Monday, March 10, 2008

Chỉ xin nói lại lời người xưa...




Núi lửa căm thù !!!

Chỉ xin nói lại lời người xưa...

Trần Khải Thanh Thuỷ

Bài viết riêng tặng Việt Land

Phan Huy Chú (1782- 1840) sống qua hai thời vua Gia Long và Minh Mệnh. Là người am hiểu thời cuộc sâu sắc, có chí lớn, làm quan mà luôn đứng về phía dân, che chắn cho nỗi khổ của dân. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ 19, tuy mới ngoài 30 tuổi, ông đã từ bỏ chốn quan trường, chui vào trong núi dựng lều ở ẩn để chuyên tâm vào việc viết sách. Tại núi Sài Sơn, ông đã hoàn thành một tác phẩm vô cùng đồ sộ là lịch triều hiến chương loại chí, gồm 10 bộ môn, có liên quan mật thiết với nhau, và đều là vấn đề cốt lõi của quốc gia (còn gọi là 10 chí như dư địa chí, quan chức chí, nhân vật chí, khoa bảng chí, lễ nghi chí v.v…). Trong đó bộ môn đầu tiên được coi là quan trọng nhất có tên là dư địa chí. Tại đây, qua việc khảo sát về đất đai, phong thổ từ các đời trước và trong thời của mình, ông viết:
Muốn cho dân có tài sản, chủ yếu là việc quản điền. Bởi tai hoạ trong một nước do chỗ ruộng đất không quân bình. Nếu tài sản mọi người được bình thường thì nhân dân tất nhiên đầy đủ. Tiếc thay chế độ ruộng đất tại Bắc Hà từ trước tới nay sổ sách thiếu xót không thể tra cứu được. Về đại thể, ruộng đất của nông dân để mặc cho bọn cường hào chiếm đoạt. Hơn một nghìn năm nay, những người làm vua, làm chúa trong nước không ai khôi phục lại chế độ ruộng đất của đời có để từ bỏ tai vạ cho dân...
Của báu của một nước không gì quý bằng đất đai, nhân dân và của cải do đó mà sinh ra.

Đọc sử xưa mà liên hệ tới hiện tại mà không khỏi bùi ngùi xót xa cho hiện trạng của đất nước hôm nay. Trong khi nông dân chiếm tới gần 80% mà chế độ ruộng đất của người dân càng ngày càng bị thu hẹp, phần do công nghiệp hoá nuốt chửng phần rơi vào tay các "quan đồng chí". Cái gọi là của dân, cho dân và vì dân, chỉ là những ô ruộng lày thụt, đất trũng đồng chiêm, sống ngâm da, chết ngâm xương. Các quan không với được. Phần bờ xôi ruộng mật bằng cách này hoặc cách khác, từ năm trước đến năm sau sẽ biến thành nhà vườn, trang trại hay quán ăn, nhà nghỉ của các quan lớn địa phương. Từ chỗ: Dân bất ly hương thành dân ắt ly hương, vì ruộng đất đã ít lại cằn cỗi nên không thể đủ để "thoả mãn bần cố nông" theo kiểu ông bà dạy: Cơm ba bát, áo ba manh.
Người xưa nói: "Giặc giã là ai, giặc giã là dân đấy, nuôi dân không đủ thì dân thành giặc". Suy xét trong thời đại của mình, từ 1774 đến 1801 (triều Tây Sơn), từ 1802 đến 1819 (thời Gia Long) rồi từ 1820 đến 1840 (thời Minh Mạng), Phan Huy Chú thấy rõ những nguy cơ tiềm ẩn trong lòng xã hội, trung bình cứ một tháng lại nổ ra một cuộc khởi nghĩa nông dân, tất cả đều xuất phát từ đói, rét, bất công trong chuyện chia ruộng canh tác. Chứng kiến mọi sự, học giả họ Phan lo lắng: "Chỉ riêng chuyện nhà vua phải lo đối phó với các cuộc khởi nghĩa xảy ra quanh năm suốt tháng đã qúa mệt, lại còn cảnh cung tần mỹ nữ, thê thiếp lẽ mọn, (một đêm ngủ với 7 cung phi, đẻ ra một công chúa và năm hoàng tử) mỗi năm... tòi ra vài chục quý tử, còn đâu tâm trí thời gian mà lo cho nước, cho dân, cho sự đổi mới, canh tân của đất nước?". Chính vì mối lo canh cánh đó nên ngay sau khi hoàn thành bộ bách khoa toàn thư của mình, ông đem vào triều, kính cẩn dâng lên nhà vua. Thời gian đầu, ông được vua Minh Mệnh ban thưởng hậu hĩnh: Ngoài 30 lạng bạc, đủ để mua cả đụn gạo ăn rả rích trong năm, còn một chiếc áo sa để mặc khi lâm triều, 30 cái bút, 30 thỏi mực để ông tiếp tục nuôi chí lớn "Câu thần lại được bút hoa vẽ vời". Đương nhiên còn cả những lời ngợi khen, khuyến khích. Sau đó được nhà vua vời vào triều ban cho chức Biên tu trường Quốc Tử Giám (Biên soạn, tu sửa sách giáo khoa cho trường). Năm 1823, khi sang tuổi 41, ông được thăng chức Lang trung bộ Lại (tương đương với chức vụ trưởng bây giờ).
Không ỉ lại việc được vua yêu, quần thần kính nể, ông luôn đề cao nhân cách kẻ sĩ của mình, quyết đánh thức lương tâm đang thiếp ngủ trong lòng cung tần mỹ nữ của vị vua háo sắc, mắn đẻ. Vì thế ông viết bản điều trần từ tất cả sự hiểu biết tâm đắc của mình, gồm 4 việc:
1. Hãy xem dân là gốc của nước, gốc có vững, xã tắc mới yên, muốn vậy triều đình phải thư sức cho dân, bớt thuế bớt lính, bớt những phiền hà khác.
2. Thực hiện chế độ quản điền, làm thế nào để mỗi tấc đất của lãnh thổ phải được khai khẩn, mọi người đều có ruộng để trồng cấy, dập tắt nạn áp bức, chiếm đất của bọn cường hào, lý dịch. Khi dân có ruộng để cày cấy thì làng xã mới yên ổn, từ đó mà hướng dẫn xây dựng phong tục, kỷ cương cho dân.
3. Bãi bỏ ngay các cuộc hành binh dẹp loạn. Dân nổi loạn là vì đói rét, nếu không giúp họ được no đủ thì mầm loạn diệt chỗ này sẽ nổi lên ở chỗ khác.
4. Nghiêm trị bọn quan lại tham nhũng. Thượng bất chính, hạ tắc loạn, các quan phải tự mình tu nhân, tích đức, thì mới giáo hoá được dân. Đơn giản vì dân bắt chước người trên còn nhanh hơn pháp luật. Pháp luật sở dĩ không nghiêm, không thi hành được là do người trên phạm vào...không thể bỏ qua được.
Thuốc có cam thảo, nước có lão thần, thuốc phải có cam thảo mới dẫn giải được các vị thuốc trong toa để tăng hiệu lực, không công kích nhau, để thuốc ngấm đều vào mao mạch... Nước không có lão thần can gián thì vua sa đà vào chuyện truỵ lạc dâm ô, gió sở mưa tần, làm sao trị vì nổi thiên hạ? Tiếc thay, một lão thần giỏi giang và xuất chúng như Phan lại không được nhà vua trọng dụng. Vừa đọc xong, Minh Mạng xanh xám mặt mày, lớn tiếng :"Phan Huy Chú là con một đại thần ở Tây ngụy, phụ thân hắn, tức Phan Huy Ích đã từng làm lễ bộ thượng thư của triều Tây Sơn, một triều nổi tiếng là ngụy tặc, đánh hết nhà Nguyễn đàng trong, đánh cả nhà Trịnh đàng ngoài, thôn tính cả nhà Lê để cướp ngôi của họ... Nhờ có chút học vấn mà trẫm không những không nỡ hẹp bụng, còn trọng dụng, cho hưởng quyền cao chức trọng, ai ngờ hắn không biết mình, biết người , muốn bay bổng, trèo cao, nên ăn nói như kẻ ngoa ngôn, loạn trí. Hãy xem trong lúc giặc cỏ nổi lên làm loạn, mà hắn lại khuyên trẫm nên bãi binh dẹp loạn? Hoá ra Trẫm chỉ là kẻ khoanh tay đứng nhìn ư? Trong lúc trẫm ban thưởng ruộng đất cho những người có công của triều đình, để triều đình ngày càng vững mạnh, hắn lại khuyên trẫm phải chia ruộng đất cho dân đen, vì dân là gốc... Thử hỏi nếu trẫm không muốn mang tiếng ác, thì riêng những việc sàm tấu này cũng đủ để trẫm giao hắn cho hình quan xét xử rồi ...
Chỉ vì trực ngôn, lo toan cho việc triều chính, mong vận nước sẽ sớm thay đổi, tiến lên yên bình, thịnh vượng mà học giả họ Phan bị kết tội nặng nề. Nếu là triều đình cộng sản thập kỷ 50, hẳn ông đã bị thủ tiêu không thương tiếc, chỉ vì cái tội dám vượt mặt lãnh đạo, đưa ra những kế sách vượt qúa tầm hiểu biết của đám lãnh đạo ù lì, ngây thộn, còn ở thập kỷ 70, 80 thì cũng tù mút mùa, như một lô các khai quốc công thần ở Việt Nam như Phó chủ tịch quốc hội Dương Bạch Mai, tướng Đặng Kim Giang, viện trưởng viện triết học Hoàng Minh Chính v.v…
Biết rằng số phận đã an bài, lời xiểm nịnh dễ nghe, còn lời ngay khó lọt, nếu có ở lại triều, dù câm điếc cũng không tránh được miệng lưỡi thị phi, có khi lại còn bị vu oan giá hoạ, chết bất đắc kỳ tử, khó có đất chôn, ông viết đơn, cáo quan về lại vùng núi Sài Sơn mở trường dạy học.
Kết quả, nhân bảo như thần bảo, 20 năm trời trị vì (từ 1820 đến 1840) triều đình Minh Mạng có tới 234 cuộc khởi nghĩa. Khi Phan Huy Chú chết (1840) cũng là lúc triều đình sụp đổ, đất nước vốn đã chìm trong đói rét, loạn ly, tủi cực, càng trở nên khốn khổ, lầm than hơn.
Sang đời Thiệu Trị, tồn tại 7 năm (1841-1847) phải đương đầu với 58 cuộc khởi nghĩa nông dân, nghĩa là khoảng 2 tháng lại có một cuộc khởi nghĩa nổ ra, triều Tự Đức(1848-1883), số cuộc khởi nghĩa tuy có ít hơn nhưng lại toàn là những cuộc khởi nghĩa lớn, như cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương của Lê Duy Cự, Nguyễn Kim Thanh, Cao Bá Quát (1854) được coi là điển hình nhất trong lịch sử Việt Nam thời xưa, tiếp đó là cuộc khởi nghĩa của anh em quận He, quận Hẻo tại Hải Dương v.v…
Gần 200 năm qua rồi, do tính chất thối nát của đảng cộng sản nên vẫn không sao thay đổi được thực trạng của đất nước, thậm chí còn nguy hại hơn về mặt xây dựng những chuẩn mực nề nếp, các phong tục, tập quán trong dân... giữa thời buổi hội nhập, toàn cầu mà cả triệu triệu nông dân thấp cổ bé họng vẫn ngày ngày úp mặt vào mông trâu lầm lũi bước, với 122 khoản thuế trên lưng, từ thuỷ lợi phí, đến cầu đường, trường trạm, nhi đồng, phụ lão v.v… Nền nếp sinh hoạt yên bình ở thôn quê bị đảo lộn tận gốc, rễ, cá lớn nuốt cá bé, nghèo thì hèn, giàu thì hợm, trộm cắp, lừa đảo xảy ra hàng ngày, không sao mà kể xiết. Cũng bởi thuế má tăng cao nên thu nhập phải tụt xuống. Để có thể "xoá đói giảm nghèo" cho 34 triệu con người cùng khổ, đói rách rạc dài, mình trần thân trụi, triều đình cộng sản đặt ra mức xoá vô cùng ... ngoạn mục, chỉ cần thu nhập mỗi đầu người 200.000 VND/ tháng (sấp sỉ 12 USD) đã ra khỏi diện nghèo, ngang nhiên bước vào diện khá giả (thu nhập từ 7-10.000VNĐ một ngày...tức 250 đến 300.000 VND) trong khi giá cả tăng vọt, thị trường lạm phát chưa từng có. Nếu GDP tăng 8,5% thì mức lạm phát tăng gấp 2 so với cùng kỳ năm ngoái. Bài toán kinh tế mang nghiệm âm, chỉ vì sách quý bỏ quên, lời hay không đọc, tai nghe không lọt, nên đất nước lâm tình cảnh vừa đói khổ, vừa bạc nhược, hèn yếu như hiện tại.
Rất may cho học giả họ Phan là cuốn sách không bị đốt, nhưng rất không may cho dân tộc Việt Nam là những kẻ làm quan, mang trọng trách to lớn trên vai lại ngủ quên trên ngai vàng quyền lực. Lấn chiếm Miền Nam xong rồi là bắt đầu chia nhau quả thực, lấy câu khẩu hiệu của cha già làm hành vi che giấu mọi ý đồ tội lỗi, "một cây kim sợi chỉ của dân không lấy", chỉ làm giàu trên xương máu nhân dân.


Nỗi khổ này do ai ???

Suốt 78 năm thời cộng sản, người dân bắt đầu hiểu thấu nỗi khổ của họ do ai mà có, đặc biệt là người dân Miền Nam, nín nhịn từ 1975 đến nay, bao nhiêu uất ức nảy sinh, bao nhiêu đám cháy trong lòng như một hoả diệm sơn, một khối thuốc nổ truyền từ đời ông, bà, cha mẹ sang đời con, cháu. Điển hình như cuộc nổi dạy của đồng bào Tây Nguyên (phía Nam) và Thái Bình, Hà Tây (phía Bắc). Chỉ tính riêng từ thiên nhiên kỷ thứ 3 đến nay, vẻn vẹn 7, 8 năm mà hàng trăm cuộc nổi loạn của nông dân, công nhân, sinh viên trí thức nổ ra, đặc biệt là trong lĩnh vực dân oan... Bị đảng cướp bóc trắng trợn còn hơn cả thời mạt vận, tăm tối do địa chủ cường hào bóc lột. Từ chỗ buộc phải kính yêu đảng, dân đã vượt qua cơn sợ hãi bản năng để kéo nhau đàn đàn lũ lũ ở các khu vực công cộng như vườn hoa Mai Xuân Thưởng, phòng tiếp dân 110 Cầu Giấy, hay 210 Võ thị Sáu v.v… tay vung cao, miệng hô khẩu hiệu: Đả đảo đảng cộng sản. Đả Đảo... Tiếng hô từ trong phòng xử án, nơi cha Lý bị bịt miệng, vọng đến Gia Lâm, nơi tôi bị đảng tràn vào nhà cướp, bóc và còng tay bắt đi, trong tiếng khóc xé vải của con gái bé bỏng, sự bàng hoàng hụt hẫng, đau đớn của mẹ già ốm yếu và bây giờ sau gần một năm truy quét, bắt bớ những con người có nghĩa khí, dám đứng lên vì tương lai đất nước, tiếng hô tràn vào khu vực dân oan, sinh viên. Một tiếng hô không còn lạc lõng nữa mà đã được quần chúng nhân dân ủng hộ, tiếp sức, tràn xuống đường biểu tình, biểu lộ sự căm phẫn trước một nhà nước cộng sản gian tham, đớn hèn, bạc nhược.
Thêm bao nhiêu con người vì dân vì nước mà phải vào tù, hưởng một cuộc sống hết sức tồi tệ: Từ Linh mục Nguyễn Văn Lý, Ký giả Trương Minh Đức, luật sư Bùi Kim Thành, luật sư Trần Quốc Hiền, công nhân Nguyễn Tấn Hoành, bác sĩ Trương Nguyên Sang v.v... đảng càng lồng lộn đánh phá, bắt bớ thì tội ác của đảng càng lòi ra giữa thanh thiên bạch nhật, càng phải cúi đầu, quỳ gối trước vành móng ngựa đặt giữa lòng dân.
Đời có vay có trả, hàng triệu người dân oan uất ức, hàng triệu công nhân bị bóc lột đến trắng mắt, trắng tay, không còn gì để mất, hàng nghìn sinh viên không cam chịu trước cảnh con ngươi của dân tộc bị đảng tàu móc ra khỏi hố mắt, khỏi cơ thể đất nước, cảnh Trường Sa, Hoàng Sa, rơi vào tay Trung Quốc, Đài Loan... sẽ rủ nhau đứng dạy một ngày.
Cái gì phải đến sẽ đến. Bao nhiêu năm đảng ngồi trên đầu, trên cổ dân, hưởng cảnh chuột sa chĩnh gạo rồi, thì đến năm Mậu Tý này đảng chỉ còn là một thứ chuột chạy cùng sào mà thôi.
Từ xuân Canh tý (1840) đến xuân Mậu Tý (2008) chả phải đất nước vẫn loạn ly, đói rét hay sao?
Hãy xem lời sấm trong dân:
78 năm cơ trời đã định
đảng đi, xuân đến giữa lòng dân
Đinh Hợi qua rồi Mậu Tý đến
Cờ vàng bay ngập khắp nhân gian
.

Trại tù 30-1-2008
Viết lại 28/2/2008
Trần Khải Thanh Thuỷ
(Hội viên hội văn bút quốc tế)
-------------------
* Lễ bộ thượng thư : Tức Bộ trưởng bộ nghi lễ.

(Theo Web Vietland)