Wednesday, July 9, 2008

Một nghìn lẻ một chuyện về cơn sốt giá



Một nghìn lẻ một chuyện về cơn sốt giá

Trần Khải Thanh Thủy

“… Gớm nướng chữ ra mà ăn thay cơm từng ấy năm được đấy ? Đã bảo toàn những thứ ướp lạnh, đóng băng hàng chục năm trên mặt trăng cả, đã có gì ở… mặt đĩa đâu?…”

Từ cuối năm 2007, khi sơn sốt giá ùa vào mọi ngõ ngách phố phường, len lỏi vào từng cuốn sổ chi tiêu gia đình chật hẹp, nhất là người lao động, không ít chuyện bất ổn nảy sinh. Xin kể vài mẩu chuyện có liên quan đến dịch sốt đại trà mà các nhà quản lí kinh tế Việt Nam hoàn toàn bó tay bất lực, vì không thể tìm nổi phương thuốc chữa trị nào vì tham nhũng, dốt nát, bất tài và lừa đảo.

1. Bệnh "chảy máu vàng"

Hai vợ chồng bạn tôi đều là dân tri thức tỉnh lẻ, thu nhập gọi là có máu mặt trong cơ quan hành chính sự nghiệp của thành phố Hà Đông - cửa ngõ thủ đô này. Vừa nhìn mặt nhau sau vài năm xa cách, chưa uống hết cốc nước lọc, tay còn đang bắt mà mặt nó đã dài ra kể lể:

- Bà nghe đây này. Tổng thu nhập hàng tháng (lương, thưởng, ăn trưa, kế hoạch 2, 3 của hai vợ chồng tôi vài năm gần đây vẫn bình ổn (tròn 3 triệu). Vào thời điểm quý 4 năm ngoái, khi giá cả mới từ từ nhích lên, xăng chưa trèo giá 15.000 đồng/lít, trừ mọi khoản chi tiêu cho cả đại gia đình 4 người, chúng tôi còn bỏ ra ít nhất nửa chỉ vàng làm vốn, phòng khi cơ nhỡ đau ốm… Từ đầu năm 2008 đến giờ, chưa đầy 6 tháng, tôi cố học lại cách chi tiêu sao cho đồng tiền đỡ lọt qua kẽ ngón tay nhất mà vẫn… cháy túi nửa chừng. Bà biết không, gạo lên, thực phẩm lên, hoa quả lên, chợ búa lên, thậm chí giấy tờ, sách vở, chi phí cho con học các trường cũng lên. Mỗi thứ chỉ chênh lệch vài nghìn, một ngày dôi ra cả vài chục nghìn, cộng lại cả tháng là đi đứt một triệu đồng đến 1,5 triệu rồi. Vì vậy để tồn tại trong những ngày tháng còn lại của nửa tháng do cháy túi nửa chừng, tôi mắc bệnh chảy máu vàng trầm trọng, mỗi tháng cả chỉ vàng đi đứt như không. Bà tính, trước một lạng thịt lợn chỉ có 4.000 đồng, bây giờ trèo giá 6.000, tiền ăn của hai cô cậu quý tử học bán trú trong trường, mỗi ngày mỗi người nộp thêm 3.000 đến 5.000đ nữa, củng cố dạ dày của buổi sáng cũng thế, chỉ xôi hoặc phở bò mỗi người mỗi ngày phụ thêm 5.000 đồng nữa, chỉ sơ sơ hai khoản cũng đi đứt của tôi cả triệu đồng rồi, một đoạn đường xe ôm từ nhà mẹ chồng xuống đây trước 8.000đ, nay phải thành 12.000 đồng nó mới đi cho. May mà tôi làm gần ngay cạnh nhà, chấp nhận cảnh "ngửi khói" thiên hạ, nhường xe máy cho chồng, hàng tháng bớt khoảng 500.000đ tiền xăng lại nuôi con, không thì…

- Còn tiếp tục chảy máu vàng nhiều chứ gì ? Tôi cười trước khi bỏ đi còn nhận rõ nụ cười… hình thoi trên gương mặt bệch bạc - một thời có tiếng là xinh đẹp của bạn mình, lòng tự hỏi không biết hàng triệu công nông dân, với thu nhập vài trăm nghìn một tháng thì còn khổ sở đầy đọa đến đâu?

2. Từ mặt đĩa đến mặt trăng

Ngang qua khu tập thể nhà phát thanh của tỉnh Hà Tây, tôi quyết định ghé thăm ông bạn vàng của mình làm ăn sinh sống ra sao ? Dù sao bà xã nhà ông cũng là người quen biết cũ với đám bạn bè cùng học một thuở với chúng tôi, ngồi chưa nóng chỗ, chủ nhà đã tâm sự:

- Bà cụ nhà này đang doạ cho ăn riêng đây. Cả quỹ lương của cả hai vợ chồng có 3.170.000 ngàn đồng, ông xã xin lại 800.000đ để tiêu vặt, phòng khi gặp bạn bè, độc giả mến mộ tài năng bắt vạ… còn có cái mà chi, 417 nghìn lẻ tôi giữ lại, thỉnh thoảng chi tiêu thêm cho cả nhà, còn 2 triệu tôi đưa cả cho mẹ chồng đi chợ mua thức ăn. Suốt hai năm liền không sao, vừa sang đầu năm nay, biết giá cả lên, tôi bấm bụng đưa thêm cho bà 200.000 nữa, coi như bù vào cơn sốt, không ngờ cụ liên tục kì kèo, kể lể "đi chợ thời buổi này khó quá. Thịt gà, trứng gia cầm không có, thịt bò 10.000đ một lạng, cá 30.000đ một cân, cả nhà 4 miệng ăn, lại cả cái thân tôi nữa, đã nộp sạch 970.000đ tiền lương hưu mà vẫn thiếu. Trăm thứ bà rằn đổ lên đầu con ô Sin già này. Nào là tiền điện sinh hoạt, tiền điện thoại, chợ búa… anh chị định thoả mãn bần cố nông, cơm ba bát, áo ba manh hay sao ? Nếu không đưa đủ mỗi người một tháng 800.000 đồng, bốn người - vị chi 3,2 triệu đồng tiền chợ, rồi tự trả các khoản tiền nhà, tiền điện, tiền nước là tôi hô giải tán, cút xéo hết đấy, nếu không biết điều thì cứ ăn riêng ra, tự ý đi chợ lấy. Tôi bù trì, chi chút cho anh chị ngần đấy năm là đủ rồi, bây giờ còn cái thân già, da bọc lấy xương, không lấy đâu ra mà bù trì, chi chút nữa.

- Yên tâm đi, bà chỉ dọa non dọa già thế thôi, chứ một bà một cháu, ngã sáu người dưng, bà hô "giải tán" sao được- tôi thật thà bày tỏ.

- Thôi đi, Nhàn - vợ bạn tôi vênh mặt đáp: Bà bỏ bữa phản đối mấy lần rồi. Đi chợ về, bà ngồi thừ ra bậc thềm, vứt ra nắm tiền lẻ nhàu nát, cấm cảu:

- Tôi được người ta cho ăn no các thứ "đặc sản" ngoài chợ rồi, chỉ vì tiền ít, phải mặc cả… thôi hôm nay anh chị tự hầu hạ lấy nhau, mặc xác tôi…

- Căng thẳng thế cơ à? Tôi ngạc nhiên.

- Chứ còn không à! Vì biết rõ huyết áp, nhịp đập trái tim bà mẹ chồng lên xuống theo giá cả ngoài chợ, nên tiền học, tiền gửi con tháng này, rồi lễ nghĩa cưới xin mấy đám liền, tôi toàn phải về ông bà ngoại tạm ứng, sống cầm chừng đấy chứ. Nếu cơn sốt không ngừng mà cứ tăng chóng mặt theo giá xăng, giá vàng thế này, thì cả vợ lẫn chồng phải bán hết 2 cái xe máy đi, để tiết kiệm tiền xăng (mỗi tháng 700.000 đồng) rồi cố kiết vay mượn, xoay xỏa, ăn chặn, vơ vét, chộp giật ở đâu thêm 1.00.000 đồng nữa đưa bà cho đủ 3.2 triệu mới xong.

- Gớm, gì mà đã lo mắc nợ như chúa Chổm ngày xưa thế .

- Thật đấy, chúa Chổm ngày xưa mắc nợ vì tham ăn, giỏi chịu tiền, còn tôi ăn dé ăn dè, miếng ngon phần chồng, miếng lạ phần con hết, sao cũng mắc nợ như chúa chổm?… Mấy lại, chúa Chổm ngày xưa còn có cái ngõ Cấm Chỉ ở Hà Nội để mà đi, hễ ông ấy vào trong ngõ ấy rồi là… cấm chỉ không ai được quyền đòi nợ, kẻo vua quan chém chết vì tội miệt thị, khi quân… Còn vợ chồng tôi -chị ngậm ngùi đáp - cả cái thị xã Hà Đông này, làm gì có cái ngõ cấm chỉ nào để mà đi cơ chứ?

- Thôi nào, tôi ngăn cơn xúc động của chị lại, làm gì đến mức ấy, nghe nói anh Sỹ từ khi chuyển từ nghề gõ đầu trẻ sang gõ… đầu mình cũng chịu khó làm ăn lắm cơ mà !

- Phải, chị dài giọng, nhếch môi cong cớn, một bài thơ phát trên đài tỉnh được 50.000 đồng, một truyện ngắn được 120.000 đồng, cô bảo bao nhiêu thơ và chuyện ngắn cho lại? Đã thế gần năm nay ông ấy giở chứng, thích viết những thứ trên mặt trăng, mặt trời cơ, còn trên… mặt đĩa, ông ấy có thèm động bút đâu?

- Thế anh ấy đang viết gì ? Tôi cười và hỏi lại.

- Thì viết tiểu thuyết dã sử. Ông ấy bảo: "Dù thế nào tôi cũng không muốn suốt đời làm "giá áo túi cơm" cho ba mẹ con cô ".

-Rõ là dân văn học, học văn có khác. Đúng tạng, đúng nghề quá còn gì!

- Dào ôi ! Thà mỗi ngày viết một bài báo nhỏ, 50-60 nghìn bạc mì ăn liền lại hay, đằng này cả cuốn tiểu thuyết dày 4-500 trang, đi xâm nhập rừng núi cả năm trời, rồi hùng hục thức đêm, thức hôm để viết cả mấy năm trời nữa, giỏi lắm được vài triệu bạc… lại đập vào tiền chi tiêu ăn uống dọc đường hết, chứ lãi lời gì ?

- Còn quyền tác giả, bà ơi - tôi nhẩn nha - nhà nước đã ban hành sắc lệnh rồi. Sau khi chết 50 năm mới xung vào công quỹ. Mỗi lần tái bản là một lần lĩnh nhuận bút, biết đâu được dịch ra tiếng nước ngoài, mỗi cuốn vài nghìn đô, Mác, E rô… vợ con cháu chắt tha hồ xài.

- Gớm nướng chữ ra mà ăn thay cơm từng ấy năm được đấy ? Đã bảo toàn những thứ ướp lạnh, đóng băng hàng chục năm trên mặt trăng cả, đã có gì ở… mặt đĩa đâu?

3. Đậu Phụ là chính…

Chiều về, qua khu vực thị trấn Sóc Sơn, ngoại thành Hà nội, tôi rẽ qua nhà cô học trò một thuở. Nhìn mâm cơm chỏng trơ một đĩa đậu phụ rán, dăm quả cà, bát nước chấm điểm hành, nước rau luộc trong vắt và đĩa cải bắp to ngồn ngộn trước mắt, tôi ái ngại:

- Giáo viên thời buổi kinh tế thị trường này, còn ai phải ăn cơm rau vật nhau với trẻ đâu mà em để chồng con ăn uống đạm bạc thế này, toàn những lao động trẻ, khoẻ cả…

Nó rơm rớm nước mắt:

- Cô ơi, lương giáo viên cấp II trường huyện bọn em, cả chục năm đứng lớp đến nay chỉ vẻn vẹn 2 triệu đồng một tháng, cơ quan chồng em lại thất nghiệp vì phá sản, hết việc, em thay vai trò của chị ấy, ngoài con mình, còn cả hai con chồng nữa, chỉ riêng việc kiếm tiền cho ba bố con làm vốn cũng phải thế chấp nhà cửa, mỗi tháng trả lãi nuôi nhân viên ngân hàng nông nghiệp huyện vài triệu bạc rồi, nếu không ăn uống theo kiểu này : Đậu phụ là chính, mì chính là phụ, bọn em kiếm đâu ra, nhất là trong thời điểm hiện tại giá cả tăng chóng mặt như vậy - 2.000 đồng một mớ rau cải xanh, 8000 đồng một cân rau cần cô ạ. 5000 đồng một cái súp lơ bé xíu như nắm tay trẻ em, mà cả nhà: Con anh, con tôi, con chúng ta - 6 miệng ăn liền, làm sao thả nổi được? Vì thế 6 tháng nay rồi, mỗi lần phải ra chợ, sà vào hàng rau em lại nhớ câu thơ của nhà văn Khuất Quang Thuỵ, ca ngợi sự "đổi mới" từ thời điểm 1986:
"Em có nghe thời cuộc,
run trong từng cọng rau,
đói nghèo và dung tục,
nhận chìm bao thanh cao"

- Thôi, thôi, tôi cười, đúng là cô giáo dạy văn có khác, hơi một tí là ho ra thơ, thở ra văn. Cô bây giờ… mất dạy và… vô lương rồi, chẳng thiết gì triết lý, thơ thẩn nữa.

- Không phải, nó đánh trống lảng, em chỉ cố cho gia đình em không lâm vào cảnh bị "nhận chìm" thôi, cô nghe em đọc tiếp này:
"Hoa nở chẳng vì đâu,
khi vàng con mắt đói,
bởi xóm làng thương nhau,
bếp mỗi chiều vẫn khói…"

Tuy đạm bạc thế này, mỗi bữa cũng xơi hết vài chục nghìn tiền rau, đậu, mắm muối, tương cà đấy, cô tưởng à? Cứ có cái mà bỏ vào nồi, có cớ mà "nổi lửa lên em", bếp mỗi sáng, mỗi chiều vẫn khói, để vợ chồng , con cái yên ổn bên nhau… đạm bạc, rau muối qua bữa như thế này là tốt chán ra rồi. Cả triệu triệu người dân khác từ Hà Nội đến thôn quê, hễ động đến chi tiêu, từ xăng, gạo, rau quả, đồ dùng, vật dụng gì là kêu trời, la oai oái, chửi cha cả ông Đảng và ông nhà nước lên kia, họp chó gì mà họp lắm thế, chỉ tổ thâm thủng ngân sách ít ỏi của người dân, sau khi đã tham nhũng, bóc lột, hút máu, hút mủ dân chán chê ra mà chưa chán à?

Đến lượt tôi nở nụ cười… hình bình hành cáo lỗi, rút lui, trong tai văng vẳng những lời người dân oan Việt Nam mượn lời Phan Châu Trinh chửi thực dân Pháp để truyền khẩu vào tai nhau trong suốt kỳ họp quốc hội lần này:
Lũ khố rách sắm dù sơn kiệu
Bọn quan trường mọt đục chui ra
Đảng ta làm khổ dân ta
Mồ cha giày xéo, gà nhà đá nhau…


Hà Tây - Sóc Sơn 29-5-2008
Trần Khải Thanh Thủy

(Theo Web Thông Luận)