Monday, April 21, 2008

Lê Thị Công Nhân Bậc Nữ Lưu Phi Thường



Lê Thị Công Nhân Bậc Nữ Lưu Phi Thường

Trần Đức Tường

Có thể nói dân tộc Việt Nam là một dân tộc có nhiều đặc tính dị biệt với nhiều dân tộc khác trên trái đất. Một trong những đặc tính ấy là tuy đã từ nhiều ngàn năm ra khỏi chế độ mẫu hệ, nhưng trên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta, người phụ nữ đã không hề chỉ lo chuyện nội trợ mà còn lắm phen góp sức với đời, tham gia chính sự kể cả có khi cầm quân đánh giặc. Từ ngày dựng nước và trong mỗi thời đại đều thấy xuất hiện các bậc anh thư, anh tài văn võ. Dân ta ai là người không hãnh diện và tôn thờ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, ai không trân quý Huyền Trân Công Chúa, Công Chúa Ngọc Hân, ai không mến mộ văn tài của bà Đoàn Thị Điểm, bà Huyện Thanh Quan, bà Hồ Xuân Hương, ai không thán phục Thái Hậu Dương Vân Nga, nữ tướng Bùi Thị Xuân...? Và còn bao nhiêu bậc nữ lưu, anh thư khác nữa. Đời nào cũng có.

Quả thật người phụ nữ Việt Nam luôn luôn gắn liền với dân tộc, gắn liền với vận mạng của lịch sử thăng trầm. Trong chiến tranh, và nhất là từ ngày 30/04/1975 đến nay, sự hy sinh, nhẫn nhục, đau khổ của người phụ nữ đã lên đến cùng cực. Tuyệt đại đa số các bà, các chị, các em âm thầm chịu đựng cảnh chồng con đi tù, nhà cửa bị cướp đoạt, bán từng mảnh vụn nữ trang gom góp thăm nuôi chồng con trong tù... Dưới chế độ cộng sản, biết bao bông hoa đã bị héo tàn trong vùi dập? Biết bao xác thân phụ nữ đã nổi trôi trên mặt đại dương? Tất cả đã diễn ra trong câm lặng.

Nhưng từ gần hai chục năm nay, người dân, trong đó có đông đảo phụ nữ đã lên tiếng phản đối sự trù dập của chế độ CSVN, lên tiếng bảo vệ chồng con đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền. Và hơn nữa các bà, các cô đã trực tiếp đứng lên đấu tranh bất bạo động, đối đầu với bạo quyền cộng sản đòi hỏi tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và những quyền căn bản của con người, đòi lại đất đai tài sản bị cộng sản cướp đoạt. Người ta biết đến những người phụ nữ như Dương Thu Hương, Trần Khải Thanh Thủy, Lê Thị Công Nhân... đã can đảm đấu tranh cho Tự Do, Nhân Quyền và đã bị CSVN bắt giam, tù đày, hành hạ.

Có thể nói khuôn mặt tiêu biểu nhất trong những người phụ nữ phi thường này là luật sư Lê Thị Công Nhân. Cô sinh năm 1979 tại Tiền Giang, tốt nghiệp cử nhân luật khoa năm 2001. Cô đã can đảm tố cáo chế độ CSVN độc tài, vận động bảo vệ quyền lợi công nhân lao động và đòi hỏi thành lập công đoàn tự do. Khi phong trào đấu tranh cho dân chủ bùng phát, cô đã mạnh dạn tham gia vào Khối 8406, và đã trở thành phát ngôn nhân của Đảng Thăng Tiến Việt Nam. Bạo quyền cộng sản Hà Nội đã tìm đủ cách uy hiếp cô và gia đình cô. Nhưng cô luôn kiên quyết giữ vững lập trường. Cô đã thẳng thắn tuyên bố: "Tôi xin khẳng định, bằng tất cả lương tâm, trách nhiệm và tình cảm của mình đối với đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam, là tôi sẽ chiến đấu tới cùng, cho dù chỉ còn có một mình tôi để đấu tranh, trước hết là giành lấy nhân quyền cho riêng mình và giành lấy nhân quyền dân chủ và tự do cho người dân Việt Nam, và CSVN đừng có mong chờ bất cứ một điều gì là thỏa hiệp chứ đừng nói là sự đầu hàng từ phía tôi". Đang nằm trong lòng chế độc cộng sản độc tài, đây quả là lời tuyên bố phi thường của một bậc nữ lưu phi thường. Biết không thể hăm dọa được cô, cộng sản Hà Nội đã bắt giam cô ngày 6/3/2007 và đã gán ghép cô vào tội "tuyên truyền chống chế độ" ghi trong điều 88 của bộ luật hình sự cộng sản để đưa cô ra xét xử trong một phiên tòa trò hề, và để kết án cô 4 năm tù giam cộng thêm 3 năm quản chế.

Cho tới ngày hôm nay, cô đã bị giam cầm hơn 1 năm rồi. Nhưng thế giới không quên cô, cộng đồng Hải Ngoại không quên cô vì cô là đại diện cho tất cả những người đấu tranh, những dân oan đang đòi công lý, Nhân Quyền và dân chủ tại Việt Nam. Cụ thể tại Úc Châu, cộng đồng Người Việt Tỵ Nạn đã tổ chức "MộT NGÀY DÀNH CHO LÊ THị CÔNG NHÂN". Ngày đó sẽ là ngày:
- 11/04/08 tại tiểu bang Victoria;
- 12/04 tại New South Wales, Queensland, Bắc Úc;
- 13/04 tại Tây Úc;
- 26/04 tại Nam Úc, Wollongong;
- 27/04 tại ACT (Canberra).

Theo Ban Tổ Chức thì ý nghĩa ngày này là
1) Ngày cho quê hương, ngày hỗ trợ công cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam;
2) Ngày phát huy tinh thần anh dũng của tiền nhân để giải trừ chế độ cộng sản tại Việt Nam;
3) Ngày phát hành tem thơ, sách báo về cuộc tranh đấu của anh thư nước Việt: Lê Thị Công Nhân.

Cũng nên biết là hiện nay bưu điện của nhiều quốc gia trên thế giới chấp nhận phát hành tem thư do các tổ chức hay tư nhân đặt thực hiện và có giá trị bưu điện chính thức để gửi thư trên toàn quốc và ra nước ngoài. Trước đây 1 tháng, nhân kỷ niệm 1 năm cô bị bắt giữ, tại Pháp đã thực hiện tem thư có hình nửa người của luật sư Lê Thị Công Nhân. Tất nhiên không thể có tem thư mang hình tất cả những người đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền đang bị cầm từ như linh mục Nguyễn Văn LỶ, anh Nguyễn Quốc Quân, anh Nguyễn Thế Vũ, anh Somsak Khunmi hay từng người dân oan như các chị Vũ Thanh Phương, Lư Thị Thu Duyên, Lư Thị Thu Trang, Cụ bà Phạm Kim Thu 81 tuổi, vv...
Ngày Dành Cho Lê Thị Công Nhân phải hiểu là NGÀY DÀNH CHO NHữNG NGƯỜI TRANH ĐẤU CHO DÂN CHỦ NHÂN QUYỀN TẠI VIỆT NAM.

Trần Đức Tường

(Theo Vietnam News Network)