Monday, February 4, 2008

Vui buồn tháng Chạp!



Vui buồn tháng Chạp!

Phóng sự: Trần Khải Thanh Thuỷ

Lâu lắm tôi không về quê. Từ ngày có chính sách "mở cửa, mở hướng" vay lãi nước ngoài đến nay, làng quê Việt Nam quả có ít nhiều thay đổi. Mỗi lần về là một lần mừng vui lẫn lộn cho gia cảnh, người thân. Cảnh cơm cơm độn khoai đã nhiều năm rồi quê ta chẳng đổi thay gì như lời bài hát tếu táo theo điệu "Quảng Bình quê ta ơi" đã vĩnh viễn chấm dứt. Những ngày giáp hạt "tháng tám, ngày ba" cả làng không ai còn dài trận đói. Khoai sắn chỉ để nuôi gia súc, gia cầm chứ không còn là "sâm" với "quế" trong những nhà nghèo đông con nữa. Bánh rau muống cũng vĩnh viễn lùi vào quá vãng, không mấy khi xuất hiện trở lại trong câu chuyện của người dân về một thời đói kém năm 1945 nữa.
Gặp tôi ở đầu làng, chủ nhiệm hợp tác xã - một thời là "chiếc gậy Trường Sơn" vui vẻ bảo:
- " Gớm ông coi thường sự nghiệp "trẻ hoá lãnh đạo" ở thôn quê chúng tôi quá. Nào "kế hoạch hoá: Mỗi gia đình chỉ có hai con. Nào "chuyển dịch cơ cấu cây trồng", nào "khoán sản", làm "VAC"(vườn -ao chuồng) thậm chí cả rừng, đồi cùng hàng trăm nghề phụ nữa. Hơn hai thập kỷ rồi có ít đâu? Nhà nào nghèo nhất làng bây giờ cũng xe đạp, tủ li, ti vi đen trắng, nhà gạch ba gian , cơm xơi ba bữa, quần áo mặc cả đời... Còn nhà giàu, kinh tế mạnh ấy à, cứ là xe máy đập hộp, tủ tường, mái bằng...chả khác gì cơ ngơi phố huyện, phố tỉnh, phố... thành, thậm chí hơn đứt nhiều nhà ở thành phố ấy chứ.
"Phú quý sinh lễ nghĩa" ,về làng vào đúng dịp cuối năm này, tôi cứ thấy không khí làng quê nhộn nhạo mà buồn tẻ, lo lắng thế nào? Căn nhà trống hơ trống hoác, một lũ trẻ 6, 7 đứa toàn cháu nội, ngoại đang tụ tập chơi ở giữa nhà, không khí tết vẫn dừng ngoài chợ tỉnh, chợ huyện chưa hề ùa vào khe kẽ ngõ ngách trong làng, dù hôm nay đã là 24, 25 rồi. Hiểu nỗi lo lắng sốt ruột của tôi thằng "Tít" nhanh nhẩu:
- Cả nhà đi vắng hết rồi cậu ạ. Ông đi thăm người ốm ở trạm xá, bà đi đám ma ông Ký, bố cháu vừa sang bác Cần dự lễ khánh thành nhà mới, mẹ xuống bà Tình dự đám cưới, chị Hiền cháu thì đi mừng thôi nôi.
- Giời ạ! tôi ngán ngẩm lắc...Đằng đẵng hai năm trời xa cách , lặn lội về nhà, tưởng gặp đông đủ người thân, ai ngờ "vườn không, nhà trống" vắng ngơ vắng ngắt thế này ...Đúng cảnh thôn quê có khác ...Vừa kịp "ăn nên làm ra" đã bày vẽ đến khiếp.
Mặt trời càng lên cao, trút tia nắng hỗn hào xuống mặt đất. Khí hậu lạnh, nắng hanh hao, làm da dẻ ai cũng nứt toác...Tôi chưa kịp cất lời nhắc bọn trẻ cơm nước, cu "Tít" đã nhanh nhảu thông báo:
- Mẹ cháu bảu không phải thủi cơm, chờ ông đi thăm người ốm về tạt qua đám giỗ lấy phần. Nếu không, chờ bắc rạp, làm giúp cỗ cưới xong, mẹ cháu về kéo cả bọn đi.
- Cái gì ? Tôi bật cười trước thái độ thật thà như đếm của nó - cả bầu đàn thê tử kéo nhau đi hết, để cậu ở nhà một mình à?
Sợ cậu đói, con Tơ leo lẻo mách:
- Cháu sẽ đến cỗ nhà ông Lăm lấy phần về cho cậu... một lắm xôi thật to với cả mấy miếng thịt ...dài ngoằng như chiếc lược chải đầu lày lày ... cứ gọi là lõ lò lo (rõ là no) nhớ.
Chưa kịp trả lời, trong nhà ngoài ngõ, kế bên sân láng giềng đã thấy tiếng nói cười ồn ào, ồn ào, te tái...Nhìn thấy tôi, chị gái ngẩn ra:
- Ôi! cậu! cậu Thà...giời ạ, cậu đi đâu mà đằng đẵng, biệt tăm, chả nhắn nhe thư từ gì , làm anh chị ở nhà lo bằng chết.
Tôi cười chống chế:
- Lo bằng chết mà bỏ cửa nhà vắng ngơ ngắt, lũ trẻ mải chờ cỗ, định để cậu ở lại một mình, không cẩn thận là ...chết đói đây.
Không khảo mà xưng, chị cười như mếu :
- Lệ làng nó thế cậu ạ, cứ đến tháng cuối năm là rải tiền khắp làng, nghĩ mà xót ruột... Đầu tháng nhà Tính đầy tháng con, nhà Tình khánh thành nhà mới, nhà Tỉnh chạm ngõ, thằng Linh con bà Lĩnh cưới vợ, ông Kiều đầu xóm lăn cổ ra ốm, cụ Khiếu không qua được trận rét, rồi bà Cả gả chồng cho con gái, ông Thành thay áo cho bà Thím...Chưa kể giỗ chạp, cúng lễ. Cả làng bé bằng bàn tay, mấy trăm nóc nhà mà ngày nào cũng cỗ, cứ ù xoẹ cả lên... Đám nào cũng mời chào, co kéo...
Không đi sợ tiếng ky bo...
Đi rồi tiền của ...ai lo, hở giời ?

- Tình làng, nghĩa xóm, cốt ở tấm lòng, chị kêu thế không khéo... Trời đỏ mặt tía tai phồng mang trợn má lên mà mắng cho một chặp bây giờ, cứ làm như gẫy đốt sống cổ không bằng - tôi đùa.
- Dào ôi ! Chả tình nghĩa xuông thế đâu cậu ạ. Hơn chục năm nay rồi, cứ vác miệng đi ăn là vác tiền đi nộp. Nhẹ nhàng như đầy tháng con nó cũng cân đường, hộp sữa, hoặc cân cam, gói kẹo... mất dững hai lăm, ba mươi ngàn. Đám giỗ đám tang, cử người đại diện, gia chủ không đồng ý, bắt về kéo cả nhà đi. Tăng khẩu lại tăng tiền, cứ đập vào 50.000 đồng một người nhớn, 30 ngìn đồng một người già, trẻ con là chuyện bình thường ...Đau ốm, tân gia cũng thế, cứ dăm chục ngàn một lần, đã khó lấy phần lại không được kèm trẻ con...Sơ sơ mới có hai chục ngày trong tháng mà tôi phải nhận nhời dăm chục đám rồi đấy cậu ạ. Từ giờ đến sát tết dễ ngót thêm cả tấn thóc nữa, vài triệu bạc như bỡn ...Đúng là bòn mót quanh năm chỉ đủ vài chục ngày cuối năm.
- Ai ngờ quê mình giờ sướng thế chị nhỉ? không phải cảnh "nhàn cư vi bất thiện" mà là "nhàn cư vi ...sướng miệng"(!)
Giời ạ! chị tru tréo không để cho tôi nói:
- Mang tiếng đổi mới, đời sống có nhích lên thật, nhưng vẫn cảnh "tay làm, hàm nhai" đấy cậu ạ. Tay đã "quai" cả tháng, miệng không những không chịu trễ, còn đổi "mười bữa cơm mình lấy một bữa cơm người" thì giêng hai chỉ còn nước đói dài, đói rạc ra mà thôi.
- Ôi "tháng giêng ăn nghiêng bồ thóc" lo gì!
- Phải ! Chị phụ hoạ. Lắm lễ hội, đình đám thế, chỉ chết gái già này thôi, "miệng ăn núi lở" báu gì? Lại còng lưng ra trả nợ miệng hết đời, cậu tưởng.
Nhìn cảnh dở mếu dở cười của chị tôi thấy thương. Dẫu chỉ là con bà hai, lại đón mẹ đẻ ra thành phố cả chục năm rồi nên tôi chỉ thỉnh thoảng nhào về thăm một lần. Nhưng cảnh nhà nông, lại ở với bố mẹ chồng, tôi còn lạ gì. Bòn từ cân cà, quả trứng, trái bí, nải chuối, con gà bòn đi, khó khăn lắm mới tích cóp được vài chục ngàn một ngày...Cả năm cộng đủ khoản nọ, khoản kia, nào thóc lúa, lứa lợn, ao cá, giỏi lắm được chục triệu. Bao nhiêu dự định, kế hoạch nhìn vào đấy hết. Nào tiền ăn học, may mặc cho lũ trẻ, sắm sanh đồ đạc tối thiểu trong nhà, lại củng cố 6, 7 cái dạ dày, chưa kể bố mẹ chồng chuẩn bị "nói tiếng đất, quên tiếng trời", nay ốm, mai đau...Thế mà chỉ non tháng chạp anh chị quẳng một lúc 4- 5 triệu bạc, trong khi tết nhất, của nả trong nhà, bao thứ phải lo, làm gì chả xót?
"Tháng chạp! ôi! Tháng Chạp"...Tôi ngửa mặt kêu trời, đã đành người sống phải tranh thủ cưới xin, sang sửa cửa nhà, nhưng còn người già, đau ốm sao không chờ ra giêng "tháng rộng, ngày dài" hẵng đi cho mát mẻ, đường hoàng ???
Chị cười ra nước mắt:
- Dễ cậu quên cái đận tiết đông thiên năm nào rồi nhảy ? Gớm rét đâu mà rét thế. Nhả khói ra tận đằng mồm, đằng mũi. Nằm ổ rơm, đắp chăn bông rồi vẫn rét, người cứ run cầm cập, rét quắt tai, tái mặt, đơ hàm...đến mức các cụ già lăn ra ốm ...Làng ta tiết ấy có dễ 100 cụ cao tuổi, thì 37 cụ rủ nhau đi mất...Năm ngoái, năm kia, cũng vậy, cứ dịp rét cuối năm là các cụ rủ nhau đi vãn...Thành thử đám giỗ này chồng lên đám giỗ khác. Luật đời, người đã chết rồi đâu phải là hết ...Đã giỗ đầu, giỗ cuối, còn chán vạn lần giỗ ấy chứ. Hết đời con giỗ bố lại đến đời cháu giỗ ông... Giá cứ làm gọn như ở Hà Nội - nhà nào biết nhà nấy lại hay, đằng này cứ "giọt máu đào hơn ao nước lã", cả làng, cả tổng, họ hàng dây mơ, rễ má 9 đời, 10 đời kia ...
Không đi thì cỗ không đông,
Đi thì lo cuống, lo cuồng khoản ...đầu tiên(!)

Trộm vặt cũng từ đấy mà ra.Thôi thì mất từ nải chuối, con chó, con mèo, vạt rau , con cá mất đi. Ngày xưa cửa ngõ toang hoang, vườn nọ thông thống sang vườn nhà kia, có sao ?...Bây giờ cửa đóng, then cài còn lo nơm nớp (!)
Chiều hôm ấy, bố mẹ chồng chị tôi kéo được cụ Thìn- Trưởng tộc họ Vũ sang ăn cơm tối, gọi là "mừng chú nó về quê". Có phúc để đức cho con, cụ Thìn gần 90, sinh cả thẩy 7 người con. Anh cả, anh hai đều muốn kéo lên huyện, thị trấn nhưng cụ nhất định không chịu rời mảnh đất hương hoả của cha ông, khư khư ở lại cùng cô con gái và lũ cháu ngoại đã dựng vợ gả chồng cả lượt... Sống ở làng từ những năm một ngàn chín trăm...đã lâu (!) chuyện gì trong làng, ngoài ngõ cụ cũng thông tỏ. Sẵn đề tài "tháng chạp" đang đà nóng hổi, cụ trầm ngâm góp lời:
- Cái tháng cận tết bao giờ cũng tiêu pha nhiều nhất chú ạ. Nội khoản tiền bỏ vào việc giỗ chạp trong nhà cũng ngốn bộn tiền rồi, chưa kể việc đối nội, đối ngoại trong họ, ngoài làng. Nào dạm ngõ, đính hôn, thôi nôi đầy tháng rồi tảo mộ, thay áo. Từ hội tổ, chi phái đến gia đình mình, thời gian bàn bạc cũng lắm, công sức bỏ ra cũng nhiều, tiền của không biết bao nhiêu mà kể. Trước kia mọi giỗ chạp đều có ruộng trí tự, hương hoả. Đến ngày lễ, con cháu chỉ việc tập trung ở nhà chủ biện - vốn là người thừa tự, được "Họ" cử canh tác số ruộng trên, cuối vụ thu hoa lợi để lo việc đại sự. Được mùa làm to, thất bát làm vừa...Con cháu đến dự cúng tế xong là nhập tiệc vui vẻ, tình nghĩa lắm ...Đâu có như bây giờ, mọi phí tổn đều phải đậu tay. Ở Hà Nội thế nào tôi không biết, chứ làng quê ta mọi hiếu hỉ đều ghi chép đầy đủ. Chẳng cần thiếp cưới, quà cáp, rườm rà, cứ thấy làng xóm có việc vui, buồn là giở sổ "Nam Tào" nhà mình ra, thấy có tên là lo đáp lễ. Nhận bao nhiêu thì lo đáp lại chừng ấy. Thời giá năm ngoái một lễ biện 20 - 30 ngàn đồng thì nay phải gấp rưỡi, gấp đôi. Cho nên nhà quê nhìn ngoài tưởng khấm khá song không ít gia đình quanh năm rau cháo vẫn phải giành tiền cho những việc "buộc phải chi" này. Giấy rách vì cố giữ lấy lề nên mép trong càng rách toang hoang. 29 -30 tết vẫn hì hụp ngoài đồng bãi kiếm mớ tôm, con cá đổi gạo nuôi con. Mồng hai, ba tết đã hì hục kéo cầy trả nợ, hoặc ra ga, bến xe làm cửu vạn, ra Hà nội làm thuê, đánh đĩ... Luẩn quẩn năm này, năm khác chả mấy khi dư dả mà mở mày mở mặt với thiên hạ.
Bữa cơm rượu đã tàn, lại muốn xua đi cái ám ảnh không mấy tốt đẹp, hay ho của cụ, anh tôi đưa đẩy:
- Tộc ta tiếng thế cũng là tộc to đấy cụ nhỉ, con cháu thoát ly tứ xứ, ai cũng làm nên...
- Dào! cụ Thìn vuốt mép, lặng lẽ cắt ngang - Có điều không mấy ai nghĩ đến người ở nhà, mất đất mất ruộng, con trai làm cu li, con gái nghĩ mãi không ra công việc thì phải làm đĩ. Bố mẹ già ồn ĩ kéo nhau ra trung ương kêu kiện đông như hội. Mọi chuyện rãy mộ , xây mả đợt cuối năm, chẳng ai nghĩ hộ cho tôi cả. Cứ để tình trạng tràn lan không nấm, không bia thế này thì khi lớp già chúng tôi rụi đi lại "mồ xiêu, mả lạc" hết cho mà xem.
Như muốn khoả lấp mọi chuyện, làm đẹp người ở xa về, bố chồng chị tôi hăm hở - Phải đổ đầu kêu gọi mọi nhà góp tiền góp sức quy tập lại thành nghiã trang chung của cả tộc chứ, sống không có "gốc" thế nào được, thưa cụ ?
- Ôi dào! Ông Thìn thở dài - bao năm nay tôi vẫn ao ước điều ấy ...mà cứ đâu động dao thớt là các anh chị kéo nhau đi, còn động đến rẫy mồ, gom mả có ai hưởng ứng đâu ? Bớt vài tạ thóc, một góc con lợn, mát mặt nơi đám cười đám khóc với người sống thì được, chứ bớt cho người chết ngoài nghĩa địa thì còn đắn đo chán...Hiện thời tôi lo kiếm được người rẫy mả cũng khó. Thanh niên trai tráng, đàn bà, con gái trong tộc, ngoài làng đi hết, ở nhà dặt bà già ,trẻ con, mà rẫy mả vùng mình đâu có dễ, đất đồi núi quánh, cỏ cây mọc dày, cứ tha hồ đốn, tha hồ giằng mới đứt rễ, rồi còn phải tiếp tục chăm nom, tu tảo ...Thử hỏi con cái đời này mấy ai am tường mồ mả? Tôi chết sợ khó nhắm mắt lắm đây !
Kết cục bố chồng chị tôi định đoạt:
- Đầu tuần sau sẽ tiến hành xây mộ cấp tập đến 29 tết. Số tiền tạm vay nóng từ các ông lãnh đạo xã. Ra giêng bổ đầu các nhà trong họ tộc...Còn ngày mai, cả tôi, anh chị, cùng bốn đứa cháu cụ Thìn, ngay sau đám giỗ phải lập tức ra nghĩa địa rẫy cỏ khắp lượt...

Đêm tháng chạp thật khó ngủ, ở nhà trên chăn, dưới nệm, còn ở đây mỏng manh chiếc chăn bông cũ ...Tôi miên man bao chuyện trong đầu... gần sáng mà nằm chưa ấm chỗ, cái ngủ cũng bơ vơ, lay lắt không chịu tìm về đậu trên mi mắt.
Từ nhà ngoài, chị hớt hơ hớt hải chạy vào:
- Cậu có điện khẩn của mợ này.
Tôi giằng vội bức điện trên tay chị, đọc ngấu nghiến :- Cậu Thịnh mất, về ngay! Chợt rụng rời chân tay: Thôi chết! Làm sao cơ sự ra nông nỗi này cơ chứ?
Cậu Thịnh là cậu ruột vợ tôi, người đã thay bố mẹ đẻ nuôi cháu gái khi vừa tròn 5 tuổi ...Suốt tháng trời vợ tôi đã vào bệnh viện thăm nom, cơm nước. Lúc mới vào phù nề, húp híp, suy tim độ ba, thận yếu, gan phù, phổi viêm, thường xuyên phải thở bằng máy móc, nên luôn có bốn, năm y tá, bác sĩ túc trực kề bên. Sau vài tuần bồi bổ thuốc thang đã đỡ, được chuyển từ phòng hồi sức cấp cứu về phòng điều trị, mấy hôm nay đã cất nhắc đi lại, trò chuyện được, còn động viên tôi về quê, vì tuy bà đã mất, mộ không chôn ở đó, nhưng còn tình làng nghĩa xóm, còn anh chị con bà cả ở đó, thế mà...
Bỏ lại cụ Thìn, bỏ lại kế hoạch tối qua, tôi sấp ngửa leo lên xe ôm ra bến ô tô về nhà.
Nhìn thấy tôi, vợ tôi than thở:
- Nghĩa tử là nghĩa tận mà nhà mình hết sạch tiền rồi anh ạ. Tháng trước cậu ốm, em đã lén rút 15 triệu tiền tiết kiệm để trả tiền viện phí, bồi dưỡng mua thuốc cho cậu, còn bao nhiêu sắm sửa cho cái tết...Ai ngờ vào thời điểm đồng tiền phá giá, vào bệnh viện lại bị vặt chí chết, buộc phải tiêu tiền như vỏ hến ...Hết sạch rồi anh ạ. Tại cả cái tháng chạp này nhà mình tiêu nhiều quá, riêng hai cơ quan đã 17 đám cưới, họ hàng nội ngoại 14 đám giỗ, lại "thay áo" cho bà, rồi tiệc ngọt, tiệc mặn sinh nhật, sinh nhẽo, về quê... vay tứ tung cả, giờ kiếm đâu ra mà lo tang lễ bây giờ? Còn cả cái tết nữa chứ, không lẽ lại ăn quẩn vào tiền phúng viếng từ đám tang của cậu?
- Thôi ! thôi ! vốn hiểu Tháng Chạp là tháng tiêu pha, tôi gạt đi: - Em tập trung chỉ đạo lo đám tang cho cậu, cần bao nhiêu anh sẽ vay. Cũng may cậu chỉ cần lên đài " Khỏa thân" Hoàn Vũ , đau cùng ngọn lửa thôi, chứ không đòi hỏi ma chay, phú quý, mua đất địa táng, thiên táng làm gì...vì thế, nhất định sẽ dôi ra một ít mà lo trả nợ, coi như "mỡ nó rán nó", lấy đám tang nuôi...đám tang, còn lại bao nhiêu để trả nợ số tiền đã trót nuôi nhân viên y tá, bác sĩ, hộ lý bệnh viện suốt mấy tuần qua mà ...chết vẫn hoàn chết(!) Bố khỉ.
- Thế còn cái Tết này thì sao? Vợ tôi nhăn nhó.
-Ô hay! Tôi dứt khoát: Coi như đại hạn, coi như mất tết chứ còn gì nữa? Còn ai đến mà lo, còn đi đâu mà phải nghĩ?
Đưa ông cậu lên đài "hóa thân Hoàn Vũ" xong, chưa kịp làm lễ 3 ngày lại đến lượt mợ tôi lăn ra ốm. Tuổi 60 lại bảy lần chửa, bốn lần sa, mợ tôi vốn ốm yếu hơn cậu, mấy bận đã tưởng...đi luôn. Giờ đã là cuối tháng rồi, liệu có kịp khỏi mà về nhà trước tết không? Hay lại tấp tểnh đòi lên Hoàn Vũ, "khoả thân" cùng cậu sớm ?
Quên cả đám giỗ ba ngày, vợ chồng tôi cùng ba thằng em đưa mợ vào nằm bệnh viện. Quang cảnh bệnh viện lúc này không khác gì một "Nhà dưỡng lão", một "trung tâm nuôi dưỡng người cao tuổi" người có công với Cách Mạng... Một dãy giường toàn ông già, bà cả ...
Hùng - bác sĩ, trưởng khoa "hồi sức cấp cứu", bạn thân từ hồi còn học phổ thông với tôi, bảo:
- Ờ ! cái Tháng Chạp này nó thế, không hẹn mà gặp, cứ chớm lạnh là các cụ rủ nhau vào đây hết. Không ho hen, cò cử, đờm đặc cuống họng, cũng co thắt, tai biến mạch máu não, đau tim, đau đầu...mệt lắm. Tỷ lệ "nghẻo" trong tháng này cũng sấp xỉ mười một tháng trong năm ...
Để vợ ở lại chăm sóc mợ, tôi bước chân ra khỏi cổng bệnh viện rồi mà bên tai văng vẳng giọng ngân nga:
Thoáng mái tóc xanh rờn đã trắng
Nếp nhăn thô, vầng trán héo khô
Xe đời ga cuối đã chờ...
Chuyến đi nhanh thế những ngờ chiêm bao?

... Phải, những "cỗ xe cuộc đời" từng lăn qua bao nỗi vui, buồn, sướng, khổ, của gần cả kiếp người, giờ đến ga cuối cùng lại vập phải hàng rào "Tháng Chạp" thì xộc xệch, già nua, rúm ró, đáng thương, nuối tiếc đến ngần nào? Liệu mấy người vựơt nổi đây ?

Hà Nội -Đợt rét cuối năm 2006 (âm lịch)

TKTT