằn tiện, ngại tốn. Một bữa cơm người mất mười bữa cơm nhà... Cơm bác - cơm ngoại quốc... mẹ sợ...
Bỏ qua những lời dạy bảo của tôi, nó toe toét.
- Em sẽ xin phép mẹ ra sân bay đón bác.
- Mẹ chẳng đi đâu cả, mất buổi chợ lại ba xuất ô tô sang bên ấy hơn mấy chục nghìn cả đi lẫn về, đừng hòng... rồi mày xem.
***
Nhân bảo như thần bảo. Ngồi xếp bằng bên mâm cơm - bác giang tay sởi lởi:
- Mợ thấy tôi tài không? Xuống máy bay, ngơ ngác như con bò lạc... thế mà ba mươi lăm năm nay rồi hoá ra tôi vẫn còn nhớ cái phố Phan Thanh Giản này để tìm về đấy nhớ.
Giọng mẹ tôi buồn rầu:
- Vâng, bây giờ được đổi thành phố Nguyễn Hữu Huân bác ạ.
Nhìn một lượt khắp trong nhà, ngoài sân bác ngơ ngác:
- Thế chú ấy đâu?
Mẹ trả lời như máy:
- Nhà em mất lâu rồi, bác không nhìn ảnh trên bàn thờ sao?
Mắt bác loang loáng ướt - đôi đồng tử nở xoè như chiếc cúc áo.
- Mất ư? Hả? Sao mợ không báo cho tôi biết... Trời ơi, xuống sân bay không thấy ai ra đón, tôi nghĩ chú vẫn còn giận tôi. Mang tiếng là anh em thật, nhưng lại theo đuổi chí hướng khác nhau. Năm 1954, trước ngày tôi vào Nam. Hai anh em cãi nhau một trận chí chết. Chú tuyên bố “từ tôi”... ai ngờ...
Thái độ chân thành của bác khiến mẹ tôi cảm động, rơm rớm nước mắt.
- Em cũng biết... xa cách ngoài 30 năm, anh em nhớ nhau lắm... nhưng xa quá. Đánh điện bác cũng không về được, mà thư từ đi lại tốn kém ra... Từ ngày nghỉ hưu em đi chợ chỉ mong kiếm cho các cháu cân gạo, thư sang Tư bản cho bác dễ đến ba bốn ngày chợ của em.
- Sao nghỉ hưu mợ còn phải đi làm? Giọng bác ngơ ngác hơn cả tin bố tôi mất.
- Lương hưu không đủ nuôi các cháu bác ạ.
- Nhà nước phải đảm bảo cơ mà?
- Vâng. Mẹ trả lời lấp lửng, nước đôi - cũng hy vọng thế, nhưng chỉ thế hệ sau này bác ạ. Còn bây giờ “độc lập, tự lo, hạnh phúc”.
Ngập ngừng một lúc, bác lại hỏi:
- Thế tiền tôi gửi dạo chú ốm. Mợ nhận được không?
Mẹ tôi hồ hởi.
- Được ạ. Một France đổi thành 1,1 đồng Việt Nam... ba trăm France của bác, em gom góp tằn tiện nuôi dưỡng thuốc thang cho nhà em, còn vài chục lẻ nữa tranh thủ mua cái xe tòng tọc cho cháu đi học. Khỏi sợ mất.
- Đâu rồi? Bác hỏi. Đôi tròng mắt đảo liên tục như đảo lạc rang trên cho nóng.
Mẹ tôi cười vẻ biết lỗi.
- Từ ngày nhà em mất... cứ như là “vận áo xám”, ba mẹ con đau ốm triền miên. Đi chợ buổi đực buổi cái. Bao vốn liếng theo nhau trèo qua cửa sổ hết cả... cũng may nhận được thư bác, cháu lớn cũng vừa tốt nghiệp xong, chẳng cần đi đâu, nhà lại chật, em bán béng đi thêm tiền mua thức đãi bác.
Mắt bác loang loáng nước, nét mặt bần thần, ngơ ngác, không khí trong nhà ắng lặng... định thần lại bác hỏi:
- Số quần áo cũ còn tốt, tôi gửi về ba bốn lần mợ nhận được chứ.
Vâng. Mẹ mệt mỏi thanh minh.
- Hàng Tư bản bị nâng cao để đánh thuế 50 - 70%. Em giữ cho mỗi cháu một bộ mặc còn bao nhiêu phải bán đi để đập vào cước nhận hàng, coi như hoà bác ạ.
Giọng bác tôi trùng hẳn xuống, khác hẳn không khí hồ hởi ban đầu.
- Chờ mãi không nhận được thư mợ báo. Tôi chán quá chẳng muốn gửi về nữa.
- Vâng. Mẹ đáp, giọng có phần nao núng - Biết bác quan tâm tới em, tới cháu, mà... hoàn cảnh của bác cũng chỉ là hoạ sĩ nghèo, hưởng lương thất nghiệp lại “cha già con cọc”... em cũng không dám quấy, để bác sống.
Ba anh em tôi ngồi như ba ông bụt mọc, vẻ nôn nóng sốt ruột... nhất là anh Quý, con trai bác, 25 tuổi trông như một ông “tây ngố”. Cặp mắt cứ lơ láo hết các xó xỉnh trong nhà đến mâm cơm nguội lạnh rồi ngắm hai khuôn mặt, một lạ, một quen đầy chán ngán.
Cuối cùng bác cũng nhớ ra, xoa hai bàn tay vào nhau, bác lấy lại giọng kể cả, thân mật:
- Thôi nào... xem mợ định đãi bố con tôi món gì nào? á à... nem rán hả, chả xương sông, gà luộc, nem chua... toàn những món ngon và bổ, lại nhiều loại dinh dưỡng tổng hợp lắm, ở nhà mợ cũng tích cực làm cho hai cháu ăn đấy chứ?
- Vâng. Mẹ tôi cười, nét mặt ủ dột trở dại... tết nào em cũng cố làm.
Gắp miếng to nhất bỏ vào bát mẹ, rồi lần lượt chia cho mọi người, bác bùi ngùi:
- Con cái nhà này xanh xao quá. Ngoài 18, 20 cả rồi mà còi cọc lẻo khẻo như trẻ con bên kia lên 8, lên 9 ấy. Xem thằng Quý nhà tôi đây này. Cảnh gà trống nuôi con mà khoẻ hơn bọn Pháp chính gốc nhé.
Trả lại miếng nem bác vừa gắp vào đĩa, mẹ tôi thật thà đáp:
- Nhờ trời mấy năm nay thóc cao, gạo kém thật, nhưng chúng chưa bị ăn độn hoặc bỏ đói bữa nào đâu bác ạ.
- Hả? Bác tròn xoe mắt sau cặp kính lão
- Ăn độn? Như thời đói bốn lăm ấy à?
- Không. Giọng mẹ buồn bã xa xót, sắn khoai ngô cũng nuôi nổi con người bác ạ, chỉ sợ trí tuệ nghèo nàn không làm lên sự nghiệp thôi.
- Hả. Câu chuyện lại nhảy cóc... mặc ba anh em tôi thi nhau gắp, anh Quý là “khách Tây” ăn uống có vẻ rụt rè hơn, vừa ăn vừa thưởng thức “hương vị quê nhà” nem chua, chả quế, nước chấm với đầy đủ hương vị pha chế tinh tế tuyệt vời...
Sao hai đứa nhà này không đứa nào vào đại học? Bác hỏi.
Mẹ chống đũa, nhìn bác, giọng phân trần, trách móc.
- Không đủ tiền đóng góp bác ạ. Với lại biết có ăn giải gì không hay lại... chỉ có dại mà học. 55 tuổi đầu rồi, nào em đã nhìn thấy mả của người chết dốt đâu. Toàn mả chết đói, chết khổ đấy chứ.
Bữa ăn trị giá gấp... vài chục lần bữa ăn đạm bạc của mẹ con tôi, xem chừng uể oải trở lại, buông bát đũa xuống mâm, tôi đưa anh Quý đi dạo phố. Thằng Toàn tự nguyện ở nhà làm “điếu đóm” cho mẹ và bác.
Hà Nội đẹp quá, nắng đầu mùa chiếu lấp lánh trên những mái nhà cổ kính gợi nên một vẻ đẹp thấp thoáng của nền văn hoá cổ. Vừa đi tôi vừa kể cho anh nghe về chùa Ngọc Sơn. Sự tích của rùa vàng, gươm báu... Bỗng mắt anh lạc đi, giật mạnh tay tôi, hỏi:
- Cái gì kia?
Theo tay anh chỉ. Tôi ngẩn người trả lời như máy
- Ô tô
- Lạ nhỉ? Anh cười, giảng giải... là vì họ thiết kế giống cái hòm di động quá? Không sơn, không cửa sổ, cửa kính, cứ lù lù chạy.
- Tôi cãi - Lúc mới xuất xưởng, hoặc vừa nhập ở nước ngoài về nó cũng đầy đủ bóng lộn sáng choang lên đấy chứ. Bây giờ chạy đường dài, lại quá tải; nắng mưa bão táp, cùng hàng ngàn người đu bám, làm gì chẳng giống cái hòm.
Nhìn lom lom vào cái xe như nhìn vật thể lạ, bỏ qua mọi lời giải thích của tôi, anh lẩm nhẩm:
- Sao mọi người không chịu ngồi, lại cứ đứng lố nhố cả lên thế nhỉ? Lại còn cả trên nóc nữa. Họ định làm xiếc để quảng cáo cái gì à?
Tôi bật cười:
- Quảng cáo gì: Ăn còn chả đủ, có... khoe cái thân còm và ba sáu cái xương sườn thì có... chẳng qua nhà xe tham tiền chở quá tải, không đủ ghế ngồi thì mọi người phải đứng hoặc trèo cả lên nóc xe chứ biết làm sao.
Ơ! Gỗ và giấy giả da thiếu gì? Anh thắc mắc.
Nhưng... tôi ấp úng... cố gắng giải thích theo quan điểm và hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam.
- Việt Nam còn nghèo, số lượng xe nhập ít, nhu cầu đi lại của người dân đông, nên xe ca Việt Nam không cần đủ ghế, vé vẫn bán chạy như thường. Người Việt Nam ta chịu khổ quen rồi. Mua được vé để lên xe là tốt chán rồi, cần gì đến gỗ và giấy giả da để làm ghế cho lãng phí đi.
Nói đến thế anh vẫn không chịu hiểu, cứ áp dụng lối nhìn thật thà, thiển cận của các nước Tư bản “giãy chết” vào:
- Đã gọi là xe ca, phục vụ hành khách thì phải có sơn, và cửa kính đoàng hoàng, lịch sự chứ.
- Khổ lắm! Tôi phát cáu. Một miếng kính bằng bàn tay cũng năm bảy ngàn đồng ấy, huống hồ cả cái xe ca to tổ bố như thế... đào đâu ra? Tốt hơn hết đã vỡ rồi là thôi, hoặc cẩn trọng hơn, vừa được xuất khỏi xưởng, bác tài tháo hết kính cất đi, thay miếng gỗ dán, gỗ thông vào... thành hòm.
- Bậy nào. Anh phản đối đầy từng trải, hiểu biết.
- Việt Nam có bờ biển dài nhiều cát, nước ngoài phải tìm đến mua cát để chế tác các loại kính và gương soi trong nước cơ mà?
Không lẽ tôi bắt anh ra... bờ biển mà hỏi cát? Nguyên liệu đầy sao vẫn thiếu sản phẩm ứng dụng? Trình độ người Việt Nam trong thời kỳ quá độ “đóng cửa bảo nhau” chỉ có thế, có cái hòm di động mà chạy đường dài là tốt rồi... sao anh “cầu toàn” quá.
Chán với vai trò người phiên dịch... tiếng Việt ra tiếng Việt, tôi tạm thời “cắt băng”, đi bên anh như một cái bóng, mặc anh ngáo ngơ đôi mắt con mắt khắp dòng người, xe cộ, phố phường, nhà cửa... Một chiếc xích lô chợt đỗ xịch trước mặt, người chủ xe trẻ, khoẻ, xì xồ một tràng tiếng “bồi”, vui vẻ mời.
Nhìn vẻ mặt tương đối lịch sự của anh ta, lại thấy mỏi chân, tôi giật vội tay áo anh:
- Anh Quý ơi! Đi nhớ, cái này ngắm cảnh tiện lắm. Xích lô đấy.
Ngẩn tò te anh nhìn lom lom vào cỗ xe cổ lỗ xấu xí, chợt hiểu ra, anh gạt phắt:
- Không. Đi tắc xi hơn. Cái này chật và bẩn lắm... mấy lại chúng ta cũng đều lớn rồi, sao bắt họ đạp...
Tôi chưa kịp phản ứng gì, thằng oắt con đã gạt đi, sau khi tương bãi nước bọt vào giữa mặt:
- ối...
- Sao thế? Tú... anh Quý hốt hoảng.
- Mẹ nó chứ. Nó mời mình không đi, nó tức...
- Ơ mình có lỗi gì. Hà Nội nhiều xe mà... Hình như họ tức giận bố mẹ họ ở nhà thì phải, họ chửi tục lắm.
Giời ạ. Thà làm thằng đầy tớ cho người Việt còn hơn làm “phiên dịch” cho ông tây ngố như anh tôi.
Tiếng xe điện leng keng chạy tới, tôi giật vội tay anh nhảy dạt khỏi đường tàu, suýt nữa thì làm mồi cho cái hòm gỗ đỏ chậm chạp biết đi.
Không thèm mảy may nghĩ tới cảnh nguy hiểm vừa xảy ra, anh kéo tay tôi hỏi:
- Xe gì đấy Tú?
- Tàu chạy bằng điện nên gọi là... tàu điện, hiểu chưa?
- à... anh ngẩn ra, cười chữa thẹn... mình không biết thật mà. Hà Nội còn bảo tồn được những cỗ xe cổ lỗ đến nỗi chỉ còn thấy trong các viện bảo tàng của Pháp từ thế kỷ 17, 18.
Hai anh em tôi phì cười, phút lơ đãng kinh người đã tạo điều kiện cho đối tượng làm việc... vài trăm France cùng khăn mùi xoa, ví, vida không cánh mà bay.
Nhìn nét mặt nghền nghệt, tiếc rẻ của tôi, anh kéo tay giục.
- Đi, đi đến công an... họ là người “bảo hộ” mà...
Vốn hiểu rõ điều kiện, hoàn cảnh Việt Nam. Tôi chần chừ:
- Trộm nhảy qua rào rồi, họ chẳng tìm đâu... mấy lại ở Việt Nam ấy à, thân ai người ấy lo, làm gì có ai bảo hộ ai cái gì. Mình có tiền đâu mà “chi, thuê” để họ tìm hộ... với lại mọi người ai cũng sợ mất chỗ đội nón lắm chẳng ai muốn bảo đâu.
- Kìa, ba mình vẫn dạy khẩu hiệu từ thời xưa của Việt Nam mà: “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”.
-Trời ơi! Tôi giở giọng cùn cằn cố tình lấy thái độ “cố cùng liều thân”, may ra thì anh hiểu:
Đấy là “ngày xưa”, lúc này cần thì kiếm, liếm là chính thì có ấy. Chỉ vô tư với cái gọi là của công, cha chung không ai khóc, không móc máy xỏ mũi được thôi.
Anh nheo mắt sau cặp kính cận, tỏ ý không hài lòng.
- Khó hiểu quá nhỉ!
Ngang qua khu vực Văn Miếu, trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam từ vài ngàn năm, tôi hồ hởi.
- Anh Quý, Văn Miếu đây này, vào đi.
Chỉ tay vào tấm biển đầu tiên đập vào mắt, anh hỏi:
- Sao cái gì kia, biển hướng dẫn à?
- Vâng, tôi chun mũi ậm ừ, vì mùi khai khẳm xông lên.
- Biển... cấm đái đấy!
Anh quay đầu nghiêng nghé:
- Cấm à? Nhìn kìa... họ làm gì đấy? Sao cấm mà vẫn còn nhiều người đứng “đái”. ở Việt Nam mình thiếu nhà vệ sinh công cộng thật à?
Không lẽ lại bảo “thiếu ý thức tôn trọng vệ sinh thì có”, tôi thay đổi giọng điệu để tự trấn an mình.
- Người Việt Nam ưa cởi mở lắm. Biển cấm nhưng chỗ này thâm nghiêm u tối, vắng vẻ nên họ càng thích “cởi, mở” hơn, vừa tiện lợi, lại thoải mái, kín đáo. Mùi khai này mới chỉ là “cởi, mở” một phần sự thật thôi. Ban ngày mà, tối đến họ còn tiến hành “cởi mở toàn diện”, “nhìn thẳng vào toàn bộ sự thật” để tranh thủ “việc cần làm ngay” cơ. Đổi mới mà.
Thật khó lòng giúp anh hiểu “giai đoạn” quá độ này, dù đôi mắt anh cứ dướn mãi sau cặp kính cận không chịu sập xuống, tôi đành hậm hực bỏ đi.
Ngó nghiêng trước mậu dịch cửa Nam, anh rủ tôi:
- Vào đây đi... cửa hàng đăng ký kiểu mẫu mà.
Nhớ đến mấy thứ đồ đạc đã mất, tôi gạt đi.
- Thôi, thôi... cửa hàng Nhà nước, càu nhàu như mắm tôm ấy, có gì mà vào.
Anh ngạc nhiên:
- Sao lại thế, mình là khách, mua hàng giúp họ thì họ phải là người phục vụ mình chứ.
- Khổ quá. Tôi lại gắt. Phân phối XHCN chứ có phải cạnh tranh thiếu lành mạnh như cơ chế thị trường, con buôn chốn tư bản đâu? Hàng hoá ít, nhu cầu cung thấp so với cầu, mạng lưới phục vụ eo hẹp...
- Nhưng anh băn khoăn - Nếu phục vụ không tốt, họ không sợ chúng ta bỏ đi à?
Vận dụng hết sự hiểu biết của mình về nền thương nghiệp XHCN, tôi giải thích:
- Họ ăn lương nhà nước. Hàng bao cấp, khan hiếm. Người này không mua, đã có người khác mua, có ế ẩm bao giờ mà sợ. Vì vậy mới đẻ ra tình trạng người phải phục vụ thì không chịu phục vụ còn càu cạu, phách lối. Còn người được phục vụ dù có tức anh ách cũng chỉ biết... đấm ngực mình rồi... cút xéo. Quái thai mà, đăng ký kiểu mẫu thì cứ việc đăng ký, còn họ phục vụ chất lượng thế nào thì ai theo dõi mà biết.
Đến lượt anh uể oải lắc đầu, đi theo tôi như một cái bóng. Lúc đi hăm hở bao nhiêu thì khi về... tiu ngiủ như mèo bị cắt đuôi. Hà Nội tràn ngập xe đạp rởm, xích lô cổ, ô tô đường dài... Thập kỷ 80 này, đào đâu ra tắc-xi mà anh ngó nghiêng chờ đợi. Hai anh em tôi cứ xoạc cẳng đo đường phố, về nhà, dài lưng đo nỗi chán chường. Tôi mệt mỏi ngủ thiếp đi, còn anh kêu đau người, nhức mỏi... 25 năm chưa biết thế nào là chiếu thủng, giường tre, đã không đệm, lại không điều hoà, thiếu cả ti vi, tủ lạnh, toa lét... công cộng, làm sao ông anh quý hoá của tôi hình dung, thích nghi nổi?
*
* *
Chuông gọi cửa réo vang, bác tôi bật dạy như chiếc lò so cực nhạy... cửa bật mở toang, người đàn ông gày gò chống ba toong bước vào.
- Anh Tạo... Tôi chờ anh suốt ngày hôm qua... bác tôi lên tiếng trách.
- Ôi, xin lỗi, tắc cầu. Người đàn ông thanh minh giọng tỉnh khô.
- Sao? Hậu quả chiến tranh à? Bác hỏi tôi.
- Không, một chiếc xe lăn đường bỗng dưng đứt xích nằm chềnh ềnh ra giữa cầu. Cả một ngày trời, người ngợm xe cộ ùn ùn tắc nghẽn lại, rồng rắn nối đuôi nhau. Người về Sầm Sơn, Đồ Sơn tắm biển, nghỉ mát được một phen nghỉ... nắng, nóng giữa cầu. Tôi hẹn anh sang đây hóng gió hồ Tây. Cũng được dịp “hóng gió” chân cầu. Cán bộ, bộ đội, thủ trưởng đi họp, công tác đột xuất, gấp gáp... được dịp khoanh tay ngồi... cười... nhăn nhó như khỉ ăn gừng cả lượt. Cánh ngoại quốc chạy đi chạy lại xì xồ chán... tiu ngiủ như mèo... bị chẹt đuôi.
- Thật thế à? Ngành chủ quản đâu? Các nhà chức trách đâu? Dùng cần cẩu cẩu lên mà thông cầu chứ.
- Hôm qua là ngày chủ nhật. Họ nghỉ cả, nếu không cơ quan đóng tít tận... đẩu đâu ấy, ai để ý, có đến cũng phớt ăng lê... “mắc kê nô” hết... Cánh nhỡ việc chúng tôi phát huy tinh thần làm chủ tập thể, động viên nhau chờ đợi, bàn bạc cả buổi chiều mà không có cách nào khác, đành rủ nhau quay lại nơi xuất phát ban đầu.
- Thế... tù chứ?
- Ai?
- Thằng lái xe lăn đường ấy.
- à nó biết tội lỗi của nó cũng tự cầm tù gần một ngày giời ở quán thịt chó bên kia cầu.
- Một ngày thôi à? Ba bốn năm là ít chứ. Gây ách tắc giao thông, gây thiệt hại lớn về thời gian và tiền của của hàng vạn con người như thế...
- ờ, thì còn làm cái nghề này, nó còn phải tự cầm tù mình nhiều. Bác già “nói kháy”
Bác tôi hồn nhiên. Phạt bao nhiêu?
- Mươi, mười lăm nghìn.
- Thế thôi à? Tôi ấy à. Phải phạt nặng gấp năm bảy lần mới xứng, tội ấy quá tội ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa còn gì.
- Vâng, nhưng ở Việt Nam ta, nhất là trong thời điểm “quá độ” này - Bác già giải thích - ăn cắp mà lại là tài sản XHCN thì không ai coi là ăn cắp cả, nếu không 1/3 số dân- từ trưởng phó phòng đến các vị lãnh đạo cơ quan đi tù ráo... có điều cái thằng ấy nghe đâu cũng là người tử tế sau khi bị bà chủ quán rượu thịt chó phạt mươi mười lăm nghìn rồi mà thấy cầu vẫn tắc, xe chưa thông, nó lại tự giác sát phạt thêm 100.000 nữa.
- Có thế chứ... Bác tôi gật gù vẻ am hiểu, đồng tình.
Bác già ngáp dài.
- Anh làm tôi buồn ngủ và mệt mỏi hơn hôm qua ngồi đợi cầu thông. Thôi, bây giờ thế này. Anh xin phép mợ và các cháu ra ngoài kia, đền tôi một chầu bia cỏ.
- Bia... cỏ?
- Vâng...
- Trời đất cha mẹ ơi...
- Bia CO2.... Khổ lắm, bác già cười ngặt nghẽo, cách quảng cáo siêu đẳng của Việt Nam đấy, có điều cái số 2 nó lại nằm thượng lên trên như cái dấu hỏi cơ, thành ra ai chả nhầm...
- Thế hả? Bác tôi sốt sắng. “Moa” chờ “toa” thắng bộ nhé.
- Khỏi cần, bác già giơ ba toong chỉ - Tôi dẫn anh ra vỉa hè ngồi.
- Chết, chết, mắt bác hấp háy - trông “toa” thế này mà “moa” định...
- Việt Nam ta bây giờ là thế. Bác già cắt ngang, toàn dân làm thương nghiệp, cả nước lao vào dịch vụ kiếm tiền. Đồ ăn thức nhắm... bày kín các vỉa hè, rẻ ngon hơn hẳn cửa hàng nhà nước.
- Bậy nào, đã gọi là nhà hàng thì phải lịch sự rồi, lại nhà hàng Nhà nước mới rẻ ngon và phục vụ chu đáo chứ, ông mất quan điểm, lập trường. Bác tôi trách.
- Tôi có kinh nghiệm rồi. Bác già bảo thủ. Hàng ngoài chật chội, kém kín đáo, vệ sinh nhưng mà đông, mà vui. Ai đi qua “trượt chân ngã” vào cũng được... nhà hàng mậu dịch ấy mà. Rộng rãi, thoáng mát nhưng mà vắng ngắt như chùa bà Đanh. Uống bia bắt kèm... tí lòng lợn, chút lạc rang, vài miếng thịt bò xào, hai miếng đậu rán toen hoẻn... thôi thế là mất mẹ nửa tháng lương hưu của tôi rồi...
Nhập nhoạng tối, hai ông bạn già mới khập khiễng chống ba toong ra về, tiễn bạn ra tận cổng, bác tôi còn dặn với theo:
- Nhớ vài hôm nữa anh đưa tôi và các cháu đi thăm thú cảnh xưa, người cũ, đền đài lăng tẩm đấy nhé. Tôi về dối già chuyến này chỉ có chút việc thú vị ấy thôi.
Bác già chống ba toong lắc lắc:
- Thôi được, tôi cố chiều anh, cũng xin thông báo trước để anh đừng thất vọng là tiêu điều, xơ xác lắm rồi đấy... cái bị tàn phá, cái bỏ hoang, cái được lấn chiếm thành kho công cộng... Tượng phật, nhà thờ bị mất cắp, bị chặt đầu, mổ ruột moi gan để... tìm vàng, rồi quăng quật đầu cổ... mỗi nơi một thứ.
- Ô. Ngành chủ quản đâu. Bộ văn hoá đâu?
- Ngành chủ... quan trực thuộc Bộ văn hoá, nếu có biết tìm đến thì ôi thôi... Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Như con chim bị đạn bác đứng như trời trồng, mắt loang loáng ướt... chứng kiến cảnh ấy bác già vội chống chế.
- Thôi, bù lại tôi sẽ đưa anh đến đám bạn cũ, đồng ý không?
- Chúng nó còn ở đây cả sao? Bác tôi bối rối. ở Pari tôi cũng gặp dăm bảy đứa đến tìm, xin tiền, nhờ mấy việc... ờ trước nó chửi tôi là bám đít đế quốc ghê lắm. Tuyên bố “từ mặt” tôi...
- ấy đấy, cũng nhờ có xuất ăn theo con cái mà bây giờ đỏ da thắm thịt thế, hàng hoá gửi về ùn ùn... Hai mươi thằng cùng lứa, lập trường quan điểm vững như tôi thì... anh thấy đấy... vẫn ăn được mà có được ăn đâu? Xã hội mình không có xuất ăn theo anh ạ. Độc lập - tự lo - hạnh phúc mà.
- Bậy nào. Bác phản đối. Việt Nam ta nổi tiếng là nhiều món ăn ngon và bổ. Cách dùng gia vị và pha chế nước chấm tinh tế tuyệt vời... Tôi đã đi nhiều: Đức, Anh, Mỹ... chưa nơi đâu có được.
- Vâng. Bác già ngoan cố. Nhưng phải độc lập, tự lo, mà tôi ngoài 70 rồi... mấy mà thành xương khô trong mả đâu. Còn lo nổi cái gì?
*
* *
Dễ đến nửa năm sau, từ Sài Gòn bác đưa anh ra để quay lại Pháp. Anh tôi hồ hởi:
- Sài Gòn đẹp thật. Đúng là hòn ngọc của Viễn Đông. Ba mình bảo do Mỹ đầu tư xây dựng nên, hoá ra nhiều cái ta cũng phải dựa vào đế quốc mới có được.
Tôi bật cười, cảm thông, tha thứ cho quan điểm vô chính trị của anh. Sắp xa anh tôi không buồn tranh cãi, chỉ muốn hỏi bác sao lại từ bỏ ý định dối già ở quê hương đất nước. Bác cười, mắt ngấn lệ bảo:
- Tôi biết tất cả rồi. Ở nước ngoài nghe về Việt Nam thấy hấp dẫn ngon lành như cái bánh ấy. Về nhà, bóc ra ăn mới biết cái nhân bánh bé xíu như cái lưỡi mèo ý. Chỉ toàn lá độn bao bên ngoài thôi. Người Việt Kiều chúng tôi từ khi bỏ đi đã không thích uống cà phê pha đường...
TKTT
Viết - 1988
Sửa – 1989
(Trích từ tập “1001 CHUYỆN CƯỜI” của Trần Khi Thanh Thuỷ)