Friday, October 24, 2008

Thương lắm ... thầy Tiểu ơi !



Thương lắm ... thầy Tiểu ơi !

Trần Khải Thanh Thủy

Thầy Tiểu là cách gọi âu yếm của tôi với chồng. Đơn giản vì chồng tôi là giáo viên dạy tiểu học nên gọi tắt là thầy Tiểu cho tiện. Hơn nữa làm cái nghề “gõ đầu trẻ’’ này, quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn dạy học trong trường, có khác gì chú Tiểu tụng kinh gõ mõ trong chùa đâu. Cả năm ba trăm trên ba trăm sáu nhăm ngày hết “sáng vác ô đi, tối vác ô về’’, lại “giáo án rải ấm ức dọc đường làng’’, chỉ còn khoảng sáu mươi ngày còn lại được ở nhà với vợ con, hoặc cắt lượt nhau đi tham quan dã ngoại một lần nếu trường có đủ tiền tài trợ tổ chức.
Quanh năm chay tịnh học thuộc làu những câu chữ trong sách thánh hiền như vẹt để đầu độc mê hoặc bọn trẻ. Hết cái thời cấu phổi để nhai, cấu phổi nhét vào dạ dày lại “ăn cơm rau vật nhau với trẻ’’. Bao tết, nhất, “lễ hội chùa thầy” ngày 20-11, rồi ngày sóc, ngày vọng, các tín chủ ở chín phương trời, mười phương phật ùn ùn kéo đến, trước hiến sau dâng đủ các loại mâm xôi, phẩm oản, rượu trắng, rượu màu, phong bì lớn nhỏ thì cánh sư cụ, vãi già hoặc các vị chủ trì chùa hứng cả, đâu có đến lượt thầy Tiểu mà đòi?
Chùa trung ương, Trấn vũ, Trấn quốc, Nhất nước còn đỡ chứ chuà cuả thầy tiểu tôi đặt tít tận xó làng ven huyện này. Địa vị không, chức tước không (Dù chỉ là tổ trưởng chuyên môn hoặc tổ trưởng công đùn...) lại không làm công tác chủ nhiệm, nên hệt cái cây không rễ, thật khó có cơ hội hút chất dinh dưỡng mỡ màu, dù môi trường sống có giàu đẹp đến đâu, huống hồ lại khuất nẻo tối tăm và nghèo xác thế này. Ngày nào cũng đi từ tờ mờ đất, đạp xe bò ra đường bằng hai chân hai bánh, đúng mười hai cây số mới đến trường, làm tròn nghĩa vụ công dân hưởng xuất lương cơ bản rồi chiều đến lại vác xác sang trường bạn tận thị xã dạy hợp đồng. Hôm nào trời già khoẻ mạnh còn yên tâm với mức lương cơ bản kèm nửa ký gạo bồi dưỡng ngoài giời, rủi trời có hắt hơi xổ mũi cảm mạo nhức đầu vì tuổi già sức yếu hoặc ông ngâu bà ngâu gặp nhau sau những ngày bận mải mánh mung kiếm sống là phải dạy lý thuyết trong nhà, làm cho miệng “bị” vốn không bao giờ chặt lại bốc bay mất nửa ký gạo bồi dưỡng ngoài trời theo tiêu chuẩn. Phép vua thua lệ làng là vậy. Một vốc cơm vua, bé tí tẹo như khẩu phần ăn của chim bồ câu cũng bị trưởng làng lập lờ đánh úp. Thế là từ mức bốn ngàn đồng chỉ còn già nửa vì gạo tận băm nhăm, băm bảy ngàn đồng một yến. Dạy Quốc lập quanh năm chả bằng chen chân trường dân lập một tháng. Tối đến vì tương lai hai con chúng ta lại phải lệch người đạp xe lên trung tâm ngoại ngữ xin làm bảo vệ. Có siêng năng chăm chỉ 30 trên 31 ngày cũng không sao chọi lại với giời, hễ giời vui là được hưởng, mà trời giận là mất toi, bởi thời buổi thực dụng này không ai dại dột đội chớp đội mưa, đội cả sự lạnh lùng đến trường “nhặt’’ chữ trong khi tiếng mẻ đẻ còn khó nhai khó nuốt, huống hồ là tiếng vay mượn, ù xoẹ...Tháng đông bù tháng vắng, ngày nắng bù ngày mưa, cứ năng nhặt cũng vừa chặt một xuất lương “ba cọc ba đồng’’. Rủi gặp lũ đạo chích xuất quỷ nhập thần, lắm mưu nhiều chước hơn cả Tôn hành Giả thì chỉ còn nước ăn cám. Chúng chỉ khẽ thổi phù một cái là vài cái xe nhật xịn bốc bay, thay vào đó là Jawa, ba bét nhè hoặc tàu rởm, có vứt bảy ngày ở bãi rác cũng không ai nhặt nếu không trả tiền thuê bốc vác...Thế là giấc mơ sắm Dream, sắm cúp trở thanh cơn ác mộng khủng khiếp. Tự cắt cúp tiền lương cá nhân ra mà đền. Thật đau hơn hoạn. Ky cóp quanh năm cũng không đủ một lần cho bọn cọp đói xơi, và điệp khúc muôn thưở đầy lãng mạn cách mạng được lặp lại: “Tháng lương anh chia ba phần to nhỏ, anh giành riêng trả nợ phần nhiều, phần ăn tiêu và phần nhỏ cho con, anh hối hận, chẳng bõ bèn em ạ’’.
Tối nào cũng vậy, người làng ôm nhau đi ngủ hoặc xem đủ các chương trình truyền hình. Từ “bao cao su trust- một phần tất yếu của cuộc sống’’, hoặc “băng vệ sinh Diana, luôn mang đến cho bạn sự tự hào trẻ trung và ước vọng chiến thắng trong tình yêu’’, rồi “muốn có răng to chắc khoẻ, hãy uống mi lô mỗi ngày”, lại: “muốn hơi thở thơm tho một cách tự nhiên, hãy tận dụng phong cách Úc, uống bia kiểu Úc, hôn nhau kiểu Úc”... lúc đó thầy Tiểu mới lóc cóc dắt xe ra về, phờ phạc, mệt mỏi.
Nhìn thầy Tiểu, teo tóp như một đon mạ còi, cả người lẫn xe chưa đầy năm chục ký, tôi ái ngại:
-Thầy em cứ đầy đoạ mình như thế, có khác gì cảnh sống mòn của giáo Thứ thời xưa.
Thầy em rưng rưng đáp: -Biết làm thế nào được, bu nó không nghe anh em người ta hát à? “Vì đồng lương quên mình, vì đồng lương dấn thân, anh em ơi vì đồng lương quay cuồng... Đời giáo Thứ chúng ta từ làng quê sinh ra, để cứu đói, phải hy sinh thân mình’’.
- Khiếp tôi phản đối: Thầy em nói nghe buồn buồn là...Cứ “tự mình ăn thịt mình’’ thế, chả trách.
Thầy Tiểu chép miệng:
-Biết làm thế nào được, chẳng làm được dã thú ăn thịt đồng loại, đành “tự mình ăn thịt mình’’ vậy.
-Gớm, tôi gắt, cứ làm như thiên hạ người ta thế cả.
-Chậc, thầy em chép miệng. Trời sinh ra thế, “bắt bần hàn phải bần hàn, cho tham ô mới được quyền tham ô.’’ Mình bị trời thắt, làm một kẻ bần hàn khó nhọc suốt đời đành tận dụng thời gian sức lực lấy tiền nuôi con vậy.
Nghe thầy em tâm sự, tôi bổi hổi bồi hồi, cố gắng hỏi, giọng ngậm ngùi:
-Sao thầy em không làm như họ. Bám vào nghề mà sống. Mình tuy không được chủ nhiệm, nhưng cũng có sân ăn riêng của mình chứ, mở lò luyện võ, dạy thêm chẳng hạn.
Ngước đôi mắt buồn rầu, thầy Tiểu nhìn tôi chán nản
-Bu em rõ thật là...cả tin, ảo tưởng quá. Cái nghề thể dục thể thao của tôi, quanh năm suốt tháng chỉ đứng lên ngồi xuống, thở ra, hít vào, trước thẳng sau cong, giữa ...ngòng nghèo, có thì thừa, không có thì thiếu. Ma nào thèm học. Mà tiền học môn chính còn è cổ mẹ cha ra mà đóng, huống hồ môn phụ, lấy gì mà góp?
-Thì...tôi cố kiết, chẳng phải hồi trẻ thầy em theo học thầy võ tận Hà Nội là gì? Thầy văn thầy võ cùng là thầy chứ. Chả mở lò ở trường thì ta mở sới ở nơi khác kiếm ăn, chí ít cũng được trả công như dạy Dân lập, tội gì? Tôi láu táu mách nước.
-Ôi thầy tiểu chép miệng- tôi cũng đã thử ở nhà văn hoá huyện, nhưng chẳng xơ múi gì. Mình bỏ công bỏ sức rèn cặp luyện tập cho các cháu chi li từng động tác mà nó lại đòi trích lại hẳn 60%.
-Kìa, tôi lè lưỡi, nhà văn hoá cơ mà, đâu phải cai đầu dài hay đầu nậu vô học mà ăn dày thế?
-Chứ sao, tiền quần áo mình thu của học sinh, nó cũng bắt trích, bắt chia phần mềm, rủi có đứa nào sơ sẩy gì, bong gân, sưng khớp, ngã gãy tay, nó lờ tăng tít, lại mình bỏ tiền túi ra mà đền. Tốt nhất đóng cửa lò cho xong. Mình là chủ làm còn nó là chủ xơi à ?
-Nhưng -tôi gắng gượng hỏi nốt câu cuối cùng- chả lẽ ở trường thầy em không “sơ múi’’ được tí gì à ? Cũng có lúc phải lọt sàng xuống nia chứ.
- Ôi thầy em cười, nụ cười méo xẹo: - Các cụ dạy rồi, “bồ dục đâu đến bàn thứ tám, cám nhỏ đâu đến lượt lợn xề”... Mấy lại ngày xưa dù “bao’’ nhiều, “cấp’’ ít nhưng các lỗ sàng còn thông thoáng giống nhau, cả sư cụ chủ trì, cũng như vãi non, vãi già, chú tiểu, ni cô giúp việc trong chùa đều bình đẳng trước tem phiếu, chế độ, còn có thể lọt sàng xuống nia cho những người đói khổ hơn mình, biết thông cảm an ủi, động viên nhau về mặt tinh thần, còn bây giờ khi cơ chế xã hội thay đổi, lập tức tâm tính con người cũng thay đổi theo, các lỗ sàng lập tức bị bít kín lại. Thà hắt xuống đất mà khuất mắt trông coi còn hơn để lọt từ sàng xuống nia. Người nọ thắc mắc người kia dị nghị “Cha chung không ai khóc’’ nhưng cuả chung ai cũng cố vồ đấy. Lắm thầy nhiều ma, lắm chia thì...chia rẽ nhiều, nào so bì, tị nạnh rồi kiện cáo, mất đoàn kết, tốt nhất “bát nước công đức’’cứ trút gọn vào túi sư ông, vãi bà là êm như ru, tối như hũ nút, cả chục năm sau còn nằm nguyên trong vương quốc của bóng đêm, của huyền thoại và sự im lặng đáng ngờ và đáng sợ. Còn hiện tại, sư ông, vãi bà cứ việc tu hành, hưởng phúc; Bà ngồi bà rung đùi, bà ngồi bà rung chân, bao nhiêu gói lớn bọc to, thay nhau đến dâng lên bà, để bà to béo thêm, bà mua điều hoà, bà mua xe máy, bà gọi một tiếng, khối kẻ dạ, vâng.
Cánh sư nữ trong chùa, bị lấp dưới những tán lá già tầng tầng che phủ, không tự hứng được nắng, mưa, sương gió để thực hiện quá trình quang hợp, trao đổi chất thì lại có lớp rễ phụ bám chắc, ăn sâu vào túi tiền bố mẹ học trò, thông qua công tác chủ nhiệm kiêm bán trú, tiền dạy chỉ là thứ yếu, tiền “dỗ” mới là điều quan trọng, và tiền “doạ’’ để học sinh phải đến trường học phụ đạo thêm mới là điều cốt lõi. Nhờ nắm vững xu thế đổi mới của thời hiện đại, ngược hẳn với quan niệm của thời hủ nho phong kiến ngày xưa: “không mày đố thầy làm nên’’ mà suốt ngày quanh quẩn bên đám học trò lau nhau, lại thoát được cảnh sống mòn của giáo Thứ bao đời “ăn cơm rau ngồi sau xe đạp’’, vừa được tặng, được cho, giỏi vun cùng vén, không phải sếp lớn vẫn có nguồn thu, nên sắm đồ đạc, nhà cửa, xe cúp đơn giản như người ta sắm hương hoa lễ vật đến chùa.
“Tội nghiệp’’ tôi nghĩ, chỉ khổ cho thầy tiểu nhà tôi, trên không với tới, dưới chẳng nhào zô, lơ lửng giữa chùa, mà đeo... bị rỗng.
Ây thế, điều cám cảnh thương tâm nhất của thầy tiểu tôi lại rơi vào mấy tháng hè cả. Như đã thành quy luật, thói quen, thành phản xạ có điều kiện, cứ chớm hè, mặt thầy tiểu lại buồn như đưa đám. Nông dân chỉ chịu cảnh đứt bữa giáp hạt vào thời kỳ “tháng ba ngày tám’’, còn thầy tiểu tôi thì chịu khổ sở, khốn khó, túng quẫn trong ba tháng liền, vừa thắt lưng buộc bụng, vừa tu thân ép xác mà nợ vẫn hoàn nần còn chất chồng thêm bao khoản mới phát sinh, chả thế thành giai thoại truyền thuyết, thành câu hát dân gian cửa miệng: Mỗi năm chớm hè mặt nhăn nhó buồn, Lấy đâu học trò để giáo viên dạy thêm, Đồng lương thiếu thốn hai suất ăn theo, mỗi lần hè sang phát phiền, vợ con ngóng trông, gầy mòn.
Đã buồn càng buồn hơn, mong sao cho hết hè, thầy trò gặp nhau sớm tối, lại thu, lại góp, mỗi xuất dăm trăm những là tiền xây lớp trường, tiền công quỹ cho hội đồng.
..Tiếng ve nức nở buồn hơn tiếng lòng, 90 ngày trôi lấy đâu tiền tiêu, Đồng lương mất giá, cau có than van, mỗi lần hè sang đói dài, còn vui thú chi mà chờ...
Vì vậy khi tờ lịch của những ngày hè cuối cùng trĩu nặng rơi xuống, là mỗi lần da mặt của thầy tiểu tôi bớt nhàu. Chẳng gì cũng đến ngày chùa bà Banh sắp mở rồi, lại nhờ vào hồn thiêng của bà mà kéo tín chủ mười phương tụ họp, dẫu phận tiểu chỉ được ngửi hương hoa nhang khói, nhưng vẫn có tín chủ mà phục vụ, thu lệ phí hàng ngày, tội gì...
Mới đầu, tôi không hiểu, cứ tưởng thầy tiểu nhầm, nào ngờ thầy cậy thông kinh, tỏ kệ, đem cả mớ sách mốc meo và giọt nước cành dương dội xuống đầu vợ:
-Bu em...rõ là nhà quê có khác. Dẫu chùa bà Đanh có mở hay đóng, thì cũng vắng ngắt như nhau, việc gì phải đợi.
-Thế tôi ngượng ngùng hỏi lại:-Bà Banh là bà nào? sao từ bé em không nghe ai nhắc tới, chỉ biết nhõn một câu: Vắng ngắt như chùa bà Đanh.
Có dịp để trút ra sự hiểu biết của mình về thế giới chùa chiền, đạo phật mà mình từng gắn bó theo đuổi, thầy tiểu gật gù kể:
-Chùa bà Banh có từ thế kỷ 18, thời cuối Lê, đầu Nguyễn, khi xã hội Việt Nam rơi vào tình trạng loạn lạc triền miên, hết chiến tranh Lê Mạc, lại phân tranh Trịnh Nguyễn, cuôí cùng là khởi nghĩa Tây Sơn, rồi lại tiếp tục Tây Sơn-Nguyễn Ánh...Trong tình thế rối rắm bởi chiến tranh liên miên đó, các nguyên lý cốt yếu của nho giáo được mang ra thử thách. Các tôn giáo như phật giáo, đạo giáo một thời bị chèn ép, được thể phục hưng trở lại. Nhiều chùa triền, đạo quán, đền miếu được xây dựng, trùng tu, chuông khánh, đồ đồng, linh khí được đúc ra, các dâm thần được thờ lại, đặc biệt là chùa bà Banh thờ một nữ thần loã lồ, ai đến cầu cúng, lễ bái đều phải lấy gậy (tượng trưng cho cái... “gậy’’ cu... thằng ăn mày) chọc vào chỗ ấy của bà mới linh nghiệm, linh ứng. Nhờ vậy các tín chủ mười phương kéo đến đông lắm, ăn dầm nằm dề ở chùa bà cả tháng, chả cứ tuần rằm, mồng một mà cả ngày thường, ngày lễ...Sang đời Nguyễn, địa vị độc tôn của nho giáo được khôi phục, chùa bị cấm và đổi thành chuà bà Đanh như hiện tại.
-Thảo nào, tôi nắc nỏm. Nó mới thành câu tục ngữ truyền lại đến tận bây giờ để nhớ đến một thời “vang bóng, đông đúc, tụ hội đủ khách thập phương”.
- Đúng đấy- thầy tiểu khẳng định, hiện ở chuà vẫn lưu lại bút tích cuả Trạng Quỳnh mắng mỏ sự vô duyên trơ trẽn của vị nữ thần loã lồ dâm dục này:
Khen ai đẽo đá tạc nên mày
Khéo đứng ru mà đứng mãi đây.

Đang há hốc miệng chăm chú lắng nghe như một con chiên ngoan đạo lắng nghe lời của chúa, chợt nhớ ra địa vị của thầy tiểu, chuyên mặc áo cà sa, chay tịnh, diệt dục, tôi bần thần:
-Nhà ví von kiểu ấy, nhỡ ai không biết lại cho mình là nghịch tặc, loạn luân, phi giáo dục thì khốn.
- Ôi dào, thầy tiểu gật -đó chỉ là một thứ thị phạm ma thuật mang ý nghĩa phồn thực thôi mà...Lỗi là ở người tạc đá chứ.
-Tất nhiên, tôi đồng ý, song nó cũng tượng trưng cho quan niệm của một thời
-Thôi nào, thầy tiểu cắt ngang, có ý chấm dứt cuộc nói chuyện dài dòng vô bổ này - bu nó phải hiểu là tôi chỉ tình cờ nhắc đến bà ấy thôi, với mong muốn ngày trường khai giảng, học trò gần xa nô nức kéo đến, đông đúc như tín chủ mười phương xếp hàng tụ hội trước cửa chùa bà Banh thời nào, thì tôi mới có mày để dạy, có xe máy, xe đạp để trông, có tiền trả nợ, còn lại bao nhiêu đưa cả cho bu nó đóng học phí cho hai con, rồi chi tiêu các khoản thiết yếu khác.
Nhìn cái dáng lòng khòng, tội nghiệp của thầy tiểu, đã gầy guộc teo tóp như một đon mạ còi, còn thắt dây lưng quá chặt, và nét mặt bần thần khi nói ra điều ấy tôi thương thắt ruột, khẽ quay đi, miệng mỉm cười mà đầu óc cứ muốn thốt lên: “thương lắm thầy tiểu ơi!”

Trần Khải Thanh Thủy
10-3-2001.

(trích tập 1001 chuyện cười của TKTT)