Friday, November 21, 2008

Trần Khải Thanh Thủy Ra Mắt Sách Ở Nam Cali Ngày 21-11



Trần Khải Thanh Thủy Ra Mắt Sách Ở Nam Cali Ngày 21-11

Việt Báo Thứ Năm, 20/11/2008, 5:18:00 PM

Hai tác phẩm mới in của nhà văn qúôc nội Trần Khải Thanh Thủy, người hiện bị công an vùi dập vị hoạt động dân chủ, sẽ ra mắt tuần này tại Quận Cam.
Nhà hoạt động văn hóa Đỗ Thông Minh, người đứng ra trách nhiệm xuất bản hai tác phẩm mới của Trần Khải Thanh Thủy, kính mời đồng hương dự buổi ra mắt sách vào:
Thứ Sáu 21- 11-2008, từ 1Pm-5Pm. Tại phòng sinh hoạt Việt Báo, 14841 Moran St., Westminster, CA 92683.
LL: ĐỗThông Minh (714) 262-7642.

Hai tác phẩm mới naỳ là Biên khảo và thơ “Hồ Chí Minh: Nhân Vật Trăm Tên - Nghìn Mặt”, dày 424 trang, 20 đô-la Mỹ; và Tập Thơ “Nghĩ Cùng Thế Sự” - 108 bài thơ, 192 trang, 10 đô-la Mỹ.
Đó là các tác phẩm thứ 19, 20 của nhà văn - nhà thơ, nhà đấu tranh Dân Chủ Trần Khải Thanh Thủy đang ở Hà Nội, VN.
Và đó cũng là các tác phẩm thứ 48 và 49 của nhà xuất bản Tân Văn, Tokyo.
Đây cũng là chuyến Mỹ Du lần thứ 31 của nhà văn hóa Đỗ Thông Minh.
Theo chương trình nhà xuất bản, cũng sẽ có buổi ra mắt tác phẩm của Trần Khải Thanh Thủy vào:
Chủ Nhật 30/11, lúc 4-7 giờ tối, tại San Jose, Bắc Cali, tại:
Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Bắc Cali...
2129 South 10th Street, San Jose, CA 95112
Tel: 408-242-4056


Sau đây là sơ lược về nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, người đã có 20 tác phẩm xuất bản ở trong và ngoài nước.
Đôi điều về tác giả - tác phẩm
Trần Khải Thanh Thuỷ sinh ngày 26-11-1960 tại Hà Nội. Tốt nghiệp đại học sư phạm I- khoá 1978-1982. Tham gia viết báo, sách từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đại học Sư Phạm, "nổi tiếng" vì tham gia viết phản đề theo lời kêu gọi của trung ương đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, trong các diễn đàn "vẻ đẹp tuổi trẻ" với những câu châm ngôn nghịch nhĩ: "Nhất dáng, nhì da, thứ ba là nét, thứ bét tâm hồn", hoặc: "Cái nết không thể đánh chết cái đẹp vì cái đẹp chẳng có tội tình gì để cái nết đánh chết nó", rồi "hạnh phúc là sự thoả mãn tư duy, hạnh phúc là đấu tranh, đấu tranh là tránh đâu cho nên hạnh phúc là...tránh đâu", "thoả mãn tư duy là...tránh đâu" v.v... Chính vì thế trở thành đối tượng nghi án trong bài thơ "Mùa xuân nhớ bác" in trên báo Tiền Phong, với những đoạn, câu vô cùng xúc động:
Tuổi trẻ chúng ta
Không ít người lỡ thì mai một
Theo năm tháng cuộc đời
Ngoảnh lại nhìn mình chưa làm được bao nhiêu
Có học hành lại phải sống cầu an
Phải thu mình xin hai chữ bình yên
Bởi lẽ đấu tranh tránh đâu cho được
Đồng chí không bằng đồng tiền
Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp
Có mắt giả mù, có tai giả điếc,
Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời trung
Trấn áp đấu tranh dập vùi khốn khổ
Say sưa trong cảnh giàu sang
Thoái hoá, bê tha khi dân nước gian nan...

Không cần biết tác giả thực là ai, chỉ cần có đệm khải ở giữa, nghe na ná với tên trên bài viết - Phan Thị Xuân Khải - đủ để mọi cánh cửa tương lai bịt ngay trước mặt. Vì thế sau khi ra khỏi trường đại học, dù đã là cộng tác viên tích cực của hầu hết các báo trung ương và địa phương, song tất cả các nơi tác giả gõ cửa xin vào đều không nhận. Từ đại học viết văn Nguyễn Du, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam, đài truyền hình Trung Ương, báo Thiếu Niên Tiền Phong, báo Văn Nghệ v.v... Cuối cùng chấp nhận bản án 11 năm núi đỏ rừng xanh, lặng lẽ cúi đầu trong tiếng nấc, trên dặm đường trăn trở những buồn thương... Dạy học tại các tỉnh miền núi Hoà Bình, Hà Tây đến 1993 thì chuyển về báo Cựu chíến binh, đồng nghĩa với việc mất biên chế vĩnh viễn, sau đó luôn luôn phải đổi báo vì tính cách bộc trực thẳng thắn của mình... Cũng bởi tư tưởng bất phục tùng, ưa nói thẳng, nói thật, không đồng nhất mình với đảng, trong bối cảnh xã hội hoá về nói dối, từ trên xuống từ trong nội bộ lãnh đạo đảng, bộ chính trị trung ương, nên luôn bị các "bạn dân" chăm sóc... dấu mốc đầu tiên là dịp kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ 27-7 năm 1994. Vì viết cả chùm bài bài bênh vực các bà mẹ Việt Nam anh hùng (bị đảng cầm quyền lãng quên trong khốn khó, đói nghèo) mà bị treo bút 6 tháng. Gồm "Nước mắt chưa khô trên má mẹ hiền"; "Đêm đêm nhang cháy đỏ bàn thờ",Bão còn thổi trong những vành tang trắng"; "Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên"; "Vẫn còn đó nỗi đau của các bà mẹ liệt sĩ"; "Cuộc đời mẹ là của nước non"... cùng chùm bài phản ánh nỗi đau trong các gia đình thương binh nhiễm chất độc da cam sinh ra trẻ thơ tật nguyền, như:"Con của những người lính trường sơn năm xưa"; "Con của những người lính trên quê hương Thái Bình", rồi "Vườn không, nhà trống, tàn hoang" v.v... tất cả chỉ vì tội không chịu gia giảm liều lượng chiến tranh, không chịu ca ngợi đảng và chính phủ trong việc chăm sóc các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các đối tượng chính sách v.v..., còn đưa ra những châm ngôn phản đảng, khi đưa Emol Zum one (con của tổng đô đốc Hải quân Jame Zum one - người ra lệnh trải chất độc da cam ở Việt Nam) đến thăm các gia đình bị nhiễm sinh ra trẻ con tật nguyền để lập quỹ hỗ trợ phi chính phủ: "Lửa chiến tranh đã tắt từ lâu, nhưng nước mắt không khô trên mảnh đất này. Đó đây còn 30 vạn mộ liệt sĩ mất tích chưa tìm ra. Nỗi đau không chỉ xoáy vào da thịt mà còn nhức nhối tâm can khi các thương bệnh binh từ chiến trường trở về sinh ra trẻ thơ tật nguyền...Đó cũng chính là lý do đoàn Mỹ đến Việt Nam lập quỹ phi chính phủ để hỗ trợ con em chúng ta- những đối tượng bị chất độc da cam trong lần này"...
Sau khi bị kỷ luật ở báo Cựu chiến binh, tác giả tiếp tục làm hợp đồng cho một vài báo như "Người cao tuổi", "Văn hoá văn nghệ công an", "Lao động thủ đô" v.v... Cuối cùng vì đam mê sáng tác mà bỏ thẻ phóng viên, bỏ "ăn theo nói leo" để ngồi nhà sáng tác văn học... Kể từ năm 1989 đến nay, một loạt tác phẩm ra đời. Tiêu biểu nhất bộ sách về thiếu nhi của nhà xuất bản Kim Đồng, như: - Thơ đố; Ngôi nhà của gấu; Sông không đến, bến không vào; Làm chị; Khát sống; Từ trong cổ tích bước ra; Tôn Thất Bách- y đức một đời...Tiếp đó là bộ sách về Hồ Xuân Hương gồm: "Băm mươi sáu cái nõn nường"; "Khúc khích Xuân Hương"; "Tản mạn về Lưu Hương Ký", hiện đang được bày bán tại Califoocnia (Mỹ). Ngoài ra còn viết truyện vui, phóng sự, truyện ngắn, làm thơ... Tỏ ra là một cây bút xông xáo, đa năng, bất cứ thể loại nào cũng có thể thử bút được và gặt hái được chút ít thành công trong lĩnh vực nghệ thuật này.
Tại Hải ngoại, bắt đầu được dư luận biết đến qua một loạt truyện ngắn mang phong cách hài do nhà văn Vũ Thư Hiên giới thiệu trên báo chí Ba Lan (Đàn Chim Việt), Mỹ (Viet Tide) như "Chết ngoài kế hoạch"; "Niềm vui nhận nhà"; "Báo về", hoặc các sáng tác phê bình tiểu luận mang đậm nét văn hoá dân gian: "Mơ thấy Xuân Hương" (nhiều kỳ); "Nét đẹp của phong dao hoa tình"; "Thơ Tố Hữu và thơ truyền miệng". "Bút tre hay hiện tượng phonclo mới"; "Nước mắt cười"; "Ngồi buồn lại nhớ Bút tre" v.v...
Cuối 2004 lại một lần nữa bị đảng ấn...thành tượng vì bài thơ "Gửi Nguyễn Du", bộc lộ rõ cách cảm, cách nghĩ sau 18 năm đổi mới của đảng
Khuất núi lâu rồi Nguyễn Du ơi
Hôm nay tôi lại đến bên người
Để phản hồn ông về chốn cũ
Bên dòng La Mịch với Khuất Nguyên
*
Đời nay bất hạnh vẫn như xưa
Dẫu ba thế kỷ đã trôi vèo
Ba trăm năm chẵn trong trời đất
Thiên hạ bao người vẫn khóc ông
*
Đời như sông nước ngày khô khát
Cá lớn cậy mình nuốt cá con
Dân đen như cá nằm trên thớt
Thân rùa bao đời phận đá đeo
*
Vẫn kiếp phong trần lắm gieo neo
Vẫn quân ưng khuyển lũ hôi tanh
Cùng loài hổ báo giơ nanh vuốt
Và phường gian ác hại dân lành
*
Bỏ lại cõi trần lắm bon chen
Hồn ông yên nghỉ mãi muôn đời
Nơi ấy suối vàng lạnh tê tái
Còn hơn chán vạn cõi trần ai.

Bài thơ in cùng một số với truyện ngắn "chị Cả Bống" của tác giả Phạm Lưu Vũ đã khiến dư luận ồn ào đồn thổi mãi (như thể tiếng bom nổ giữa thời bình). Chính vì vậy tác giả vinh dự trở thành kẻ đi chệch hướng đường lối đổi mới của đảng, kẻ phủ nhận trắng trợn mọi thành tựu kinh tế văn hoá xã hội, chính trị của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam... danh hiệu mà đích thân trưởng ban văn hoá tư tưởng Nguyễn Khoa Điềm ban tặng trong các cuộc họp lớn nhỏ hàng tuần giữa ban văn hoá tư tưởng trung ương và 600 tổng biên tập các báo lớn nhỏ tại việt nam, là câu thường trực cửa miệng của tất cả các lãnh đạo thuộc cơ quan an ninh trong các buổi giao lưu hoạt động, nói chuyện về tình hình đổi mới, thành tựu thu được sau 18 năm đổi mới của đất nước với các văn nghệ sĩ thủ đô, các nhà khoa học, cũng là lý do bị thu hồi 2000 cuốn sách "Song Hỉ Lâm môn", một trong hai tập truyện vui của tác giả đã được xuất bản trong nước và phát hành ra bên ngoài thị trường sách báo.
Ngòi bút xoay đòn chế độ
Từ năm 2005 chuyển hẳn sang viết báo Hải ngoại với các sáng tác về đề tài Hồ Chí Minh, từ bài đầu tiên: "Những phát hiện thêm về Hồ Chí Minh", "Đọc lại di chúc Hồ Chí Minh", "Hồ Chí Minh thiên phiếm chuyện dài kỳ", "Nghĩ về Hồ Chí Minh", "Tôi viết Hồ Chí Minh", "Viết mãi tên người", "Đọc thơ Hồ Xuân Hương thấy nhớ Bác Hồ qúa" v.v... (Bút danh Nguyễn Thái Hoàng, Võ Quế Dương, Nguyễn Nại Dương).
Song song với đề tài Hồ Chí Minh là đề tài văn hoá, xã hội, tiêu biểu là mảng dân oan Việt Nam gồm cả trăm bài với rất nhiều bút danh như Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Ái Dân, Nguyễn Quý Dân, TrầnTthị Thanh Hằng, Mai Xuân Thưởng, Phạm Xuân Mai v.v..., gồm các bài cụ thể như: "Buổi sáng kinh hoàng" (cuộc tự thiêu của chị Phạm thị Trung Thu); "Đêm dân oan nghĩ về Ngô Tất Tố", "Kinh thành Hà Nội chít khăn sô", "Từ thân phận dân oan nghĩ về đảng cộng sản Việt Nam", "Thái Bình dạy sóng","Còn bị lừa dối đến bao giờ ?", "Tuyệt mệnh vì bị luật pháp ức hiếp", "Không nên đẩy người dân đến bước đường cùng", "Oan này còn một kêu trời nhưng xa", "Cuộc càn quét giữa lòng thủ đô", "Hà Nội- những ngày bình thường đã cháy lên", "Thư ngỏ gửi ông Nông Đức Mạnh, thư rủ ông Nông xuống suối nhặt vàng(di thư của Phạm thị Lộc):"Gởi ngài tổng bí họ Nông"; "Hà Nội đứng lên rồi" v.v...
Ngày 2-9-2006 bị 30 công an bộ, sở và phường Đức Giang vây bắt vì bị dân oan Phạm Thị Lộc tố giác, một loạt các bút danh và toàn thể các bài viết bị lộ, đêm 2-9 bị giam giữ tại đồn Đức giang. Sáng 3-9 bị khám nhà, tịch thu toàn bộ phương tiện làm việc gồm máy computer, điện thoại di động, máy ghi âm, hàng nghìn đầu tài liệu là hồ sơ dân oan, bài viết rút từ trên mạng về, cùng hàng chục tập sách của các nhà dân chủ như "Tổ Quốc ăn năn" của Nguyễn Gia Kiểng, "Suy tư và ước vọng" của Nguyễn Thanh Giang, "Đêm giữa ban ngày" của Vũ Thư Hiên, "Viết cho mẹ và cho quốc hội" của Nguyễn Văn Trấn, "Nhìn lại văn nhân giai phẩm" của Hoàng Tiến v.v... (riêng của tác giả là 16 cuốn, gồm:
1. Hồ Chí Minh nhân vật nghìn tên trăm mặt
2. Dân oan Việt Nam - khúc ruột thừa đau đớn (Tập I)
3. Dân oan Việt Nam - khúc ruột thừa đau đớn (Tập II)
4. Bài đăng trên Đàn Chim Việt
5. Tản văn
6. Nhật ký ngục tù
7. Mở mắt và nhỏ lệ (thơ)
8. Nghĩ cùng thế sự (thơ)
9. Năm tháng đời người (Hồi ký)
10. Thư Hà Nội (Gồm 64 bài viết về đề tài Hà Nội cho báo Viet tide)
11. Bài đăng ở Hải ngoại I (chính luận)
12. Bài đăng ở Hải ngoại II ( phần bài viết về đề tài kinh tế, xã hội)
13. Ý kiến bạn đọc I (tất cả các ý kiến bạn đọc gửi sau khi bài chủ được đăng trên đàn chim Việt)
14. - Ý kiến bạn đọc II (tập hợp các ý kiến sau các bài viết về dân oan và đảng, bác trên Việt Nam rewew, Saigon news USA, take2 tango) v.v..
15. - Tư liệu về Hồ Chí Minh (rút từ Net)
16. - Tư liệu về đảng cộng sản (lấy từ mạng)
Đêm 11/10-2006, sau 5 tuần trình diện câu lưu tại đồn công an phường Đức Giang mà tư tưởng vẫn không hề chuyển biến: vẫn là đảng độc tài, bác lưu manh, công an hèn kém, Việt Nam trì trệ, rồi tự do ảo, dân chủ lừa, hạnh phúc điêu, độc lập dối trá v.v..., tác giả bị áp tải lên chiếc xe bịt bùng kín mít đưa ra sân vận động của khu tập thể để đấu tố chữ viết, quan điểm, lập trường.
Chiều 12/10, trong khi tác giả vào quán internet để gửi bài, photo bài viết ở quán Photocoppy, bị quần chúng phát hiện, và tố giác "tội phạm" với cơ quan an ninh, lập tức cả đám đông đầu gấu, đám đàn bà, cựu chiến binh, thương binh rởm cùng lực lượng qúa khích, dưới sự chỉ đạo của công an ùa vào nhà doạ nạt, chửi bới lăng nhục, cấm không được viết bài gửi lên mạng, cấm không được làm giặc theo con đường của Dương Thu Hương, Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang v.v... đồng thời cả 2 quán Net và photo bị tịch thu máy vi tính, máy photo, mặc chủ quán dập đầu, lạy sống, xin tha.
Ngày 27/10/2006, sau một loạt bài đăng trên mạng toàn cầu, từ: "Hoan hô công an đảng ta vồ ếch", "ôi công an nhục mấy cho vừa", "Bình quân đại láo", "Đảng buông vạt váy tôi ra", "Đêm chong đèn ngồi hóng chuyện"...cùng các cuộc thảo luận trên diễn đàn palalk, trả lời phỏng vấn đài RFA, VNExodus, đài truyền hình SBNH v.v... nghĩa là ’chứng nào tật ấy, nước đổ lá khoai”... công an lại tiếp tục mượn tay đầu gấu, qúa khích, thương binh rởm vào, với số lượng hơn 200 người, trải dài suốt từ cửa nhà tác giả đến đầu ngõ, nơi công an lập chốt canh gác. Trước đó, công an cử đại diện khối phố là tổ trưởng Nguyễn Hồng Thái và bí thư đảng uỷ cùng cán bộ phường vào, khi tác giả vừa kịp theo con ở trường về. Ngồi chưa ấm chỗ thì theo lệnh công an, đám người ùa vào nhà, hành hung cả hai vợ chồng, đập phá đồ đạc, xé nát sách vở tài liệu, chửi bới, lăng nhục tác giả suốt hai giờ đồng hồ (từ 6 giờ đến 8,30 giờ PM) kết quả cả tầng một gồm cửa sổ, cửa chính, cửa sắt, cửa kính bị phá tan tành, giường bị sập, xe máy bị rút chìa, đài, quạt bị vỡ nát, cả vợ lẫn chồng đều bị thương ở mặt, cổ, ở vai và lưng(nhất là chồng) vì tội không dạy được vợ, để vợ thành phản động, bám đít Mỹ, đưa quân trở lại Việt Nam xâm chiếm v.v... và v.v...
Kể từ đó tác giả phải "khăn áo gió đưa" về lại Hà Nội, nơi mẹ đẻ sinh sống, và lại tiếp tục chịu đựng những hình phạt mới như lên đồn trình diện, liên tiếp bị cán bộ công an phường yêu cầu ra khỏi địa bàn mới (dù vẫn có hộ khẩu thường trú từ 1993, sau khi chuyển ngành về báo cựu chiến binh) bị đưa ra chi bộ đảng kiểm điểm, giáo dục, bị công an lập chốt canh gác, đeo bám 24/24 giờ v.v..., không kể chồng, em ruột, mẹ đẻ liên tục bị gọi ra đồn hù doạ, xách mé, chia rẽ tình ruột thịt, máu mủ trong nhà, cụ thể: Mẹ không được chứa chấp con gái đã lập gia đình, em trai không được để cho chị ở lại, chồng bị cấm không được đưa con sang thăm vợ, con gái đến tuổi không được làm chứng minh thư nhân dân v.v... và v.v... Chưa kể tìm mọi thủ đoạn để nói xấu, bôi nhọ tác giả. Nào "điên khùng, chập mạch", nào bán nước hại dân, nào gián điệp quốc tế (sau khi đã gọi em trai và chồng lên đồn bắt ký nhận 11.000 USD của Hải ngoại gửi về, kể từ ngày 3-9-2006) ngay sau khi tác giả bị vây bắt tại quán Nét, đang bị giam giữ tại đồn, mọi thông tin về việc bị bắt còn chưa kịp tới tai bất cứ nhà dân chủ nào trong nước!
Hiện mẹ già bị xúc phạm nặng nề về danh dự, em trai bị đe doạ trong công việc làm ăn, bị vu khống về nguồn gốc tài sản trong nhà (từ phương tiện làm việc, vi tính, máy in, may fax, các thiết bị âm thanh, ánh sáng, xe máy, ti vi tủ lạnh, máy giặt v.v.. trị giá nửa tỷ VNĐ- đều bị công an kết luận là "tiền của Hải ngoại, do nhận hộ chị, rồi bớt lại"???). Chồng liên tục bị công an xộc vào tận lớp kéo ra khỏi bục giảng khi đang tiến hành giảng bài cho học sinh, để về đồn trình diện về các tội: "Bao che dung túng cho vợ. Vào internet nhận và gửi bài giúp vợ; Liên lạc với các phần tử lưu vong phản động nhận tiền (7.500 USD) và chỉ thị thay vợ...".
Chi tiết về nhà văn Trần Khải Thanh Thủy có nơi đây: http://trankhaithanhthuyvan.blogspot.com/2007/07/nh-vn-trn-khi-thanh-thy.html

Và xin lần nữa, kính mời đồng hương dự buổi ra mắt sách vào Thứ Sáu 21- 11-2008, từ 1Pm-5Pm. Tại phòng sinh hoạt Việt Báo, 14841 Moran St., Westminster, CA 92683. LL: ĐỗThông Minh (714) 262-7642.

(Theo Web Việt Báo online)