Thursday, September 4, 2008

Vài nét về ngôi đền thi ca Việt Nam



Vài nét về ngôi đền thi ca Việt Nam

Trần Khải Thanh Thuỷ

1. Đôi điều bày tỏ :

... Cũng như bao nhiêu ngôi đền khác (tri thức, lịch sử, văn hoá, khoa học v. v. . .) lẽ ra ngôi đền này phải thực sự linh thiêng, nơi chỉ có những người tài giỏi, có chữ nghĩa, văn chương (mang đầy đủ thiên chức của một nhà văn) mới vào được. Đơn giản, để phản ánh xã hội, theo kịp dòng chảy chung của dân tộc, trong mỗi nhà văn phải hội tụ rất nhiều nhà khác nhau, như : Nhà sử học, nhà kinh tế, nhà tâm lý, nhà văn hoá, xã hội v. v... Kèm một phương pháp tư duy độc đáo, cách thể hiện sinh động mới phản ánh được muôn mặt của đời sống. Từ cái sâu, cái xa, cái tiềm ẩn, cái nông sờ, cái sáng tỏ, cái chập chờn, cái thật, cái ảo, cái uyển chuyển, mềm mại, thì trang viết mới thu hút được độc giả. Nói ngắn gọn thì "văn chương là chuyện đời thông qua việc đào bới bản thể mình ở chiều sâu tâm hồn, chứ không phải chỉ đi hớt lấy cái váng bọt nổi trên mặt của ngoại vật"... Tiếc rằng ngôi đền văn chương ở Việt Nam cũng chịu thảm cảnh chung như rất nhiều ngôi đền khác, đầy cỏ giả, rác rến. Số người biết đào bới bản thể mình, cất lên tiếng nói riêng để đối thoại, tranh luận, biện bác với các ý thức xã hội, ý thức nghệ thuật của thời đại rất hiếm. Thậm chí có thể đếm trên đầu ngón tay như Ma văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Phan thị Vàng Anh, Nguyễn thị Thu Huệ v. v... Còn lại đa phần "ăn theo, nói leo" các quan điểm, nghị quyết thống soái của đảng. Văn chương đánh đu chính trị, minh hoạ cho các điều nọ, luật kia theo đơn đặt hàng, lấy miếng mà không phải lấy tiếng. Nếu không đánh đu thì cũng là một thứ văn chương "phải đạo", lúc nào cũng quần chùng, khăn xếp, áo thâm đen, một lô các xiềng xích phong kiến bao quanh cổ... Số người dám chấp nhận rủi ro, nhất quyết nhập cuộc, không tìm sự an toàn ở ngoài vòng nguy biến theo kiểu khí tiết nho quân tử kết hợp với bản lĩnh trí thức hiện đại có lẽ mới chỉ có Dương Thu Hương, Nguyễn Ngọc Tư, Trần mạnh Hảo, Dư thị Hoàn v. v....

2. Con đường vào hội nhà văn Việt Nam :

Như rất nhiều các hội khác ở Việt Nam (Kiến trúc, dân gian, khoa học v.v…) Con đường vào hội nhà văn Việt Nam vô cùng gập ghềnh, trúc trắc. Cửa chính rất hẹp, còn cửa sau luôn rộng mở, cửa trước giành cho nghệ thuật, cửa sau cũng giành cho nghệ thuật nhưng mà là nghệ thuật... giải ngân. Nếu người Đức nói "Phải biết mở mọi cánh cửa bằng đồng đê mac, thì người Việt thời mở cửa hội nhập cũng nói: "Đô la đi trước, mực thước theo sau". Chính vì thế mà không ít người có bề dày tác phẩm- cả in chung lẫn in riêng bằng đúng số tuổi của mình nhưng cứ xếp hàng, dài cổ ra mà chờ: 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa ... tận đến lúc "nói tiếng đất, quên tiếng trời" mà đơn chưa được hội xét duyệt, đành phải đem theo "ống quyển", "hồ thỉ tang bồng" của mình xuống âm phủ. Ngược lại biết hành xử theo quan điểm của thời hiện đại: "đô la lân la xin chữ ký, đô la vật ngã thủ trưởng" thì chỉ tháng trước, tháng sau đã ... "ghế cao ngồi tót xỗ sàng" rồi. Trường hợp của nhà thơ Hương Trâm (hội văn nghệ Hà Nội), từ năm 2003 đến nay đã 3 năm có lẻ mà anh em trong và ngoài hội, còn đồn thổi, đơm đặt mãi, chỉ vì nhà thơ có cái tên rất thơ này từng hối lộ cho nhà thơ Phạm Tiến Duật -(trưởng ban xét duyệt của hội) một đôi giày ngoại, kèm 2 triệu tiền mặt để vào. Lẽ ra "ông trao chân giò, bà thò chai rượu". Song khi ông đã trao rồi mà danh sách các hội viên được kết nạp vào hội năm đó lại chẳng có tên Hương Trâm. Thế là ... xăm xăm băng hội nhà văn mà vào... chống nạnh, bắc miệng chỉ tay từ cổng hội lên mà chửi ... nồng nàn, quyết liệt luôn (như ả đàn bà mất chó, mất gà ở nhà quê), làm nhà thơ họ Phạm... không... tiến, không duật được, phải trốn biệt xuống gầm bàn của phòng làm việc. Ngay tối hôm ấy, ngài Phạm phải cởi đôi giày ngoại đang đi dưới chân, dùng si đánh bóng mạ kền như mới, gói vào giấy báo (kèm 2 triệu) nhờ vợ đem đến lạy lục như tế sao để nhà thơ cấp thành nhận lại, kẻo đã cháy nhà ra mặt Duật rồi thì tai tiếng oan gia suốt đời, tham giày mà bỏ... ghế như chơi (!).

3. Việc xét giải thưởng của hội :

Giống như việc chen chân vào hội, việc xét giải thưởng đầy tiêu cực, dối trá. Người ta sẵn sàng mua ban tổ chức với cái giá cưa đôi. Họ thậm thụt đi đêm với nhau và giao hẹn rõ ràng rành mạch. Nếu tôi được giải thì số tiền thưởng cứ chia đôi, coi như bồi dưỡng ban tổ chức một nửa. Nếu giải thưởng là hiện vật chỉ có một thứ duy nhất như vô tuyến, tủ lạnh, thì... người được xét chỉ được tiếng, mà phải để lại miếng cho ban tổ chức xơi, ban tổ chức sài. Nhà thơ Trần Quang Quý, nguyên tổng biên tập báo gia đình và xã hội, một tờ báo có khá nhiều độc giả ở Việt Nam, trong khi giải trình về số tiền tham ô một tỷ, đã khẳng định chi 300 triệu cho việc mua giải thưởng của hội cho tập thơ của mình với cái tên vô cùng độc đáo: "Giấc mơ mang hình chiếc thớt". Chính vì sự độc đáo đến mức gở miệng này mà ngay sau khi nhận giải nhất năm 2005 do hội nhà văn trao tặng, nhà thơ liền bị ... lên "thớt". Không phải "cái ghế quan trường giết chết thơ" như mọi trường hợp bình thường và phổ biến khác mà chính giải thưởng tập thơ đã giết chết tươi cái ghế tổng biên tập. Tất nhiên, 300 triệu cũng phải bôi đủ kiểu, từ mời ban sáng tác, ban xét giải, ban thi đua đến chủ tịch, phó chủ tịch hội, các trưởng phó phòng, thậm chí cả bạn bè của họ, cứ thấy được khao là "a lố alô" gọi bạn bè, anh em chiến hữu đến. Đâm lao phải theo lao, thà "khao nhầm còn hơn bỏ xót", sau đó đến tiết mục phong bao. Cả một cơn mưa phong bì rơi tới tấp xuống đầu các quan chức của hội hoặc ở nhà riêng, hoặc ở phòng làm việc... cốt để : "có 300 triệu giải này mới xuôi".

4. Vai trò, chức năng của người cầm bút :

Nhà văn Tạ Duy Anh trong cuốn đi tìm nhân vật (một cuốn sách bị cấm ở Việt Nam) đã nói: "Xem ra ở xứ ta, nhà văn, nghệ sĩ có thể làm bất cứ việc gì, trừ... nghệ thuật". Nghĩa là có thể "ăn theo, nói leo", có thể tụng ca, có thể đẻ non, có thể chửa hoang, đánh đĩ, nhưng ngủ với ông chồng văn chương mà đẻ ra những áng văn chương đích thực cho đời, chuyện chữ nghĩa vượt qua cả giới hạn chữ nghĩa, phản ánh cái thối tha, ung nhọt của cuộc đời, thì liệu hồn, không bị ban văn hoá tư tưởng bóp cổ chết tươi cũng bóng gió răn đe theo kiểu lưỡi không xương, miệng không cạp: "à, mày toàn dùng những từ ngữ oái oăm, ma mãnh, quỷ biện, huyễn hoặc, quái đản để gọi tên sự vật, mày định ám chỉ điều gì, hả? Tại sao trong văn mày lại viết là "mất bay cái chức đảng trưởng"? Có phải ám chỉ tổng bí thư không? Rồi: "Viết như thế là làm giảm sút sức chiến đấu, hiện nay cả dân tộc đang gồng mình đánh Pháp mà lại viết :
"Ôi những cánh đồng quê máu chảy
Dây thép gai đâm nát trời chiều".

Một loạt các nhà văn chân chính, kiến thức văn học rộng rãi, ý thức thâm sâu, lời văn đẹp đẽ nhưng chỉ cần mang ý vị siêu hình, ý tại ngôn ngoại, biến hoá vi diệu, thậm chí chỉ cần đậm đà mầu sắc dân gian thôi là bị đảng hành cho tới số, không tổ chức kiểm thảo, đấu tố cũng phải tiến hành rửa não, sao cho hết chất nghệ thuật trong đầu mới thôi.
Ví dụ nói "anh yêu em" thì lập tức phải ví... như yêu đất nước, vất vả đau thương tươi thắm vô ngần, hoặc nói đến chiến tranh cũng không được nói đến sự chết chóc, đau thương, mà phải là "đầu súng trăng treo" rồi "trái tim anh chia ba phần tươi đỏ, anh giành riêng cho đảng phần nhiều, phần cho anh và phần để em yêu"... Nói đến lãnh tụ bành trướng cũng phải nói: Bác Mao nào phải đâu xa, bác hồ ta đó chính là bác Mao v. v... Xem ra ngoài sự ăn theo nói leo tư tưởng nghị quyết chính sách của Đảng cầm quyền thì nhà văn chẳng còn quyền gì khác, ngoài sự ngu tối, u mê...

5. Thay cho lời kết :

Do không khí thiếu tự do, dân chủ mà nhà văn không được quyền tự do tư tưởng, tự do sáng tác. Do bị đảng cộng sản áp đặt và đè nén, cùng nỗi ám ảnh từ nghìn năm trước mà họ phải “Tâm hệ nhất xứ, thủ khẩu như bình” nghĩa là buộc trái tim lại, miệng giữ kín như hũ nút để tồn tại, sống còn. Nếu làm ngược lại, bung trái tim ra, miệng nói theo những lời trái tim mách bảo thì thể nào cũng bị đảng kết tội phản động, chống đảng và bị đảng tịch thu tác phẩm. Chưa kể họp hành, luận tội, đấu tố, kiểm điểm tư tưởng liên miên ngày này sang ngày khác rồi đưa vào danh sách đen của công an, báo cáo với ban văn hoá tư tưởng trung ương, v.v... Chính vì thế mà phần lớn các nhà văn không dám nói lên những suy tư thật của mình, hoặc muốn nói cũng phải ẩn dụ, vòng vo tam quốc, rào dậu chán chê mê mỏi mới dám đề cập đến cái cốt lõi, xâu xa của hiện tượng. Cho nên những giọt mật họ đóng góp trong chõ mật văn chương của đời thường, tuy không ít ỏi về lượng nhưng quá kém cỏi về chất. Nói chính xác hơn là thành tựu họ đóng góp cho nền văn chương Việt Nam quá eo hẹp. Có thể nói không ngoa rằng, cho đến nay, chế độ Cộng Sản Việt Nam đã không sản sinh ra những nhà văn lớn ở miền Bắc, mặc dù đó là cái nôi của văn minh và văn hóa nước nhà.
Để kết thúc bài viết nhỏ, mang tính chấm phá này, tác giả xin mượn lời của nhà văn Nguyễn Đình Thi (trong tác phẩm Nguyễn Trãi ở Đông Quan), một tác phẩm gây nhiều tai tiếng trong thập kỷ 80, vì đã đưa ra những nhận định vô cùng xác đáng: "Bao nhiêu con người hai tay phải chắp lại, mắt phải khép xuống, đầu óc phải nghĩ theo cùng một khuôn, sống từ bé đến lớn đến già phải làm theo những điều do các bề trên sắp đặt. Trí tuệ con người chỉ còn là cái túi để bỏ vào đây cái kinh chuyện thánh hiền, bao nhiêu sách vở đều phải chép như nhau cũng những câu chuyện ấy, sự học chỉ là làm sao ghi nhớ cho thuộc lòng, không được mở mắt nhận xét, so sánh, không được hỏi, tìm xem sự vật trong cuộc đời ra làm sao? Cứ như thế, cha truyền con nối, con không được làm khác với cha, đời sau không được thay đổi nề nếp đã định từ trước, cứ như thế, tất cả khô héo dần, hóa thành đá, không một mầm xanh nào được mọc lên trong tâm hồn con người”.

Chân cầu 18-12-2006
Trần Khải Thanh Thủy

(Theo Web Phù Sa)