Thursday, January 31, 2008

Tin mới về Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy



Bản Tin Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy sẽ bị đưa ra tòa Việt cộng ngày 31 tháng 1 năm 2008

Nguồn tin từ Hà Nội sáng nay cho biết: ngày mai, 31 tháng 1, tòa sơ thẩm sẽ xét xử nhà văn Trần Khải Thanh Thủy sau hơn 9 tháng bị giam cầm và biệt lập độc đoán. Chưa rõ giờ nào phiên tòa bắt đầu. Cơ quan an ninh cộng sản chỉ mới báo tin cho ông Đổ Bá Tân, chồng bà Trần Khải Thanh Thủy biết hôm qua thứ ba. Gia đình chưa được trả lời về quyền tham dự phiên tòa.

Từ ngày tác giả Nhật Ký Ngục Tù, Hang Đá, Đối Thoại cùng Sông…bị bắt (21 tháng 4 năm 2007) đến nay, ông Đổ Bá Tân và hai cháu gái Đỗ Thủy Tiên và Đỗ Trần An Khuê không hề được gặp mặt. Vì bà Trần Khải Thanh Thủy bị bệnh lao nặng và bệnh tiểu đường, gia đình nhiều lần yêu cầu được trực tiếp nói chuyện hoặc nhìn thấy mặt từ xa để hiểu rõ tình trạng sức khoẻ người thân đang bị đày đọa bất công trong trại giam. Cuối cùng, câu trả lời duy nhứt của kẻ cầm quyền:"Đang trong thời gian điều tra, không thể gặp được". Đến tháng 9 năm 2007 là kết thúc thời gian 4 tháng tạm giam (theo Luật Hình sự CHXHCNVN), vẫn không thấy cơ quan Điều tra An ninh thông báo cho gia đình. Sau đó, nhiều lần gia đình chuyển đến họ lời đề nghị của Trung tâm điều trị bệnh lao Quận Đống Đa Hà Nội (nơi quản lý và điều trị bệnh lao). Thân nhân đã khiếu nại với Viện Kiểm sát Nhân dân và Phòng An ninh Điều tra Công an thành phố Hà Nội. Và yêu cầu cho bà Trần Khải Thanh Thủy được đi khám và điều trị bệnh, đúng theo phác đồ Trung tâm bệnh Lao (lấy kết quả khám nghiệm gởi về Trung tâm điều trị Lao Quận Đống Đa). Cũng như phải thông báo cho gia đình về việc gia hạn điều tra. Nhưng chỉ có im lặng và im lặng. Ngày 9 tháng 11 năm 1989, bức tường Ô Nhục Bá Linh đã bị giựt sập. Ngày nay, vẫn còn rơi rớt trên quả địa cầu của thế kỷ 21 một vài bức tường Phi Nhân, chẳng hạn như bức tường Im Lặng đằng sau lũy tre Việt Nam thật là kinh khiếp!

Đến tháng 10 năm 2007 thì Trung tâm điều trị bệnh lao ngưng cấp thuốc chữa bệnh. Lý do viện dẫn: "Nếu Trại giam không đưa cô Trần Khải Thanh Thủy đi khám và xét nghiệm đờm, thì Trung tâm không có cơ sở để kết luận tình trạng bệnh, sau 8 tháng điều trị’’. Nhà cầm quyền cộng sản đã nói dối gia đình là đã đưa nữ tù nhân đi khám và xét nghiệm tại Bệnh viện Thanh Nhàn - Hà Nội (Bệnh viện các bệnh về Phổi và Lao Hà Nội). Và họ nói rằng sức khỏe bà Trần Khải Thanh Thủy tốt, tăng cân, bệnh đã tiến triển tốt và kết quả Âm tính. Sau khi tiếp xúc với Bác sĩ điều trị Lao tại Trung tâm Đống Đa để xác minh thì gia đình mới biết là mình bị họ lừa dối. Chuyện tồi tệ khác nữa là gia đình tù nhân viết đơn khiếu nại nhưng không được kẻ đại diện guồng máy thống trị cứu xét nghiêm chỉnh và tôn trọng. Kẻ cầm quyền rất tùy tiện về việc vận dụng ‘’Luật Pháp’’ vào công việc họ đang làm. Sau thời gian bà Trần Khải Thanh Thủy ngưng dùng thuốc điều trị bệnh lao, hàng tháng gia đình gởi các loại thuốc chữa bệnh tiểu đường và bệnh viêm đại tràng cùng một số thuốc bổ dưỡng khác. Mặc dù tháng nào gia đình cũng gửi thuốc đều, vậy mà lần vào gởi quà mới đây (19 tháng 1 năm 2008), Phòng Y tế trại giam còn đòi trả 1 triệu đồng tiền thuốc cung cấp cho nữ tù nhân.

Bà Trần Khải Thanh Thủy, 48 tuổi, là một nhà văn có uy tín nhờ tinh thần độc lập, đầy sức sáng tạo, tác phẩm phong phú, dưới nhiều bút hiệu khác nhau (Nguyễn Thái Hoàng, Nguyễn Thị Hiền, Nguyễn Thái Bình, Nguyễn Quý Dân, Nguyễn Hải, Võ Quế Dương, Trần Thị Thanh Hằng, Phạm Xuân Mai , Mai Xuân Thưởng, v.v…). Bà còn là một nhà thơ, nhà viết tiểu luận, phóng viên và cộng tác biên tập với nhiều tờ báo, trong số đó có bán nguyệt san Tổ Quốc (báo Dân chủ Đối kháng bị cấm). Bằng ngòi bút trung thực, bà bênh vực những nạn nhân của bất công xã hội. Đặc biệt là bà đã viết về nhiều trường hợp cán bộ viên chức tham nhũng và lạm quyền, cướp đất chiếm nhà của hàng trăm nữ nông dân không có khả năng tự vệ và đối kháng. Bởi vậy bà trở thành đối tượng của nhi ều cuộc sách nhiễu hung bạo và câu lưu để thẩm vấn lâu dài của công an về những bài bà viết phổ biến trên Internet. Bà bị canh chừng nghiêm ngặt, bị thẩm vấn hàng ngày. Bà từng bị bắt lại đầu tháng 10 năm 2006 và bị tra hỏi về các bài tiểu luận ‘‘Hang Đá’’, ‘’Tự Thuật’’ và ‘’Đối Thoại’’ được viết sau lần bà bị câu lưu hồi tháng 9. Bà cũng bị công an đưa ra giữa một phiên tòa án nhân dân tại một sân vận động, nơi mà đám đông khoảng 300 người bị bắt buộc tham dự vào cuộc ‘’đấu tố’’, sỉ nhục bà. Chưa hết, một đám đông khác đã bao vây nhà bà. Bọn người tỏ vẻ ‘‘hiềm thù’’ đó còn buộc tội bà là ‘‘kẻ phản bội và bán rẻ danh dự’’. Rồi tới chiều ngày 27 tháng 10 năm 2006, trước sự hiện diện của công an, một đám đông khác tràn vào nhà bà. Hai vợ chồng bà bị đánh đập tàn bạo. Chẳng những bọn công an từ khước bảo vệ bà, chúng còn cho biết đó là phương cách độc nhứt để buộc bà phải từ bỏ công cuộc đấu tranh tích cực của bà cho Tự Do Dân Chủ và Nhân Quyền. Bà bị mất việc từ tháng 11 năm 2006 trong lúc chồng bà, nhà giáo Đỗ Bá Tân, cũng bị thường xuyên sách nhiễu tại nơi làm việc.

Năm 2007, Đài Quan Sát Nhân Quyền ( Human Rights Watch ) trao tặng bà Giải Tự do Phát biểu Lillian Hellman/Dashiell Hammet*. Nhân Ngày Quốc Tế Phụ Nữ 8-3-2007, Văn Bút Quốc Tế đã tuyên dương bà Trần Khải Thanh Thủy (Việt Nam), bà Umida Niyazo (Ouzbékistan) và bà Serkalem Fasil (Éthiopie) tiêu biểu cho những nữ đồng nghiệp viết văn và làm báo dũng cảm đang bị giam cầm và bị hành hung vì sử dụng quyền tự do phát biểu. Qua cuộc vận động của Trung tâm Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong và Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh Vực Nhà Văn bị cầm tù, Trung tâm Văn Bút Anh Quốc đã bầu nhà văn Trần Khải Thanh Thủy làm hội viên danh dự. Bộ Ngoại Giao và Đại sứ Anh Quốc tại Việt Nam đã được báo động về tình trạng sức khỏe, điều kiện giam cầm bà Trần Khải Thanh Thủy và phiên tòa sơ thẩm có thể mở ra ngày mai tại Hà Nội. Nhà cầm quyền CHXHCNVN, qua Đại sứ của họ tại Anh Quốc, có thể đã tiếp nhận văn thư yêu cầu phiên tòa xử nhà văn Trần Khải Thanh Thủy được công minh và ông Đỗ Bá Tân, chồng bà được tham dự cũng như các nhà quan sát quốc tế.

Hiện nay, bà Trần Khải Thanh Thủy bị nhốt tại Trại giam B14 Xã Thanh Liệt Huyện Thanh Trì , Hà Nội.

* Giải thưởng Tự Do Phát Biểu Lillian Hellman/Dashiell Hammet 2007 dành cho 45 nhà cầm bút bị đàn áp, ngược đãi trên khắp thế giới. Trong số khôi nguyên có 8 nhà văn và nhà báo dân chủ đối kháng Việt Nam. Bên cạnh bà Trần Khải Thanh Thủy có nhà báo Nguyễn Vũ Bình (lúc ấy còn bị cầm tù và đau nặng), nhà viết tiểu luận Đỗ Nam Hải, luật sư Nguyễn Văn Đài, nhà bình luận Nguyễn Chính Kết, nhà báo cựu tù nhân Nguyễn Khắc Toàn, nhà viết quân sử CS cựu tù nhân Phạm Quế Dương và nhà luật học cựu tù nhân Lê Chí Quang.

Genève ngày 30 tháng 1 năm 2008
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Ligue Vietnamienne des Droits de l'Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland


(Theo Web Vietnam Exodus)