
Như cánh bèo trôi...
Nguyễn T. H.
Lời người tuyển chọn: Ðánh giá tầm vóc và chất lượng đời sống của một quốc gia, chính xác nhất là xem nền giáo dục quốc gia ấy đang nằm ở điểm nào. Vì vậy muốn biết rõ cái gọi là sự nghiệp “công nghiệp hóa, hiện đại hóa” sau 22 năm “định hướng” của đảng (mà Cộng Sản luôn hãnh diện, tự hào) thì hãy xem qua nền giáo dục hiện tại ở Việt Nam... Nào cho phép mở rộng các mô hình đào tạo. Nào nâng cao trình độ dân trí, bổ xung lực lượng giáo viên còn yếu và thiếu đối với các vùng sâu, vùng xa v.v... Ấy thế sản phẩm của các mô hình vừa “đào”, vừa “tạo” đầy ngẫu hứng và vô cùng ồ ạt này lại là những con người có số phận mỏng như những cánh bèo trôi... Ðến hẹn lại lên, mỗi năm một lần, họ dài cổ chờ những đợt thi tuyển công chức của ngành, song bao ưu tiên, ưu đãi, đặc biệt là chỉ tiêu tuyển dụng đều đã có đơn đặt hàng sẵn... Ðó là các thành phần con ông, cháu cha, là những kẻ dám bỏ cả hàng chục chỉ vàng để cán bộ phòng tổ chức có tiền chi tiêu... Chính vì thế, số tiền họ cắn răng chịu đựng qua vay mượn của bạn bè, họ hàng, hoặc ngân hàng với lãi suất cao (1.5 đến 2% một tháng) để theo học những lớp đào tạo từ xa, lớp nâng cao nghiệp vụ v.v... để lấy chứng chỉ sư phạm... ngày một tăng và không có khả năng trả nợ.
Thay vì bỏ nghề vì không thuộc biên chế, không được hưởng chế độ dù là hợp đồng ngắn hạn, họ quyết định... đêm khuya thân gái dặm trường, lặng lẽ cúi đầu trong tiếng nấc... nơi ngút ngàn trùng xa, núi cao đèo sâu, dốc trơn, rừng hoang... Ðó chính là lý do, tôi quyết định phải đưa lên mạng những trang nhật ký đầy trăn trở, suy tư và đầm đìa nước mắt này. Phần tên bài do tôi mạo muội đặt, bản thân người viết nhật ký, vì không muốn để chính quyền, bạn bè bàn tán, bắt bớ, gây khó dễ, nên không dám để tên thật của mình. Rất mong được bạn đọc để tâm xem xét.
Hà Nội 5 Tháng Bảy 2008
Trần Khải Thanh Thủy

Ngày...
Em gái thân yêu của chị!
Bước chân lên xe, chị chỉ muốn bỏ lại tất cả hành lý, bỏ lại số tiền hàng chục triệu đồng mà do vay mượn chị mới có thể có được chuyến đi này, để nhào ra cửa xe, để theo em về nhà... Nước mắt chị đã chảy rất nhiều khi em nghe em hỏi thăm hành khách, nhờ vả họ để họ để mắt đến chị vì chị là hành khách đơn độc với biết bao thùng hòm liểng xiểng, rồi những ánh mắt cảm thông của hành khách đi xe, khi biết chị là một cô giáo miền xuôi lên miền núi nhận công tác, họ tận tình chỉ dẫn những hành trình chị sẽ phải đi qua, lòng chị như quặn lại.
6 giờ sáng, giờ này chắc con trai chị đã dạy, nó sẽ khóc rất nhiều, nhờ em và mẹ dỗ cháu cho chị, hãy nói dối nó mẹ đi làm chắc nó sẽ nín... “Xin lỗi con trai, mẹ đi mà không đợi con ngủ dạy, mẹ đi mà không dám nói với con mẹ phải đi...” Con mới 3 tuổi, nếu nói cho con, con cũng chẳng thể nào hiểu nổi. Mẹ đi mà không thể mang con theo, nghìn lần xin lỗi con trai của mẹ.
Mẹ thân yêu!
... Con đi, con có lỗi với mẹ, mẹ đã vất vả một đời vì con, nay tóc mẹ đã nhuốm bạc, con lại một lần làm khổ mẹ, chắc mẹ đau lòng vì con lắm. Hãy tha lỗi cho con. Nhưng con tin dù giận con, trách con bao nhiêu, mẹ vẫn sẽ thay con chăm sóc cháu như ngày nào mẹ đã chăm sóc cho con. Con đã làm khổ cả nhà mình, mong mẹ và các anh chị em tha lỗi cho con, hãy đợi ngày con thành đạt trở về.
Ðêm...
Xe càng xa Hà Nội, nghĩa là khoảng cách giữa chị em mình ngày càng xa, chị nhớ em đã dặn chị, lúc nào buồn, nhớ nhà nhất là nhớ con hãy ghi nhật ký. Nhật ký thì chị ghi đã rất nhiều, nhưng chưa một lần chị kể với em. Kể làm gì khi em cũng có trăm nghìn mối lo toan cho cuộc sống riêng tư của mình.
Em gái của chị, chị chỉ viết cho chị, nếu sau này con trai chị lớn lên rất có thể chị sẽ cho nó đọc. Ðọc rồi cháu sẽ hiểu cuộc sống mà mẹ nó giành cho nó đã phải đánh đổi bằng sự đắng cay và biết bao nhiêu nước mắt?
Xe dừng lại tại thị xã Lai Châu, hành khách vội vàng đi tìm nhà trọ, tìm chỗ tắm rửa, ăn tối và đi ngủ vì đã phải trải qua một cuộc hành trình khá dài, mình cũng phải tìm một chỗ nghỉ.
Mười nghìn đồng một đêm, không đắt vì mình chỉ cần một chỗ ngủ đêm, ăn uống thì đã có bánh mì mang theo. Muỗi, dĩn và mỏi mệt nhưng mình nhớ con da diết... Cuộc hành trình không khác gì trốn chạy khiến mình vừa tủi vừa cực. Mình cũng có một gia đình, anh chị em thương yêu đùm bọc, nhưng nhà mình nghèo quá, kiến giả nhất phận (!)chẳng ai giúp được ai, còn chồng thì lấy cho khỏi mang cái tiếng “bà cô già”. Bù lại, dù không hạnh phúc mình cũng có được cậu con trai. Mình cảm ơn ông trời đã tặng cho mình món quà vô giá đó.
Giấc ngủ sao mãi không đến, có thể do lần đầu đi xa, lạ nhà không ngủ được... chắc tại mình nhớ con quá, vòng tay qua bên thấy chống chếnh vì thiếu một sinh linh bé bỏng bên cạnh. Mình thèm được thấy lại cảm giác nhồn nhột, khi bàn tay con sờ lên tai, lên mắt. Thói quen của con đáng yêu là thế mà mình đã không ít lần nổi cáu cho cu cậu cái phát rõ đau vào đít vì đang đêm làm mất giấc ngủ của mẹ. Ân hận, ân hận và ân hận. Sự ân hận dù muộn màng, dù cho kết quả của ngày hôm nay là do những sai lầm mà mình đã tự gây ra cho chính bản thân mình.
20 triệu cho một chuyến lội ngược dòng từ miền xuôi lên miền ngược là một số tiền không nhỏ. 20 triệu với mức lãi trên 1%, khiến mình lo lắng vô cùng. Có lẽ khi ông trời cho phép mẹ sinh ra mình, đã gắn vào cuộc đời mình chữ liều. Liều xin bố mẹ cho học lớp đào tạo tiếng Anh mở rộng của viện đại học mở tại huyện, rồi liều vay tiền đóng học phí, học lên cao lấy bằng đại học, lãi mẹ đẻ lãi con và mình đã giấu gia đình tất cả.

Nhớ lại ngày đầu nhận quyết định đi dạy học, cả nhà mình mừng bao nhiêu thì mình lo bấy nhiêu. Ðồng lương 190,000 đồng/tháng làm sao đủ trả nợ, không một chế độ, không sự bình đẳng như các giáo viên khác cùng trường, khiến nhiều lúc mình muốn bỏ nghề, tiền lãi mỗi ngày mỗi lớn, nếu trông vào lương làm sao mình trả nổi? Quyết định lấy chồng để có cơ may cuộc đời bước sang trang mới.
Rồi cuộc đời cũng sang trang mới thật. Chồng nghĩ vợ có vốn riêng và vợ cũng vậy, cả hai đều nghĩ rằng sau đám cưới vốn riêng sẽ được góp thành vốn chung, kha khá, nhưng giấc mộng ấy bỗng chốc đổ vỡ.
Cuộc chạy trốn số phận chạy trốn nợ nần, hơn 30 tuổi nhưng mình già như người sắp bước vào tuổi 50.
Ngày...
Không con, không người thân, mình đổi xe để về huyện Mường Tè, không biết điều gì sẽ đợi mình ở phía trước? Nhắm mắt bước lên xe, cơ hội quay về không còn nữa. Lúc này mình chỉ có thể tiến lên, tiến lên phía trước mà thôi. Nhưng sao lúc này mình nhớ mẹ, nhớ em quá. Mẹ của con, nếu mẹ biết rằng đêm cuối cùng nằm cạnh mẹ con đã khóc, nước mắt của sự uất nghẹn. Con đã nhiều lần tự hỏi, mẹ là mẹ của con nhưng sao con không thể giãi bày lòng mình cùng mẹ? Ðến bây giờ khi ở nơi đất khách quê người, con mới biết con không thể nói vì con không muốn mẹ buồn. Mẹ đã già và yếu, còn chồng con đã hằn học nói qua điện thoại khi biết con quyết định chuyển công tác lên miền núi: -“Muốn đi đâu thì đi, không được mang con theo”... Chồng con không biết rằng nếu cứ nấn ná ở lại trường cũ, mẹ con con sẽ chết đói mà không chỉ chết đói, mẹ con con còn phải trốn tránh vì nợ nần. Con đã vay rất nhiều tiền để nhờ người chạy cửa sau khi biết mình không đủ sức vượt qua những kỳ thi tuyển công chức. Số người học như con nhiều quá, huyện nào trong tỉnh cũng mở những lớp như con học mà số lượng tuyển quá ít, hơn nữa lại có quá nhiều những ưu tiên và con ông cháu cha. Mẹ đừng trách con vì sao lại mất tiền dại dột. Con nói con liều vì sinh ra con, ông trời đã gắn chữ liều vào trán.
Mẹ bảo con không chịu học, không an phận như các anh chị em, nhưng số con lận đận, mất tiền mà đâu có kết quả, con không dựa được vào chồng bởi con hiểu chồng con là một người đàn ông chỉ biết “ăn tục và nói phét”, cái nghèo làm cho chồng con hèn và luôn kiếm cớ với vợ con. Con phải ra đi để tìm sự giải thoát.
Xe vẫn chạy đều đều như vô cảm, chỉ những ý nghĩ trong mình không chịu nằm im... Ðồi núi sương mù, những người dân tộc Hà Nhì lướt qua cửa xe, những đứa trẻ khóc đòi theo mẹ khiến nỗi nhớ con cứ cồn lên trong lòng.
Quay lại hay đi tiếp? Câu hỏi ấy đã vang lên nghìn lần rồi nhưng sao câu trả lời vẫn bị rơi vào vô vọng. Mình có can đảm sống những ngày không có con trai bên cạnh không? Vì sao lại bỏ con cho mẹ? Ai có thể nói cho tôi biết tôi có nhẫn tâm quá không, lỗi này tại ai? Tại tôi, tại chồng hay tại cái nghèo, hay tôi là sản phẩm của những quyết định sai lầm của chính tôi?
Xe đến trung tâm huyện, vất vả và cực nhọc, vì quãng đường quá khó đi. Thế là mình cũng đi được trên 600 km. Lạ quá, mình không bị say xe, đồ đạc không mất mát gì, nhưng không may là cán bộ tiếp nhận đi vắng. Ngày vạ vật chờ đợi khiến mình càng nhớ con, nhớ mẹ và nhớ em quá chừng.
Trong mấy anh chị em, em là đứa mà chị nể nhất em hiền dịu, may mắn và thành đạt, khiến chị phải ganh tị, nhưng em đã hết lòng vì chị rồi, em nhớ cùng mẹ chăm cháu giúp chị. Không hiểu sao lúc này lòng chị lại có một niềm tin ngày mai đời chị sẽ khác...
Một rồi hai giáo viên khác cũng lên nhận công tác giống mình. Hóa ra mình không phải là trường hợp duy nhất. Qua câu chuyện mình được biết không chỉ tỉnh mình, huyện mình mà nhiều tỉnh huyện khác cũng có hình thức đào tạo liên kết, đào tạo từ xa giống như mình. Và rồi khi đổi mới phương pháp dạy học, chuẩn hóa lực lượng giáo viên những người được đào tạo giống mình bị đẩy ra đường không thương tiếc. Và có biết bao người phải ngậm ngùi rẽ sang nghề khác, bao gia đình liểng xiểng vì nợ nần ăn học, bao cặp vợ chồng phải sống cảnh chồng xuôi vợ ngược, mẹ xa con như mình. Cảm thông và chia xẻ đó là tình cảm đang xâm chiếm lòng mình lúc này.
Vì cơm áo gạo tiền mình chấp nhận sự thử thách này, mình phải kiên cường bởi mình không phải là trường hợp duy nhất. Chị đã tử nhủ lòng mình như vậy, em thấy có đúng không?
Ngày thứ 4 chờ đợi tại huyện, ăn cơm và làm quen với người Hà Nhì, mình thấy họ lạ lắm, tiếng nói họ không giống mình, nói chuyện chỉ ra hiệu và ra hiệu.
Cuối cùng thì mình cũng nhận được địa chỉ nơi mình phải đến... Những chuyến cuốc bộ đến rời rã chân và mồ hôi chan cùng nước mắt, những km đường rừng cứ dài và xa ngút ngát. Sự vắng vẻ cô độc, thân gái dặm trường, khiến chị đã không ít lần dợm bước trở về. Nhưng về rồi cuộc đời của mẹ con chị sẽ ra sao?
Con đường do người đi mãi mà thành, đồi núi cao, vực lại quá sâu, khiến cho phương tiện duy nhất ở vùng này là đi bộ. Ði xe ôm mất mạng như chơi.
Mình cắt rừng từ mờ sáng mà tối mịt mới đến nơi. Ngôi trường, điểm đến, nơi mình sẽ tìm thấy hạnh phúc cho riêng mình khác quá xa với trí tưởng tượng. Không điện, không nước và mái nhà công vụ giành cho các giáo viên cắm bản cũng không đúng với nghĩa nhà. Nhà là những tấm ván ghép tạm, mái lá, đêm nằm hưởng cái lạnh thấu xương và đếm đủ nghìn sao trên trời. Tiếng côn trùng, thú hú trong rừng thay thế cho các phương tiện thông tin đại chúng mình vẫn thường quen nghe dưới xuôi.
Ngày mai sẽ như thế nào, nhưng dù có khó khăn, mẹ sẽ vượt qua, con trai của mẹ. Ðêm nay lại thêm một đêm không có con bên cạnh, vòng tay mẹ sao thừa thãi quá. Mẹ sẽ chìm trong giấc ngủ mệt nhọc, và mẹ sẽ gặp con trong giấc mơ, mẹ tin như thế, động lực bé nhỏ của mẹ...
Nguyễn T. H.
(Theo Web Người Việt online Tuesday, July 08, 2008)