Saturday, February 9, 2008

Ngày xuân đọc lại giai thoại Hồ Xuân Hương



Ngày xuân đọc lại giai thoại Hồ Xuân Hương

Trần Khải Thanh Thuỷ

Hồ xuân Hương con ông Hồ sĩ Danh (1706 - 1783), em cùng cha khác mẹ với quận công Hồ Sĩ Đống (1738 - 1786), quê ở làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lôi, Nghệ An. Mẹ là người xứ bắc, khi cha và anh mất, Hồ Xuân Hương tuy không còn nhỏ nhưng với thân phận thê thiếp lẽ mọn, hai mẹ con đành phải đưa nhau trở về đất Bắc sinh sống. Ngôi nhà nhỏ ven Hồ tây thuộc phường Khán Xuân, khu vực núi Nùng (Bách Thảo- Hà Nội) dẫu chỉ tranh tre nứa lá, nơi Hồ Xuân Hương vừa xem sách, làm thơ, vừa dạy học trò nuôi mẹ già. Nhờ nhân thủy hữu tình mà khách khứa dập dìu ra vào khá đông.
Những bài thơ và giai thoại bà để lại trong thời kỳ này khá nhiều. Giai thoại đầu tiên xuất hiện ngay sau khi bà từ Vĩnh Phú về dựng cổ nguyệt đường dạy học, làm thơ.
Hôm ấy một viên quan lớn trong triều đi vãn cảnh hồ Tây. Trời trong, nước xanh- cảnh vật đẹp đến nao lòng vì bao nhiêu tinh tú của đất trời dường như tụ hội cả ở nơi đây. Nơi mà tâm hồn nhạy cảm của bà nhìn ra và quyết định dừng lại an cư lập nghiệp chứ không tiến vào kinh thành Thăng Long - nơi bao văn võ bá quan, dân kinh kỳ kẻ chợ có máu mặt đều tìm vào - vì vị trí khuất nẻo so với kinh thành...
Tiếng quân lính hô hét dẹp đường, cảnh võng lộng nghêng ngang, tiền hô hậu ủng, phá tan cảnh đẹp của bầu trời nơi đây. Xuân Hương đang giặt ở ven hồ thấy chướng tai gai mắt, liền buông rải quần áo ven bờ, điềm nhiên nhìn thẳng vào kiệu của quan đang đi tới, ngẫm nghĩ trong đầu, tìm tứ thơ, rồi đọc to:
Võng điều quan lớn đi trên ấy
Váy rách bà con giặt dưới này.

Ví cái võng điều của quan lớn với váy rách của bà con quả là chua cay. Xem ra, quan thời xưa chả khác quan thời nay là mấy. Trong khi bà con khổ sở, cùng cực thì quan vơ vét hết cho bản thân. Nhà cao cửa rộng, vợ nọ con kia, còn ô dù võng lọng, nghêng ngang, quát lác, chỉ ăn tàn phá hại, có lợi gì cho dân đâu ?
Nghe câu đối, cả thầy, cả tớ trợn mắt nhìn Xuân Hương, thấy phong thái ung dung, ngôn từ sóc lỏi, độc địa, biết không thể là đối thủ để nạt nộ, đành lẳng lặng đi qua như không hề nghe thấy...Chuyện này mà để lan truyền ra khắp kinh thành Thăng Long thì mặt quan thành mặt mo, còn nhục hơn bị bà con dùng váy rách che lên mặt. Từ đó, như quả pháo xịt ngòi, quan mất hẳn thói nghêng ngang, hống hách, đi đâu bỏ hết lính dẹp đường ở nhà, Hồ Tây trở lại với khung trời cao rộng, cây xanh, nước biếc, đẹp mê hồn.
Giai thoại thứ hai bắt nguồn từ hai chữ cổ nguyệt (ghép lại thành chữ Hồ) có người cho là của Chiêu Hổ chòng ghẹo bà.
Người cổ lại còn đeo thói nguyệt
Buồng xuân chi để lạnh mùi hương ?
(1)
Câu đối ghép lại đủ cả tên họ bà, còn tách ra lại là sự trách khéo: "Đã tự coi là người cổ hủ, trọng nề nếp, gia phong lại còn thích thói hưởng nguyệt, xem hoa, lả lơi, thi phú ? Đang tuổi xuân thì còn hương sắc, mà không gìn giữ nền nếp, gia phong thì buồng xuân còn để lạnh đến bao giờ ?
Sát nhà là đền Trấn Võ, có gác chuông cao, treo quả chuông lớn, nhiều chàng nho sĩ đến thăm, cũng học đòi, ti toe làm thơ. Vốn táo tợn, Xuân Hương chẳng chịu tha cho những kẻ đầy bồ chữ nghĩa, tưởng thênh thang học rộng, tài cao mà toàn đồ chè chai giấy lộn ấy. Xuân Hương quyết lộn trái chúng ra:
- Được gặp các thầy nơi đền cao cửa kín này thật vinh hạnh, thóang trông đã rõ các thầy tài học uyên bác. Dám xin các thầy một bài thơ được không ạ ?
-Tưởng việc gì chứ thơ thì sẵn lắm, cô cứ ra đề cho.
-Dạ tiện đây xin các thầy vịnh quả chuông luôn, cứ lấy vần uông làm vần.
-Tưởng được gãi đúng chỗ ngứa, ai ngờ vớ phải quả chuông rè, chuông câm, ngoài hai tiếng kêu "bính boong" là hết, biết gắn vần uông vào chỗ nào đây ?
Ngần ngừ, mãi vẫn tắc tị, một thầy đánh liều gạ gẫm :
- Vần uông không ổn cô ạ, hay là...
Biết tỏng mớ chữ nghiã giấy lộn trong đôi bồ của các thầy không mấy đáng giá, Hồ Xuân Hương tung chưởng cho họ rơi từ đỉnh gác chuông tới... tận đáy hồ, không sao mọc mũi sủi tăm lên được:
- Sao lại không ? Em thử làm vài câu cho các thầy nghe nhé :
Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông,
Nó bảo nhau rằng ấy cái uông
.
Càng ở càng "sặc nước", quần áo ướt sũng sĩnh vì mồ hôi, nước lạnh Hồ Xuân Hương dội lên đầu, các thầy đành ngớ ngẩn cười trừ rồi cút thẳng. Mỗi lần nhớ lại vần uông, cái chuông của thi sĩ họ Hồ, tên Hương lại buốt tận xương hông, không dám giở trò văn vẻ, chữ nghiã ra trước bàn dân thiên hạ nữa.
Cũng bởi nhà ở gần đền mà Hồ Xuân Hương hay thơ thẩn đi dạo, lần ấy đúng vào dịp Triều đình mở khoa thi, các sĩ tử, văn nhân từ khắp các tỉnh thành trong cả nước dập dìu về kinh thành Thăng Long dự thi rất đông. Trong số đó có “cậu ấm” con quan chánh chủ khảo kỳ thi, cùng đám bạn vàng giầu có. Nhân chơi hồ Hoàn Kiếm thấy cảnh Đền đẹp liền kéo vào. Để tỏ rõ tài thơ phú trước đám bạn vàng, cậu con chánh chủ khảo liền “ Tức cảnh sinh tình” vịnh luôn một bài “thẩn” đề vào ngay vách Đền làm “ kỷ niệm”:
Khen ai đổ đất đắp nên chùa
Một nếp thù lù ở giữa hồ,
Mặt nước bóng chiều đà bảng lảng
Làm sao vẫn chửa thấy chuông khuơ ?

Xuân Hương đang thơ thẩn quanh đó, thấy mọi người cười cợt, chỉ trỏ, liền sà vào, bắt gặp bài thơ và tác giả "rặn thơ" liền ôm bụng cười ngặt nghẽo. Cười chán, bà mượn bút mực, vung tay đề tiếp bài thơ “cảnh tỉnh’ của mình bên cạnh để trả lời “cậu ấm” và một xâu đám bạn lòi tói- những cốc chén, sứt mẻ, rạn vành, gẫy quai, thích chơi trèo của chúng:
Dắt díu nhau lên đến cửa chiền
Cũng đòi học nói, nói không nên
Ai về nhắn bảo phường lòi tói
Muốn sống đem vôi quét trả đền.

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn, gặp người khẩu khí chững chạc đến thế, cậu ấm đành phải dựa cột...để nghe cho thủng, xong bấm bụng, xủng xong lốc nhốc kéo cả xâu chuỗi về. Chẳng bao giờ dám khoe dại, khoe khôn nơi vách đền nữa. Đền được trả lại vẻ đẹp cổ kính, u tịch trang nghiêm ban đầu. Vì sau đó chẳng ai dám vượt mặt “Bà chúa Thơ Nôm” để đề “thẩn” lên tường, làm bẩn tường nữa.
Lại một lần nữa, lúc này tiếng tăm của bà đã nổi khắp thành Thăng Long. Đang lững thững từ chùa Trấn Quốc về Cổ Nguyệt đường thì nghe có tiếng lơi lả, chòng ghẹo ở phía sau, biết rõ căn bệnh: ăn không nên đọi, nói chẳng thành lời của các thầy, Xuân Hương lẳng lặng men theo men hồ, đến sát chân núi Nùng, cạnh nhà, mới dùng lời sắc như dao để cắt đuôi:
- Chả mấy khi được gặp các thầy, em xin đọc hầu các thầy một bài nhé:
Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ
Lại đây chị dạy phép làm thơ
Ong non ngứa nọc châm hoa rữa
Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa.

Nghe khẩu khí biết ngay là Hồ Xuân Hương, các thầy ngượng chín cả người. Tưởng đánh trống qua cửa nhà trời, ai ngờ sấm dội, mưa chan...gẫy cả dùi, vỡ cả trống. Tứ, ngũ túc dúm hết lại, suýt thì lộn cổ xuống hồ. Chờ cho Xuân Hương tung tăng vào hẳn trong nhà, các thầy mới dám xiêu vẹo bước. Thật chẳng cái dại nào giống cái dại nào. Đã ngứa nọc, buồn sừng lại gặp phải dậu thưa, hoa rữa, gỡ chẳng ra lại còn bị cười lỡm đến thối nọc, gẫy sừng.
Tại cổ nguyệt đình, không ít chuyện tức cười xảy ra. Dẫu cách 200 năm (cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18) sự sắc sảo, ngạo ngược của bà vẫn vượt qua lớp rào thời gian trùng trùng, điệp điệp để đến với thế hệ chúng ta hôm nay. Nghe một lần là nhớ, người bạo gan thì thích thú, kẻ hiền lành thì xấu hổ, nhưng không thể nào quên. Hồi bà dựng nhà ở Cổ Nguyệt đường - sáng mở quán bán rượu, chiều dạy học - từng tiếp xúc với nhiều văn nho, sĩ tử, những tao nhân mặc khách trong Kinh Thành ra chơi, song khó chịu nhất là các thầy Cử Võ. Vốn văn dốt, võ dát, hễ rượu vào là lời ra, lại toàn những lời tục tằn nhảm nhí, chỉ từ rốn chị em trở xuống.
Bị xúc phạm sau vài lần được các thầy "bóc trần" bản thể, bà liền "chọc" lại bằng cách họa chân dung chính họ cũng là cái giống quý của họ, ngầm cảnh cáo: "Các ông càng dương dương tự đắc, nghiêm trang, chĩnh chện bao nhiêu thì càng giống với cái "giống quý" bấy nhiêu mà thôi, chẳng hơn gì cái "tục tằn" nơi bản thể chúng tôi đâu.
Bác mẹ sinh ra vốn chẳng hèn
Tối tuy không mắt, sáng hơn đèn
Đầu đội nón da, loe chóp đỏ
Lưng đeo bị đạn rủ thao đen.

Nghe Xuân Hương đọc thơ, các thầy chết lặng, sượng sùng bỏ về. Trước khi ra khỏi Cổ Nguyệt đường, còn cố vớt vát một câu:
- Nó đã họa bộ dạng chúng ta: Vừa ngây ngô, ngây ngố lại bậy bạ, tức cười thế...Hỏi còn mặt mũi nào ngồi lại được nữa?
Từ đó, như bị dìm tận đáy hồ, các ông Cử không bao giờ còn "mọc mũi sủi tăm" để mò đến Cổ Nguyệt đường, tụ tập kể chuyện, bình phẩm bậy bạ, chọc ngoáy lung tung và cười cợt rẻ tiền, khiếm nhã được nữa.
Biết sợ mà vẫn phải nể phục, lần ấy vua Gia Long tiến quân ra Bắc Hà, sai quan chức trong thành dựng cổng trào, treo đèn kết hoa đón tiếp...biết tài Hồ Xuân Hương, các quan bèn cử người đến tận Cổ Nguyệt đường để xin câu đối dán ở cổng chào. Được tiến cử, Xuân Hương không chút do dự viết:
Thiên tử tinh kỳ đương bán diện
Tướng quân Thanh thế áp tam thuỳ.

Nghĩa là: Cờ xí nhà vua dăng khắp chốn, che nửa mặt người. Uy danh tướng quân trùm ba cõi...
Câu đối được treo lên, vua Gia Long nắc nỏm khen, bàn dân thiên hạ cười mủm mỉm, còn quan bé, quan to giật điếng người...vì phong cách nghịch ngợm của Hồ Xuân Hưng chẳng giấu vào đâu được, khen vua mà lại xỏ ngầm chết vua đấy. Bán diện nghiã là khuôn mặt chia ra làm hai nửa theo chiều dọc, còn áp tam thuỳ...có khác gì áp vào cái chỗ ba góc da còn thiếu ấy? Đến nỗi chúa dấu vua yêu một cái này thì tướng quân dại gì buông tha? Câu đối được hiểu theo nghĩa ngầm rằng:
Che nửa mặt... rực cờ Thiên Phủ
Trấn ba góc: rõ tài tướng quân.

Biết được cả nghĩa ngầm lẫn nghĩa phô của câu đối, bà con ai cũng nắc nỏm khen:
-Đúng là khẩu khí Xuân Hương thật, không có nhưng mà có mới ngoan.
Khi,quân Tây Sơn tiến vào giải phóng Thăng Long ghi chiến công Đống Đa oanh liệt: Ngổn ngang giặc chết vùi xương thành gò - viên tướng Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử ngay tại đại bản doanh của mình. Sợ hồn ma, bóng qủy của hắn không chịu ngậm hờn, nuốt tủi nơi chín suối, lại trở về quấy nhiễu dương gian, bà con Hoa Kiều lập miếu thờ. Vốn biết rõ sự tích, Hồ Xuân Hương đã không mủi lòng thương vay, khóc mướn, còn làm thơ tỏ thái độ:
Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo
Kìa đền thái thú đứng cheo leo
Ví đây đổi phận làm trai được
Thì sự anh hùng há bấy nhiêu.

Vào cái thưở trọng nam khinh nữ cách chúng ta một phần tư thiên niên kỷ, bà đã ngạo ngược: Ghé mắt trông ngang, còn bộc lộ rõ thái độ của mình: Ví đây đổi phận làm trai được. Đọc bài thơ từ lời lẽ cấu tứ, quan điểm ...nào ai dám bảo là của nữ nhi thường tình làm ?
Chuyện hiền lành ít tai tiếng nhất của Hồ Xuân Hương đối với những người mến mộ tài năng có lẽ là lần tiếp một chú khách người Tàu.

Vì tò mò, mến mộ, chú khách mò đến cổ nguyệt đường định thưởng nguyệt xem hoa...Nếu dễ dãi thì hái lấy chơi, mà lắm gai quá thì...ngó nghiêng, nghiêng ngó rồi về( mất gì của ngộ?). Không ngờ bị Xuân Hương chặn cửa bằng câu đối:
Chân đi hài Hán, tay bán bánh Đường, miệng hát líu lường, ngây Ngô ngây ngố.
Chú khách đứng sịu mặt, chân di mòn vẹt đất, hai đầu gối reo hát trên nền gạch, trấn tĩnh mãi mới nhận ra ba chữ Hán, Đường, Ngô là tên ba triều vua nước mình mà không biết đối lại thế nào, đành phải nở nụ cười ngây Ngô ngây ngố mà bỏ chạy, tuột cả hài Hán lẫn bánh Đường.
Về quê nội Quỳnh Đôi, bà cũng đối đầu ngang ngửa với các sĩ tử, ông đồ- những người ngưỡng mộ bà lũ lượt kéo tới nhà để xem mặt, bắt...hồn thơ, xem có đúng "danh bất hư truyền" như người đời tán tụng không ?
Trước mặt họ là một người đàn bà nhan sắc chưa phải chim sa cá lặn, dung mạo cũng chẳng phô bày nhung lụa, phấn son, nhưng phong thái đoan trang, ngôn từ lịch thiệp, lại nổi tiếng về trình độ học vấn, giỏi thơ nôm, khiến ai cũng cảm thấy hài lòng, mến mộ.
Cuộc thi tài diễn ra ngay tối đầu tiên, tất cả các sĩ tử, văn nhân đều bị đánh bại, riêng ông đồ Dương Trí Tản- tính tình ngang ngạnh, tự phụ, là ra vẻ bất cần. Chờ cho đám bạn bè thất trận đi vãn ông mới thủng thẳng tìm đến ra mắt người đẹp.
Rít xong điếu thuốc lào, nhả khói mù mịt gian phòng, Trí Tản cố tình ứng khẩu lại bài thơ đã chuẩn bị sẵn:
Eo lưng thắt đáy thật là xinh,
Điếu ai hơn được điếu cô mình
Thoắt châm thoắt bén duyên hương lửa
Càng núc, càng say tính với tình
.
Quá dạn dĩ trong những trường hợp mượn điếu để tả người, vờ say thuốc để say người, lại biết rõ tính tình, nguồn gốc ông đồ tự phong (không qua thi cử, không đỗ ông cống, ông nghè, lại thích đe... hàng tổng) Xuân Hương cho ngã ngựa luôn, khỏi phải say sưa, mơ màng trong khói thuốc nữa:
Giương (2) oai giễu võ thật là kinh
Danh tiếng bao lăm đã tản rồi
Thoáng ngửi, thóang ghê hơi hương lửa
Tài trí ra sao hỏi tính tình ?

Bài thơ tỏ rõ bản lĩnh nhanh nhạy, sắc sảo và cũng không kém phần thẳng thắn, quyết liệt của Hồ Xuân Hương, dùng chính cái tên của ông đồ rởm, gõ đầu trẻ không xong, còn đòi gõ đầu Hồ Xuân Hương? Mượn điếu bát để tỏ tình thân...gái, chưa được gái già này cho phép đã tính chuyện ái ân (hương lửa) trong khi Xuân Hương có cả đống người chạy theo tán tỉnh nơi kinh kỳ, đô hội còn không được nữa là người nghiện thuốc lào, suốt ngày hun khói mù trời, ăn nói ngạo mạn, xấc xược như ông ta. Xuân Hương là con người bằng xương, bằng thịt, thích cảm xúc êm dịu, tao nhã, chứ đâu phải cái điếu bát trơ khấc, để ông muốn bén duyên hương lửa, ân ái vợ chồng lúc nào là có thể đè ra như đè điếu được?
Vừa song phi đã ngã ngựa, ông Trí không dám giữ bộ mặt dương dương tự đắc nữa mà nhân lúc mọi người tản đi vì trời khuya, bèn bấm bụng rút lui, thua tài trí Xuân Hương. Từ đó thôi ti toe, không còn giở thói đàn anh, bắt nạt, lấn lướt, lớp nho sinh, văn sĩ trong làng nữa.
Với độ tuổi ngòai 65 (bà sinh năm 1767- cùng thời với Nguyễn Du và Chiêu Hổ (1765-1768), mất năm 1833 - trước bài thơ của Tùng Thiện Vương- tức Nguyễn Phúc Nguyên Thẩm- viết về ngôi mộ của bà ven hồ Tây, chín năm) cùng một trí tuệ sắc sảo, nghịch ngợm, phong phú hơn người, hẳn cuộc đời bà còn vô vàn những giai thoại, câu đối. Từ việc khóc Tổng Cóc khi hắn và vợ con vẫn sống nhăn răng, đến việc mừng Chiêu Hổ đã vinh hoa, phú quý, thi đỗ ra làm quan, khóc ông Phủ Vĩnh Tường, khóc cho thân phận mình những đêm khuya thanh vắng ...Tiếc rằng với một bài viết nhỏ không thể nào tải hết được, đành phải cất "gậy thần, hồ lô" khép cánh cửa tâm hồn, cuộc đời, giai thoại của bà lại, chờ ra giêng ngày rộng, tháng dài, sẽ có dịp bầy tỏ đầy đủ, kỹ lưỡng hơn.
...Là bậc hậu sinh, chỉ dựa cột nghe các bậc tiền bối đàm đạo, phán xét mà có đôi lời bàn luận, thưa thớt. Năm hết, tết đến, có gì còn sơ suất, xin được lượng thứ.

Kinh thành 21-1-2007
TKTT
----------------------------------------------------------
(1) Trong văn bản của Đại Nam đối thi tại Học viện Viễn Đông, Bác Cổ (Pháp) lại là một sự khẳng định. Không rõ là tam sao thất bản hay chủ ý của người trêu: Buồng xuân chỉ để lạnh mùi hương ?
(2) Từ đồng âm với tên họ Dương của ông Trí.