Về chùm bài mới phát hiện của Hồ Xuân Hương
Trần Khải Thanh Thuỷ
Tình cờ lục tìm trong thư viện Hà Nội, tôi "túm" được cuốn sách của giáo sư Nhan Bảo- một nhà Việt Nam học ở Trung Quốc- nhan đề: "Phát hiện mới về Hồ Xuân Hương" - do Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội ấn hành.
Vốn yêu mến Xuân Hương, biết rõ cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của bà còn nhiều tranh cãi, còn vô vàn những khe trống, kẽ hở mà các nhà nghiên cứu văn học, các nhà văn, nhà thơ, độc giả, dịch giả trong và ngoài nước vẫn không tài nào xác định được, tôi liền ôm về, mừng hơn bắt được vàng. Tưởng đâu như kho báu của Hồ Xuân Hương (giống mộ Tần Thủy Hoàng) bao lâu ngủ yên trong lòng đất, bỗng được người đời phát hiện, "khai quật" lại. Thoạt đầu là phần nhỏ, hàng chục năm sau là phần còn lại, trị giá gấp nhiều lần so với trước. Lâu nay trên 50 bài thơ nôm truyền tụng của bà đã công bố quả là quá ít ỏi, thiếu thốn trong sự thờ phụng, thèm khát của người đời. Càng ít hơn so với số 213 bài của giáo sư Nhan Bảo tìm được. Bao gồm năm tập: Xuân Hương di cảo, Xuân Hương thi tập, Hồ Xuân Hương thi tập (trong Đại nam đối thi), Đối nam thi tập và Đại nam đối liễn thi tập. Quả là một kho vàng lí tưởng.
Song than ôi, bằng con mắt biện chứng, khách quan và tỉnh táo, tôi phải thừa nhận rằng: Phần nổi trội, lấp lánh ánh vàng- làm nên hiện tượng Hồ Xuân Hương- gây sự tranh cãi liên tục, kéo dài, không ngừng nghỉ, đã bị bóc hết rồi. Yếu tố thần, tiên, ma quỷ, sự chênh vênh, vui hóm, lời lẽ oái oăm, bất cẩn, thói lộng ngữ, ngoa ngôn, sự mách qué trong thơ Xuân Hương khiến ai cũng giật mình thán phục, đã "phát lộ" và lưu truyền ra ngoài đời gần hết rồi, phần còn lại trong lần "khai quật" này thật sự chỉ toàn là vàng giả, bạc vụn và "con ranh, con lộn" mà thôi. Cũng như thơ "bút tre" vậy. Bút tre thật chỉ có một, còn Bút Tre giả có cả trăm, cả ngàn. Vì vậy tính số lượng là 213 bài, song trừ số bài trùng lặp từ tập đầu (Xuân Hương di cảo) đến tập cuối (Đại Nam đối liễn thi tập) tất cả còn 90 bài. Ngoài 38 bài nằm trong mảng thơ Nôm truyền tụng đã công bố từ hơn 100 năm nay, còn 52 bài hoàn toàn mới. Đáng tiếc, ngay cả những bài này- sau khi kiểm định về chất lượng, ngôn từ, những khác biệt về nội dung văn phong, ý tứ, qua sự sàng lọc, đối chiếu, so sánh với mảng thơ Nôm truyền tụng trước đó của bà, tôi buộc phải gạt hết chất độn, cỏ giả ra. Cuối cùng chỉ còn đúng bốn bài đích thực. Ví dụ "Vịnh bãi Bình Than", "Cờ đuôi nheo", "Cái váy", "Qua cửa đó". .. Điều này chứng tỏ thơ Hồ Xuân Hương còn bị thất lạc, tản mát, và phần 4 bài chính thức trong số 213 bài mới "khai quật" lần này, chỉ là một sự "sót lại" thôi. Tuy "sót" song thực sự đáng quý, bởi nó chính là 4 thỏi vàng thực sự giữa đám bạc vụn và vàng giả mà những người yêu quý Xuân Hương làm. Hoặc bắt chước phong cách thơ bà khi vịnh về sư, sãi, chùa phật, hay họa lại một số bài thơ truyền tụng nổi tiếng của bà...
Xin giới thiệu để mọi người cùng đọc và cho ý kiến.
Hà Nội 27-1-2007
Trần Khải Thanh Thuỷ
----------------------
Sau đây là 1 trong 4 bài thơ mới phát hiện mà tôi khẳng định là của bà và mạo muội lạm bàn thơ bà. Rất mong các bậc đàn anh, các lão làng, độc giả yêu quý Xuân Hương chỉ giáo.
Bài 1. Cờ đuôi nheo
Em như chéo khố lấy đâu vuông
Quân tử sao nay lại rẫy ruồng
Cuốn mở mặc dầu khi gió hứng
Dập dình sau trước trống cùng chuông
Cả bài vẻn vẹn bốn câu, song chất trào phúng, trữ tình của bà bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết.
Câu đầu: Tả hình dạng cờ đuôi nheo, cũng là phác họa thân phận cô gái. Ở đây, ta bắt gặp thủ pháp ẩn dụ quen thuộc của bà, luôn náu mình vào một vật tầm thường, cụ thể nào đó để so sánh.
Như: Thân em như quả mít trên cây (Quả mít)
Hay: Thân em vừa trắng lại vừa tròn (Bánh trôi)
Hoặc: Của em bưng bít vẫn bùi ngùi (Trống thủng)
Còn ở bài này, bà tự náu mình vào chiếc cờ đuôi nheo để vịnh: Em như chéo khố lấy đâu vuông.
Từ chéo khố là hình dạng của cờ đuôi nheo, có ba góc hình tam giác, bằng một nửa của hình chữ nhật hoặc hình vuông, cũng là hình ảnh quen thuộc mà ta bắt gặp trong thơ bà khi vịnh quạt:
Chành ra ba góc da còn thiếu
Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa
Tương tự như các bài bà mượn cảnh, mượn việc để nói về người, về mình, cũng như thân phận phụ nữ nói chung.
Câu 2, bà tiếp tục miêu tả tính chất đặc điểm của các thứ quả, cây, hoặc con vật mà mình mượn vỏ để náu hồn vào.
Với "Quả mít" thì: Vỏ nó xù xì múi nó dày
Với "Bánh trôi" lại : Ba chìm bảy nổi với nước non
Với "ốc nhồi" là: Đêm ngày lăn lóc đám cỏ hôi
Với "Trống thủng" là: Nó thủng bởi chưng kẻ nặng dùi
Còn ở đây, bà đưa ta vào một không gian khép kín, để nói rõ về thân phận, nỗi buồn cũng như tâm trạng của cô gái: Quân tử sao nay lại rẫy ruồng?
Hai từ quân tử chỉ người và rẫy ruồng chỉ tình cảm, tính chất, mức độ của sự việc, cùng từ chéo khố ở câu trên, giúp ta liên tưởng tới cảnh buồng the của cặp vợ chồng trẻ. Có điều, khác với tính chất cực tả của một loạt bài Vịnh quạt, Trống thủng, Dệt cửi, Đánh đu... Đều nhằm vào chuyện riêng của vợ chồng, khi tình yêu dần hóa thân vào các động tác, thì tình cảm của cặp vợ chồng này buồn hơn bao giờ hết. Không phải:
Càng nóng bao nhiêu thời càng mát
Yêu đêm không phỉ lại yêu ngày
Hoặc:
Ngày vắng đập tung năm bảy chiếc
Đêm thanh tỏm cắc một đôi hồi
Mà là sự lạnh nhạt, ruồng rẫy theo kiểu:
Mây mưa đánh đổ đá vàng
Quá chiều nên đã chán chường yến oanh
Như Nguyễn Du miêu tả trong Kiều.
Người con gái, tức Cờ đuôi nheo trong bài dù ý thức đầy đủ thân phận trời cho của mình, chỉ như chéo khố chứ không phải vuông tròn, lành lặn, hoặc ngắn, dài, to, nhỏ, cao thấp như những bộ phận cao sang, quý phái khác trên cơ thể con người. Song dù có khiếm khuyết về hình dạng cấu tạo bẩm sinh, thì thâm tâm vẫn tràn đầy một sinh lực, một nguồn sống đã đầy, một tâm trạng căng thẳng, hồi hộp, khát khao đón nhận tình yêu của người bạn chăn gối, trăm năm. Tiếc thay chàng quân tử không những không vỗ về, âu yếm còn lạnh nhạt, rẫy ruồng, vì đầu óc tâm trí đã hướng tới một cô gái khác, một chéo khố khác, một cờ đuôi nheo khác. Chính vì thế mà nàng mới thốt lên: Quân tử sao nay lại rẫy ruồng.
Chữ nay là nút thắt, là chìa khóa của toàn bài. Xét về bối cảnh thời gian, hiện tại luôn đan cài cùng quá khứ. Đã có hôm nay, hẳn phải có ngày xưa. Hôm nay chàng lạnh nhạt, rẫy ruồng em, thì trước đó, chàng đã từng đối xử với em như thế nào? Ngược lại thời gian bằng cách đọc nốt hai câu cuối, ta bắt gặp ngay câu trả lời:
Cuốn mở mặc dầu khi gió hứng
Rập rình sau trước trống cùng chuông.
Ở câu ba, ngoài nghĩa phô là cờ đuôi nheo có lúc mở ra tung bay phần phật khi có gió thổi tới, hoặc cuộn lại ủ rũ khi gió tắt, còn có nghĩa ngầm là hoạt động tính giao của đôi trẻ luôn tùy hứng, thất thường. Chữ mở và chữ hứng ở câu này khiến ta liên tưởng tới cái nghĩa ngầm mà bà luôn nói tới trong hầu hết các bài. Thoạt đầu là chữ mở - một trong những thuật ngữ tình ái trong Kinh dịch như nam động thì thẳng, nữ động thì mở. Chữ hứng ngoài nghĩa phô là hứng gió, hứng trăng còn có nghĩa ẩn là hứng tình. Tình yêu khi đã ở mức cao hứng cũng bao hàm nghĩa trên. Hiểu nôm na dân dã: Khi đã hứng lên thì chàng mở toang chéo khố ra mà ôm ấp, nâng niu, chằm bặp, vỗ về che chở, hưởng thụ theo kiểu :
Khi giang thẳng cánh bù khi cúi
Chiến đứng không thôi lại chiến ngồi.
Ngược lại, khi đã hết hứng, hết động vì gió đã tắt rồi thì thân phận Cờ đuôi nheo cũng như Trống thủng sau lúc bị "kẻ nặng dùi" đâm, bị cuộn lại vứt lăn lóc nơi xó buồng lạnh lẽo.
Ngoài hai nghĩa ngầm và nghĩa phô như ta vừa thấy, ở câu ba này còn
hàm ý tố cáo sự bất công của xã hội đối với thân phận người phụ nữ lúc đó. Chẳng những không bình quyền, bình đẳng với chồng trên cương vị xã hội mà cả trong phòng the cũng vậy. Chỉ là cuốn mở mặc dầu khi gió hứng, hoàn toàn do đàn ông chủ động, tùy hứng, dẫn dắt, phục vụ cho khoái cảm ích kỉ nhất thời của họ, chứ không phải được hòa trộn yêu thương khao khát, theo lẽ công bằng của vũ trụ, luật âm dương của trời đất.
Đọc đến đây, rõ ràng tuy bà không nói ra, song ta thấy câu ba này thật giống với lời nhắn nhủ ở hai câu kết trong bài "Trống thủng":
Nhắn nhủ ai thương lấy với
Thịt da ai cũng thế mà thôi.
Đã là thịt da- ai cũng thế mà thôi, cùng thân phận Cờ đuôi nheo, chéo khố, sao anh còn nặng lòng suy tính. Lúc coi em như đệm thịt, giá đỡ, nhằm giải tỏa cho tâm trạng ngột ngạt, dâm cuồng, thú tính của anh, lúc lại đem lòng so sánh với một cô gái khác để lạnh nhạt ruồng rẫy...mong anh hãy đối xử nồng nhiệt, bình đẳng với em cả trong ngày cưới cũng như trong suốt cả cuộc đời dâu bể anh ơi. Đừng chạnh lòng tơ tưởng tới một chéo khố- tức Cờ đuôi nheo bất kỳ nào nữa.
Ý nghĩa trào phúng tinh nghịch cùng ý tưởng bất ngờ nhất của bài thơ càng được bộc lộ rõ hơn, khi ta giải mã nốt câu cuối:
Rập rình theo trước trống cùng chuông.
Lắng lòng mình lại mà suy đoán, ta như hình dung ra cả một cuộc lễ hội, đón rước tưng bừng trọng thể, có cờ bay, trống nện, chuông reo và bao bước chân nhộn nhịp rộn ràng, như lời một bài hát quen thuộc trong đêm trăng múa trò sư tử:
Tùng! tùng! tùng! trống rộn ràng ngoài đình
Có con sư tử đang múa quanh vòng quanh
Trung thu liên hoan trăng sáng ngập đường làng
Dưới bóng trăng vàng, em hát múa, reo vui.
Song thơ bà vốn kiệm lời, chặt tứ, ý kín mà đa nghĩa, chỉ một câu bảy chữ tưởng chẳng ăn nhập gì với toàn bài mà lại gắn bó rất khớp từ câu một đến câu bốn, từ chữ đầu tiên đến chữ cuối cùng. Ngoài nghĩa thực, nghĩa ẩn chỉ thân thể phụ nữ, sinh thực khí, cũng như hoạt động tính giao nơi buồng the, còn cả nghĩa tâm tình, xã hội, cũng như khát vọng hạnh phúc lứa đôi.
Câu thơ đưa ta về với không khí của một cuộc ăn hỏi, đón rước linh đình, một đám cưới tưng bừng trọng thể, toát lên vẻ nhộn nhịp, vui mừng. Lẽ thường, cờ đuôi nheo bao giờ chả đi kèm với trống phách, chiêng chuông, song nếu chỉ hiểu ở nghĩa thực ấy thì thật quá đơn giản, nghĩa ảo mà bà muốn nói tới ở đây là đám cưới của cô gái. Tuy là phận chéo khố, chẳng lấy đâu vuông, nhưng cũng như tất cả những người đàn bà con gái quý tộc, danh giá khác, đã được chàng yêu thương, theo đuổi, thề non hẹn biển và cuối cùng được cha mẹ chàng cũng như bà con họ hàng tìm đến tổ chức ăn hỏi, cưới xin đàng hoàng rồi đấy. Xin chàng hãy yêu thương em như ngày đầu động phòng hoa trúc, chớ có rẫy ruồng, lạnh nhạt như hôm nay, lúc này, chàng ơi...
Bài thơ chỉ vẻn vẹn 28 chữ mà như 28 chiếc gương trong ...nhà kính vạn gương. Mỗi từ, mỗi chữ đều ánh lên tầng tầng lớp lớp những ý tưởng phồn thực, sinh động, những ngữ nghĩa đa dạng, ảo, thực phong phú... Chỉ cần bước vào gian phòng thi ca của bà, giống như bước vào nhà kính vạn gương, sau khi đã tìm được những câu chữ hay- như ô cửa thông thoáng mà bà náu mình trong đó, hoặc những "công tắc thơ" để bật lên... lập tức ta rơi vào trạng thái choáng ngợp, bối rối, bởi những chữ, những gương- dù quay ngang, quay ngửa, tiến lên phía trước hoặc lùi lại phía sau, đều phản ánh những tư tưởng, lời lẽ, ý nghĩ, hình ảnh nghịch ngợm nhưng sâu sắc của bà...Phải khó khăn lắm mới thăng bằng trở lại để khỏi lạc, khỏi vấp, lò dò bước ra khỏi nhà kính vạn gương, cũng là thế giới thơ bà để hòa nhập với thế giới bên ngoài, lòng còn dạt dào những ấn tượng, cảm xúc...
Hà Nội 27-1-2007.
TKTT
(Hội Bảo Vệ Nhà Văn TKTT sẽ lần lượt cho đăng tiếp ba bài thơ còn lại trong những lần tới)