Wednesday, February 27, 2008

Tôi là người giữa, tôi chữa đôi bên



Tôi là người giữa, tôi chữa đôi bên

Trần Khải Thanh Thuỷ

Rời trại, việc đầu tiên tôi làm là ngửa cổ ngắm trời đất. 285 ngày trong ngột ngạt tối tăm, trong cô đơn lạnh lẽo, trong bức bối hờn căm, tôi thèm được hít thở không khí vô cùng, nên dù trời đang mưa, tôi cũng không quên tận hưởng cảm giác vui sướng này. Giữa dòng người dòng xe qua lại, trong cơn mưa ầm ào trút xuống, trong bùng nhùng mũ, áo, tôi nghe loáng thoáng tiếng chồng tôi nhắc tới hai cái tên Bích Huyền và Song Nhị, hai con người ở bên kia bờ đại dương mà tôi chưa hề được quen trước đó. Một người có công bỏ tiền của và thời gian in sách cho tôi, còn người kia thổi hồn vào những con chữ, "đánh bóng mạ kền" cho đứa con tinh thần của tôi cho ngày giới thiệu và bán sách được vẹn toàn và thu hút. Trôi giữa dòng người, đi giữa cơn mưa mà lòng tôi ấm áp lạ lùng. Thế là tôi không bị mọi người bỏ rơi... trong khi tôi nằm co ro lạnh lẽo trong tù, bữa ăn, giấc ngủ chỉ là sự tồn tại theo bản năng sinh tồn của loài vật, tận cùng của sự đè nén, tái tê, thì bên kia bờ đại dương, cuốn sách của tôi đã cất tiếng khóc chào đời... Thật là một sự bù đắp của số phận sau những tháng ngày vật vã đau thương, khi cánh cửa tù sập lại, thì trang sách mở ra. Thân thể tôi ở tù, còn tác phẩm của tôi lại như con thuyền rời bến, dạt vào bờ bến xanh trong, đến với mọi người, đến với biết bao trái tim nhân hậu, giàu có vì vô cùng nặng lòng với đất nước quê hương. Văn là người, cuốn sách phản ánh một phần tư tưởng và tấm lòng của tôi với dân, nước trong những ngày đảng trị, nền văn hoá đảng bao trùm thấm đẫm mọi lá cây, ngọn cỏ, mọi tế bào, huyết quản của người dân. Cái "phần mềm" mà ông Hồ cài đặt trong cơ thể xã hội Việt Nam - thông qua cái gọi là trung ương đảng, lan toả trong lòng người dân, ăn sâu vào đầu óc trí não của 85 triệu người dân 78 năm qua thật sự là tai hoạ khôn lường, không những u mê hoá cả triệu triệu con dân, còn nuốt chửng tương lai dân tộc Việt Nam, khiến Việt Nam luôn đứng ở hàng áp chót, không sao vươn lên nổi, dù có cả hàng rào WTO vây bọc, trong lòng chiếc ghế của hội đồng bảo an, vẫn chung chiêng, chao đảo. Văn hoá là "phần mềm" cài đặt trong cơ thể mỗi con người ( nói riêng) và xã hội ( nói chung) . Vì cài đặt qúa xộc xệch nên đã đưa ra những dữ liệu vô cùng sai lệch, mà đặc điểm nổi bật là tham nhũng, mị dân, đàn áp và khủng bố... Cũng bởi qúa đau xót trước thực trạng nước nhà nên trong đề từ của tập thơ: "Mở mắt và nhỏ lệ" ( viết giấu trong lòng hang đá từ đầu thập kỷ 90) tôi phải đau đáu thốt lên:
Non sông ơi vì sao nên nỗi
Đói khổ, lầm than, hụt hẫng, điêu tàn
Phải ngoảnh mặt trước cuộc đời dối trá
Hay nhỏ mắt ra và nhỏ lệ cùng dân

Những tư tưởng lớn gặp nhau, từ lời đề từ của cuốn sách, từ một bài viết về hang đá rỗng tuếch sau ngày bị công an thực hiện lệnh cưỡng chế, cướp bóc ( thu đi vài chục cân tài liệu và toàn bộ phương tiện làm việc) không ngờ được cộng gộp, trở thành tên sách : "Viết từ hang đá, nhỏ lệ cùng dân".
Về nhà mẹ đẻ, giây phút rỗi rãi đầu tiên sau những nghi thức rườm rà: Thăm hỏi, ăn uống, trả lời điện thoại, tôi giở vội cuốn sách ra xem, thật là mừng hết chỗ nói... Như bà mẹ trẻ sau khi mãn nguyệt, khai hoa, sững sờ, thú vị ngắm đứa con đầu lòng, tôi cũng vậy, 9 tháng 10 ngày trong tù, bằng trực giác vô cùng bén nhậy của phụ nữ, của người viết, tôi cũng có linh cảm- một trong số các sách của mình gửi bạn bè ở Đức, Mỹ sẽ được in ra, nhưng không ngờ đứa con đầu tiên của mình ở Hải ngoại lại dày dặn và sang trọng đến thế. Từ bản thảo đến lúc in ra, qua tay bà đỡ, thật là một cú nhảy ngoạn mục, đẹp đẽ, sáng láng vô ngần.
11 giờ đêm mới trở về hang đá, trong khi hai đứa con ngủ cả, thay vì nói với chồng những lời tâm tình đau đớn trong cả chuỗi ngày dằng dặc cách biệt: "Còn gì nữa đâu mà ngó với nhìn, còn gì nữa đâu mà sờ với mó, teo hết rồi, em đã già, xin lỗi mình" tôi nằm nghe anh kể lại cuộc tranh cãi nảy lửa giữa hai người, đại diện cho hai phe ta và... mình. Tất nhiên chồng tôi đứng hẳn về phe chị Bích Huyền, lên án chất đàn ông cạn cợt của phía bên kia, coi như tôi gặp phải một Khắc Toàn thứ 2, còn tôi sau khi xem sách đã kịp nhận ra Song Nhị chính là anh Hà Viết Tịnh nên thở phào một hơi nhẹ nhõm... Chính vì thế mà trong suốt gần một tháng trời, từ hội bảo vệ, đến các nhà dân chủ, bạn đọc, bạn viết, các thính giả nghe đài gọi điện thoại hỏi thăm và hỏi tôi về cuốn sách, yêu cầu tôi phải lên tiếng để bảo vệ đứa con tinh thần của mình tôi đều im lặng. Không phải sự im lặng đáng sợ dành cho đảng- vật ký sinh, tầm gửi trên cơ thể xã hội Việt Nam, trong suốt những ngày ở tù - mà là sự im lặng ngọt ngào, tin cậy.

Danh ngôn Pháp nhận định: "Cả tin, đích danh mi là đàn bà, tôi không nằm ngoài quy luật, dù tôi biết sự cả tin bao giờ cũng ẩn chứa trong nó sự mù quáng, và không ít lần phải trả giá cho sự mù quáng đó (việc tôi mang gông vào tù là một ví dụ điển hình, một sự trả giá cho sự xấu xa, độc ác, đê hèn của đảng). Cứ tưởng "ốm tha, già thải", ai ngờ... tay trong còng xích rồi, bị giật khỏi ống thở ô xy tại nhà rồi, giữa lòng nhà đá tối tăm lạnh lẽo, chỉ biết ngửa cổ kêu trời: Ác thế đảng ơi!
Nhưng lần này tôi tin mình không nhìn lầm người, thay vì tranh luận gay gắt với chồng, tôi chỉ bảo: Cho dù anh Tịnh có là người xấu như mọi người nhìn nhận đi chăng nữa thì cũng vẫn là "Sơn ăn tuỳ mặt, ma bắt tuỳ người". Dù thế nào anh ấy cũng phải hiểu nhuận bút của em phải trả bằng máu, thậm chí bằng cả mạng sống, anh ấy không thể xử tệ với em được. Trước đó anh ấy đã từng xử rất đẹp, chủ động gửi email cho em khi cả 3 chuyện ngắn được chọn vào giải "Việt Norway" và in thành sách "Bản hợp tấu", còn gửi 100 USD tiền nhuận bút cho em theo địa chỉ của mẹ... Đang trao đổi thư từ hết sức thân thiện, như một người huynh trưởng trong nhà với cô em út, thì em "lặn" mất tăm, phần vì phải hầu đồn liên tục, phần vì mải viết, làm anh ấy cuống lên, phải viết thư gửi từ Mỹ về theo đường bưu điện để hỏi han tin tức, tình hình công việc, sức khoẻ v.v... Người như thế không thể vì tiền mà quên nghĩa được ... Hơn nữa, là con cháu bà Trưng, bà Triệu, thuộc nòi giống vua Hùng, anh ấy không thể quên câu nói nổi tiếng của nhà cách mạng Phan Bội Châu khi kêu gọi thanh niên Việt Nam đứng lên đánh Pháp: "Làm trai, đó là một danh từ đẹp", dù "phần mềm" cài đặt trong não bộ anh ấy có bị trục trặc, thì giữa cộng đồng hải ngoại, giữa những người vô cùng xứng danh với sự đẹp đẽ của danh từ này, tự anh ấy phải chỉnh sửa lại mình để phần mềm không bị xộc xệch sai lầm như cũ... Em chờ anh Tịnh gọi điện thoại về.
Cuối cùng niềm tin của tôi đã được chứng tỏ...dù muộn mằn nhưng do trục trặc kỹ thưật chứ không phải trục trặc nhân cách (có thể anh chưa tìm được số điện thoại của tôi và gia đình, trong khi cả 4 chiếc vi tính cùng bao nhiêu phương tiện làm việc đã bị đảng tịch thu sung vào công quỹ để bán phá giá cho cán bộ công nhân viên của sở...nên từ hôm về tôi chẳng hề có phương tiện trao đổi, liên lạc nào, ngoài điện thoại)
Ngay khi tôi vừa kịp áp tai nghe, nhận ra tôi, anh đã bộc lộ nỗi lo lắng cho sức khoẻ của tôi cũng như sự vui mừng khi tôi được bà con anh em và tổ chức nhân quyền tại hải ngoại đỡ trên tay, bay khỏi tù... anh lập tức thanh minh mọi chuyện, anh khẳng định đó chỉ là sự hiểu lầm, do mọi người vì lo lắng trên tinh thần quý mến và lo ngại cho sức khoẻ của tôi mà nôn nóng, giận dỗi trách cứ anh. Anh hy vọng, có tôi mọi sự hiểu lầm sẽ được sáng tỏ, anh sẽ tiếp tục bán sách vào đầu tháng 3 tới, và ngay lập tức gửi 2000 USD tiền bán sách cho tôi.
Tất nhiên, số nhuận bút này chưa đủ 10% như tôi vẫn lĩnh sau khi in sách ở quốc nội (18 cuốn), nhưng so với giá quốc doanh thì thật là một trời, một vực. Hơn nữa như anh đã nói: "Mọi việc đang tiến hành vô cùng thuận lợi, thì trục trặc nhân cách xảy ra, sách lập tức tồn lại trong kho". Hy vọng "vía" tôi không qúa nặng để anh có thể bán hết sách đợt này, và biết đâu còn các cuốn sau, sau nữa. Vì qủa thực người tuổi tí như tôi hơi mắn đẻ. Chỉ cần "giáp tí, giáp thân" một chút là chửa, đẻ được ngay (!) huống hồ tôi còn biết đánh giáp lá cà trong từng con chữ, dám đánh đổi cả nhan sắc mình cho nhan sắc của mỗi câu chữ- từ 25 năm trời nay- ngay khi còn ngồi trên ghế trường đại học.

Thôi thì nói dài, nói dai, chẳng qua nói dại, tốt nhất cho tôi nói lại câu nói của ông bà ta ngày xưa: "Tôi là người giữa, tôi chữa đôi bên". Mong chị Bích Huyền, Hội bảo vệ và nhóm bạn yểm trợ tôi cùng bao nhiêu người có tấm lòng quý mến tôi ...hãy bỏ qúa cho sự việc hiểu lầm đáng tiếc và không nên có trong đợt bán sách vừa rồi ...

Hà Nội 25-2-2008
Trần Khải Thanh Thuỷ