Wednesday, January 2, 2008

Năm mới, hy vọng mới


Năm mới, hy vọng mới

Trần Khải

“… Họ là một phần của dân tộc. Họ là những viên gạch cần chung sức để dựng lên bức trường thành ngăn sức bành trướng từ phương Bắc …”

Hôm nay, Thứ Ba ngày 1-1-2008, ngày khởi đầu một năm mới. Những dòng chữ này được viết để thành tâm cầu nguyện cho quê nhà sớm tự do dân chủ, để có một cơ duyên đoàn kết mọi thành phần dân tộc, trong một ngày hội Diên Hồng của thế kỷ 21 nhằm gìn giữ cõi bờ. Và cũng để nhớ tớí, và mang ơn những người bất đồng chính kiến không có cơ hội đón xuân 2008, vì đang bị giam trong các nhà tù ở quê nhà.

Chúng ta tin rằng thiện rồi sẽ thắng ác, lành rồi sẽ thắng dữ, những sức mạnh độc tài rồi sẽ phải lui bước trước ước mơ dân chủ của toàn dân, và chế độ Cộng Sản ở quê nhà hiện nay rồi sẽ phải chấp nhận đối thoại với những thành phần bất đồng chính kiến để chung sức xây dựng đất nước nhằm đối phó với các hiểm họa mới ở Biển Đông.


Nhà văn TKTT

Chúng ta hy vọng rằng tất cả những người hoạt động dân chủ đều cần được trả tự do càng sớm càng tốt. Như nhà văn Trần Khải Thanh Thủy, linh mục Nguyễn Văn Lý, hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Nguyễn Thị Công Nhân. Và nhiều nhà hoạt động khác, như doanh nhân Nguyễn Bắc Truyễn, như công nhân Nguyễn Tấn Hoành, như nhà văn Huỳnh Nguyên Đạo, bác sĩ Lê Nguyên Sang, cựu mục sư Hồng Trung, luật sư Trần Quốc Hiền. Tất cả những người nêu trên, và thêm hàng trăm người khác đang bị giam vì các trường hợp tương tự thực sự đều là những người yêu nước.

Họ đã yêu nước theo một cách riêng của họ. Họ đã lên tiếng, đã viết văn, và đã hoạt động theo cách mà họ tin là đóng góp tốt nhất cho dân tộc. Họ không phải những người bạo động, và cũng không hề kêu gọi bạo động. Ngay cả khi một số người trong nhóm các tù nhân bất đồng chính kiến này tổ chức lập đảng đối lập, như Đảng Thăng Tiến hay Đảng Vì Dân, hay khi lập ra các tổ chức ngoài chính phủ như Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông Việt Nam, vân vân, lòng họ cũng không hề mang tâm thức bạo động. Không ai thấy dòng chữ xách động bạo lực nào trong những điều họ viết.


Ls Lê Thị Công Nhân

Ngay cả khi họ nói lên điều cấm kỵ trong chế độ, rằng hãy bỏ điều 4 Hiến Pháp, họ cũng chỉ rất ôn hòa nêu lên và đề nghị chính phủ tham gia một cuộc đối thoại mới với nhiều thành phần khác trong dân chúng, rằng có một số điều đã lỗi thời và cần xóa đi, rằng có những hướng đi khác có lợi cho dân tộc trong giai đoạn mới mà chính phủ cần đổi hướng. Lời mời gọi đối thoại ôn hòa đó đã không được chính phủ lắng nghe, và đã bị dập tắt bằng các bản án.

Tại sao lại vùi dập tiếng nói những người yêu nước như họ? Tại sao không ân cần đưa họ ra tù, mở bữa tiệc mừng xuân, và nói rằng bây giờ là lúc toàn dân trên dưới hãy một lòng để giữ đất, giữ biển? Tại sao không thấy rằng những người đang ở tù vì bất đồng chính kiến đó thực ra là những tinh hoa của dân tộc, và đang đại diện cho nhiều thành phần khác, cũng bất đồng chính kiến nhưng đang giữ im lặng?

Tiến gần tới năm mới, chúng ta cũng đã thấy có những chuyển biến mới. Một số hình ảnh chưa từng thấy. Như tình hình Trường Sa và Hoàng Sa đã dẫn tới những cuộc biểu tình của nhiều trí thức và tuổi trẻ, ở cả Hà Nội, Sài Gòn. Không kể hải ngoại, chuyện biểu tình trong nước là một hiện tượng gần như là bất khả. Nhưng lòng dân là như thế. Không ai muốn mất đi một tấc đất nào, một tấc biển nào. Bởi vì, thế hệ chúng ta sẽ nói gì với đời sau, nếu để cho Việt Nam trở thành một Tây Tạng thứ hai?

Cũng trong chuyển biến đó, một hiện tượng mới cho thấy xã hội Việt Nam đang có những bước hội nhập toàn cầu: các cuộc biểu tình trên cho thấy sức mạnh của blog, một loại nhật ký mạng. Nếu trong có những người viết blog chuyển tin, các cuộc biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn có thể không thực hiện nổi. Đơn giản vì 600 tờ báo quốc nội đều không có quyền kêu gọi biểu tình, và phương tiện dùng điện thoại không đủ sức mạnh kêu gọi như các trang blog, nơi đó bài vở và hình ảnh được chuyên chở tự do gần như ngoài vòng kiềm tỏa của công an.


Ngục hoa

Một lằn ranh mới cũng đã bước qua từ sau các cuộc biểu tình này: Sau 32 năm vắng bóng, "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" lại bất ngờ được hát vang lên trong các cuộc biểu tình của sinh viên Việt Nam tại Sài Gòn. Đài RFA ghi nhận rằng:
"Ca khúc do nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang sáng tác năm 1966, được giới thiệu lần đầu năm 1967, và trở thành nổi tiếng trong giới sinh viên thanh niên Sài Gòn một thời. Đến ngày 30 tháng Tư, 1975, bản nhạc hoàn toàn vắng bóng trong sinh hoạt âm nhạc Việt Nam.

Rồi bỗng nhiên, vào trung tuần tháng 12 vừa qua, người ta lại được nghe lại "Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ" công khai trên đường phố Sài Gòn trong các buổi biểu tình chống Trung Quốc.

Tập thể người trẻ Việt Nam, đa số sinh trưởng sau ngày cuộc chiến kết thúc đã cùng nhau cất tiếng hát, hát chung bản nhạc từng có thời quen thuộc, và được xem là có ảnh hưởng lớn với thế hệ thanh niên miền Nam Việt Nam trước 1975.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi bài hát này được cất lên tại Sài Gòn - bây giờ mang tên thành phố Hồ Chí Minh - cả phần nhạc và lời đã xuất hiện trên nhiều blog, một loại nhật ký cá nhân, trên Internet…"
Chính lòng yêu nước đã xóa lằn ranh cấm kỵ đối với ca khúc này, trước nhất là trong giới thanh niên.

Không ai có quyền quy chụp lòng yêu nước của thanh niên. Họ không hề bị xúi giục bởi bất kỳ ai từ hải ngoại. Họ đã bất mãn vì nhà nước CSVN liên tục nhường nhịn cường quốc Phương Bắc, họ nổi giận vì ngư dân Việt bị tàu hải quân Trung Quốc bắn giết ngang nhiên, và họ đã bày tỏ quyết tâm gìn giữ cõi bờ bằng cách riêng của họ.

Hãy trân trọng họ, hãy lắng nghe họ. Và tương tự, hãy trân trọng những nhà bất đồng chính kiến, và hãy lắng nghe họ. Hãy thấy rằng họ - những người đã xuống đường biểu tình đó, và cả những người bất đồng chính kiến đang bị chính phủ giam cầm- là những người yêu nước nồng nhiệt. Họ là một phần của dân tộc. Họ là những viên gạch cần chung sức để dựng lên bức trường thành ngăn sức bành trướng từ phương Bắc. Họ chính là mùa xuân mới, là hy vọng mới của dân tộc.

Trần Khải

(Theo Web Thông Luận)