Friday, March 7, 2008

Gặp lại người thân như hươu về suối cũ



Gặp lại người thân như hươu về suối cũ

Trần Khải Thanh Thuỷ

Thế là tôi về nhà đã được hơn nửa tháng. Thay vì cỗ xe thời gian trôi chậm rì chậm rịt trong tù, suốt ngày chỉ biết khóc, cười, thủ thỉ đếm thời gian trôi - một sự im lặng rợn người, một sự tù mù quái đản vây bọc 24 trên 24 giờ, một cõi bất tri thăm thẳm khôn cùng, hệt như huyệt mộ, không bút nào tả nổi và cũng không biết bao giờ mới chấm dứt... thì bây giờ thời gian cũng như sổng khỏi tù, tuột xích theo tôi ra ngoài, lại bi bô ca hát, hẹn hò, giao lưu, buồn vui qua mạng, qua điện thoại, hoặc gặp gỡ tại nhà, hay điểm hẹn.
Trong vòng nửa tháng, dù được nhà cầm quyền liên tục nhắc nhở, khuyên bảo, doạ nạt, sẽ lôi tôi trở lại trại tù theo điều 88, tôi vẫn tranh thủ gặp gỡ, giao lưu với hầu hết những người quen cũ như chú Nguyễn Thanh Giang - người đầu tiên dắt tay tôi vào xa lộ dân chủ rộng lớn, xa hun hút, đầy bão tố, cũng vô cùng vinh quang, cay đắng, chú Vũ Cao Quận, người từng gạt nước mắt thú nhận : Hễ cứ đi thăm ai là người ấy bị bắt vào tù, từ Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn văn Đài và cuối cùng là tôi... Sự việc lặp lại hai lần phải chăng là số phận? Huống hồ sự việc lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần như vậy, hẳn là định mệnh(!). Bởi vậy, sau khi vào thăm tôi tại bệnh viện lao Thanh Nhàn, từ cuối tháng 4-2007, chú đã thề là sẽ không đến thăm nhà dân chủ mới lộ diện nào nữa, để họ khỏi bị “ ám vía " chú, để phong trào dân chủ không bị hao người, tốn của, để ánh sáng của tự do dân chủ sớm đến với quê hương Việt Nam (!) Hay cô Trần Thị Lệ, người mẹ yêu con hết lòng song cũng đầy trách nhiệm công dân với Tổ Quốc, người luôn bên cạnh động viên và khích lệ quan điểm, lập trường, ý tưởng, mơ ước của con gái, dù biết cái giá phải trả cho đảng độc tài vô cùng đắt. Tình mẫu tử phải đổi bằng mồ hôi, máu và nước mắt... Luật sư Bùi Kim Thành, luật sư của dân oan, người đã từng được đảng tạm giam trong 4 bức tường trại oan và trại điên suốt 8 tháng 10 ngày, sống được là nhờ phúc ấm tổ tiên và bề trên che chở, nên những viên thuốc, mũi tiêm đã bị hoá giải khi đảng chỉ đạo đưa thuốc độc, thuốc bệnh vào người, liên tục một ngày 3 mũi, rồi anh Nguyễn Xuân Nghĩa - người tình nguyện dùng thi ca làm đòn xoay chế độ, coi thiên chức, sứ mệnh của nhà thơ là phải thức tỉnh cả một nền đạo đức, văn hoá của dân tộc Việt Nam đang thiếp ngủ trong lòng đảng, nên thay vì những câu thơ vỗ tay ca ngợi thành tích công lao, qúa khứ của đảng, câu thơ anh đong đầy nước mắt, khóc cho tôi và Lê thị Công Nhân những ngày sa vào lao tù cộng sản, khóc cho bao người con, em yêu dấu của Việt Nam bị đảng vô cớ giam cầm, đánh đập, bỏ đói chỉ vì không chịu cúi đầu làm theo lệnh đảng.

Và hôm nay, khi biết rõ không thể thoát ra khỏi nhà dự tang lễ bác Hoàng Minh Chính tại bệnh viện Thanh Nhàn, câu thơ anh đứng làm khăn trắng, cúi đầu nhỏ lệ cùng tất cả những người may mắn có mặt vì không bị công an canh giữ ...
Lại như ngày xưa và hơn cả ngày xưa, khi tôi chưa phải vào nhà tù cộng sản, trong căn phòng nhỏ của gia đình tôi tại hang đá ngoại ô, lại vang lên những tiếng nói thân thương:
- Chị Thuỷ ơi, vừa được nghe chị trả lời đài RFA, vui quá.
Hay :
- Chú đã đọc bài "hồn thu thảo "của bà Huyện Thanh Quan qua cách cảm cách nghĩ của cháu rồi , hay đấy.
Và:
- Vừa đọc mấy bài đầu tiên của chị viết sau khi ra khỏi nhà tù nhỏ, hoành tráng ra phết v.v… và v.v…
Vừa trong âm u mịt mù, xa cách không gian, thời gian, giờ trở lại môi trường cũ, tôi như hươu nai được về lại bờ suối cũ, tung tăng gặm cỏ kiếm ăn, soi mình trong dòng nước mát, song như con chim đậu phải cành cây cong, lúc nào cũng bị ám ảnh bởi cặp sừng nghênh ngang qúa khổ của mình, đụng vào đâu cũng vướng, vướng từ rong rêu, (khi tôi soi mình, thủ thỉ bên bờ suối vắng với họ hàng, làng mạc, người dân trong xóm), đụng cả tường rào, dây thép gai (khi tôi tiếp các nhà dân chủ và những người dân oan trong nhà), đụng cả cổng nhà tù với điều 31 CP, 56CP rồi 88 CP khi tôi viết bài nói rõ về những yếu kém, tồn tại của đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, về những kẻ coi việc núp bóng đảng làm bậy, giết chết tâm huyết người lương thiện là lũ công an ký sinh trên cơ thể xã hội Việt Nam, hay khi tôi tham gia trả lời phỏng vấn báo đài Hải Ngoại, với mong ước lớn lao sao cho Việt Nam sớm dựa vào bức tường WTO mà nghển cổ, kiễng chân lên với bạn bè, láng giềng như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản v.v… Nghĩa là từ vi mô đến vĩ mô, từ đáy suối đến bờ cây, ngọn cỏ, từ làn gió quanh Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nắng quái Ba Đình, gi gỉ gì gi cái gì cũng vướng. Giấu bớt đôi sừng kềnh càng của mình đi cho đỡ động chạm, vướng víu thì không được, bởi trời sinh ra đã thế, có muốn co nhỏ mình, gọt sừng cho hợp với tầm kích muôn người của thời đại, đặc biệt là số phận làm người ở một nước cộng sản, nhược tiểu, văn dốt, võ dát, (chỉ biết dùng sự chuyên chính như một thứ vũ khí độc hại nguy hiểm chết người mà thực thi mệnh lệnh điều hành) cũng khó... To gan không được, bạc nhược không xong, đành phó thác cho mệnh trời run rủi vậy.
Chưa bao giờ câu châm ngôn thế giới lại đúng như điều kiện, hoàn cảnh và thể chế ở Việt Nam như lúc này: Hươu nai tung tăng ở đầu suối nhưng mạng sống của chúng thì treo nơi gác bếp. Cái gác bếp đầy tro tàn, mạng nhện, lưu cữu cáu bẩn vì những tư tưởng lỗi thời của chủ nghĩa Mác Lê, của tệ nạn sùng tín trung cổ, của sự dốt nát, bất tài, vô học v.v… đã treo bao nhiêu mạng sống của những con người tâm huyết với đất nước, từ nhân văn giai phẩm, nhóm xét lại chống đảng đến các nhà dân chủ Việt Nam, toàn những tên tuổi quen thuộc một thời: Nhà văn Nguyễn Hữu Đang, nhà thơ Hoàng Cầm, Hữu Loan, Phù Thăng, nhà văn Vũ Thư Hiên, Tuân Nguyễn, viện trưởng viện triết học Hoàng Minh Chính, đại tá quân đội Trần Thư, nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nhà văn Dương Thu Hương, viện sĩ Nguyễn Thanh Giang, Cựu chiến binh kiêm nhà văn Vũ Cao Quận, linh mục Nguyễn văn Lý, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn v.v… gần đây nhất là luật sư Trần Quốc Hiền, bác sĩ Lê Nguyên Sang, anh em Trương Quốc Huy, Nguyễn Tấn Hoành, luật sư Nguyễn văn Đài, Lê thị Công Nhân v.v... Gác bếp khổng lồ của đảng đầy mồ hôi, hơi thở của sự độc tài và ám khí... đến mức trước và sau khi ở tù, cứ mỗi lần nghe tin một người nào đó trong nhóm dân chủ bị bắt là tôi bất giác ngửa mặt lên trời kêu to: "Trời ơi xuống cứu chúng con, bao nhiêu người con tâm huyết của dân tộc Việt Nam sa vào tay đảng quỷ, thành zum bô* trong ngục hết rồi". Trên bức tường trai giam hay ngay tại bàn của buồng cung, chi chít những dòng chữ của những con người quả cảm, tâm huyết ấy. "Luật sư Lê Chí Quang đã ở đây từ ngày 21-2 đến 21-4 năm 2004". Rồi "Quân B20 ơi, cố gắng". Và "Ngoan nhớ cô Thuỷ" v.v…

Trại giam B14 Thanh Liệt, nơi tôi ở, một trại giam nổi tiếng về kỷ luật, nề nếp của công an, một trại rất kén người vào... Tất cả các bệnh như giang mai, hoa liễu, si đa v.v… không hề được bén mảng, cũng là trại được coi là "nhân văn, trí thức" vì giam toàn những cử nhân kinh tế, những doanh nhân thương mại, những người tổ chức đưa người đi hợp tác lao động tại các nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga v.v… Tất cả vẻn vẹn 3 tầng, 6 dãy buồng, với số lượng hơn 100 người, chỉ chục năm trở lại đây đã giam giữ 9 người con ưu tú của Tổ Quốc, đó là nhà văn Dương Thu Hương, viện trưởng Hoàng Minh Chính, cựu Chánh Văn phòng Bộ Công an Lê Hồng Hà, viện sĩ Nguyễn Thanh Giang, đại tá Phạm Quế Dương, luật sư Lê Chí Quang, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu, luật sư Lê Quốc Quân, và tôi... Nếu kể đủ các nhà tù khác, từ Sài Gòn, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nam Hà v.v... thì những người bị đảng treo mạng sống trên "gác bếp", không biết bao nhiêu mà kể. Hiện tại, giữa thời hội nhập toàn cầu, nơi quyền làm người được đề cao, sự tự do, dân chủ được đưa lên hàng đầu, như cơm ăn, như hơi thở, khí trời, mà số người bị bắt vì nói thẳng, nói thật, bộc lộ quan điểm, chính kiến một cách ôn hoà... đã lên tới cả trăm người. Lùi thời gian vào những thời điểm mê muội, "đêm giữa ban ngày" thì số người này qủa là chật cứng trong gác bếp của đảng độc tài.
Trở về với cộng đồng, người thân, vui mừng bao nhiêu trước sự lớn mạnh không ngừng của phong trào dân chủ. Một cây lớn nằm xuống, cả khoảng trời không hề trống vắng (dù bị cả thế lực tàn bạo của đảng đàn áp) mà ngược lại: "Tre già, măng mọc", gốc này lụi thì hàng chục gốc khác mọc lên, xum xuê, tươi tốt. Người này bị vô hiệu hoá thì hàng chục người khác ra công khai. Một người bị khoá thì cả triệu cánh tay giơ lên, những tiếng nói phẫn uất từ bên kia bờ đại dương tràn bờ, tiếp sức cho các nhà dân chủ trong nước, trong song sắt nhà tù, buộc những vị dân biểu, những ngài đại sứ phải lên tiếng can thiệp v.v… Những tên tuổi mà trước khi vào tù tôi không hề được biết như Phạm Văn Trội, Vi Đức Hồi, Nguyễn Thượng Long, Phạm Thanh Nghiên v.v…, điều này chứng tỏ trong cả vũng ao chật hẹp tù túng, vẫn có những mạch ngầm, bọt khí nổi lên. Giữa nền văn hoá đảng tham tàn, bạo ngược, dối lừa, mị dân, v.v… vẫn có những con người qủa cảm, không đang tâm với việc đảng làm, những lời đảng nói, với thành tích ảo, (xoá đói giảm nghèo cho 34 triệu người năm 2007, kinh tế phát triển vượt bậc, mức độ tăng trưởng cao nhất đông Nam Á... Ngôi sao đang lên của Châu Á) v.v... Song trên thực tế vẫn là một nước nghèo và vô cùng hèn so với thế giới, thua kém ngay cả nước láng giềng Thái Lan, về tất cả mọi mặt: Kinh tế, văn hoá, xã hội, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp. Không biết đồng đất Thái Lan có rộng và tốt hơn ở Việt Nam không mà sao hoa quả của họ, thứ gì cũng ngon và đắt gấp 3, 4 lần hoa quả bày bán tại Việt Nam. Giá như các nhà lãnh đạo Việt Nam biết "dụi mắt" nhìn ra bên ngoài một lần để học tập, nghiên cứu, mày mò, thay vì kêu gào, ảo tưởng, sùng bái tư tưởng Hồ Chí Minh, có phải tốt cho 85 triệu dân Việt Nam bao nhiêu...

Sống giữa lòng đảng độc tài, hy vọng cặp sừng kềnh càng của tôi không vướng víu đến mức bị đảng gọt đầu, bôi vôi, cưa sừng bỏ vào nơi ngục tối một lần nữa. Tất nhiên niềm tin, sự hy vọng nào cũng ẩn chứa sự... mù quáng, song không đến mức phải chuyển từ hy vọng chứa chan thành... chán chưa hở trời. Việc tôi được chuyển tội danh từ điều 88 (tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam) như rất nhiều nhà dân chủ khác, thành điều 245 (quấy rối trật tự công cộng) hết sức vớ vẩn, nực cười, chẳng phải thể hiện rõ quan điểm lập trường của đảng trong thời điểm hiện tại này sao? Nếu đủ mạnh, đủ sự độc tài, ác độc, không sợ dư luận thế giới lên án can thiệp, đảng biến tôi thành "phản động, gián điệp" như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình ngay... song đàn áp một người phụ nữ đau khổ và ốm yếu, một người cầm bút chân chính như tôi, dưới ánh sáng của nền văn minh nhân loại, tri thức toàn cầu, đảng trở thành lố bịch, như một thứ quái vật thời tiền sử. Bao nhiêu công sức của lực lượng công an trong việc "thức cho dân ngủ, gác cho dân yên", "vì bình yên cuộc sống", tan thành mây khói hết, chỉ vì bắt bớ những nhà dân chủ, những tiếng nói trung thực, mạnh mẽ, chói loà sự thật mà đảng như loài dơi ẩn mình trong bóng tối, vô cùng sợ hãi.
Cho đến phút chót, sau cả quãng dài giam tôi trong ngục, đảng vẫn sợ những bài viết của tôi, sợ cái khí phách anh hùng, hào kiệt của linh mục Nguyễn Văn Lý có thể lan sang tôi, sang lớp trẻ trong cộng đồng người Việt tại quốc nội, vì thế mà đảng sợ chính con em, phóng viên của đảng. Thay vì phải xúm vào viết bài tuyên truyền nói xấu, đánh hôi cha, giấu đi những bí mật khốn cùng của đảng trong việc hành xử người vô tội, thì cái lũ ong nuôi trong tay áo đảng đã chớp lấy thời cơ chụp ngay bức ảnh có một không hai trên thế giới bán cho các hãng thông tấn nước ngoài lấy tiền. Thế là sự thật lập tức có đường đi riêng của nó, hình ảnh cha Lý bị chính bàn tay lông lá, bẩn thỉu của đảng còng tay, bịt miệng trước toà được post lên mạng toàn cầu, găm vào não bộ của hàng triệu triệu người khắp thế giới làm đảng bẽ mặt, xấu hổ, loay hoay mãi vẫn không sao xoá bỏ được hình ảnh chiếc quần nhân cách bị tụt xuống tận đầu gối giữa phiên toà, thò ra sự độc tài, vĩ đại, quang vinh vô cùng rậm rạp, kệch cỡm, thô bỉ của Đảng suốt 77 năm tuổi đời (1930- 2007). Chính vì vậy mà khi xử tôi, đảng đành rút kinh nghiệm tuyệt đối, không cho phép bất cứ phóng viên nào của đảng được lọt vào. Thà là để tôi được yên thân, không bị lũ hung thần của đảng đánh hôi, bôi nhọ, còn hơn là một hình ảnh dối trá, bạo ngược của đảng bị lọt ra ngoài lên mạng toàn cầu làm xấu mặt đảng. Cho dù có trí trá, lươn lẹo, hứa hẹn thề bồi để vào được hội đồng bảo an không thường trực, hay WTO thì bức ảnh cha Lý bị bịt miệng cũng tố cáo đầy đủ tính chất dã man, vô văn hoá, thiếu dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam, chỉ một lần là đảng tởn đến già...
Dù thế nào thì tôi vẫn quyết định phải giữ chắc đôi sừng kềnh càng của mình, cho dù động chạm, vướng víu thì đã có các tổ chức nhân quyền, những người bạn trong và ngoài nước gỡ giúp và vinh danh... Quan trọng là hươu chạy đúng đường mà đạo lý tổ tiên, ông bà đã vẽ. Đảng càng làm liều thì càng sớm phải tiêu vong. Đó chính là định đề chân lý, không những bất di bất dịch mà còn đang cận kề trước mắt những người con ưu tú của đất Việt, những người thực thi quyền làm người tối thiểu là tự do, dân chủ, giàu mạnh, văn minh cho Việt Nam.

Hà Nội 16-2-2008
Ngày đưa tang bác Hoàng Minh Chính
Trần Khải Thanh Thủy

(Theo báo Tổ Quốc số 36 ra ngày 1-3-2008)