Hồi ức buồn
Trần Khải Thanh Thuỷ - Truyện ngắn
Nó đã từng biết nhiều đám tang nhưng chưa thấy đám tang nào đông như của bố nó. Cả khu tập thể và các cơ quan lân cận – nơi gia đình nó sinh sống đều đổ ra đường. Người nào cũng cố đi theo xe tang lấy một quãng. Nhiều người đang dở việc nghe tin đưa tang ông cũng từ trong nhà chạy ra, từ trên gác chạy xuống, không còn chỗ để chen chân trong đoàn người nối đuôi nhau đông như kiến trong một ngày bão rớt. Những người không đi đưa được đành dừng lại bên đường, dõi đôi mắt buồn bã trông theo.
Về địa vị, chức tước bố nó không phải là tướng tá, cũng chẳng phải nhà văn hoá lớn hay nhà bác học. Có lẽ gọi ông là nhà gàn dở, nhà lập dị là chính xác hơn cả. Cái gàn dở của con người sống thoát ly hiện thực, suốt ngày thả đầu óc phiêu diêu trong cõi cao siêu mịt mùng của sách vở. Cuộc đời ông là một chuỗi dài thất bại. Ông chỉ có một điểm tốt làm cho người đòi nhớ ông: ấy là ông luôn luôn chia sẻ với họ những điều hiểu biết của mình một cách vô tư – từ việc viết giúp họ một lá đơn, điền hộ họ một tờ khai lý lịch, là công việc khổ sai đối với nhiều người. Họ đưa chân ông vì thế. Và phần khác là biểu thị mối đồng cảm sâu sắc với người vợ bất hạnh - người đã gánh chịu gần cả cuộc đời nỗi vất vả của gia đình do cách sống gàn dở lập dị của ông đem lại. Cũng có người đưa ông vì thương xót cho số số phận lỡ dở của ông, cũng như của chính họ.
Một đám tang đông đúc mà không ồn ào. Hầu như không có tiếng khóc. Người vợ sụt sùi lấy lệ, hai đứa con chít khăn tang, mắt ráo hoảnh, chỉ có dáng đi hơi cúi và ánh mắt buồn thương. Đám đông còn lại lặng lẽ âm thầm. Người quá cố tuổi đã ngoài 60 lại mắc bệnh cao huyết áp, bị tai biến mạch máu não gây liệt nửa người từ nhiều tháng qua, không ai nói ra nhưng mọi người đều coi việc ông “tắt” đi như thế là tất yếu. Bốn cô em gái của người chết theo sát xe tang than nhiều hơn khóc.
Qua cổng khu tập thể, đám tang lặng lẽ giải tán. Những người đưa tiễn trở về, số còn lại chia làm hai xe, gia đình họ hàng lên xe tang. Bạn bè, chính quyền, công đoàn ngồi xe khách.
Đến nghĩa trang Văn Điển, địa điểm cuối cùng của người Hà Nội, tang chủ nhận đất, quan tài được mấy người phu đòn đỡ từ xe xuống rồi lấy dây thừng ròng xuống huyệt. Đám đàn bà con gái cùng một lúc khóc ré lên như muốn cố gửi gắm cho kịp những lời ân nghĩa sau cùng với người thân nay vĩnh viễn xa lìa. Đám đông vây quanh sụt sùi nhỏ lệ...
Ai đó giúi vào tay con bé một hòn đất: “Khóc đi, khóc to lên, cháu! Bố ơi sao bỏ con mà đi?... Ừ, cứ thế mà khóc…kìa,khóc đi chứ, rồi ném đất xuống mộ. Đấy, ném xuống chỗ đầu quan tài ấy”...
Con bé nắm chặt hòn đất trong tay, nhìn người khuyên mình bằng cặp mắt biết ơn, nhưng không khóc. Nó biết từ nay nó sẽ không bao giờ còn thấy bố nó nữa, nó cảm nhận được sự mất mát, song nó không thể nào khóc được, không biết làm thế nào để có thể khóc.
Cuối cùng rồi nó cũng lặng lẽ ném hòn đất xuống, đúng vào chỗ người ta chỉ cho nó, nơi đầu người chết trong quan tài. Mọi người làm theo nó, đất rơi xuống rào rào. Những tiếng khóc vừa trầm xuống lại một lần nữa ré lên, ảo não.
Mọi người tản dần ra cho gia quyến và những người phu mộ sửa sang lại phần mộ. Vọng đến tai con bé tiếng xì xào của vài người lạ từ những đám tang ở bên cạnh:
- Mới chết à, sao thế?
- Bệnh!
- Thế à? Gia đình đâu?
- Đấy, chỉ có vợ và hai đứa con. Một trai, một gái.
- Cái đứa con gái mặc áo trắng đứng phía đầu phần mộ ấy à?
- Nó đấy!
- Trời, sao nó không khóc gì kìa? Người ta bảo khóc như cha chết, mà mắt nó ráo hoảnh, sao lại có con bé lì lợm đến thế?
Nhiều năm sau, khi đã trở thành thiếu nữ, mỗi khi nhớ lại đám tang bố, con bé lại ân hận vì sự trơ lạnh của mình. Quả thật lúc ấy nó rất muốn khóc, nhưng không hiểu sao nó lại không khóc được. Giữa cảnh đau thương, tang tóc của họ hàng thân tộc của nhiều đám ma trong nghiã trang chiều hôm đó, con bé là nó đứng đó, đôi mắt trống rỗng, vành khăn tang bám hờ trên làn tóc rối.
Người cha ra đi, cuộc sống lại tiếp diễn bình thường. Mẹ nó ngày ngày làm việc nơi cơ quan nhà nước, tối về lo bồi bìa, xén giấy để kiếm thêm tiền nuôi các con.. Mọi người dường như quen với cách suy nghĩ đơn giản của bà mẹ: “Ôi dào, con người ta ai cưỡng được số mệnh... lẽ ra ông ấy còn phải đi sớm hơn nữa cơ”.
Qua những câu chuyện trong nhà con bé biết cả họ nội nhà nó hiếm hoi, đời này sang đời khác đều độc đinh. Kỵ nội lấy hai vợ, đẻ dăm, bảy bận cũng chỉ có duy nhất một con trai. Cụ nội đẻ suýt soát chục đứa, sống được ba mống. Một ông chết từ bé vì sởi, ông thứ hai chết tai nạn ô tô, mới 19 tuổi. Ông cả thọ nhất sống tới năm 39 tuổi. Người cao tuổi nhất còn lại trong dòng họ là 49. Khi sắp 49, ông này cũng lo lắng cho số phận mình lắm. May mà ông có ông anh sang Pháp nên mới cải được số, năm nay đã 55, sống thọ nhất họ còn gì!
Con bé sống trong thời đại mới, duy vật một cách tự nhiên, như thế tất phải thế, không thể không thế, cho nên lớn lên nó nghĩ về cái chết đơn giản như dòng chữ nó tình cờ bắt gặp trong một cuốn sách: “Rồi cát bụi lại trở về với cát bụi”. Có ai sống đời đâu?
Cái chết của bố nó là sự giải thoát hai lần. Vừa tránh khỏi nỗi đau đớn khổ sở vì bệnh tật, vừa giảm nhẹ gánh nặng của cả nhà. Nhà có người ốm như nhà vừa mất trộm vừa mất cướp. Mà đằng nào chả thế. Từ lâu rồi bố nó đã như ngọn đèn leo lét vì ruỗng bấc, hết dầu, chỉ còn le lói chút ánh sáng cuối cùng không đủ tỏa sáng cho chính mình. Đến một lúc nào đấy ngọn đèn sẽ tự tắt lịm.
Chỗ bố nằm được cất dọn sạch sẽ. Chiếc phản mục chẻ thành củi đun. Gối và chiếu thả trôi sông cái. Quần áo, chăn màn cho những người ăn xin tội nghiệp. Chiếc ba toong để ông lần giường tập đi sau những ngày co thắt mạch máu - gác trên gác bếp. Riêng sách vở được gom lại thành đống và phát chẩn vô tội vạ.
*
* *
Thấm thoắt đã đến ngày giỗ lần thứ năm. Theo phong tục, mẹ con bé, nay đã là một cô gái, làm cơm mời bạn bè họ hàng xa gần cùng thắp nén nhang tưởng nhớ người đã khuất. Theo thời gian, hình ảnh ông trong ký ức họ càng mờ nhạt nhỏ nhoi. Ông sống mà không hề hắt bóng... Riêng với cô con gái - lúc này đã tốt nghiệp đại học sư phạm – hình ảnh người cha lại càng ngày càng đậm nét, không biết vì lẽ gì. Mọi dấu vết của ông để lại trong căn nhà này đã bị thời gian tàn phá, xóa nhòa đi rất nhiều, nhưng vẫn gợi nhớ tới sự có mặt của ông trước đó. Ông sống chưa kịp tỏa sáng, nhưng với nó hình ảnh người cha vẫn hắt bóng trong tâm thức đứa con. Đêm đêm ông hiện về trong giấc mơ và ban ngày sống động trong trí óc - hình ảnh một con người đam mê tội nghiệp, suốt đời đeo đuổi sự nghiệp khoa học, luôn thất bại mà không hề nản chí. Như cây khô mọc trên mảnh đất hoang tàn, dẫu bị đốn chết lần này lần khác nhưng từ gốc vẫn bật lên những chồi non.
- Thôi thôi, cô ạ, tôi xin. Cô nói tôi làm quái gì cho mất công?... Phải, trong nhà này tôi là cái thằng vô tích sự.
Vừa lật giở từng trang sách, bố nó vừa hướng cái nhìn buồn bã, xoa dịu về phía mẹ nó qua đôi mắt kính.
Bỗng nhiên con bé thấy vừa thương, lại vừa giận con người này. Ở ông có một cái gì đến lạ. Vừa quát tháo ầm ĩ, náo động khu tập thể lên, lại có thể dàn hòa ngay được. Suốt cả ngày chỉ biết chúi mũi vào sách. Sách ngổn ngang đầu giường, cuối giường. Chồng lớn, chồng nhỏ trên mặt bàn, mặt ghế, kín bốn xung quanh tường chỗ ông nằm. Ngoài hai bữa ăn ra, dường như niềm vui trong cuộc đời ông chỉ có một thứ là sách.
- Thà là thằng kéo xe, xúc than lại nuôi nổi vợ con, đằng này cứ nửa thằng nửa ông... Suốt đời sống báo cô... hệt như miếng giẻ rách, làm khổ cả nhà. Xem cán bộ người ta kia kìa…
Trong lúc cãi nhau mẹ nó thường nói những câu ấy, và những đứa trẻ đứng về phía mẹ, cũng nhập tâm khẩu ngữ của người mẹ tội nghiệp
Đứa con gái cằn nhằn:
- Sao bố cứ chúi mũi vào sách suốt ngày thế? Để làm gì? Cứ tích lũy, tích luỹ mãi, mà nào có sử dụng được gì đâu... Bố hệt con lừa chở đầy sách trên lưng, nhưng có ai gọi con lừa chở sách là nhà bác học, hay nhà hiền triết?
Những lúc ấy ông ngước đôi mắt buồn bã lên nhìn con:
- Thây kệ bố, con ạ. Mày mà cũng không hiểu bố thì ở nhà còn ai hiểu bố nữa, hả con?
Câu trách của ông giống như một lời than.
Biết bốn ngoại ngữ và thông hiểu nhiều lĩnh vực khoa học, kinh tế, xã hội, song kiến thức của ông là một mớ hỗn độn hổ lốn. Vào ồ ạt và ra cũng ồ ạt. Như một căn phòng chật hẹp để bừa bãi ngổn ngang các thứ tùm lum không hề được sắp xếp, phân riêng từng loại đúng vị trí, thứ tự. Động chạm đến bất kỳ vấn đề nào ông cũng lôi ra tràng giang, đại hải khoa học, văn học, y học... Dường như cả một suối nguồn tri thức ào ra theo ông.
Nhiều tham vọng, nhiều mơ ước, hoài bão lớn lao, nhưng tất cả đều đã bỏ ông mà đi. Ông cũng từng làm cán bộ nghiên cứu đấy chứ. Nhưng những gì ông nói ra, viết ra đều bị bác. Nếu không chướng tai gai mắt thì cũng vô tích sự. Người như thế trước sau gì cũng bị gạt ra lề xã hội. Một phần do ông ngoại giao kém, không biết ăn biết ở. Nhưng cái chính là do ông nóng nảy, cương trực và bướng bỉnh.
Hai cụ thân sinh ông đều là những ông thông, bà phán. Cụ ông làm thông ngôn cho Pháp, cụ bà buôn bán vải, gạo tấm, mỗi lần buôn từ vài ba chuyến xe hàng lấy từ các tỉnh về. Mười bốn lần sinh nở, chỉ đậu có sáu con, hai trai và bốn gái, bởi sinh xong, cụ quẳng con cho vú em và người ở nuôi... Quan điểm của hai cụ vẫn là trọng nam, khinh nữ. Vì vậy hai cậu ấm được chiều chuộng đặc biệt, có con sen, thằng ở hầu hạ riêng. Hai anh em giống hệt nhau về khuôn mặt, vóc dáng nhưng tính nết hoàn toàn trái ngược. Suốt ngày kèn cựa, đấm đá nhau như hai con gà trọi, vì thế cứ dắt xe ra khỏi cổng là hai cụ phải sai thằng ở đi theo để xem hễ hai cậu có đánh nhau phải can ngay, có vứt xe, vứt cặp ở đâu thì nhặt về. Đất nước đang loạn lạc, để bảo đảm an toàn tính mệnh con, hai cụ còn thuê riêng một thầy dạy võ cho hai đứa. Con sen, thằng hầu rồi cả bốn cô em gái đều là những thí vật đầu tiên cho cú luyện tập võ nghệ của hai cậu. Hễ đù đờ, chậm chạp, hoặc làm việc gì không vừa ý cậu chủ là lập tức ăn bạt tai, quả đấm hoặc một cú đá móc lộn nhào từ trên cầu thang xuống...
Trong điều kiện sống dưới chế độ xã hội mới, khắc nghiệt hơn, ông đã cố gắng kiềm chế và ít nhiều thay đổi nhưng nét hung hãn hay khùng, dễ nổi loạn vẫn rơi rớt và bám chặt lấy ông như lớp rêu xanh bám chặt vào tảng đá... Suốt những ngày tham gia kháng chiến, từ tấm bằng Thành chung ở trường Bưởi ông tiếp tục hoàn thiện thêm vốn hiểu biết của mình bằng con đường tự học. Cả khi nghỉ “hưu non” cũng vậy. Ông luôn coi trọng trí thức và sự hiểu biết. Suốt ngày ông vùi cái đầu đam mê của mình vào cõi mênh mông của khoa học. Kiến thức đối với ông là cái thang không có nấc tận cùng. Càng leo cao càng thấy mình phải vượt lên nấc cao hơn, càng không thỏa mãn với những thứ mình vừa gặt hái được... Có lẽ vì thế mà ông ít chịu phục thiện, luôn tự hào thái quá về bản thân: “Thằng ấy mang tiếng là kỹ sư nhưng không dáng xách dép cho tao!... Học hành ba chữ lem nhem, thấy gái thì thèm như chửa thèm chua”... Kỹ sư gì nó, có ai hỏi đến kiến thức chuyên sâu cũng đành lắc: “Em chịu”. Một chữ ngoại ngữ bẻ làm đôi không biết...”
Bình thường ông rất ôn tồn, nói chuyện xởi lởi, vui vẻ, cởi bỏ gan ruột mình, trích dẫn tiếng tàu tiếng tây. Với người hiểu ông, phục tài ông, ông sẵn sàng đặt lên bậc cao của tượng đài,nhường cơm sẻ áo... Nhưng lúc nóng ông trở thành phi lý, chửi tuốt luốt không trừ một ai. Bạn bè sợ xanh mắt bảo nhau: “Thằng ấy nhờ trời được cái trí tuệ hơn người, nhưng tính cách quá cao ngạo, làm sao thích hợp với cõi trần tục được. Nhất là vào thời buổi này, trí thức chẳng là cái đinh gì”.
Suốt ngày chúi mũi vào sách vở, ông hoàn toàn thoát ly hiện thực. Bộ bàn ghế tiền nghìn, ông đoán chỉ vài trăm chi đó. Cầm mấy trăm đồng lương hưu về, ông đưa vợ một phần, còn giữ lại tiêu riêng, coi như ông đã đóng góp đầy đủ cả phần mình phần con. Nhu cầu của ông đơn giản, với nhu cầu ấy thì đồng tiền dẫu có mất giá hàng chục lần chăng nữa, ông vẫn sống khỏe. Với suy nghĩ ấy, hết năm này sang năm khác, mặc vợ con vật lộn mưu sinh, ông bảo thủ ý kiến của mình và trốn sâu vào sách vở, với mơ tưởng cao xa, bay bổng tận đâu đâu.
Ông có ba đứa con thì đứa đầu chết đuối trong đợt theo ông đi sơ tán. Đi công tác về, ông vùi đầu ngủ mê mệt. Tỉnh dạy tìm con thì xác đã được dân làng vớt lên bờ rồi... Hai đứa còn lại,ông chỉ thỉnh thoảng mới ngó đến chúng mỗi khi chúng giật áo ông để hỏi điều gì đó trong bài tập, còn thì ông phó mặc vợ.
Những đứa trẻ lớn lên đơn giản như cây khoai,cây chuối, như con lợn, con gà, như những cây mọc hoang trên mảnh đất khô cằn. Bà vợ đi làm nhà nước, ngoài tám giờ vàng ngọc ra còn phải xoay xỏa đủ đường để nuôi chồng khoẻ, dạy con ngoan. Vì chồng, vì con, bà không ngại một việc gì: may vá, cấp dưỡng quét dọn vệ sinh trong khu tập thể, miễn có thêm ít tiền bù vào khoản thu nhập ít ỏi hàng ngày. Phần ông, ông vùi đầu vào sách. Trong hai đứa con còn lại chỉ có con chị là còn thừa hưởng chút ít trí thông minh và sự cần cù sáng tạo của ông, còn tỏ ra ham học, yêu thích sách vở, chứ thằng con trai thì chỉ ham chơi.
Ông cũng thừa nhận là con ông từ những năm thơ ấu đến khi trưởng thành, hoàn toàn được nhờ vào đôi bàn tay tần tảo, tháo vát của vợ... Với ông bố, ký ức tuổi thơ của chúng chỉ ghi nhận vài kỷ niệm loáng thoáng. Chúng nhớ nhất những ngày đầu kỳ lương ông dẫn chúng đi ăn hiệu, mua sách vở, đồ chơi, thật là thoải mái. Sau chúng lớn lên, chi phí cho việc học tăng theo lại mâu thuẫn với đồng lương eo hẹp, đồng tiền mỗi ngày một mất giá, ông không cho chúng đi ăn hiệu nữa mà dành số tiền ấy cho việc mua sách.
Ngày ông mất, khi nhập quan, một người bạn thân của ông từ hồi cả hai còn học trường lục quân Trần Quốc Tuấn, đã trân trọng và thành kính đặt vào tay ông một cuốn từ điển dày cộp và vài ba cuốn khác kê cho ông gối đầu... Ông bạn già lập tức bị cả một đám đông nhao nhao phản đối:
- Ấy chết, sao bác lại làm thế? Người ta kiêng đấy.
- Bác cháu lúc sống suốt đời khổ vì đam mê sách vở rồi, giờ xuống dưới suối vàng, hãy để cho đầu óc bác cháu được thảnh thơi...
Thay vào cuốn từ điển, cô em gái đặt vào tay ông một cỗ tổ tôm và hàng xấp tiền âm phủ.
*
* *
Bạn bè, họ hàng, khách khứa đã đến đông đủ. Cỗ bày chật trên bàn, bàn thờ khói nhang nghi ngút. Mọi người kính cẩn quây tròn lại thắp nén hương để cùng tưởng nhớ ông.
Trong bữa ăn người ta nói chuyện với nhau về người đã khuất. Đó là phép lịch sự. Nhưng cho đến tận lúc này, nói cho đúng, người ta vẫn không hiểu ông. Ông như lạc giữa muôn người. Vợ ông không hiểu ông. Hai đứa trẻ cũng không hiểu ông. Khi chúng không hiểu thì chúng không thể tôn trọng.
Ông và vợ là cả một sự trái ngược. Giống như hai đầu của sự vơi, đầy, nóng, lạnh. Ông trọng tri thức và lối sống văn hoá. Còn bà, tuy cũng thuộc gốc thành thị, nhưng chỉ được học đến lớp ba, hậu quả của nếp sống trọng nam khinh nữ. Hai con người phải chung sống với nhau dưới một mái nhà, như trong một cái lồng chật hẹp. Sống với nhau gần ba chục năm trời mà chỉ hiểu về nhau một cách lờ mờ. Luôn luôn gằn hắt, xúc phạm và làm tổn thương tới danh dự của nhau. Đã nhiều lần, ông với tư cách người bạn đời, suy ngẫm, nghĩ ngợi để tìm ra cách cảm hóa, tác động bà, truyền cho bà cả kho báu của lòng mình. Nhưng bà không đủ khả năng thu nhận. Đồng thời, vốn đầu óc chật hẹp, ghét những cái trừu tượng, bà chỉ tìm mọi cách để nhốt cái tư tưởng cứ luôn chu du vào cõi mênh mông, cao siêu của ông vào vòng vây cuốn sổ chi tiêu gia đình. Những lúc xót ruột, bà ngồi hàng ngày, hàng buôỉ kể lể cho ông nghe về số tiền mua đồ dùng, thức ăn trong cả tuần, cằn nhằn, chì chiết ông về lượng tiền đóng góp ít ỏi. Để chấm dứt những lời kể lể dài dòng ấy, thay vì động viên an ủi vợ, mặt ông nhăn nhúm đến tội nghiệp: “Mặc kệ cái trò tính toán chi li với cuốn sổ chi tiêu chật hẹp của cô. Nhu cầu của tôi đơn giản lắm: bốn mươi nghìn tiền gạo, bốn mươi nghìn tiền rau là đủ. Hiểu chưa? Hãy để cho tôi yên”... Tiếp theo đó là những cuộc cãi vã không bao giờ hết.
Hai con người sống quay lưng lại nhau, vô tình tàn phá cuộc đời nhau, làm ảnh hưởng không ít tới bầu không khí trong lành của hai đứa trẻ. Đứa đầu, đứa bị chết đuối, giống bố như hệt, bộc trực, thẳng thắn, và đều có tính khùng, thích gây sự, ưa bứt phá, nổi loạn. Thằng thứ hai còn hung dữ hơn, một phần do ảnh hưởng trực hệ – thừa hưởng trọn vẹn tính di truyền của bố. Vì không thích nghi nổi để làm người tốt, cũng không xấu hẳn để biến thành kẻ tha hóa, sa đọa; nó đã dùng cái chết đột ngột – một tai nạn xe cộ rất vớ vẩn trên một đoạn đường mà một con chó cũng có thể đi tha thẩn vô sự - để lại cho ông nỗi đau đớn, như một sự trừng phạt, một định mệnh không thể nào thay đổi được của “dòng họ độc đinh”.
Niềm hy vọng của bà mẹ bây giờ gửi gắm tất cả vào cậu út giống mẹ như tạc, được coi là “quả lành”. Cả cây lành chỉ sinh độc một quả lành.
Đứa con gái, càng lớn càng xa lạ với bà... Và một nỗi lo lắng mơ hồ bóp nghẹt trái tim bà, khi bà thấy nó bắt đầu say sưa với viết lách, sách vở.
Lúc còn sống ông yêu nó hơn cả bằng vào sự nhạy cảm của người cha, ông vừa quý nó lại vừa ngại nó. Tí tuổi đầu lưỡi nó đã mọc đầy gai. Nó phán xét ông như quan tòa phán xét tội phạm. Cũng ánh mắt ấy, vẻ mặt càu cạu ấy. Ngay cái cười của nó với ông cũng mang ý mai mỉa, bao dung. Thật may, giữa ông và nó chỉ va chạm về mặt kinh tế, xuất phát từ lòng thương mẹ thái quá gây nên... Dưới con mắt nó, hình như ông mới chỉ làm tròn bổn phận mà tạo hóa vốn giành cho những người được coi là đàn ông, nghiã là đã sinh ra chúng nó trên đời. Còn mọi mặt khác ông chẳng là cái gì hết. Những năm cuối đời ông, ông sợ giọng lưỡi nghiệt ngã của nó. Càng về sau nó càng hay kết tội ông là nguồn gốc mọi nỗi bất hạnh trong gia đình.
Tuy vậy, từ sâu trong cõi lòng ông vẫn ấm lên một tia hy vọng rằng: trong hai đứa con còn lại của ông nó sẽ thành đạt hơn cả. Bởi vì nó ham học, tỏ ra hiểu biết, thích sách vở, hay lý luận... Rồi nó sẽ hiểu ông và minh oan cho kiếp sống lầm lạc của ông những năm tháng qua. Tất cả những gì ông chưa kịp làm trên cõi đời trần tục này thì nó sẽ kế tiếp và hoàn thiện. Bao thất bại, thất vọng của ông cũng là nhằm cho nó một sự bù đắp ở đời.
*
* *
Đám giỗ tan, mọi người tản mát ra về, ồn ào chộn rộn, thật chẳng có không khí của ngày giỗ tí nào.
Đứa con gái bực bội trước sự vô tâm, vô tình của những người được coi là “lớn” này. Sau nghi lễ xã giao thông thường: thắp hương khấn khứa... hình như là một dịp để cánh đàn ông nhậu nhẹt chuyện trò lai rai, cánh đàn bà chuyện phiếm: “Giá vàng hôm nay đã tăng hơn sáu mươi rồi đấy. Ghê không ?” “À này, thịt bò hôm nay có 45 thôi đấy nhé, ngon và nở hơn thịt lợn nhiều”...
Cứ thế, người ta tất bật, người ta ồn ào. Chẳng còn ai chạnh nhớ tới hương hồn người đã khuất.
Chỉ có một ông khách ngồi im lặng suốt buổi. Đó là người bạn đồng ngũ của cha Nó thời cha nó còn là học viên trường sĩ quan lục quân. Nó tiễn ông ra tận cổng. Ở đó ông còn tần ngần đứng lại hồi lâu. Phút chia tay bịn rịn, ông bảo nó:
- Cháu có hiểu tại sao bố cháu mê sách đến thế không?
- Bác biết tại sao?
- Tại bố cháu muốn nghĩ bằng cái đầu của mình, tội nghiệp. Bố cháu không muốn làm kẻ ngu đần để mặc người khác dẫn đi. – ông nói, ngậm ngùi – Thế rồi đọc nhiều bố cháu lại hiểu ra điều không nên hiểu…
- Là sao ạ?
- Là cái dốt có quyền lực chính là cái ác. Biết thế mà chẳng làm gì được, bố cháu trở thành bất đắc chí.
Nó không hiểu rõ ông khách muốn gửi gắm điều gì trong những lời ông nói với cô. Cô mơ hồ cảm thấy ông định nói với cô một điều gì đó rõ hơn, rất quan trọng, mà không dám nói. Vì sợ một cái gì đó, mà cũng có thể là sợ cho cô.
Họ hàng khách khứa về rồi, nó thấy mẹ cô ngồi lại một mình trong ngôi nhà vắng vẻ, thắp thêm một chầu hương, rồi ngước đôi mắt thành kính lên tấm ảnh bố cô. Trong đầu bà chắc miên man nhiều tình cảm và ý nghĩ: yêu thương, ân hận, tiếc nuối…
Bỗng bà giật giọng gọi con gái:
- Con giời đánh đâu rồi?
- Dạ... - nó ngơ ngác trước giọng nói bỗng dưng gay gắt của mẹ. - Vừa cúng giỗ xong đã biến đâu mất? Ít nhất hôm nay mày cũng ngồi với mẹ một lát mới phải. Nhà chỉ còn hai mẹ con…
- Con đang dọn đây mà.
- Bát đũa để đấy đã, rửa sau. Vào đây tao bảo.
Nó len lét bước vào nhà.
- Khiếp quá! - mẹ cô ngẩng lên – Mỗi lần tao leo lên gác là mỗi lần tao như thấy bố mày ngồi đấy với đống sách vở của ông ấy… Liệu mà tống táng cái của ấy đi. Cho nhanh. Để đấy mãi mà làm gì? Nhà này không cần đến những thứ ấy. Cái đống thù lù vô tích sự chẳng khác gì bố mày. Chẳng ai cần đến nó. Bán được bao nhiêu thì bán. Cho ai thì cho. Nhưng phải dọn cho sạch sẽ.
Nó bàng hoàng, cô không muốn tin ở tai mình. Đành rằng thời gian gần đây mẹ cô đã nhiều lần bắt cô phải thu xếp, dọn dẹp, bán nốt đống sách vở đi... nhưng chưa bao giờ cô thấy mẹ phán xét bố bằng cái giọng lạnh lẽo cay nghiệt đến thế.
Đèn phụt tắt. Khu tập thể chìm ngập trong bóng tối. Nó cảm thấy chao đảo, hẫng hụt trước đống sách vở ngổn ngang, lòng cô cũng ngổn ngang bao ý nghĩ... Phải! Dù cố tình không đi theo con đường của cha, cố tình tránh cái hố mà ông từng sa xuống, cô nộp đơn thi vào Đại học sư phạm. Những muốn yên phận như mẹ – làm một người vợ chỉ biết công việc nội trợ hoặc một giáo viên không cần gì hơn tấm bảng đen và kỳ lĩnh lương tháng, một viên chức bình thường..., không ngờ cái bản năng ngang bướng, đòi được sáng tạo của bố lại bám rễ chắc và sâu trong tâm hồn cô đến thế. Dù bị cảnh đời nghiệt ngã che lấp, bị cả nhà cả họ chì chiết “tam đại dở hơi”, cái bản năng khao khát sáng tạo ấy vẫn lớn lên không ngừng và kiên cường phát triển, giống như bệnh ung thư lớn lên trong các tế bào sống, lan tràn ra khắp cơ thể buộc cô phải hành động, không sao cưỡng lại được.
Bắt đầu những giờ phút thả hồn lên mây gió, vùi đầu vào sách vở, trốn sâu vào cõi phiêu diêu, tưởng tượng để rồi “tự mình ăn thịt mình” thức đêm hôm,chắt lọc, ghi chép, gạch xóa để viết ra những điều tâm huyết - thật nhất với lòng mình. Khác với bố, cô không giữ những hiểu biết, những suy tư riêng cho mình mà nồng nhiệt và hào phóng chia sẻ chúng với mọi người trên những trang giấy. Cô nhận được cả hạnh phúc lẫn khổ đau từ hành động điên rồ ấy. Nhưng cô không ân hận. Bằng công việc ấy cô thấy mình được là mình hơn.
“Nô lệ ý thức cũng không khác gì nô lệ thân xác” – nó ghi trong nhật ký. “Thất bại của bố đã đem lại bài học bổ ích cho con. Cảm ơn bố”.
Căn gác xép bé nhỏ, nơi lưu giữ sách vở, giấy tờ của bố trở thành nơi yên tĩnh riêng của cô, ốc đảo thiêng liêng của nó... Sau tất cả những công việc đời thường, nó lại trèo lên gác như con ốc chui vào vỏ của mình. Cứ leo hết các bậc cầu thang, ngồi xuống chiếc bàn gỗ cũ kỹ quen thuộc, cầm lên chiếc bút máy của người cha để lại, nó lập tức chìm đắm trong suy tư… Những lúc ấy, tất cả những gì làm nó đau đớn, lo âu trong tồn tại thế tục đều bị cuốn bay tựa lá khô gặp gió, chỉ còn lại đỉnh cao đầy sức quyến rũ của những ý nghĩ trừu tượng giờ đây dường như đang dần có hình hài cụ thể. Mỗi lần rời cán bút, nó như nhận thấy ánh mắt lấp lánh, tinh anh của bố vây bọc nó, nụ cười hiền dịu, tỏa sáng, động viên, khích lệ nó như muốn nói với nó: “Khá lắm, con gái của bố. Trên đời này không có gì đẹp hơn và có thể làm cho con người trở nên người hơn thế đâu, con ạ. Đó là hạnh phúc chân chính, là niềm vui đích thực.”
Chồng bản thảo của nó cứ mỗi ngày một cao bên cạnh chồng bản thảo dở dang, chắp vá, đứt đoạn của bố. Biết bao nhiêu ý tưởng, chi tiết, số liệu nó nhận được từ trong những trang bản thảo dở dang tưởng chừng vô nghiã của người đã khuất... Lại cũng không biết bao lần nó gần như phát điên lên, hệt như bố nó, khi phát hiện ra những trang bản thảo của bố đã được nó xếp sắp lại gọn ghẽ bị bà mẹ lấy xuống để lót nồi, nhóm bếp.
- Nó ơi, con Nó lại đâu rồi? - tiếng mẹ vọng lên từ dưới nhà, chao chát.
- Dạ, con đây..
.
- Ối giời ơi, con này điên à? Nóng nực thế này, mày chui lên đấy làm gì? Con này lại dở hơi mất rồi.
Giọng nói gay gắt của mẹ, mùi ẩm mốc từ những trang giấy ố vàng, những giọt mồ hôi lăn tăn trên trán, nhớp nháp ở hai bàn tay, giúp nó nhận ra sự tồn tại có vẻ vô lý của mình bên cạnh những lo toan không bao giờ dứt của mẹ. Nó lò dò xuống gác với vẻ mặt biết lỗi. Giọng sai phái của mẹ níu chân nó lại:
- Ô kìa, tiện thể cô quẳng tất cả cái của nợ ấy xuống đây cho tôi. Tôi đã gọi bà Hiền đồng nát đến đây mua tất tần tật đống giấy ấy đấy. Cô xem liệu có được bốn chục cân không?
- Mẹ để con soạn lại đã nào. – Nó năn nỉ.
- Còn soạn cái gì nữa?
- Có nhiều cái còn dùng được cho con. Con còn cần đến.
- Tôi bán rồi. Không soạn xiếc gì hết. - mẹ dằn giọng – Bán hết đi cho nó thoát nợ. Kẻo nó ám vào cả mày nữa, con ạ.
Nó lạnh người. Nó không thể nào hiểu nổi vì sao mẹ lại căm ghét sách vở và những gì liên quan đến hoạt động trí óc đến thế. Dường như bà cho rằng cái đống của nợ còn nằm chình ình trên gác kia chính là cái đã đầu độc cuộc đời chồng bà, làm khổ cả đời bà và nếu bây giờ bà không quét sạch, bán sạch, thì rồi đời đứa con gái bà cũng sẽ bị nó làm hại. Bà muốn cứu con gái bà, giọt máu hiếm hoi của bà.
- Không lôi thôi gì nữa. Bán hết. Vứt hết. Mang ngay xuống đây cho tao. Nhanh lên nào. – Nó nghe tiếng mẹ rít lên, giục giã.
Trong tư thế khốn khổ, nửa nằm, nửa bò trên các bậc cầu thang, nó òa khóc. Bàn tay nó nắm chặt một trang bản thảo đang đọc dở như hôm nào nó tiễn bố đi vào cõi vĩnh hằng nó nắm chặt hòn đất trên tay. Ngày ấy nó không khóc được...
Ở dưới nhà bà mẹ giậm chân thình thịch:
- Muốn khóc bố sao mày không khóc trong đám tang, đám giỗ? Mày làm cái gì trò gì đấy, hở con kia? Chờ xong xuôi rồi, chui lên đấy mà ăn vạ à? Xuống!
(Theo Web Đàn Chim Việt)