Friday, September 21, 2007

Tôi đọc Trần Khải Thanh Thủy



Công an còng tay nhà văn TKTT tại Hang Đá

Tôi đọc Trần Khải Thanh Thủy

Đoàn Thanh Liêm

Vào giữa Tháng Tám vừa rồi nhà văn Bích Huyền có trao cho tôi cuốn sách với nhan đề ngồ ngộ " Viết Từ Hang Đá, nhỏ lệ cùng dân " của Trần Khải Thanh Thủy. Với lời mời Tham dự Buổi Giới Thiệu Sách vào ngày Thứ Bảy 15 Tháng Chín 2007 tại Phòng Sinh Hoạt của Nhật báo Người Việt tại Nam Cali. Tôi phải kiếu lỗi với Bích Huyền là vào ngày giờ đó thì tôi đang ở bên Texas, nên không thể tham dự được. Bích Huyền nói " Thì ông anh cứ viết cho một bài giới thiệu cuốn sách của một nhà văn hiện đang phải nằm trong nhà tù ở Việt nam vì dám có can đảm viết trung thực những suy nghĩ của mình ". Lúc đó thì tôi đang bận rộn với việc tổ chức Hội nghị chống Tệ nạn Buôn Người tại Đại học Chapman University ở Little Saigon, nên phải nói với Bích Huyền là " Cô phải cho tôi làm xong cái chuyện Hội nghị này, thì mới có thể bắt đầu đọc cuốn sách rồi mới viết bài theo yêu cầu đặt hàng của cô được ". Đó là lý do bài này được chuẩn bị và viết ngay trong thời gian tôi đi công tác tại Texas.

Từ hai tuần lễ nay, tôi đã luôn mang theo mình cuốn sách để đọc trên đường di chuyển trên máy bay, trên xe hay bất cứ lúc nào rảnh rỗi lúc ở nhà bà con bạn bè tại mấy thành phố quen thuộc trong tiểu bang Texas này. Cuốn "Viết Từ Hang Đá" (VTHĐ) do nhà xuất bản Cội Nguồn ở San Jose thực hiện, được trình bày thật trang nhã, sáng sủa, gọn gàng. Cần phải ghi nhận cái công lao khó nhọc của nhà văn Song Nhị đã liên tục trong nhiều năm tháng liên lạc, tiếp xúc với tác giả Trần Khải Thanh Thủy là người thường xuyên bị công an theo dõi kèm sát ở trong nước ; nhờ vậy mà Song Nhị mới có được sự tín nhiệm của tác giả và được trao phó cho nhiệm vụ thực hiện cuôn sách này.

Đây là một tuyển tập gồm 50 bài viết thuộc nhiều thể loại : tiểu luận, phê bình, phóng sự, sáng tác, truyện ngắn, thơ. Một số bài đã từng được đăng trên các báo điện tử như Đàn Chim Việt vơí nhiều bút danh khác nhau, nhằm đánh lạc hướng sự theo dõi của công an văn hoá trong nước và nay lại được tập hợp trong Tuyển Tập này. Còn phần nhiều là các bài mới viết mà chưa hề được đăng tải trên lưới điện tử hay trên tờ báo nào.Tác giả muốn có một "tác phẩm để đời" xuyên qua cuốn sách này.

Phải nói ngay rằng tác giả là người thật là can đảm, đã bất chấp mọi đe doạ trấn áp của guồng máy công an dầy đặc của cộng sản để tìm mọi cách viết ra những suy nghĩ, tìm kiếm của mình và cống hiến cho người đọc ở trong cũng như ngoài nước những thông tin chính xác, trung thực mà chính bản thân mình đã thâu thập, điều tra và kiểm chứng được trong suốt một quá trình làm việc miệt mài, gian khổ mấy chục năm trong vòng kềm kẹp của chế độ độc tài chuyên chính. Cuốn sách tuy dầy gần 400 trang, nhưng lại gồm đến 50 bài tương đối ngắn gọn, dễ đọc nên rất thuận tiện cho độc giả vốn không có nhiều thơì giờ hoặc vì đau bệnh mà không thể đọc liền nhiều giờ trong một ngày được.

Đáng chú ý nhất là Chương 4 viết về "Thơ Bút Tre/Ca Dao Dân Gian" và Chương 5 viết về " Cuộc Đời và Sự Nghiệp Hồ chí Minh ". TKTT đã viết thật dí dỏm, độc đáo mà cũng thật kiến hiệu trong việc lột trần cái huyền thoại Hồ chí Minh vốn được tô vẽ, nhồi sọ cho cả mấy thế hệ người dân VN trên 60 năm qua từ ngày đảng cộng sản nắm được chính quyền trong tay của mình. Thiết tưởng Phong Trào Đòi Lại Tên Saigon do Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ và Ông Trần Quốc Bảo đang phát động với khẩu hiệu " Giải trừ Huyền Thoại Hồ chí Minh ", thì nên khai thác rộng rãi các bài của TKTT trong chương 5 này, để công chúng trong và ngoài nước được biết tường tận, thấu đáo sự thật về Hồ chí Minh mà guồng máy tuyên truyền đồ sộ của đảng cộng sản đã dối trá thêu dệt, thần thánh hoá lãnh tụ của họ từ trên nửa thế kỷ nay. Mời bạn đọc xem bài viết về "Nguyễn Tất Trung, con của Hồ chí Minh với cô Nông thị Xuân ", TKTT phải ký bút hiệu " Nguyễn Thái Hoàng " để phổ biến bài này trên báo điện tử mà tôi đã được đọc hai năm trước đây. Tác giả cũng nói đến đương kim Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh là con rơi của Hồ chí Minh cũng như nhiều người khác nữa.

Ngộ nghĩnh nhất là các bài ca dao. Tiêu biểu có thể ghi ra một bài ngắn sau đây :

Ai sinh thằng Cáo thằng Hồ
Để em đói rách tô hô, không nhà
Ai sinh thằng Duẫn thằng Ba
Bao nhiêu trai tráng hoá ma không đầu
Ai sinh ra thứ Đồng thau
Dâng đất tổ quốc mối sầu thiên thu
Ai sinh ra cái thằng Khu
Đấu tố cải cách bỏ tù thẳng tay.
Ai sinh ra lũ cộng bay
Giang sơn gấm vóc hao gầy xác xơ ?


Và những câu vè rất thông dụng trong dân gian như :

Từ khi có đất có trời,
Không gì độc ác bằng nòi Việt Minh.
Từ ngày "cách mạng mùa thu"
Thằng khôn đi học, thằng ngu làm thầy !
Gian manh từ bấy đến nay,
Lừa dân bán nước, cốt đầy túi tham.


Có thể nói Trần Khải Thanh Thủy và Dương Thu Hương là hai nhà văn nữ rất dũng cảm, đã dám công khai trực diện tố cáo chế độ bịp bợm, gian ác, bất nhân và vô luân của bè lũ tham tàn bán nước, hại dân hiện nay tại VN. Cả hai đã phải trả một cái giá đắt cho lòng ngay thẳng, lương thiện chính trực của mình. Đó là một tấm gương sáng cho giới phụ nữ VN chúng ta ngày nay. Và các bậc nữ lưu này đang góp phần rất đáng kể vào cao trào tranh đấu sôi nổi khắp nơi trong nước ta, để đòi lại quyền làm người cho nhân dân VN mà từ hơn 60 năm qua đảng cộng sản đã cướp đoạt khỏi tay của đại khối dân tộc chúng ta.

Trần Khải Thanh Thuỷ hiện đang phải ngồi trong tù kể từ ngày 21 Tháng Tư 2007 khi bị công an bắt giam đến nay, nhưng cũng như Lê Thị Công Nhân, Nguyễn văn Đài, Nguyễn văn Lý v. v..., Chị sẽ vẫn rất kiên cường, bất khuất và giữ mãi được cái tinh thần dũng cảm hiên ngang của giới sĩ phu trí thức theo đúng truyền thống đạo hạnh đã bao nhiêu đời của dân tộc VN chúng ta. Chúng ta cám ơn TKTT vì tấm gương hy sinh dũng cảm của Chị. Quả thật Chị đã truyền lại cho chúng ta cái ngọn lửa yêu thương thật nồng nàn đối với dân tộc, mà Chị đã thốt ra trong câu thơ bất hủ :

" Nếu tôi chết xin ghi lên huyệt mộ
Rằng "Đây là người yêu nước thương dân".


Đúng là khẩu khí của một bậc nữ lưu anh hùng của thời đại chúng ta ngày nay vậy.

Viết tại Houston Texas 10 Tháng Chín 2007
Đoàn Thanh Liêm

(Theo Web Việt Vùng Vịnh
ngày 12 tháng 9 năm 2007)