Tuesday, September 18, 2007

Đọc "Viết Từ Hang Đá, ..." của TKTT


Ðọc “Viết Từ Hang Ðá, Nhỏ Lệ Cùng Dân” của Trần Khải Thanh Thủy

Vũ Ánh

(Wednesday, September 12, 2007)

LTS.- Vào lúc 1 giờ 30 chiều ngày Thứ Bảy, 15 Tháng Chín, 2007, cơ sở Thi Văn Cội Nguồn sẽ cho ra mắt tuyển tập “Viết Từ Hang Ðá, Nhỏ Lệ Cùng Dân” của Trần Khải Thanh Thủy, một nhà giáo, một nhà văn đang bị Cộng Sản cầm tù tại Việt Nam. Tuyển tập được ấn hành theo lời yêu cầu của chính tác giả với hy vọng sẽ là một bản cáo trạng chế độ Cộng Sản Việt Nam trước thế giới. Dưới đây là bài điểm sách của nhà báo Vũ Ánh.

Thật ra, tôi đã được đọc một số bài của Trần Khải Thanh Thủy từ năm 2006 do cụ Bùi Tín gởi cho với những nhận định chắc nịch của cụ: “Cần phải đọc nhà văn nữ này, kinh nghiệm mà cô trải qua rất đáng trân trọng”. Tuy nhiên, những bài viết của Trần Khải Thanh Thủy mà tôi nhận được từ 2006 cũng vẫn chỉ là những suy nghĩ tản mạn của người phụ nữ “sinh ra và lớn lên giữa lòng Ðảng, giữa lòng chế độ XHCN đã can đảm vượt qua nỗi sợ hãi và hèn nhát, thẳng thắn vạch trần mọi sự dối trá, phỉnh gạt, bưng bít” (CSTV Cội Nguồn). Phải đợi đến khi tác phẩm “Viết Từ Hang Ðá, Nhỏ Lệ Cùng Dân”, người đọc mới hình thành được trọn vẹn những cảm xúc, lòng yêu thương, mối quan hoài về sự sống và tương lai dân tộc mà tác giả đã đặt lên những trang giấy mỏng manh. Tôi cho rằng “cái hòn than ngâm lửa” như Trần Khải Thanh Thủy thực ra không phải là một hòn than mà chính là một khối lửa thật sự, khối lửa của nhân cách, tiết tháo, của tính cương nghị và lòng tự trọng. Nó đang tỏa sáng và hiển nhiên, một chế độ như chế độ độc tài độc đảng đang ngự trị ở Việt Nam thì không thích thứ ánh sáng ấy. Ðời sống của một đảng, một chế độ như chế độ cộng sản đều dựa trên sự trí trá, lừa lọc và ngụy tín, tất phải tìm cách dập tắt khối lửa ấy. Và càng hiển nhiên hơn, một xã hội được sản sinh trong hoàn cảnh đất nước như thế, chẳng còn chỗ nào cho những người như Trần Khải Thanh Thủy dung thân. Và con đường dẫn nhà văn tới cánh cổng nhà tù nay đã là hiện thực sau khi bà đã để lại cho thế giới một tác phẩm viết bằng những kinh nghiệm cay đắng và nước mắt của mình.

Ngay từ trang 23 của “Viết Từ Hang Ðá”, người ta đã thấy ngay lối diễn tả đầy mai mỉa về những con người “cách mạng” mà nhà văn này phải chạm mặt hàng ngày qua hình ảnh của cán bộ Lý, Huế trong “Một Ngày Bóp Vụn Nhân Cách”. Lũ công an được giao cho nhiệm gìn giữ văn hóa này thật ra là một bọn vô văn hóa, một bọn có một sách lược vu oan giá họa, nâng quan điểm để đàn áp những suy nghĩ của những người lương thiện nào còn có suy nghĩ lương hảo và ngay thẳng như Trần Khải Thanh Thủy rất bài bản. Chúng được học đến nơi đến chốn về cách làm thế nào để choàng cái thòng lọng vào cổ đối tượng triệt hạ. Tác giả “Viết Từ Hang Ðá” đã mô tả bọn công an văn hóa giống như những con chim rừng bị cận thần của các hoàng đế cộng sản bắt từ lúc sơ sinh, được nuôi dưỡng công phu trong ống tre bằng nhiều loại thực phẩm quí chỉ thò mỏ và chân ra ngoài. Khi chim lớn lên chúng có thân hình đúc khuôn như ống nứa, thịt nung núc, nhưng cánh và chân bị teo lại. Lúc nhà bếp chẻ ống nứa lôi chim ra làm thịt, lũ chim béo ục ịch chỉ nhảy được vài bước ngắn rồi lăn kềnh ra sàn. Trần Khải Thanh Thủy viết tiếp, xin trích:
“Ðó là nguyên tắc thích ứng. Hàng vạn kẻ khoác áo cơ quan an ninh bây giờ là như thế, chúng đã quen với ống nứa, với rào quây, chúng sẽ ngã quay ra lề đường ngay, làm sao mà tự kiếm ăn cho được. Vì vậy, tuy biết mình bị Ðảng thịt (giết) mất nhân cách, chúng vẫn vui vẻ chấp nhận, coi như không có chuyện gì dù phải nhổ lông móc mắt đồng loại mình”.

Bảy mươi sáu năm Ðảng được đan bằng những đám an ninh không thể tự nuôi sống mình cho đàng hoàng mà phải bán rẻ lương tri, dựa vào Ðảng, dựa vào uy quyền của Ðảng để hà hiếp lương dân. Nhiệm vụ họ được giao là phá vỡ mọi giá trị đạo đức và lương tri của những người nào còn đạo đức và lương tri, còn biết suy nghĩ ngược lại hoặc chống lại những suy nghĩ bệnh hoạn của những hoàng đế cay nghiệt, u tối mà người dân thường gọi là những “lãnh đạo Ðảng”. Chế độ công an trị với những tay như Lý, như Huế thì chắc chắn xã hội họ cai trị chỉ còn gồm toàn những con người bị bóp vụn nhân cách. Vì thế những người như Trần Khải Thanh Thủy chống lại những nỗ lực này của những hoàng đế cộng sản như thế tất sẽ phải nhận lãnh những đòn đàn áp hèn hạ nhiều khi tan nát cả cuộc đời.

Trong suốt phần đầu của “Viết Từ Hang Ðá”, Trần Khải Thanh Thủy đã vẽ lại bức tranh u ám của một đất nước mà mafia cộng sản ngự trị quá lâu, từ những bài “Cái Giá Tự Do Quá Ðắt”, “Lẽ Phải Của Hèn Hạ Và Nô Lệ” cho đến “Ðất Nước Ðẹp Như Thế Này, Sao Tôi Phải Quay Lưng”, “Mặt Trái Của Ðảng”, “Mở Mắt Ra và Nhỏ Lệ Cùng Dân”... tác giả đã viết một bản cáo trạng với chế độ và đảng Cộng Sản.

Khác với Vũ Thư Hiên trong “Ðêm Giữa Ban Ngày”, Trần Khải Thanh Thủy đã mô tả những hiện thực trong đời sống của một nhà giáo, một nhà văn bị gọi lên đồn công an để “làm việc” tức là để khai báo những cáo buộc mà bà không hề có. Những ai đã từng sống trong chế độ cộng sản, đã từng trải qua những năm tháng cải tạo đều hiểu rằng từ ngữ “làm việc” chỉ là một hàm ý ép cung, có nghĩa là buộc người ta phải nhận những gì mà họ không làm. Cả nền an ninh của đảng CSVN lập ra dường như chỉ gồm toàn những người máy hỏi một câu giống nhau: “Nếu anh, chị không có lỗi thì ai bắt vào đây làm gì?” Hình ảnh của một cái đồn công an với những dân đen lui tới, qua lại và thân phận bé mọn của họ, không phương tiện chống đỡ phải trải qua những ngày tháng bị tra hỏi, bị hù dọa, bắt nọn, khuyên can, trù dập trước khi chính thức được đưa vào các nhà lao... chính là hình ảnh thu nhỏ của đất nước mà Trần Khải Thanh Thủy cùng 83 triệu người đang phải sống.

Ðảng như thế và dân như thế. Trong một giai đoạn nào đó của cuộc đời có khi sự phẫn uất chỉ được biểu lộ bằng một nụ cười mỉa hay chí ít cũng chỉ bằng một câu chuyện nhạo báng. Tác giả Trần Khải Thanh Thủy tìm ra thủ phạm dẫn tới sự thê lương của một xã hội thiếu dân chủ, tự do ở Việt Nam chính là một “hoàng đế của dối trá” Hồ Chí Minh và bọn cận thần gốc gác là những con chim nuôi trong ống tre. Trần Khải Thanh Thủy đã biểu lộ sự giận dữ của bà bằng cách nhớ tới một câu thơ của Chế Lan Viên nịnh họ Hồ:

Ðất nước đẹp thế này sao bác phải ra đi
Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn bác


Và nhà văn đã nhại lại:

Ðất nước đẹp thế này sao tôi phải quay lưng?
Cho tôi làm cây súng bắn lên đầu bọn chúng
Khi mầu mỡ, vàng đô la chúng chiếm
Bao năm rồi đất nước chỉ nghèo thêm

(Viết từ hang đá-trang 39)

Có khá nhiều tình tiết ở trong phần đầu của “Viết Từ Hang Ðá”. Nó như một cái nền của tác phẩm, một cái nền được xây bằng loại đá ong, một cái nền sần sùi những trò điêu ngoa, bất lương và thâm độc của một nhóm đảng viên cộng sản vô học nhưng lại ngồi ở những ngai vua. Từ cái nền ấy, Trần Khải Thanh Thủy dựng cho người đọc thấy cái nhà tù vĩ đại tại Việt Nam, nơi nhốt gần hết 80 triệu người Việt Nam trong nghèo đói, u tối, bệnh tật với một số người cai quản điên loạn dùng trò hành hạ, cưỡng đoạt quyền sống của mọi người như một thú vui đầy tính súc vật. Ở trang 74 và 75, tác giả Trần Khải Thanh Thủy tố cáo một trong những sinh hoạt phi nhân tính nhất của bọn cai quản cái nhà tù vĩ đại này. Và cũng từ cách nhìn ấy, tác giả cho rằng, không đào cái nền cộng sản đi, không bắt những tên an ninh mập ú từng được các hoàng đế cộng sản nuôi trong những ống tre ra pháp trường, thì căn nhà Việt Nam dù có được sơn phết tô vẽ đủ màu sắc thì nó cũng vẫn chỉ là một nhà tù, một trại giam của Ðức Quốc Xã không hơn không kém. Tác giả nhấn mạnh với một nữ cán bộ điều tra tên là Yến bằng chính lời cáo buộc huỵch toẹt không cần che giấu:
“Yên tâm đi, tôi quá hiểu cái dã tâm thâm độc của bọn chúng (chế độ công an trị) luôn luôn đối xử với những người mà chúng coi là kẻ thù như tôi và các nhà dân chủ bằng bạo lực không khoan nhượng, dùng cả bộ máy khổng lồ với những phương tiện cực kỳ tối tân và trang bị vô cùng đầy đủ, để đàn áp chưa đủ, còn vô cùng độc ác là sử dụng phương pháp đê hèn để truy bức hành hạ những người thân trong gia đình mình. Những người mà tôi thà chịu khổ chứ không bao giờ muốn họ khổ lây, đặc biệt là mẹ già 70, nhưng biết làm sao được khi mục đích tối thượng của chúng là làm cho tôi sợ họa lây cho người thân mà chùn bước không dám chống đối nữa. Ðấy chính là phương cách chúng đã được Ðảng dạy từ 76 năm trời này. Chúng muốn sau lưng mọi nhà tranh đấu là một gia đình tan tác, xác xơ, bởi đấy chính là sự trừng phạt mà đảng Cộng Sản Việt Nam muốn đổ lên đầu để trả thù họ một cách hèn hạ dã man nhất. Chúng không bao giờ tôn trọng nguyên tắc ai làm nấy chịu, dù mở miệng ra là luôn luôn nói những lời nhân nghĩa”.

Ai phải chịu trách nhiệm về việc sản sinh ra một lớp người chỉ có một năng lực duy nhất là quản thúc quần chúng dân đen bằng những loại cùm vô hình như thế? Ông Hồ. Vâng, đúng là Hồ Chí Minh. Trần Khải Thanh Thủy kể, xin trích:
“Mẹ tôi biết rõ những việc tôi làm rồi, nhưng mẹ tôi chẳng u mê lầm lạc đến mức coi ông Hồ là thần tượng nữa đâu, vì chính em tôi đã mở mắt cho cụ từ lâu... Vào đầu thập niên 90, cậu em tôi vừa ở Tiệp về, rất khổ tâm vì bỗng dưng mẹ tôi lôi ảnh cụ Hồ ra treo, cao hơn cả ảnh ông bà ngoại tổ tiên, như thể ăn mừng sự trở về của con trai vậy. Nó giải thích thế nào mẹ tôi cũng không chịu. Khi tôi sang thăm, vừa bước chân vào nhà đập mắt vào tấm ảnh ông Hồ, tôi vô cùng ngạc nhiên, liền bảo mẹ giọng chân tình: Mẹ không nhớ cái ngày chết của ông ngoại à, chính ông Hồ là người phát động cuộc cải cách ruộng đất ở Việt Nam. Nhà mình mười mấy con người tan tác từ đấy, ông phải rạch ruột tự tử trong nhà lao, bác Cả cùng chồng trốn vào Nam, bác hai trổi dạt tận Hải Phòng, bác Ba lên miền ngược, bác Tư cũng phải lánh ở Hải Phòng, dì Mây bé nhất nhà, líu ríu đi theo chị ruột lên tận Trôi, Nhổn cũng bị gọi giật lại vì trên người mặc một tấm áo mới, đội nón mới bị dân làng túm lại bảo: nó là con địa chủ, quần áo mới nó mặc trên người là mô hôi xương máu của nông dân, giữ nó lại, bắt nó phải lột áo ra, bỏ nón mới mới cho đi, nếu không bắt nó phải đền tội như bố nó. Thế là phải lạy như tế sao mới được quay vào mặc áo rách, đội nón mê để thoát khỏi đám người u mê cuồng nộ... Chính mẹ kể lại chuyện này cho con mà mẹ không nhớ à... Thế là không cần nói tới câu thứ 2, mẹ tôi lẳng lặng gỡ xuống và không bao giờ cụ lập lại sai lầm nữa...” (Viết Từ Hang Ðá-trang 75)

Ở trang 90 và 91 của “Viết Từ Hang Ðá”, Trần Khải Thanh Thủy tiếp tục trưng bày cái đống rác và đào xới tận tim đen của đảng CSVN, xin trích:
“Kiếp sau, nếu được làm người chỉ xin đừng bao giờ sống giữa lòng Ðảng nữa, có thể mới thoát ra khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu, đêm giữa ban ngày, cá lớn nuốt cá bé, bè Ðảng ăn thịt lẫn nhau... Hàng triệu người phải nhoài ra khỏi lòng Ðảng vốn tối như hũ nút để tìm một cuộc 'giãy chết' nơi trân trời (Tây) xa lắc... Ai không thoát được thì làm mồi cho cá mập, nhưng cá mập ăn lửng dạ rồi bỏ đi, còn lòng đảng Cộng Sản thì tham lam vô đáy, ăn thịt con dân không tiếc. Ai thoát được thành Việt kiều yêu nước có thân thế như thanh nam châm để Ðảng bám vào, Ðảng giở trò mị dân, moi móc bằng những ngôn từ đẹp đẽ: 'Nhiễu điều phủ lấy giá gương. Người trong một nước phải thương nhau cùng’. Ðâu có biết nhiễu điều đã hoen ố từ lâu rồi, còn giá gương thì tam phen tứ phen bị họng súng của Ðảng đập nát: nào cải cách ruộng đất, nào chỉnh huấn, chỉnh quân, nào nhóm xét lại chống Ðảng... Chỉ tấm gương nào được cấu tạo bằng thủy ngân láng sắt thép hoặc ở ngoài tầm ngắm của Ðảng thì mới may mắn sống sót. Khi nào hết từ tính, hết khả năng lợi dụng moi móc rồi, Ðảng tặng ngay cho hai chữ phản động, thối nát, bám đít đế quốc... Bao nhiêu người dân, tưởng Ðảng làm như Ðảng nói, xúm xít vây quanh như những mẫu sắt bám vào thanh nam châm, nào ngờ Ðảng vẩy mạnh một cái, thế là bắn tung tóe, sứt đầu mẻ trán, suốt đời ôm hận... Cả cuộc đời theo Ðảng gối đất nằm sương, tưởng ngày hòa bình được sống trong ánh hào quang của Ðảng, ai ngờ sống ngắc ngoải dập vùi như hiện nay. Hãy nhìn tấm gương của những người dân khiếu kiện của 64 tỉnh thành cả nước đấy. Cả dùi cui, cả xe cứu thương, giơ cao đập mạnh cho tới khi dán xuống nền của trại giam mới thôi. Tất cả chỉ vì một ảo tưởng, coi Ðảng là chính quyền của mình, thiêng liêng thân thiết như cha mẹ nên mới nhõng nhẽo quấy rầy (dù là có lý)... Ai bảo dại, cứ có nén bạc là đâm toạc họng Ðảng được thôi. Ðảng sẽ bày binh bố trận theo đúng ý của người chủ cây vàng, việc gì mà phải biến thành sắt vụng bám vào nam châm của Ðảng. Trong khi Ðảng lại muốn bám vào thanh nam châm của người khác có giá hơn, làm gì (dân khiếu kiện) chả bị Ðảng vẩy mạnh? Không khéo thì nát xương, bầm thịt như chơi.
“15 năm theo Ðảng ăn cơm thừa canh cặn, một đồng xu dính túi không có, trong khi cậu em nhờ tiêu chuẩn của mẹ: 38 năm bị Ðảng cầm tù, vạc đến trơ xương sọ ra mới thoát ra được khỏi lòng Ðảng, lại còn mò về chỉ vì nhà con một, dòng họ độc đinh, trong khi những đứa khác ra đến biển là sổ lồng tung cánh, có họa ngu mới mò về nếu không muốn bị bố mẹ từ mặt, cấm cửa, bóp cổ chỉ vì cái tội sướng không biết đường sướng, đã hy sinh đời bố rồi nay lại muốn mất mát cả đời con nữa hay sao?...” (Viết Từ Hang Ðá - Trang 90-91).

Thưa quí độc giả, suốt từ trang 5 đến trang 386 của “Viết Từ Hang Ðá”, tác giả Trần Khải Thanh Thủy sẽ dẫn quí vị từ những ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác vì sự can đảm có thể làm mọi người bàng hoàng của bà, khi giữa sự bủa vây tứ phía của cường quyền, của những hoàng đế lớn nhỏ cộng sản, của mạng lưới an ninh được đan bằng những con chim được nuôi lớn trong những ống tre, không còn ý thức được nhân cách, đạo đức là gì chỉ còn biết một điều duy nhất là làm theo lệnh của Ðảng để có ăn, để có ưu quyền, để có những thứ có thể làm cho người dân sợ sệt, sống ngoan ngoãn vì bị thuần hóa, thì người phụ nữ này đã lên tiếng không khoan nhượng. Những lời lẽ của Trần Khải Thanh Thủy là những vết dao chém hằn trên đá để nháng những tia lửa bén vào những mồi bông của lòng phẫn uất chực chờ có cơ hội bùng lên một cơn bão lửa. Từ “Nước Mắt Rưng Rưng: Thư Viết Giữa Ðỉnh Trời”, “Buồn Trông Giáo Dục Việt Nam”, “Những Tiểu Luận Phê Bình”, “Tôi Viết về Hồ Chí Minh”... cho đến những truyện ngắn vẽ lên bức tranh u ám của đời sống những dân đen Việt Nam hiện nay và những trang tài liệu về họ Hồ cùng quá trình của những tên xu nịnh đã đẩy nhân dân Việt Nam vào cảnh “cá chậu chim lồng, bị tước đoạt mọi thứ kể cả nhân phẩm” là một bản cáo trạng, một cuộc điều trần trước dư luận thế giới, một lời khuyến cáo tâm huyết gởi đến tất cả những ai còn mơ mộng, còn lãng đãng, ngủ gà ngủ gật hay còn hoang tưởng là hòa giải và cộng tác có thể tẩy xóa hoặc biến dạng những vũng máu đỏ lòm tội ác của một Ðảng chuyên chính và độc tài.

Qua tác phẩm “Viết Từ Hang Ðá” ở những trang 125, 131, 161, 175, 183 kéo dài cho tới các trang 233, 289, 299 cũng như từ 347 đến 367, tác giả Trần Khải Thanh Thủy đã khai quật được tất cả cái mặt trái của đảng Cộng Sản Việt Nam, trưng bày được tất cả sự nham hiểm, lừa lọc, dối trá, phản bội tổ quốc của hàng ngũ chóp bu lãnh đạo Ðảng, mà điển hình là Hồ Chí Minh. Hoàn tất được công trình này, tác giả của “Viết Từ Hang Ðá” đã phải trả cái giá của lòng chính trực, của người nhất định không để đảng Cộng Sản phá nát nhân cách: hiện tác giả đang nằm trong tù đầy cộng sản và gia đình bà cũng đang bị những áp lực của cường quyền có thể làm cho tan nát.

Nhưng chúng ta hãy nghe một lời kết, mang theo cái khẩu khí của lời “Hịch Tướng Sĩ” gắn chắc vào một niềm tin của Trần Khải Thanh Thủy, xin trích:
“Nhưng thôi, tội của Ðảng kể muôn năm không hết, mình tôi chỉ là một giọt nước trong biển cả, sẽ đến ngày 83 triệu dân Việt Nam vùng lên kể tội Ðảng, trả Ðảng về đúng nơi mà Ðảng đã chui ra. Ðó là bóng đêm, là hang tối, là khe sâu, vực cao... không khác được”.

Vũ Ánh
12 Tháng Chín, 2007

(Theo Web Người Việt online)