Thursday, January 10, 2008

BIẾT YÊU TỪ THUỞ...CÒN THƠ



BIẾT YÊU TỪ THUỞ...CÒN THƠ

Phóng sự : Trần Khải Thanh Thuỷ

Trong điện thoại tiếng ông bố trẻ oang oang:
-Bà chị ơi, sao bà giàu trí tưởng tượng thế, cháu nó mới có 15,16 tuổi đầu, vừa kịp rời bầu vú mẹ xong.
-Phải, giọng chị tôi gay gắt, thế mà đã kịp sà sang bầu vú người yêu là con gái tôi rồi đấy, anh không tin à ? Hay anh tưởng tôi thừa tiền, rỗi hơi, rách việc gọi điện thoại công cộng đến để trêu anh chắc?
-Khổ lắm, giọng bên kia dầu dây bán tín bán nghi...dù sao dưới con mắt vợ chồng tôi, nó chỉ là một thằng nhóc, mới có “mày’’ chứ đã kịp có “râu’’ đâu? Tôi không tin nó dám vượt rào, trèo vào “vườn thượng uyển’’ nhà chị hái “trái cấm’’ nhanh thế, chị có biết câu danh ngôn của nước ngoài không:
“Chặng đường dài nhất trong cuộc đời mỗi người đàn ông là đi từ bầu vú mẹ sang ...bầu vú người yêu, ít nhất cũng khoảng 25-30 năm”.
-Thôi, thôi chị tôi bực bội dập ống nghe rồi quay sang tôi, trút hết mọi bực bõ trong đầu:
-Đấy cô xem, sao lại có người cha vô tâm đến thế, lại còn trích dẫn cả danh ngôn nước ngoài ra để hù doạ nữa cơ chứ, lão ấy có biết đâu là cái đoạn đường ấy nó chỉ xa với thế hệ tôi và cô thôi, lơ tơ mơ là phê bình, kiểm điểm, đình chỉ công tác liền, còn thế hệ hiện đại bây giờ ấy à? Quãng đường mà cha chú phải đi từ 25 đến 30 năm thì chúng nó “đốt cháy giai đoạn’’ tăng tốc vùn vụt còn 15-16 năm ấy chứ, rõ là ‘’con hơn cha nên nhà có phúc’’ thật.
-Thôi chị ạ, tôi cố làm dịu cơn bốc hoả trong đầu chị - Chuyện “động giời’’ như vậy nói qua điện thoại làm sao được. Cần thiết đem cả nhân chứng, vật chứng đến, đưa tận tay, day tận trán ông ấy chứ.
Chị quầy quả bỏ vào trong nhà, sửa soạn đi làm, mình tôi ngồi lại với đống sổ sách thư từ, quà tặng ảnh chụp của cô cháu gái, vừa đọc tôi vừa bật cười, mà không khỏi lo ngại vì sự “hậu sinh khả uý’’ của thế hệ chúng nó. Đang học lớp 11, vừa kịp cởi khăn quàng đỏ, thoát cảnh “nhanh bước nhanh nhi đồng’’ mà sao bập vào bể tình ái sớm thế? Cả cuốn sổ mạ vàng do bạn trai tặng để làm sổ từ môn pháp văn, được chép chi chít thơ thẩn, ngạn ngữ thế giới về tình yêu, hôn nhân, gia đình, những trường đoạn nỉ non sướt mướt rên rỉ mà tôi không thể không trích dẫn:
Họ cưới em rồi tôi cưới ai
Làm sao bớt lạnh những đêm dài
Những mùa đông đến lòng tê tái
Những buổi thu về sống lẻ loi.

Họ cưới em rồi tôi ra đi
Đời em không thể lấy hai chồng...

Chúi mũi vào đọc tôi không biết chị đã đứng đằng sau từ lúc nào, biết tôi quan tâm, chị hất hàm bảo:
-Đấy cô xem, tí tuổi đầu mà đầu óc đã tiêm nhiễm, ám ảnh thế, thì còn học hành thi thố gì...bao dự định lại chôn vùi trong nhung nhớ hết.
Tôi hỏi dè dặt:
-Cháu Tuấn có hay đến đây không hả chị ?
Như chỉ chờ có thế chị bùng lên như một quả cầu lửa chứa đầy năng lượng
-Ngày nào chả hẹn hò đưa đón năm lần bảy lượt.
-Chết, tôi buột miệng, sao lại thế được ?
-Thì tôi cũng như cô, suốt ngày vùi đầu vào công việc, cứ nghĩ chúng nó chỉ là bạn bè, tặng sổ rồi đợi nhau đi học...ai ngờ con bé cứ về đến nhà là vào phòng riêng khoá chốt lại, lặn ngụp trong đống kỷ niệm vương vấn nhớ nhung ấy. Ra khỏi phòng là mắt la mày lét, hết nhìn trộm mẹ lại xem đồng hồ, điểm học thì sút đi trông thấy ,đã thế hễ mở miệng là lầm rầm “khấn khứa” tình là tình như không mà có, tình là tình có cũng như không, này em ơi em đẹp quá đi thôi, áo học trò xé nát tâm hồn tôi.
Chị vừa đi, cháu Hà về, nhìn mọi thứ trong phòng bị đảo lộn, cháu nhào tới, xâu xé, tức tưởi
-Cháu bắt đền cô đấy, ai bảo cô vào phòng của cháu, hứ hứ...
Vừa xin lỗi, vừa lựa lời giải thích mãi, tôi mới giúp cháu nguôi ngoai nỗi bực trong người, để bộc bạch, giãi bày và tin tưởng tiết lộ bí mật riêng.
-Ôi dào, cháu thản nhiên, 15 -16 tuổi như cháu mới yêu là đứng đắn chán, khối đứa còn yêu khi vừa vào lớp mười cơ...Ngồi trong lớp, chúng nó cứ chép thơ ra giấy rồi truyền nhau khắp lớp, cháu thuộc và chép lại trong sổ có gì đâu.
-Thế cháu không sợ ảnh hưởng đến học tập à ?Tôi cắt ngang.
Cháu phụng phịu:
-Cô đúng là em ruột bố cháu có khác, lúc nào cũng học, học nữa, học mãi, ...hộc ra máu mới thôi chắc.
Là người trong nhà, tôi biết cả bố và anh cháu ở tận Đức, người đi làm, người đi học ,cả nhà chỉ còn hai mẹ con. Mẹ cháu làm công tác ở hội liên hiệp phụ nữ nên cũng đi vắng suốt. Nào hội họp, đi cơ sở, có khi mấy ngày liền chỉ gọi điện thoại về. Thức ăn tống đầy tủ lạnh, tiền lẻ để cho cháu chi tiêu cũng chật cả ngăn kéo...học mãi xem băng mãi, chơi đùa với con Lu mãi cũng chán ...Mới đầu cháu rủ cả hội ở lớp về “đập phá’’, sau tự dưng “tách đôi” hết, chỉ còn mình Tuấn với cháu...Thế là bập vào thích nhau lúc nào không biết. Bây giờ - cháu khẳng định- vừa ấm ức, vừa vui thích : - Ngoài bạn ấy ra cháu chẳng cần ai khác, kể cả mẹ cháu, muốn đi qua đêm cũng được, đi bao lâu tuỳ thích...
“Lửa gần rơm lâu ngày đã bén’’, không khéo thiêu cháy hết mọi hy vọng dự định của anh chị tôi đặt vào cháu cũng nên... Nhớ lại mẩu đối thoại bất đắc dĩ của chị tôi với ông bố đáng kính : Đến như thế mà anh còn cười: “Chỉ có thế thôi à? ” Hay anh muốn tôi tận mắt chứng kiến hai đứa bỏ học dắt díu nhau đến bệnh viện phụ sản hay uỷ ban phường xin đăng ký ? Tôi quyết định phải kịp thời tách “đống rấm’’ ra khỏi “bùi nhùi’’ trước khi ông bố trẻ tỉnh ngộ, kẻo cứ tin vào sự “nông nổi giếng khi’’ của ông ta, phủ nhận sự “sâu sắc như ci đựng trầu’’ của chị dâu tôi thì tương lai hai đứa chìm nghỉm tận đáy...

*
* *

Hiện tượng ung thư tâm hồn ở độ tuổi lỡ cỡ như thế này đến thời điểm 2004 này không còn là hiếm. Nhiều nơi có nguy cơ bùng nổ thành mốt. Đúng là đã “no cơm ấm cật’’, lại được “thả nổi...mọi đường’’. Từ băng hình ngoài luồng, đến các loại “ka ra ô kê ôm’’, văn hoá phẩm rẻ tiền...Đang độ “ăn chưa no, lo chưa tới” cộng với sự tò mò bắt chước, “voi đú chuột chù cũng đú’’ lại thêm “gà trống tức nhau tiếng gáy’’... “Đời không yêu là đời đáng ngán. Không xem phim sex là đời bỏ đi”...Tội gì phải mang tiếng là “đồ cù lần’’, “lại gái’’ ? với lại giữa thời mở cửa, kinh tế thị trường này chuyện yêu đương đâu còn bị kiểm soát, cấm đoán, hoặc quy kết thành hạnh kiểm đạo đức, tư cách như trước nữa? Chỉ vài lần đến dự sinh nhật bạn, gặp gỡ nhau sau mấy cuộc liên hoan, trao tặng nhau dăm ba tặng phẩm là yêu liền tay ngay. Bề ngoài các bé cứ nguây nguẩy : Tuổi bây giờ mới được 13, em còn bé lắm ...mấy anh ơi, kỳ thực đã bị chết trong lòng một tí rồi đấy.
Những kẻ mắc chứng bệnh “quái quỷ” trước tuổi dạy thì này, phần lớn là con cái các gia đình buôn bán hoặc là con các cán bộ chức sắc có cỡ, địa vị to, bổng lộc nhiều, được gia đình chiều chuộng thả nổi, biết nói dối để moi tiền bố mẹ ,thả sức tiêu pha ăn nhậu, tụ tập bè nhóm đã đành còn tập tọng làm người lớn, tiêm nhiễm mọi thói hư tật xấu ở đời, từ hẹn hò đưa đón đến “vợ nhỏ, bồ nhí’’ ...cũng không loại trừ một số gia đình nghèo, trong lúc bố mẹ lặn ngụp trong bể khổ kiếm sống, bỏ mặc con cái nên chúng dễ nhiễm chứng đua đòi ăn diện. Đã mặc sức làm chủ thời gian, làm chủ môi trường rồi, còn được cả cái quyền quan trọng tối thượng là làm chủ bản thân nữa. Thế là a lê hấp (!) bập vào tình yêu như một nhu cầu giải toả sự buồn bã, trống vắng: Cũng thương cũng giận cũng ghen tuông, hẹn hò nhớ nhung giết thời giờ...ở độ tuổi “choai choai’’ các tế bào ‘’ung thư’’ lại dai dẳng tấn công tâm hồn, trí não, hầu hết các em không ý thức được việc mình làm, không lường trước được mọi hậu quả sẽ xảy ra. Mới đầu là tò mò thinh thích rồi trao thân gửi phận, tất cả chỉ cách nhau có một bước chân. Kết quả sai một ly đi một dặm, nhiều em nữ phi trả giá bằng cả cuộc đời mình, đó là việc mang thai ngoài ý muốn. Từ chỗ tâm lý hoang mang lo sợ, sức khoẻ suy kiệt, đến việc buộc phải vào bệnh viện xử lý gây nên một cú xốc lớn, không những về mặt tinh thần mà còn đe doạ đến cả ...tính mạng. Chưa kể việc mắc các bệnh phụ khoa, dẫn đến sự vô sinh và chửa ngoài dạ con sau này.
GS Viện sĩ Phạm Song, chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam, tại hội nghị định hướng và lập kế hoạch cho dự án “Phát huy sức mạnh giáo dục là vắc-xin duy nhất hiện có để phòng chống HIV/AIDS trong vị thành niên và thanh niên Việt Nam”, tổ chức ngày 21/4 /2006 tại Hà Nội. Cho biết :
15% thanh niên Hà Nội quan hệ trước hôn nhân, tập trung vào lứa tuổi 15-19. Tỷ lệ nạo phá thai tại Việt Nam xếp vào một trong ba nước cao nhất thế giới, trong đó 20% là lứa tuổi thanh niên.
Báo cáo của Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam đưa ra tại hội nghị lần này cũng bức xúc không kém: Việt Nam hiện có 23,8 triệu người vị thành niên và thanh niên, chiếm 31% dân số. Ước tính trong mười năm tới, tỷ lệ này sẽ tăng thêm 4,8%. Hiện nay, cả nước có đến 5% các bé gái sinh con trước tuổi 18, và 15% sinh con trước tuổi 20.
Phát biểu tại hội nghị, GS Viện sĩ Phạm Song khẳng định:
Một số em dưới tuổi 15, do chưa hiểu biết đầy đủ về tính dục song đã có quan hệ với bạn học, dẫn tới hậu quả khó lường lây lan qua đường tình dục là 1,16% (với bệnh lậu) và 1,5% các bệnh hoa liễu khác. Bên cạnh việc có thai ngoài ý muốn, lây nhiễm các chứng bệnh hiểm nghèo, còn là sự tổn thương về tinh thần, thậm chí sa đà vào mại dâm, ma túy...
Thống kê mới nhất Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cho thấy trong độ tuổi từ 15 - 24, đáng ngại nhất là các thành phần nghề nghiệp trong xã hội như nông dân, công nhân, công chức và cả học sinh, sinh viên đã có tỷ lệ nhiễm HIV. Thanh niên khám nghĩa vụ quân sự có xét nghiệm dương tính với HIV là 1,31%, trong khi tỷ lệ này ở các bà mẹ có thai là 0,39%.
Ở độ tuổi này thực tình các em đâu đã ý thức được rằng mình đang đùa với bệnh tật, tử thần. Coi tương lai, hạnh phúc, sức khoẻ của mình như những lá bài đen đỏ, sẵn sàng quẳng tất cả xuống chiếu bạc để rồi chỉ vài tháng hoặc vài năm sau đó trở thành trắng mắt trắng tay, cuộc đời đen bạc mở ra trước mắt.
Giữa thời kỳ mở cửa dân chủ thật, song nỗi mặc cảm về tâm lý, những ước lệ đạo đức truyền thống giành riêng cho phụ nữ vẫn thường xuyên ám ảnh tâm trí non nớt của các em như một vầng mây đen...tự coi mình như một thứ của “dùng rồi’’, ít giá trị, kém phẩm chất, các em không đủ can đảm vượt qua ngưỡng đạo lý ken dày. Đa số buông xuôi số phận mình cho định mệnh rủi may mà không ý thức đầy đủ những điều kiện tiên quyết tối thiểu cho cuộc hôn nhân sắp tới gồm các đặc điểm về tính nết, sở thích, năng lực trình độ, quan điểm sống v.v...miễn là lấy được chồng, dù rằng: Chồng gầy chồng bé, tí tẹo tèo teo, chân đi cà kheo cũng được...thật là sự mất mát tàn nhẫn...
Hỡi các bậc làm cha mẹ. Dù đi đâu và xa cách bao lâu, xin hãy để mắt tới con mình, đặc biệt trong độ tuổi lỡ cỡ, quá độ này, kẻo trồng cây sắp đến ngày ăn quả lại phải ngậm ngùi than thở: Quả đào tiên ruột mất vỏ còn, buông lời hỏi bạn đường mòn ai đi? hoặc: Trăng lên nhu nhú đầu non, số em là số sớm con muộn chồng như lời cảnh tỉnh của các bậc tiền bối trong kho tàng tục ngữ ca dao dân ca việt nam...Cũng xin các thầy cô giáo, các nhà tâm lý, trung tâm tư vấn, các quỹ bảo vệ và chăm sóc trẻ em hãy gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh để kịp thời ngăn chặn hiện tượng biết yêu từ thưở em còn thơ ngây này như lời chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam phát biểu trong hôi nghị: "Phải tạo môi trường thuận lợi ngay từ trong nhà, hoạch định các chính sách quốc gia, giữa chính quyền địa phương, gia đình, học đường, cũng như xã hội để vị thành niên - thanh niên chủ động tham gia, nắm bắt thông tin đầy đủ, từ đó có hiểu biết và tự nguyện giải quyết vấn đề của mình.

Bệnh viện phụ sản 20-1-2007
TKTT