Saturday, December 13, 2008

Trạng Nguyên Lê Văn Thịnh - Oan Khiên Đến Tận Bao Giờ ?



Trạng Nguyên Lê Văn Thịnh - Oan Khiên Đến Tận Bao Giờ ?

Trần Khải Thanh Thuỷ

Bắc Ninh - cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 30 km, một vùng đất quan họ hiền lành trù phú, nơi 9 đời vua nhà Lý đóng đô... một vùng huyền sử đẹp như mơ với những tên gợi nhớ, ăn sâu vào tiềm thức của bao người dân Việt, từ chùa Phật Tích, núi Thiên Thai, sông Cầu, sông Thương, sông Nguyệt Như, suối Hoa, suối Tương Tư, đường Nguyên phi ỷ Lan, phố Lê văn Thịnh .v.v... Có lẽ chưa vùng quê Việt Nam nào lại ẩn chìm nhiều bóng dáng chùa chiền, đền phật, tín ngưỡng đến thế. Tổng cả tỉnh Hà Bắc cũ (gồm hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang cộng lại) có 241 xã thì có tới 259 ngôi chùa lớn nhỏ, nhiều xã có tới 2-3 ngôi chùa .
Vốn là cây bút xông xáo, lại viết được, nói được, nên khi còn là phóng viên Báo đảng, dù chỉ là thứ báo hạng xòang như Cựu "chán" binh, Lao động thủ đô, Người cao tuổi .v.v... tôi vẫn được ban biên tập báo Bắc Ninh để ý, và đến hẹn lại nên, vào dịp tết, hay kỷ niệm ngày thành lập báo, nhóm văn nghệ sĩ thủ đô chúng tôi lại được ban lãnh đạo báo Bắc Ninh gửi giấy mời hoặc gọi điện thoại thông báo để xuống viết bài tham dự trong dịp báo xuân, báo tết cho thêm phần rôm rả, sang trọng, vì dù sao cũng là người của thủ đô, nhất nước về sự thanh lịch và trí tuệ...
Để có tư liệu viết bài, bao giờ cũng vậy, chúng tôi được ban biên tập cử phóng viên đưa xuống tận cơ sở miếu mạo đình chùa hoặc các phân xưởng sản xuất đồ gỗ Đồng Kỵ, xí nghiệp làm giấy vở học sinh, trung tâm kỹ nghệ chuyên đúc đồng, nặn tượng .v.v... Trong một lần như vậy, chúng tôi tìm đến đền thờ Lê văn Thịnh ở thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, một trong những huyện lớn, nằm ngay gần thành phố Bắc Ninh.
Con đường dốc thoai thoải dẫn lên một ngọn đồi yên tĩnh nơi đền toạ lạc, tôi nhàn tản bước vào năm gian Tiền đường và ba gian hai trái Hậu đường, mắt chú ý vào từng chi tiết trang trí, điêu khắc hiện rõ nét trên các bộ vì, bức cốn, bẩy hiên, lòng thầm phục sự tinh tế, sắc nét điêu luyện của những người thợ xưa, cách đây cả vài trăm năm. Dưới bàn tay họ, những bức hình trang trí theo mẫu thức truyền thống như Long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai hiện lên thật điệu đà phong phú, sinh động, mang rõ nét dấu ấn nghệ thuật của thời nhà Nguyễn.
Khi bước tới gian miếu thờ ở bên ngoài, tất cả cánh văn nghệ sĩ chúng tôi đều nổi da gà khi bức vải được vén lên, một pho tượng bằng đá nguyên khối tạc hình một con rồng lớn đang nằm co quắp, một thế rồng khác với tất cả các con rồng cuộn, hoặc rồng bay khác mà tôi đã nhìn thấy từ hàng trăm ngôi đình chùa lớn nhỏ tại Việt Nam, dù là rồng cách điệu theo thời nhà Trần hay nhà Lý, nhà Nguyễn .v.v... . Một tư thế uất kết, miệng cắn lấy đuôi, 4 móng vuốt quắp chặt vào thân đau đớn, đôi mắt đỏ, đục, nhoà đi vì căm hận. Khiến ai nhìn thấy cũng phải rùng mình kinh sợ.

Cùng đi với tôi có chị Trương thị kim Dung - người của tỉnh Bắc Ninh làm báo phụ nữ thủ đô- người rất am hiểu lịch sử nước nhà, nên đã kịp nói qua đôi điều về tiểu sử của ngôi đền Lê văn Thịnh cũng như miếu thờ con rồng đặc biệt này.

Nỗi oan khiên từ cả nghìn năm không giải toả được vẫn còn hiển hiện
Theo sử sách để lại thì Lê Văn Thịnh sinh khoảng năm 1038, quê ở xã Chi Nhị, tổng Đại Lai, huyện Gia Bình (nay là thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh).
Năm Ất Mão (1075) Sau khi định đô ở Thăng Long được vài chục năm, lúc này đã yên bề xã tắc, nhà Lý chú trọng đến việc giáo dưỡng dân chúng, đào tạo người hiền tài cho đất nước, nên đã cho mở khoa thi đầu tiên trong lịch sử nước nhà, vừa khẳng định sự độc lập, cũng là thoát ra khỏi sự lệ thuộc với phương bắc nên gọi là khoa thi Tam trường hoặc Minh Kinh bác học. Người đỗ thủ khoa năm ấy cũng là ông nghè đầu tiên của nền học vấn Đại Việt là Lê văn Thịnh. Vốn là người có tài, lại gặp triều đình sáng suốt, biết trọng nguyên khí quốc gia, nên chỉ sau 10 năm ông đã lập công lớn và trở thành Thái sư, tức là thầy dạy học cho chính các công chúa hoàng tử trong triều (1085)
Trước đó, ngay khi ông đỗ thủ khoa, năm 1076, triều đình nhà Tống từ Trung Quốc sai Quách Quỳ (cấp trưởng) và Triệu Tiết (cấp phó) tại sứ Quảng Nam (tức khu tự trị Quảng Tây của Trung Quốc ngày nay ) làm chiêu thảo sứ, đem hàng triệu quân cùng 9 tướng lãnh đạo, hợp với quân Chiêm Thành và quân của Chân Lạp cùng ùa sang xâm lấn Đại Việt để trả thù về việc bị Lý Thường Kiệt và Tông Đản đem quân tấn công các châu Ung, Khâm, Liêm của nhà Tống năm trước, nhằm phủ đầu mưu đồ xâm lược của nhà Tống. Trên sông Như Nguyệt (Bắc Ninh) nơi triều đình nhà Lý đóng đô, Lý Thường Kiệt đã dàn quân, cùng các tướng lĩnh đánh tan hết trận này, trận khác khiến cả đội quân hùng, tướng mạnh của các sứ quân do Quách Quỳ chỉ huy phải thất điên bát đảo. Cuối cùng, để bảo vệ mạng sống, đích thân Quách Quỳ phải ra lệnh lui quân lên vùng biên giới phía bắc và chiếm châu Quảng Nguyên của Việt Nam (nay là hai tỉnh Cao Bằng, và Lạng Sơn ) để lẩn trốn, định đô.
Trên cơ sở thừa thắng xốc tới, lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy nhân nghĩa để thay cho cường bạo, mùa xuân năm 1078, vua Lý Nhân Tông sai Đào Tống Nguyên đi sứ sang trung quốc, đem theo 5 con voi thuần chủng biếu vua quan nhà Tống, để giảng hoà và xin họ trả lại phần đất của Việt Nam đã bị lấn chiếm cùng hàng nghìn người dân bị bắt về Trung Quốc trước đó. Năm 1079 nhà Tống trả lại hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, nhưng nhất định không chịu trả lại phần đất đai mà người dân buộc phải dâng cho nhà Tống. Vì thế , tháng 6 năm 1084, sau năm năm giằng co, lưỡng lự, Lê Văn Thịnh với cương vị là thị lang bộ Binh liền đến trại Vĩnh Bình cùng vua quan nhà Tống bàn việc cương giới. Tuy binh lực nhà Tống lúc đó đã bị Lý Thường Kiệt đánh thua tan tác, song với bản chất tham lam, tàn bạo, họ chỉ đồng ý trả lại phần đất đã xâm lấn chứ nhất định không nhượng lại phần đất cưỡng chiếm của thổ dân với lý do: "Đất ấy là của thổ dân "tự ý" đem sát nhập vào nhà Tống để tỏ lòng thuần phục chứ họ đâu có ỷ thế lấn chiếm. Vì thế, với kiến thức và sự lịch lãm, khoan dung cao độ, Lê Văn Thịnh đã trả lời Thành Trạc- sứ giả nhà Tống: Đã là đất thì phải có chủ, các viên quan được triều đình nhà Lý giao cho giữ đất để bảo vệ biên thuỳ mà lại đem nộp cho nhà Tống và trốn đi thì đất ấy đích thực là vật ăn trộm. Việc này, luật pháp Đại Việt không những không cho phép, mà còn làm dơ bẩn sổ sách của vua quan nhà Tống nữa vì đã nhập nhầm phần đất do thổ dân ăn trộm.
Bàn đi tính lại, cuối cùng, cách trả lời cứng cỏi, đầy đủ lập luận, lý lẽ của Lê văn Thịnh khiến nhà Tống cứng họng. Đơn giản vì luật pháp đã quy định rõ ràng. Tất cả các quan viên, khi nhận một phần lãnh thổ để canh giữ, nếu đem bán hoặc hủy bỏ đều có tội. Trong trường hợp này, các thổ quan- vốn là những người được Lý Nhân Tông tin dùng, cho cai quản các châu quận ở nơi biên ải xa, đã không giữ được sự tin cẩn của triều đình lại tự tiện đem đất đai của tổ tiên dâng cho nhà Tống, để xin thuần phục là xâm phạm vào lãnh thổ của Đại Việt. Còn việc nhà Tống tự tiện chiếm giữ đất ấy là bất hợp pháp, không minh bạch, không đáng giá, không xứng đáng với sự hoà hợp của hai dân tộc
Nhờ phân biệt rõ ràng các khái niệm khế ước ủy nhiệm, ký thác hay quyền sở hữu mà Lê Văn Thịnh đã buộc Nhà Tống- phải trả nốt 6 huyện, 3 động đã chiếm của đại Việt theo đúng ý mình. Nhân sự việc này người dân Tống có thơ rằng:
Vì tham voi Giao Chỉ
Bỏ mất vàng Quảng Nguyên.

Nghĩa là chỉ vì tham 5 con voi thuần chủng của người Giao chỉ (tức người Việt Nam) mà triều Đình nhà Tống của Trung quốc phải bỏ lại hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn (Quảng nguyên) chứa đầy vàng bạc, châu báu trong lòng đất.
11 năm trong cương vị thái sư- chuyên truyền đạt những điều hay lẽ phải những kiến thức uyên thâm sâu sắc cho con cái các bậc quân vương trong triều, trong sự tin cậy tuyệt đối của vua Lý nhân Tông (1072 - 1127). Không ngờ Tháng 3 năm 1096, ông gặp nạn, bị ghép vào tội mưu phản giết vua, và bị đi đầy ở vùng Thao Giang (nay là vùng Tam Thanh, huyện Sông Thao, tỉnh Phú Thọ), một vùng núi độc, rừng thiêng mà đến tận bây giờ, người dân vẫn còn truyền khẩu câu ca:
Sông Thao nước đục, bờ nông,
Ai lên tới đó thì không đường về.

Từ địa vị của người khai quốc công thần, cầm cân nẩy mực, thân cận với triều đình trở thành kẻ mưu phản, đại ác, lẽ ra ông bị tru di tam tộc như lịch sử sau này đã lặp lại với vụ án Lệ chi viên của quan đại thần Nguyễn Trãi. Chỉ nhờ công lao của ông với lịch sử nước nhà, cũng là bởi triều đại ông sống, thiên về đạo phật, kiêng sát sinh (cả nước có tới 50% số dân là sư sãi trong chùa), nên ông chỉ bị án di lý, đi đầy trăm dặm, không đến nỗi phải mất mạng mình cùng mạng con cháu ba đời...
Ở độ tuổi gần 60 mà phải đầy lên mạn ngược, gió lam, chướng khí, trong cảnh oan khiên, không biết ông sống thêm được bao năm, song khi mất, ông được cận thần, người ăn kẻ ở đưa về chôn cất ở quê nhà. Nơi đó là thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay, ngay trong khu vực chùa Bút Tháp.
Hiện tại sau gần 1003 năm, vụ án hồ dâm đàm vẫn còn là một nghi án lịch sử, mà phần oan khiên vẫn nghiêng về phía ông.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư chép: Tháng 3-1096 nhà vua ngự trên thuyền nhỏ ra hồ Dâm Đàm (hồ Tây ngày nay) để xem ngư dân đánh cá. Đang yên lành, chợt có mây mù nổi lên, giữa đám mây mù, bất thần nhà vua và các cận thần nghe thấy tiếng mái chèo rào rào và một chiếc thuyền nhỏ lao vun vút đến. Hoảng sợ, nhà vua liền lấy giáo ném vào chỗ ấy. Ngay lập tức mây mù tan, vua thấy trong thuyền là con hổ vằn vện rõ to đang nhe răng giơ vuốt gầm gừ. Giữa lúc mọi người tái mặt sợ hãi, lắp bắp "Việc nguy rồi!" , thì Mạc Thận- vốn quen với việc sông nước và cảnh quan tây hồ trong những lần đánh bắt cá nên đầy bình tĩnh, quăng lưới trùm lên mình hổ. Sau khi biết hổ bị sa bẫy, mọi người bình tâm nhìn lại và nhận ra con hổ chính là Thái sư Lê Văn Thịnh.
Từ sợ thành giận, nhà vua ra lệnh cho các quan đại thần lấy giây sắt trói nghiến lại và giải về triều, chịu cùm và giam cho tới chết. Sau đó, nghĩ tới công lao cũ của vị thái sư- một chức bậc quan trọng nhất nhì trong triều đình bấy giờ, nên đã tha tội chết, chỉ đày lên miền nước độc rừng thiêng thuộc thượng lưu sông Nhị.
Sau nghìn năm nhìn lại, dưới ánh sáng khoa học hiện đại, tác giả nghiêng về phía trạng nguyên Lê Văn Thịnh bị oan nhiều hơn. Có thể vì là người tinh thông lỗi lạc, lại quan hệ với vua và các quần thần như người ăn kẻ ở trong nhà nên khi thấy vị vua trẻ ra hồ xem ngư dân đánh cá (khi ấy vua Lý Nhân Tông mới bước sang tuổi 45) nên Lê Văn Thịnh nẩy ra ý định nghịch ngợm, trêu trọc bằng cách khoác tấm da hổ lên người rồi ngồi rình ở ven bờ trong đám lau lách rậm rạp (cách đây cả nghìn năm thì Hồ Tây còn um tùm, rậm rạp, lắm chim muông, thú dữ lắm). Khi thấy thuyền của vua tiến ra giữa hồ, liền lợi dụng lúc sương mù dày đặc nổi lên, chèo thuyền bơi ra, doạ vua một phen chơi, không ngờ nhà vua vì lo sợ cuống cuồng mà làm lệch thuyền, khiến thuyền bị lật úp , rơi tõm xuống hồ, cả tấm thân nghìn vàng ướt lướt thướt, run lẩy bẩy. Thế là từ đùa hoá thật, qúa mù ra mưa, Lê văn Thịnh bị khép tội mưu phản, giết vua để cướp ngôi.
Cũng có thể vì nhà vua ham vui tửu sắc, hay có vấn đề về sức khoẻ, ngồi trong cung cấm lâu ngày nên khi bơi ra giữa hồ gặp cảm mạo, giữa sương mù bảng lảng như khói như mây, nên trông gà hoá quốc, trông vị thái sư lại thành hổ vằn vện nên đã kết tội oan sai cho cận thần của mình.
Nhiều giả thuyết nghiêng về việc Lê Văn Thịnh- với tư cách tể tướng, Thái sư nên đã thực hiện cải cách về chế độ kinh tế -xã hội, quân sự theo tân pháp của nhà Tống do Vương An Thạch đứng đầu. Điều đáng tiếc, các cải cách này được lợi cho muôn dân nhưng lại đụng vào lợi ích thiết thân của các quan lại trong triều nên đã thất bại thảm hại, Bản thân Vương An Thạch bị đuổi về quê đuổi gà, làm vườn cho vợ. Thời đó, các thể chế Đại Việt đều mô phỏng theo thể chế của nhà Tống nên khi Vương An Thạch bị thất sủng thì Lê văn Thịnh cũng phải chịu kết cục tương tự.
Còn một giả thuyết khác, vẫn thường xảy ra với các triều đại từ xưa đến nay là trạng nguyên Lê văn Thịnh do qúa nghiêm khắc trong việc dạy bảo các cậu ấm cô chiêu của hoàng tộc theo đúng lễ nghĩa phép tắc của triều đình nên bị ganh ghét, đàm tiếu, đố kỵ rồi bị các đại thần vu oan giáng hoạ mà phải chịu án lưu đầy cho khuất mắt họ?
Lý giải về việc này, sử sách xưa chép lại: "Đương thời, khi còn là tể tướng, Lê Văn Thịnh có một người hầu cận, nguyên quán ở Việt Nam, nhưng theo học thầy tàu tận Trung Quốc, biết làm phép thả hơi mù và biến thành hổ báo để doạ nạt mọi người cầu lợi, cầu vinh, ra oai với thiên hạ. Do yêu mến vị trạng nguyên đầu tiên của nước nhà mà truyền đạt lại cho thầy và Lê Văn Thịnh đã dày công luyện rèn để học được phép thuật ấy rồi lập tâm giết vua để cướp ngôi. Khi kế hoạch bị bại lộ đã bị khép tội, đánh tuột mọi chức tước, lột áo mũ ô sa và chịu án lưu đày".
Dù thế nào thì mọi sự lý giải về trạng nguyên Lê văn Thịnh vẫn chỉ là phỏng đoán, song các giả thiết nghiêng về việc ông bị hàm oan là có thật.
Chắc hẳn trước khi chết ông đã để lại lời trăn trối cho con cháu và họ hàng thân thích, vì thế, vào thời hậu Lê, khi ông đã được giải oan, cháu con ông mới cho đúc một pho tượng bằng đá nguyên khối tạc hình một con rắn lớn (dạng rồng) trong tư thế "miệng cắn thân, chân xé mình" hòng toát lên nỗi đau đớn, phẫn uất như vậy. Theo quan điểm của người dân xã Đông Cứu, pho tượng chính là hiện thân của Lê Văn Thịnh, trạng khai khoa của nền quốc học Việt Nam, người đã chịu hàm oan trong vụ án hồ Dâm Đàm từ thời nhà Lý.
Việc phát hiện ra pho tượng và lập miếu thờ hoàn toàn ngẫu nhiên và thật lắm huyền thoại. Số là vào khoảng thập niên 90, những lũ trẻ làng vốn lăn lê bò toài với những trò chơi bắn bi, nghịch đất, bỗng phát hiện ra giữa đám đất đá gần đường có một phiến đá vảy rồng. Lúc đầu phiến đá chỉ là một chấm tròn nhỏ bằng đồng xu. Do tò mò, lũ trẻ lấy tay xoa hết lớp đất bên trên làm phiến đá lộ dần ra bằng bàn tay rồi bằng cả miệng chậu, cái mâm... Càng xoa rộng lớp đất phía trên, phiến đá vẩy rồng càng hiện lên rõ nét, trở thành sự quan tâm chú ý cho cả làng. Lập tức các bậc bô lão trong làng đem chuyện trình lên ủy ban nhân dân xã đông Cứu, uỷ ban nhân dân huyện Gia Bình, rồi uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Khi chuyên viên, cán bộ của sở văn hoá thông tin tận trung ương tìm về, lớp đất đã được đào sâu xuống cả mét để lộ ra toàn bộ thân tượng kỳ vĩ, uất kết. Sợ để tượng ở nguyên vị trí cũ, ngay dưới chân đồi, đông người qua lại sẽ bị thất thố hoặc bị vùi lấp như cũ, nên sau nhiều ngày bàn thảo, dân làng đã quyết định hô thần để rời tượng. Trong qúa trình khai quật, vì nôn nóng hay do sơ xuất mà nửa thân sau của tượng bị gãy nứt, đứt đôi, vì thế khi tượng đã được đưa lên đồi cao và xây miếu thờ, 5 trong số vài chục người khiêng đã bị thiệt mạng, tất cả đều là người của thôn Bảo Pháp.
Cho tới tận cuối thế kỷ 20, nghi án lịch sử về vụ án hồ Dâm Đàm vẫn chưa được giải toả, đến mức nhà viết chèo Tào Mạt trong vở chèo hiện đại nổi tiếng mang tên "Bài ca giữ nước" vẫn đưa tên thái sư Lê Văn Thịnh vào danh sách tội đồ, phản nghịch. Chính vì thế khi vở kịch được công diễn và lưu hành rộng rãi trên toàn quốc, đã gây ra không it chuyện dị thường, thị phi, số là người dân của thôn Bảo Tháp, sau khi phát hiện ra pho tượng chìm sâu trong lòng đất cả mấy trăm năm liền lập miếu thờ, tế lễ, hương khói quanh năm, trong khi các làng xung quanh, mỗi khi nghe vở bài ca giữ nước của Tào Mạt lại thốt lên đầy mai mỉa:
- Thấy chưa, thành hoàng làng của chúng mày đấy, người mà chúng mày gọi là tiến sĩ, thái sư, lập đền thờ, miếu mạo, rồi rước về để trình tế hàng năm vào ngày sự lệ chẳng qua chỉ là một tên nghịch tặc, phản loạn, lập mưu giết vua, đoạt quyền...
Lời qua tiếng lại, bên nào cũng cho là mình đúng, không bên nào chịu nhường bên nào. Hàng trăm trai tráng, lực điền của 5 thôn Đông, Lai, Nghiêm, Miễu và Lai Lẻ trong xã Nhị Chi xưa (nay là xã Đông Cứu) không chịu nổi sự xúc phạm đến tín ngưỡng, thành hoàng của làng mình, nên năm nào cũng bí mật đem vũ khí cuốc, xẻng gậy gộc, cho vào quan tài, tạo ra một đám ma giả, để tất cả cùng đi theo đưa tiễn, khi đến địa phận giáp ranh của hai làng liền bất ngờ hạ xuống, bật nắp quan tài lên lấy vũ khí xông vào đánh trả người làng lân cận. Ngược lại, làng kia cũng tìm mọi cách để quăng vải, tẩm dầu vào các mái nhà của người dân xã Đông Cứu làm bao nóc nhà cháy rụi... Cảnh máu chảy đầu rơi, loạn làng, bốc hoả do cháy nhà diễn ra liên tục trong nhiều năm, đến mức cả uỷ ban xã đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cũng không can thiệp nổi. Năm 1993, bộ văn hoá thông tin phải đứng ra mời tất cả các sử gia nổi tiếng cùng cánh phóng viên báo đài về hội thảo. Sau ba ngày trời kết luận cuối cùng của cuộc hội thảo khẳng định ông là một danh nhân khoa bảng, người có công với triều đại nhà Lý, đặc biệt là Lý nhân Tông. Chuyện ông hoá hổ giết vua chỉ là một nghi án, một sự hàm oan... Khi các bức ảnh của cuộc hội thảo được công bố, lời phát biểu của các nhà học giả được phát thanh trên đài truyền hình, truyền thanh cả nước, cũng như sự lên tiếng kịp thời của các phóng viên trên mặt báo thì nỗi giận của dân làng Đông Cứu mới nguôi ngoai. Tên ông được đặt cho một tên đường phố của tỉnh Bắc Ninh, một ngôi trường phổ thông cơ sở cũng vinh dự mang tên ông.
Riêng nhà viết chèo Tào Mạt ngay sau đó đã mắc một chứng bệnh kỳ lạ ... Vốn là người con của quê hương quan họ, nơi một làn nắng cũng mang điệu dân ca nên tâm hồn ông qua việc tắm nắng, gội gió bao năm cũng đầy chất dân ca và chèo... Đang yên lành, ông bỗng mắc chứng đau đầu, sợ đủ mọi thứ, không dám tiếp xúc gặp gỡ ai, miệng luôn lảm nhảm rên hừ hừ, lẫn lộn mọi sự, lẫn lộn trước sau, sáng, tối, lẫn lộn con vật, con người, đặc biệt sợ công an. Bà Trần thị Bát, vợ ông kể, thời gian trước khi chết, cả đầu và cuối giường ông đều phải để quạt điện và bật suốt ngày đêm, trong khi trên người ông là chiếc chăn bông sù sụ, mà ông lúc nào cũng kêu nóng, kêu rét, miệng rên hừ hừ nhưng không cho tắt quạt hoặc cất chăn đi. Bạn bè thương quý tìm đến chờ ông cả buổi mà ông nhất định không cho người nhà mở cửa, phải bỏ về. Bà Bát, cứ sáng sớm hoặc tối trời lại dỗ dành khuyên giải để dắt ông ra khỏi nhà như dắt một đứa trẻ, để ông thơ thẩn hái hoa, bắt bướm, nghịch cây. Ngay cả hoa bèo, hoa rau muống cũng trở thành nỗi đam mê yêu thích của ông, giúp ông tạm quên chứng đau đầu. Thời gian cuối ông phải nhận một kết cục oan nghiệt mà cả nhà không dám nói, đó là con trai ông, vốn làm ở Sân bay Nội Bài, mua được một chiếc xe kích của cộng hoà dân chủ Đức, trong khi tiền còn phải vay mượn đã bị trấn trên đường từ Nội Bài về. Qúa tiếc chiếc xe đẹp đẽ, mới mua nên đã kiên quyết không chịu bỏ của chạy lấy người mà giằng co với lũ cướp, để bị mất mạng. Khi đó ông đang nằm bệnh viện. Vào những phút giây hiếm hoi tỉnh táo, không thấy con vào thăm, ông hỏi thì cả nhà đều nói tránh là "đang đi công tác xa nhà". Mãi tới ngày giỗ 49, cả nhà làm giỗ, người ra người vào chia buồn, dự lễ, không thể giấu được, đành nói rõ với ông. It ngày sau, đến lượt ông ra đi trong vật vã, hối tiếc, đau đớn. Người làng bảo ông bị thành hoàng của làng phạt vì tội đã báng bổ thánh thần, bẻ cong lịch sử**, biến danh nhân văn hoá thành kẻ phản diện, tiếm quyền bỉ ổi.
Ngày nay, đền thờ Thái sư Lê văn Thịnh còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật phong phú như: hai ngai thờ tượng ông, bộ bát bửu, thần tích, 5 đạo sắc phong, đạo sớm nhất phong năm 1853, đạo muộn nhất năm 1924 và hệ thống bia đá khắc dựng từ thời Nguyễn, đôi câu đối, cuốn thư và nhiều đồ thờ bằng đồng, gỗ, gốm, sứ. Đó là những di sản văn hóa quý từ thời Hậu Lê để lại, góp phần làm tăng thêm giá trị lịch sử và nghệ thuật cho nước nhà.


Tượng Thái sư Lê Văn Thịnh trong đền thờ tại thôn xã Đông Cứu, Gia Lương, Hà Bắc. Bài vị phía sau ghi: Lê Thái sư Đại vương

Tượng ông đặt trong khám thờ sơn son thếp vàng lộng lẫy ở phần trang trọng nhất nơi Hậu cung. Nghệ thuật tạc tượng, điêu khắc gỗ, sơn son thếp vàng điêu luyện, lột tả chân dung thư thái của vị quan Thái sư tài năng, đức độ-người đã có công lao to lớn trong việc rèn dạy đấng quân vương thời niên thiếu, đồng thời cả trong mặt trận ngoại giao, kinh bang tế thế với vương triều nhà Tống để đòi lại lãnh thổ cho đất nước từ thời Lý, cách đây cả nghìn năm, ngược hẳn với pho tượng rồng đầy uất kết "miệng cắn thân, chân xé mình" phía ngoài miếu thờ.
Năm 2004 đền thờ ông mới được Bảo tàng Bắc Ninh và UBND tỉnh xếp hạng Di tích Lịch sử văn hóa, song điều trớ trêu là hình ảnh ông -kẻ phản tặc, thí nghịch, gian hùng trong vở chèo tuy đã bị cắt bỏ, song nhiều người trong giới chính sử của nước nhà vẫn coi ông là trọng tội. Ngay cả nhà sử gia lỗi lạc Ngô Sĩ Liên cũng viết về thái sư Lê Văn Thịnh: "Kẻ làm tôi, phạm tội giết vua, cướp ngôi mà được miễn tội chết, thế là sai trong việc hình, lỗi ở vua qúa tin sùng đạo Phật... " Theo vết chân của Ngô sĩ Liên, nhiều nhà sử học đương thời vẫn cho rằng: Sau gần 900 năm, nỗi oan khuất cuả ông mới được làm sáng tỏ, thì chứng tỏ ông là kẻ đại nghịch, vì sau lưng ông khi đó là một thế lực thù nghịch muốn lật đổ ngai vàng của vua, nên mới mượn lốt hổ để doạ vua. Bởi vùng hồ Tây khi ấy thỉnh thoảng vẫn có hổ xuất hiện... Chỉ vì âm mưu không thành mà phải chịu đi đày. Và vụ án hồ dâm đàm là vụ án có thật 100%, được lưu truyền lại nhiều đời trong lịch sử. Nếu bị oan, thì không phải đợi đến 897 năm (1096- 1993) mới được giải oan. Sự giải cứu này hoàn toàn do ý đồ của con cháu họ Lê, vì muốn cởi bỏ tiếng xấu cho ông tổ của mình nên đã tìm mọi cách để lật lại vụ án. Phía nhà nước cộng sản vì không muốn tiếp diễn cảnh máu chảy đầu rơi, người dân chém giết lẫn nhau nên đã xuê xoa mọi chuyện. Điển hình của xu hướng này là nhà sử học Bùi Thiết, người đã viết cuốn " đối thoại sử học" và bị nhà nước cộng sản coi là một trong 7 kẻ đốt ngôi đền lịch sử Việt Nam, sau khi cấm lưu hành cuốn sách của ông.
Lý giải về việc Thái sư "hoá hổ" trên thuyền, nhiều người bảo do tướng mạo ông từ bé đã giống hổ, nên giữa sương mù dâng lên dày đặc, nhà vua mới lầm tưởng. Ngay cả mẹ đẻ ông, nhiều lần vô tình ngắm ông học bài cũng ngất sỉu, đánh rơi cây đèn trên tay vì tướng mạo, vóc dạng, hình hài ông giống hệt một chú hổ con. Điều này ngược hoàn toàn với pho tượng của ông nơi đền thờ, nét mặt hài hoà, cân đối, lộ rõ vẻ thư thái, an nhàn, tinh thông, uyên bác của một vị trạng nguyên, tiến sĩ, thái sư...
Tóm lại cho đến giờ phút này, khi cả nghìn năm đã trôi qua thì việc xác định về ông vẫn còn nhiều tranh cãi, và nỗi oan khuất của ông còn hiển hiện từng ngày qua chính pho tượng bằng đá nguyên khối, tạc hình một con rồng lớn đang nằm co quắp, đặt trong miếu thờ ngay hông đền./.

Hà Nội - Bắc Ninh tháng 11-2008
Trần Khải Thanh Thủy
-------------
(*) Hồ Tây còn có tên là dâm đàm, vì cả ngày chỉ trừ giờ chính ngọ là sương tan, còn 23 giờ còn lại, đặc biệt là buổi sáng sớm và sẩm tối, lúc nào sương mù cũng bao phủ, như thơ xưa từng viết:
"Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.
(**) Rất có thể Tào Mạt qua nghiên cứu lịch sử xưa để lại nên đã theo lời bàn của sử gia Ngô Sĩ Liên mà đưa tên thái sư vào diện phản nghịch trong vở chèo của mình.


(Theo Web Vietnam News Network, 4/12/2008)