Tuesday, June 17, 2008

Quyền con trẻ



Quyền con trẻ

Trần Khải Thanh Thủy

Trên bãi cỏ gần trường Tiểu học, hai ông bạn tình cờ làm quen :
- Tôi trông ông quen quen, hình như gặp ông nhiều lần ở đâu đó rồi ...
- Thì cùng đội quân đón rước chuyên nghiệp mà, ông còn phải hỏi.
- Ô hay, thế ông hành nghề xe ôm à. Còn tôi là cán bộ ngành Bưu Điện, thuộc công ty bưu chính viễn thông cả mà.
- Thì ông cũng là người chở xe ôm không lệ phí cho hai đứa con ông mỗi ngày đấy thôi- Ông “xe ôm” giảng giải.
- Ừ nhỉ. Sau một hồi suy ngẫm, ông bưu chính ngẩn ra, phụ hoạ : -Nếu quy ra số kilômét tôi và ông được quyền đón rước mỗi ngày thì còn nhiều tiền hơn đi làm ông nhảy?
- Tất nhiên rồi, ông tài xế bất đắc dĩ khẳng định : -Nhưng đi làm còn được hưởng lương, một tuần còn được thư giãn xả hơi hai ngày liền, một ngày cũng chỉ có 8 tiếng, còn chúng nó nào học chính khoá, nào học thêm ở trường, rồi phụ đạo ở nhà cô vào thứ bảy, chủ nhật. Chữ nghĩa rơi táo tác dọc đường về hết cả mà vẫn phải học, nếu không phương pháp 3D của cô sẽ phát huy hiệu quả ngay.
- 3D à ? có phải vừa dạy vừa dỗ vừa doạ không? Ông bưu chính nhìn lom lom vào mặt ông bạn mới quen hỏi lại.
- Ấy đấy, đúng là đoạn trường ông đã qua cầu nên biết nó gay go thế nào rồi.
Như chạm vào nỗi đau, ông bưu chính bần thần:
-Vâng, tôi cũng đang là nạn nhân của phương pháp ấy đây, chả là vừa chuyển đổi công việc, không gia nhập vào đội quân đưa rước chuyên nghiệp như các vị phụ huynh khác được, bà xã liền phát huy sáng kiến "tha bổng" cả hai bố con. Tôi yên tâm ở lại văn phòng thường trú phía Nam, cậu con nghỉ học thêm tiếng Pháp ở nhà cô. Cả tuần chỉ đưa rước hai đứa 5 ngày vị chi 20 lượt, mẹ cháu cũng đủ chóng mặt rồi. Buổi đầu cô bỏ qua, buổi thứ hai cô phát huy quyền được học tập của cháu bằng cách chuyển xuống tít bàn dưới, làm thằng bé tha hồ ngọ nguậy như sâu đo, vì cận thị. Chưa đủ, sợ cháu lạm dụng quyền vui chơi của trẻ em theo quy ước quốc tế một cách quá đáng, sang buổi thứ ba cô bắt chép lại 20 lần một bài tiếng Pháp, cứ sai một lỗi chính tả là chép lại một lần. Thằng bé 9 tuổi cứ mắm môi mắm lợi chép đến đúng 1 giờ sáng mới xong, vừa viết vừa ngủ gật, thật là khổ sở cực hình hơn cả "viết dưới giá treo cổ". Cả đêm mẹ cháu trằn trọc, một canh hai canh lại ba canh vì thương con không ngủ nổi, sáng ra gặp cô để chất vấn: "Bài của cháu cô đã cho điểm 8,5, chỉ sai có một lỗi nhỏ sao cô bắt cháu chép đi chép lại tới 20 lần, không biết phương pháp sư phạm của cô áp dụng kiểu nào?". Thằng bé đứng giữa cô và mẹ sợ chết khiếp, hai đầu gối tha hồ reo hát trên nền trường, còn cô thì ra sức bảo vệ quan điểm giáo dục của mình, trả lời như đã thuộc lòng giáo án: "Em bắt cháu chép lại toàn bài tổng cộng 20 trang ô li vì chữ f cháu viết quá ngắn không đủ 1,5 ly theo quy định thành thử trông giống như chữ e nằm nghiêng. Tiếng mẹ đẻ còn không chuẩn xác nữa là tiếng vay mượn của nước ngoài, làm sao có thể chấp nhận được".
- Rồi sao hả ông ? đến lượt ông "xe ôm" nôn nóng.
- Thì biết là cô no lý, đói... tiền, sớm muộn con mình cũng trở thành nạn nhân cho phương pháp cửa quyền, bạo hành thời thả cửa của cô, mẹ cháu phải mở vội hầu bao cũng như nỗi lòng thầm kín của mình ra chứ sao.
- Á à tôi hiểu rồi, lắc lắc cánh tay ông bạn mới quen, ông "xế ôm" cười tít mắt: Lại hứa hẹn thề bồi theo kiểu nửa kín nửa hở phải không : "Cô ạ, bố cháu đi công tác xa, cũng sắp về rồi, hễ có người đưa rước chuyên nghiệp là tôi lại tiếp tục biến quyền được học hành vui chơi của cháu thành nghĩa vụ thường xuyên 16 giờ trên 24 tiếng một ngày và 11 tháng rưỡi tháng trên 12 tháng trong năm ngay. Mong cô là người mẹ, người thầy thứ hai"...


Dạy, Dỗ và Dọa

- Chính thế ông bưu chính cười ha hả, cắt lời : Lúc ấy cô mới nở "nụ cười thu hoạch" mà rằng: "Em rất thông cảm với hoàn cảnh của cháu, từ giờ ngòai việc đưa đón chị không phải đến trường gặp em làm gì, cứ điện thoại từ xa, càng xa văn phòng nhà trường và bác hiệu trưởng bao nhiêu càng tốt"...Hoá ra cô ấy cũng sợ rầy rà, điều ra tiếng vào đấy ông ạ.
Không trả lời thẳng câu chuyện của bạn, vị phụ huynh vui tính bần thần so sánh:
- Hoá ra người lớn chúng ta sướng thật bác nhảy.
- Lại còn không? Ngoài nghĩa vụ đưa rước chuyên nghiệp ra là độc lập tự do hạnh phúc, đâu có phải còng lưng đội cặp sách như rùa vàng đội bia đá trên lưng ở Văn Miếu? Tối muốn ngủ, muốn xem vô tuyến lúc nào chẳng được, nào có phải nhai các định luật công thức, cấu trúc ngữ pháp trong cả lúc ăn lúc ngủ như chúng nó ...
Ngắm nhìn dáng vẻ đường bệ phát phì của ông bạn ngoài 40, ông "xe ôm" nhẩn nha lên tiếng :
- Chả trách phụ huynh chúng ta mỗi ngày một béo mập, nặng cân, còn chúng nó nhai chữ thay cơm, thay chuyện cổ tích, công viên nên cứ quặt quẹo như cái đon mạ còi. Tám, chín tuổi chỉ thấy có mắt là tăng thêm gấp đôi, còn cái gì cũng gầy, cũng bé tong teo. Nặng khoảng 21 ký thì đến 4,5 ký là sách vở, đồ dùng trong cặp rồi.
- Ấy đấy. Ông bưu chính vui vẻ: Tôi có hai đứa, thằng lớn sắp 17 tuổi còn không bẻ gẫy...thừng trâu kia. Tôi bảo: May giáo dục là Quốc sách, chứ lại là xách cuốc ra đồng thì tay con chả xách nổi đâu, nói gì đến cuốc.
Mải vui quên cả thời gian chờ đợi, vị phụ huynh đầu lên tiếng :
- Giá cứ được quyền sắm cái vi tính biết thu nhập dữ liệu thông tin mà giải phóng cho cháu khỏi hai cái quyền được học hành và vui chơi như thế này tôi cũng sắm ông ạ. Kẻo biến thành nghĩa vụ nặng nề ...tôi sợ nó sớm muộn cũng thành cái máy tính đời mới, biết đi mà thôi (!).
- Ừ nhỉ, ông bưu chính gật gù, chợt hốt hoảng khi nghe rõ từng hồi trống rõng rạc nổi lên: Mà thôi, ta vào đón rước các hoàng tử công chúa đi, ông không nghe thấy trống à?
Không dễ dàng dập tắt những suy nghĩ đang hình thành trong đầu, ông "xe ôm" giả bộ ngẩn ngơ : - Thật à, sao tôi chỉ nghe thấy tiếng chim hót trong bụi mận gai với lại tiếng những con chim non ẩn mình chờ chết trong đầu mình nhỉ.
Ngửa cổ nhìn trời cười lớn đầy khoái trá, bất lực Ông bưu chính kéo tay người bạn đồng nghiệp trong đội quân đón rước chuyên nghiệp của mình bảo:
- Thôi thôi đi nào !Thật tôi với ông chưa gì đã hợp ca, biết rõ con cháu mình rơi vào vòng tay nhân ái của các cô ấy, theo đúng nguyên tắc bài bản là không cho chúng nó thoát, chúng bay vào đây ắt không có đường ra...cự nự làm gì. Miễn là mình mua lấy thầy chứ không mua lấy phiền là được rồi.
- Như sực tỉnh cơn mê, ông xe ôm vui tính liền vỗ vai bạn mình đầy thân mật đáp lời: Bác nói phải lắm kẻo tiếng cô lại rống như tiếng hổ, em nghe để hãi suốt đời còn đáng sợ hơn.

Trần Khải Thanh Thủy