Thursday, August 16, 2007

Thơ Hồ Xuân Hương mới phát hiện (2)

Về chùm thơ mới phát hiện của Hồ Xuân Hương (2)

Trần Khải Thanh Thuỷ
(Phát hiện và bình)

Bài 2: Bãi Bình than *

Một đụn Bình Than vành vạnh tròn
Bốn mùa nước chảy chẳng hề mòn
Li ti vó cất bên kia suối
Lẻ tẻ chài buôn mái nọ non

Dặm dọ đầu ghềnh sào một cột
Lênh đênh mặt nước đá hai hòn
Ngư ông chèo khiến khoan lại nhặt
Thủng thẳng trèo lên đá dựng con.


Mở đầu bà viết:
Một đụn Bình Than vành vạnh tròn.
Ba chữ "vành vạnh tròn" kéo ta về với thủ pháp đảo chữ quen thuộc một thời, không phải "tròn vành vạnh" mà ngược lại "vành vạnh tròn" đầy ấn tượng. Nó giống như cặp mông tròn trịa, chắc mẩy, nở nang của bà mẹ tạo vật - thủy tổ của loài người mà chúng ta đã từng biết tới. Khi con người chuyển từ đời sống leo trèo xuống mặt đất săn bắn, hái lượm, phần hông chưa kịp phát triển để thích nghi với chức năng sinh đẻ, nên đẻ khó, tỷ lệ thai chết nhiều, và bà mẹ tạo vật với bộ mông vĩ đại ra đời, tượng trưng cho sự an toàn bất diệt trường tồn về nòi giống con người. Một hình ảnh bà đã từng vẽ trong thơ:
Bố cu lổm ngổm bò trên bụng
Thằng bé hu hơ khóc dưới hông.

Và:
Xì xòm đáy nước mình nghiêng ngửa
Nhấp nhổm bên ghềnh đít vắt ve


Câu hai bà viết: Bốn mùa nước chảy chẳng hề mòn.
Nếu nhìn bằng con mắt phong thủy, theo quy luật tự nhiên "nước chảy đá mòn" sao có thể chấp nhận được? Cũng giống như đám mây đen bao trùm trên đỉnh núi Phật ở bài "Cảnh chùa ban đêm" vậy. Hay bà định "gài bẫy" những kẻ hớ hênh dại dột lần đầu đến với Vương Quốc thơ bà?

Hai câu sau bà đi sâu vào tả bãi Bình Than cũng là cặp mông tròn trịa của cô gái:
Li ti vó cất bên kia suối
Lẻ tẻ chài buôn mái nọ non
.
Thật là "Sơn thủy hữu tình" song đặt trong thơ bà nó vẫn bị nhiễm một dáng vẻ phồn thực nào đó, cụ thể là động tác "cất vó" mà văn học dân gian miêu tả:
"Nửa đêm gà gáy canh ba
Cố ông thức dậy sờ khe cố bà
Cố bà mới dạng chân ra
Cố ông hớt được ăn ba bốn ngày".


Ngay cả cụm từ "bên kia suối" cũng mang tính lấp lửng hai mặt, một con suối có thực trên nền đụn bãi bình than và suối chửa thông trong câu: một lạch đào nguyên suối chửa thông trong bài " Thiếu nữ ngủ ngày " của bà.
Ba chữ "mái nọ non" ở câu sau hiểu theo nghiã thực chỉ là các mái lều của những người buôn bán chài lưới cá mú mom sông bãi bình than, song dưới con mắt hòa đồng nguyên thủy, nó thật giống với kiểu đất gần bờ nước, để làm nhà hoặc đặt mả ông bà tiên tổ, được dân gian mô hình hóa thành tục ngữ cho dễ nhớ như sau: Khum khum hình vó, chẳng nó thì ai, thè lè lưỡi trai chẳng ai ngoài nó (**).
Tệ hơn nữa nếu chúng ta nói lái cả cụm từ chài buôn mái nọ non lập tức hiện ra nụ cươì khoái tỉ của bà.. Người Miền Bắc không phân biệt ch với tr thành thử buồn chai được hiểu thành buồn trai, còn mái nọ non thành ...mó nọn ai. ám chỉ người con gái giữa nơi thiên nhiên hoang dã: Một mảnh trời riêng ta với ta, đang buồn tình nhớ tơí bạn trai đến mức...cảnh buồn người cũng...cô đơn, dâm tình...đành phải... ngồi mó nọn ai (!) Câu hỏi cũng là câu trả lời, vì còn nọn ai để mà mó nữa.
Từ nọ ở đây còn bị ánh xạ bởi cái nhìn nguyên thủy phồn thực của bà, như trường hợp bà đã dùng với biểu tượng tòa sen của Phật: "Ngất nghêủ tòa sen... nọ, đó mà", dù đã được cách điệu hóa song qua thơ bà vẫn tạo ra một ý tục tằn khác hẳn.
Hoá ra khổ một bà toàn nói về cặp mông tròn nẩy nở và những tật xấu của cô gái, còn khổ hai ...xem bà tả cô gái buồn vì thiếu bóng dáng bạn trai như thế nào?
Dặm dọ đầu ghềnh sào một cột
Lênh đênh mặt nước đá hai hòn.

Ngoài những từ sóc lỏi đặc biệt như "dặm dọ, lênh đênh"...Bà còn bắt ta phải chú ý tới cụm từ "sào một cột", "đá hai hòn"mà trong dân gian vẫn hay dùng để đặc tả phái tính của đàn ông. Ngoài ra trong thơ bà nó còn được bổ trợ bằng cụm từ "trèo lên đá dựng con" ở câu sau để làm rõ nghĩa:
Ngư ông chèo khiến khoan lại nhặt
Thủng thẳng trèo lên đá dựng con.


Với cách nói lái đã thành bệnh, trong câu này, bà cũng không bỏ được căn bệnh cố hữu ấy, vì vậy trèo lên đá được hiểu thành "chà lên...đ..."
ý tưởng của bài thơ đã quá rõ, trước đó trong mảng thơ nôm truyền tụng gồm trên dưới 50 bài, bà đã miêu tả hoạt động tính giao trong buồng the, nơi đồng ruộng, giữa thiên nhiên trời đất. Còn ở đây - ngay trên đường cùng chồng đi trấn ải, bà cũng không quên miêu tả hành động tính giao nơi vùng biển này.

Khổ thơ một bà xa xôi bóng gió nói về cái hông vĩ đại của bà mẹ tạo vật (vành vạnh tròn, chẳng hề mòn, chài buôn, mái nọ non...). Còn khổ hai bà tả hình ảnh ông lão đánh cá... cởi truồng với những từ dân dã quen thuộc "Sào một cột, đá hai hòn" Dưới con mắt bà, động tác chèo thuyền của ngư ông trở thành nhịp điệu quen thuộc của hoạt động tính giao:
Ngư ông chèo khiến khoan lại nhặt
Thủng thẳng trèo lên... đá dựng con
.
Rõ là Hồ Xuân Hương thật. Không có, nhưng mà có đấy thôi. Mượn cảnh để tả tình, mượn thực để tả hư. Mượn thiên nhiên để tả...hành vi tính dục của con người.

Hà Nội 30-1-2007
Trần Khải Thanh Thuỷ

------------------------------------
(*) Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn, thời kỳ là vợ bé quan Trấn Hiệp Quảng Yên Trần Phúc Hiển (1814 - 1818) bà có để lại cho đất nước một gia tài thơ gồm năm bài về Vịnh Hạ Long và mười sáu bài thơ về Đồ Sơn và Biển. Bãi này nằm trên trục đường bà cùng chồng đến Trấn ải (Từ kinh thành Thăng Long đến Quảng Ninh, qua cầu Bình Than thuộc huyện Nam Sách (Hải Dương) nơi diễn ra hội nghị Bình Than của các cụ bô lão mà Trần Quốc Toản vì nhỏ tuổi không được dự, tay bóp nát quả cam lúc nào không rõ).

(**) Câu đố dân gian, nhằm ám chỉ phái tính của phụ nữ

(Kỳ sau Hội Bảo Vệ Nhà văn TKTT sẽ đăng 2 bài thơ còn lại)