Saturday, January 31, 2009

Dọn vườn, dọn cỏ hay dọn hoa?



Dọn vườn, dọn cỏ hay dọn hoa?

Nguyễn Đình San

Chớm đông

Còn đâu cái tuổi mộng mơ
Còn đâu cái thưở làm thơ... tặng người

Nỗi đau lịm tắt tiếng cười
Khi vui vui gượng, buồn thời lắng sâu

Đâu rồi hạnh phúc trao nhau
Nhỏ nhoi chỉ nụ hôn đầu... thế thôi (!)

Có trầu trầu chẳng có vôi
Nhạt tênh duyên phận. Bạc phôi má đào

Nâng niu trái cấm hôm nào
Mà nay kỷ niệm rụng vào... lãng quên

Anh đi đường ấy không em
Yêu thương đã trả, hờn ghen đã nhàm

Nắng thu : một chút... hoe vàng
Mảnh mai kiếp lá, lụi tàn... chớm đông (!)


(Trần Khải Thanh Thủy)


Dọn vườn, Dọn cỏ hay Dọn hoa?
Nguyễn Đình San

Tình cờ tôi đọc trên báo Văn Nghệ số 21 ra ngày 26-5-2001 ở mục Dọn vườn có bài "Lười suy nghĩ" của tác giả Duy Nghĩa, trong đó một trong ba người được dọn vườn đầu tiên là Trần Khải Thanh Thuỷ, tác giả bài "Chớm Đông" đăng ở Phụ nữ cuối tuần (ra ngày 22-12 -2000) bạn Duy Nghĩa xem xét hai câu:
Có trầu trầu chẳng có vôi
Nhạt tênh duyên phận, bạc phôi má đào.

Để phê phán các từ nhạt tênh và bạc phôi. Bạn viết: Người Việt nói nhạt phèo, nhạt thếch mà chưa từng nói nhạt tênh bao giờ ...Về từ bạc phôi bạn chê: phôi là phôi pha, là phai nhạt đi, còn chữ bạc trong câu này nếu hiểu là mỏng thì không hợp văn cảnh, còn nếu dùng với nghĩa trắng là bạc màu lại bị thừa vì đã phôi thì nên thôi bạc.
Tôi chưa có dịp đọc toàn bộ bài thơ Chớm Đông, lại càng không biết gì về tác giả, nhưng chỉ đọc hai câu thơ được Duy Nghĩa trích ở trên thì thấy ngay đó là hai câu hay. Cái hay do tôi cảm nhận được - rất tiếc - lại chính là hai từ nhạt tênh và bạc phôi mang lại. Bài thơ hẳn nói về thân phận một cô gái hay người phụ nữ nào đó không gặp may trong đường tình duyên, dù tâm hồn hình thể chẳng đến nỗi nào mà không gặp được người phù hợp "Có trầu trầu chẳng có vôi" cho nên đời cô trở nên vô nghĩa, vô vị (Nhạt tênh duyên phận). Thật phí uổng biết chừng nào (Bạc phôi má đào). Hai câu thơ gieo vào người đọc cảm giác ngán ngẩm, chua chát, xót xa, khiến họ liên tưởng tới những nghịch cảnh cuộc đời, người đáng được hưởng hạnh phúc thì không có mà hưởng, kẻ không xứng đáng lại được thừa hưởng thừa mứa đến mức chẳng còn biết đến gía trị của hạnh phúc nữa. Những cảm nhận ấy chủ yếu người đọc thẩm thấu qua việc tác giả thơ sử dụng được hai từ nhạt tênh và bạc phôi trên. Vì đó là hai từ khá đắt. Do chịu tìm tòi suy nghĩ mà có chứ không phải là lười suy nghĩ như tác giả "dọn vườn" nhận định.
Bạn Duy nghĩa bắt bẻ rằng: Người Việt chưa từng nói nhạt tênh mà chỉ nói nhạt phèo, nhạt thếch. Chưa từng nói thì bây giờ nhà thơ nói. Đó mới là sáng tạo, là công sức và một chút tài năng trong việc xử lý ngôn ngữ của người làm thơ. Lại nữa nhạt tênh nghe vừa sơ sài mỏng mảnh lại như có thể mất đi bất cứ lúc nào, âm tiết tênh gợi nên một cái gì không nghiêm chỉnh, chắc chắn. Vừa thiếu sức sống lại tênh hênh chẳng đâu vào đâu, như là số phận cố tình trêu đùa cợt nhả, làm những người tình hào hoa phong nhã phải đi tìm ở nẻo khác, bỏ mặc cô gái với duyên phận chơi vơi, lỡ dở của mình.
Hãy thử hình dung nếu người làm thơ viết: Nhạt phèo hoặc nhạt thếch duyên phận thì sẽ có gì để người đọc cảm nhận, thẩm thấu. Nói đi nói lại những điều thiên hạ đã nói chán ra rồi thì còn có gía trị gì ?
Còn từ bạc phôi, đúng là cũng hiếm gặp trường hợp ghép hai âm tiết này lại thành một như vậy, nhưng bạc phôi má đào lại hoàn toàn chấp nhận được, hơn thế còn hay nữa, bởi phôi ở đây là phôi pha, phai nhạt, song bạc không phải bạc màu, bạc trắng mà là bạc bẽo, bất công, vì vậy không thể nói là không hợp văn cảnh...Người con gái có nhan sắc trình độ mà không gặp người phù hợp, biết nâng niu quý trọng mình thì má đào sớm muộn cũng bị phôi pha, phai màu theo thời gian năm tháng mà thôi. Cuộc đời sao bạc bẽo bất công với nàng làm vậy ? Vả lại theo cách hiểu của bạn Duy Nghĩa là nếu bạc với nghĩa là nhạt, mất màu, bạc màu thì đặt bên cạnh phôi (đồng nghĩa) cũng chẳng sao, ngược lại chỉ càng tăng hàm lượng thông tin lên mà thôi. Chính vì lười suy nghĩ mà bạn Duy Nghĩa đã qúa nghiêng về triết tự và ngữ nghĩa của các từ trên để chê người làm thơ là lười - căn bệnh mà chính bản thân người dọn vườn mắc phải. Có thể bạn chỉ thuần tuý là người nghiên cứu hay dạy "chay" mà không hề sáng tác nên quên rằng ngôn ngữ trong thơ nói riêng và nghệ thuật nói chung rất khác nhau. Nó không đơn thuần mang nghĩa đen triết tự theo lô gic khoa học mà mang đậm tính hình tượng, chủ yếu dùng để biểu hiện, biểu cảm, cao hơn sự miêu tả thuần tuý. Ngôn ngữ trong thơ chủ yếu để gây ấn tượng cảm xúc, kích thích trí tưởng tượng của đối tượng thưởng thức chứ không dừng ở việc định kể lể dông dài nhằm trình bày một vấn đề, điều gì cụ thể...Người làm thơ khiến bạn đọc cảm nhận được nhiều chiều không gian thơ, làm trỗi dạy nhiều tâm trạng cảm giác phong phú trong tâm hồn người đọc qua việc sử dụng từ ngữ đắt giá của mình, lại không dừng ở việc cụ thể nào, mới là đắc địa cao tay, chính xác hơn là sự thành công. Trong nghệ thuật (mà thơ là một ví dụ điển hình) một cộng một không thể bằng hai được (mà bằng tất cả hoặc bằng...không). Nhớ lại dịp Liên xô cũ phóng thành công con tàu vũ trụ Phương Đông lên không trung ngày 12-4-1961. Để chào mừng sự kiện này, nhà thơ Tế Hanh viết:
Trái đất xanh như trái tim anh.
Cứ theo sự bắt bẻ của bạn Duy Nghĩa thì nói như thế là dốt, là sai, là từ xưa tới nay người Việt không ai dại dột nói năng như thế bao giờ. Và nhà thơ là người chịu tìm tòi suy nghĩ lại càng không thể nói. Đất là đất và tim là tim, tim lại không có màu đỏ tức là trái tim thiếu sức sống, nói chính xác hơn là một trái tim bệnh hoạn, chết chóc, không thể vãn hồi (!)
Các nhà văn nước ta như Nguyễn Tuân, Tô Hoài từng đã có rất nhiều công sức trong việc sáng tạo nên những từ ngữ mới mà trước đó chưa ai dùng, mong bạn Duy Nghĩa dù khó chịu cũng phải chịu khó đọc lại những tác phẩm của họ để thấy rõ cái sai của mình, chắc chắn bạn sẽ gặp rất nhiều từ khiến phải giật mình kêu ca đấy: Mấy cha này sao mà lười suy nghĩ thế ? Chẳng chịu tìm trong vốn liếng, ngôn từ của dân tộc gì cả. Nào trước đó đã ai nói bao giờ, lại dám phát ngôn một cách tuỳ tiện, bừa bãi, dễ dãi, vô duyên thế ?
Dọn cho vườn văn chương chữ nghĩa Việt thêm phong quang, tinh tươm, sạch sẽ, đương nhiên là việc cần thiết, đáng trân trọng (vì rất ít người chịu làm công việc này) song dọn không tốt sẽ có tác dụng ngược. Thay vì nhổ cỏ dại lại nhổ luôn cả khóm hoa. Càng đáng tiếc nếu đó là những loài hoa đẹp chưa từng xuất hiện trong vườn nhà. Cho nên vấn đề duy nhất có nghĩa là làm sao phân biệt được cỏ dại và hoa, để không biến những điều có nghĩa thành vô nghĩa. Để người tìm tòi suy nghĩ không bị áp đặt thô bạo là lười!

Láng hạ 22-8- 2002
Nguyễn Đình San